Trong cuộc sống, ai cũng gặp phải những vấn đề khiến bản thân phải căng thẳng, mệt mỏi. Nếu không kiểm soát được mức độ căng thẳng này, mọi chuyện sẽ càng tồi tệ hơn và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của bạn.
Một nghiên cứu tại trường Đại học của Trường Y khoa Rochester cho thấy, những người bị căng thẳng công việc nhiều thường có chỉ số khối cơ thể (BMI) cao hơn so với nhân viên ở các vị trí ít căng thẳng. Nghiên cứu từ Đại học Tel Aviv ở Israel cũng chỉ ra những người làm việc có mức độ căng thẳng cao có nhiều khả năng phát triển bệnh tiểu đường loại 2. Một nghiên cứu khác từ Đại học California tại San Francisco cũng cho thấy các yếu tố gây ra sự căng thẳng có thể làm tăng hoặc thậm chí gây ra các rối loạn về da như bệnh vẩy nến, bệnh chàm.
Những tác hại của chứng căng thẳng đối với sức khỏe là nhiều hơn bạn nghĩ. Vậy làm thế nào để giảm căng thẳng và cải thiện tâm trạng của bản thân?
Chuyên gia sức khỏe Deepak Chopra đã đưa ra một số lời khuyên hữu ích dành cho ai đang tìm kiếm một giải pháp cho sức khỏe của mình. Ông cũng đồng thời là nhà sáng lập tổ chức phi lợi nhuận The Chopra Foundation và công ty y tế Chopra Global và được mệnh danh là một trong những tỉ phú "tinh thần" - người truyền cảm hứng cho hàng triệu người trên khắp thế giới.
Deepak Chopra từ lâu đã nói rằng thực hiện lối sống và thói quen đơn giản là cách giúp ông không bị căng thẳng và đạt được nhiều thành công trong cuộc sống. Trên thực tế, lịch trình trong mùa dịch của Chopra diễn ra tương tự như cách cuộc sống của ông vẫn diễn ra trước đại dịch covid-19, chỉ là ông dành nhiều thời gian hơn để ngủ và luyện tập bộ môn yoga chánh niệm.
Các nghiên cứu đã chỉ ra yoga và các bài tập thiền định không chỉ tăng sức dẻo dai của cơ thể mà còn hỗ trợ giảm căng thẳng và các chứng viêm. Theo đó, những người tập yoga thường xuyên được chứng minh có mức độ viêm nhiễm ít hơn và có khả năng kiểm soát, chịu được các yếu tố gây stress cao hơn.
Những lợi ích của yoga và các bài tập thiền đối với sức khỏe thể chất và tâm trí thì không cần bàn cãi. Thế nhưng mặc dù những bài tập này mang lại lợi ích tuyệt vời đối với Chopra và nhiều người khác nhưng vị chuyên gia về sức khỏe cũng biết rằng với một số người thì chúng không có tác dụng. Vì vậy, đối với những người đang tìm kiếm các phương pháp thay thế, thì một số cách tương tự mà Chorpa gợi ý có thể sẽ hiệu quả trong việc cải thiện tâm trạng của bản thân.
Theo vị chuyên gia sức khỏe, một cách tuyệt vời để giảm căng thẳng là xem những video hài hước, giống như cách mà ông đã làm khi tự cách ly tại nhà ở San Diego. “Một trong những cách giúp tôi vui vẻ hơn là xem Camera Candid, một chương trình thực tế về camera ẩn ghi hình bí mật phản ứng của mọi người về cách tình huống xảy ra bất ngờ người được phát sóng từ năm 1948 đến 2014.”
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng cười là một cách tốt có thể làm giảm căng thẳng. Theo Mayo Clinic, cười có thể kích thích lưu thông và hỗ trợ thư giãn các cơ bắp, từ đó giúp làm giảm một số triệu chứng thể chất của trạng thái căng thẳng.
Chuyên gia sức khỏe Chopra cũng cho biết việc nghe những bản nhạc yêu thích, đọc những cuốn sách thú vị hay ngâm thơ cũng là những cách tốt để giảm căng thẳng. Thật vậy, các nghiên cứu đã tìm thấy nghe nhạc và đọc sách khá hiệu quả trong việc cải thiện tâm trạng. Nghiên cứu năm 2009 tại Đại học Sussex cho thấy việc đọc sách có thể giảm căng thẳng tới 68%. Với sáu phút đọc sẽ giúp làm chậm nhịp tim và thư giãn tâm trí.
Điều quan trọng nhất để giảm căng thẳng trong đại dịch COVID-19 là giúp hệ miễn dịch của bạn trở nên mạnh mẽ. Theo giáo sư về y tế gia đình và sức khỏe công cộng tại Đại học California, San Diego thì căng thẳng có những hậu quả về mặt sinh học làm phá hủy hệ thống miễn dịch và gây chứng viêm. Vì vậy, bạn không nên bỏ qua các triệu chứng căng thẳng bởi chúng có tác hại lớn hơn bạn nghĩ rất nhiều.
Thêm vào đó, Chopra đã nghiên cứu các tác động của căng thẳng trong nhiều năm và ông tin rằng có một chiến lược quản lý căng thẳng hiệu quả hơn tất cả mọi thứ khác đó là tình yêu. “Điều này không xảy ra thông qua những nỗ lực có ý thức, nhưng tình yêu thực sự là một liều thuốc làm giảm căng thẳng.”
Khi mọi người trải nghiệm tình yêu thông qua một đối tác, một đứa trẻ hoặc thậm chí là thú cưng, não bộ của bạn sẽ sản sinh ra chất làm giảm căng thẳng và cảm thấy hạnh phúc hơn. Nhưng tất nhiên, các mối quan hệ cũng có thể là chất xúc tác gây nên sự căng thẳng. Vì vậy, lời khuyên của Chopra dành cho những ai đang tìm giải pháp để cải thiện tâm trạng đó là chọn điều gì phù hợp với bạn. Hãy sống đơn giản và tìm hạnh phúc từ những điều nhỏ nhặt hàng ngày xung quanh chúng ta.
Theo CNBC