Tuyến hành lang kinh tế phía Nam: Thúc đẩy thương mại và đầu tư tại ASEAN

TH| 05/09/2017 00:57
Theo dõi ICTVietnam trên

Kéo dài về phía đông từ Myanmar qua Thái Lan và Campuchia sang Việt Nam, tuyến hành lang kinh tế phía Nam (SEC - Southern Economic Corridor) nhằm mục đích thúc đẩy hội nhập trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thông qua việc cải thiện kết nối và thương mại.

Tổng quan về tuyến hành lang kinh tế phía Nam SEC

SEC là một trong nhiều dự án phát triển được khởi xướng tại Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS - Greater Mekong Subregion). GMS là một khu vực kinh tế tự nhiên nối liền dọc theo sông Mê Kông - con sông dài thứ 12 trên thế giới. Tính đến cuối năm 2015, GMS có diện tích 2,6 triệu km2, dân số 339 triệu người, là một khu vực đa sắc tộc với các nền văn hóa đa dạng, phong phú.

Năm 1992, Chương trình hợp tác Tiểu vùng GMS được thiết lập với sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhằm tạo thuận lợi cho hợp tác kinh tế và tăng trưởng giữa Campuchia, vùng tự trị Quảng Tây và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.

Tuyến chính của SEC trải dài về hướng Đông từ Dawei (Myanmar), qua Bangkok (Thái Lan), Phnom Penh (Campuchia) và thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam) trước khi kết thúc tại Vũng Tàu (Việt Nam). Ngoài ra còn có các tuyến phụ giúp cải thiện kết nối giữa Campuchia và các nước láng giềng:

• Với Lào thông qua Dong Kralor

• Với Thái Lan thông qua Poipet và Cham Yeam

• Với Việt Nam thông qua An Đông Pech, Bavet và Kep.

Ngoài ra, còn có một tuyến phụ của SEC kết nối thủ đô Phnom Penh với cảng Sihanoukville của nước này.

SEC giúp cải thiện cở sở hạ tầng và kết nối

SEC và những lợi ích mang lại cho Campuchia và các quốc gia ASEAN khác

SEC (một trong ba dự án hành lang kinh tế đang diễn ra trong khu vực) sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước dễ dàng hơn trong hoạt động kinh doanh và tiếp cận thị trường dọc theo tuyến hành lang kinh tế này. Tại Campuchia, các cụm kinh tế mới đang phát triển quanh các thị trấn biên giới và trong các trung tâm công nghiệp hiện có dọc theo tuyến SEC. Khi đầu tư vào Campuchia, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ được hưởng lợi từ cả nguồn nhân lực giá rẻ trong nước cũng như kết nối được cải tiến của SEC. Trong bốn tháng đầu năm 2017, đầu tư vào lĩnh vực xây dựng tại Campuchia đã tăng 43,3%.

Mặc dù vẫn thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi các điều kiện thời tiết bất lợi, nhưng các tuyến đường cao tốc của Campuchia hiện đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối trực tiếp trên đất liền giữa Thái Lan và Việt Nam. Theo một nghiên cứu năm 2014, các chuyến chở hàng từ Bangkok đến Phnom Penh qua SEC mất khoảng 24 giờ, trong khi hành khách mất 11,5 giờ. Vận chuyển hàng hóa từ Phnom Penh đến Thành phố Hồ Chí Minh mất khoảng 14 giờ trong khi hành khách mất 5,5 giờ.

Sân bay Phnom Penh cũng đã được nâng cấp, tăng khả năng phục vụ lên đến 5 triệu hành khách mỗi năm. Sân bay Sihanoukville, sân bay quốc tế lớn thứ 3 tại Campuchia được kết nối bởi tuyến đường phụ tới SEC, hiện đang được nâng cấp để nâng công suất phục vụ lên 500.000 hành khách/năm.

Cầu Neak Loeung (còn được gọi là Cầu Tsubasa), cây cầu dài nhất của nước này bắc qua sông Mekong, là bước tiến mới nhất trong việc cải thiện kết nối với SEC. Hoàn thành vào tháng 4/2016 với sự hỗ trợ phát triển từ Nhật Bản, cầu Neak Loeung kéo dài từ sông Mêkông, kết nối các tỉnh Kandal và Prey Veng của Campuchia, đồng thời cải thiện đáng kể việc đi lại từ Phnom Penh đến thành phố Hồ Chí Minh.

Rõ ràng, việc thiết lập và cải tiến liên tục tuyến hành lang kinh tế phía Nam SEC đã và đang thúc đẩy các các cụm sản xuất tại Campuchia hưởng lợi từ việc cải thiện kho vận và kết nối. Các doanh nghiệp nước ngoài muốn phát triển các cơ sở sản xuất tại Đông Nam Á có thể tận dụng ưu đãi của mỗi nước cũng như hệ thống giao thông, liên lạc và điện lưới đáng tin cậy của khu vực. Hơn nữa, sự thành công của SEC sẽ thúc đẩy thương mại nội khối ASEAN - tạo ra sự tiếp cận mới cho một loạt thị trường mới nổi.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tuyến hành lang kinh tế phía Nam: Thúc đẩy thương mại và đầu tư tại ASEAN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO