Melissa Petro, ngoài là một người nội trợ và một người mẹ toàn-thời-gian, cô còn là một “cây viết trẻ" sinh sống và làm việc tại thành phố New York. Mới đây, cô đã chia sẻ những trải nghiệm “tích cực” trong thời gian cách ly giúp cho cả gia đình có thể “sống sót” và làm việc tuyệt vời như thế nào hiện tại. Toàn bộ bài viết của cô trên Business Insider như sau:
Nhiều tháng liền từ khi dịch Covid-19 tấn công, các trường học và cơ sở giữ trẻ bị đóng cửa, khiến cho các bà mẹ dường như đang phải “hoạt động hết công suất”. Trách nhiệm chăm sóc con cái và quán xuyến gia đình trở nên nặng nề và áp lực hơn.
Như là phải chấp nhận việc “bám dính” với lũ trẻ gần như 24/24 nếu chúng còn nhỏ, hay phải đi chợ và nấu nướng cả 3 bữa ăn thay vì chỉ 1 bữa tối như trước đây, hoặc phải thường xuyên lau quét nhà cửa nhiều lần một ngày vì lũ trẻ liên tục bày bừa…
Mặc dù xã hội ngày nay phát triển hơn, các suy nghĩ phong kiến về phụ nữ đã dần mất đi, nhưng việc “thiên vị” giữa vai trò đàn ông và phụ nữ trong gia đình vẫn còn tồn tại. Chẳng cần nói đâu xa, gia đình tôi trước đây vốn là một ví dụ điển hình.
Để có nhiều thời gian cho con cái, tôi buộc phải quyết định “hy sinh” sự nghiệp của mình. Vì chồng tôi cũng đi làm từ 10 đến 12 tiếng mỗi ngày, nên tôi đành “âm thầm” gánh vác trách nhiệm gia đình phần lớn mà không hỏi sự giúp đỡ của anh ấy.
Thời gian sau này, song song với việc quán xuyến việc nhà, tôi cũng cố gắng làm thêm việc gì đó để có thêm thu nhập. Tôi phải chọn làm thêm không hẳn vì bản thân yêu thích việc ấy, chủ yếu là vì gia đình tôi cũng cần có thêm tiền trang trải nữa.
Thế nhưng, này những người phụ nữ của tôi ơi, đừng quá cầu toàn và ôm mọi thứ vào người, người bạn đời cũng cần phải cùng san sẻ gánh nặng cùng bạn nữa. Chăm sóc con cái, quán xuyến việc nhà, và phát triển sự nghiệp - hãy chia sẻ và cùng nhau thực hiện nó. Tôi sẽ không bao giờ hiểu được vấn đề nay cho đến hôm nay - nhờ vào việc cách ly xã hội (social distancing).
Áp lực gia đình thường rơi vào các bà mẹ
“Các mẹ làm việc thế nào khi con nó cứ bám riết lấy mình vậy?”, “nhà em ngày nào cũng như một bãi chiến trường cả, sao đây các chị em ơi huhu?”, “bữa nào cũng cãi lộn với chồng 80 chập thế này chắc hết cách ly sẽ... nộp đơn ra tòa quá, ai có bí quyết gì để nhịn chồng?” - có vẻ không khó để bắt gặp hàng ngàn câu hỏi về mâu thuẫn gia đình của những người vợ/người mẹ trên mạng xã hội những ngày vừa qua.
Thất vọng, mệt mỏi, bị túng quẫn, thấy vô dụng, chẳng còn chút động lực… Đó có lẽ là những cảm giác không mấy mong muốn của các chị em phụ nữ “mắc kẹt ở nhà” bên trên. Và tôi đồng cảm với tất thảy điều ấy. Vì sao ư? Bạn đang lắng nghe câu chuyện của tôi, một người nội trợ gần như ở nhà 24/24, trong suốt hơn 2 năm qua đấy.
Từ khi mang thai đứa con đầu lòng, trọng trách làm mẹ phần nào đã ảnh hưởng không nhỏ đến công việc của tôi: hạn chế đi lại, không để áp lực, và tạm ngưng làm việc suốt 6 tháng thai sản. Tất nhiên chồng tôi cũng cố gắng xoay xở giữa công việc và gia đình, nhưng một phần do từ phía bản thân cũng nghĩ đàn ông vốn là “trụ cột gia đình” nên tôi đã gánh vác trách nhiệm gia đình. Vậy là, tôi xin nghỉ việc.
Sau này, khi nhận một vài việc làm thêm, tôi bị đeo bám bởi áp lực và “tội lỗi”. Lúc tập trung quá nhiều vào công việc, đồng nghĩa sẽ ít quan tâm các con, tôi thấy mình là một bà mẹ “tồi tệ”. Nếu ngược lại, tôi thành kẻ thật kém chuyên nghiệp trong công việc.
Người giúp việc cũng không hẳn là giải pháp
Đến một lúc, sức khỏe tinh thần của tôi bị ảnh hưởng trầm trọng, vợ chồng tôi buộc phải nghĩ ra giải pháp tốt hơn. Thoạt đầu tôi lựa chọn dịch vụ chăm trẻ. Tôi cố gắng thuê người giúp việc đến thường xuyên nhất có thể, để có thời gian hoàn thành được công việc làm thêm lẫn bản thân có thể nghỉ ngơi.
Tuy nhiên, tôi hiểu ra rằng muốn có đủ tiền trả cho bên dịch vụ, tôi buộc phải “cày” cực lực hơn bình thường. Nếu nhìn nhận một cách khôn ngoan, việc dành nhiều thời gian chăm lũ trẻ hơn sẽ giúp tiết kiệm bớt tiền thuê mướn - đồng nghĩa với việc tôi bớt phải làm thêm, và hẳn nhiên cũng kiếm được ít tiền hơn.
Vào lúc ấy, chồng tôi đã đứng dậy giải quyết. Anh ấy chủ động giành phần làm việc nhà và chăm sóc con cái hơn. Điều này cũng khiến ảnh phải bớt thời gian cho sự nghiệp hơn, thu nhập từ công việc ít đi, dẫn đến tiền lương hàng tháng của anh ấy phần lớn dành cho việc chi tiêu hàng ngày của cả gia đình và không còn đủ để dành dụm thêm.
Không có khoản tiền tiết kiệm nào và lỡ như chồng mình có thể mất việc, tôi hiểu điều này là vô cùng rủi ro, nhưng dù sao gia đình nên là ưu tiên hơn công việc.
“Cách ly” cân bằng cuộc sống và công việc
Từ khi dịch Covid-19 hoành hành, như nhiều người lao động khác, chồng tôi cũng phải chuyển sang làm việc tại nhà. Có thể xem đây là một “thời đại làm việc” mới của những ông bố bà mẹ bắt đầu: viễn cảnh chúng ta đang phải tham gia một cuộc họp trực tuyến thì những đứa trẻ bật xem phim hoạt hình sau lưng - không còn xa lạ nữa.
Nhiều khi, tôi lại thấy khủng hoảng đã đem đến “hạnh phúc”.
Đừng hiểu lầm nhé, gia đình tôi chắc chắn không tránh khỏi những nỗi sợ hãi mà mọi người đang phải đối mặt. Chúng tôi cũng lo lắng về việc mất thu nhập và nguy hiểm hơn là bị nhiễm bệnh. Sợ chứ, rất nhiều là đằng khác. Tuy nhiên, việc cách ly trong nhà đã mang đến nhiều trải nghiệm, dưới hoàn cảnh gia đình nhỏ của mình, không hoàn toàn tiêu cực.
Từ khi cả hai chúng tôi đều ở nhà, vợ chồng tôi đã có thể san sẻ khối lượng việc nhà lẫn nhau. Theo lời khuyên của một chuyên gia về gia đình, chúng tôi đã tạo ra một lịch phân công theo ngày để cả hai đều có thể hoàn thành việc công ty, làm việc nhà, chăm sóc con và cũng có thời gian cho chính mình.
Khi mà chồng giặt giũ quần áo thì tôi sẽ nấu nướng bữa ăn, hay như chính lúc này tôi ngồi làm việc thì anh ấy đang chơi với con trai, chúng tôi cảm thấy được gắn kết như một gia đình. Các con không còn cảm nhận tình cảm đơn lẻ từ mỗi mẹ nữa mà đã kết nối và gắn bó hơn với bố. Nhìn chung, kể từ khi có anh ấy ở nhà, cuộc sống của gia đình chúng tôi bỗng chốc trở trên sẻ chia và dễ dàng hơn.
Cuộc khủng hoảng có thể chính là bước ngoặt
Lẽ dĩ nhiên như tất cả mọi người, tôi cũng hy vọng rằng cuộc sống của tất cả chúng ta sẽ sớm trở lại bình thường - nhưng có lẽ không mong là “bình thường” của gia đình tôi trước đây.
Gia đình ngày nay rất cần phân chia gánh nặng và chăm sóc lẫn nhau. Do vậy, tôi thật sự trông đợi các công ty khi tuyển dụng trở lại sau khủng hoảng này, sẽ có những chính sách hỗ trợ hợp hơn dành cho những người đã có gia đình. Như là có thêm ít ngày nghỉ phép để chăm sóc con cái khi chúng đau bệnh.
Hoặc tạo một môi trường làm việc linh hoạt và thân thiện với phụ huynh, ví dụ làm việc từ xa hoặc làm bán thời gian chẳng hạn. Ngoài ra, tôi cũng mong xã hội sẽ có thêm thêm các dịch vụ chăm sóc trẻ em uy tín và giá cả phải chăng; cũng như nhà nước xem xét thêm việc hỗ trợ giảm thuế cho các bậc cha mẹ.
Cho đến khi mọi thứ suôn sẻ hơn với gia đình của bạn, tôi hy vọng bạn đủ kiên nhẫn và hãy “dịu dàng” với các thành viên trong gia đình mình như chính tôi đã học được. Mâu thuẫn bất khả thi để giải quyết ư? - không, tôi tin bạn không hẳn vậy đâu!
Melissa Petro là một nhà văn trẻ tài năng và có nhiều ấn phẩm đăng tải trên Business Insider trong những năm gần đây. Ngoài ra, cô từng nằm trong vòng chung kết của PEN America/Fusion Young Emerging Writer vào năm 2015. Đây là một giải thưởng hàng năm công nhận những nhà văn trẻ triển vọng về những vấn đề toàn cầu hoặc đa văn hóa.