Ứng dụng AI để phòng chống Covid-19

Bùi Huyền| 26/03/2020 14:51
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong hơn 10 ngày qua, số trường hợp nhiễm Covid-19 được xác nhận trên toàn thế giới đã tăng vọt.

Tính đến từ 7h30 ngày 26/3, thế giới đã có 468.018 người mắc, 21.180 người tử vong, trong khi đó con số này vào ngày 14/3 là khoảng 153.000. Ngay cả với sự trợ giúp y tế và nguồn lực kết hợp từ các chuyên gia Trung Quốc và Tổ chức bác sĩ không biên giới (MSF), tốc độ lây nhiễm nhanh chóng ở Ý đã đẩy các bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải, hoạt động hết công suất, các phòng cấp cứu phải đóng cửa tiếp nhận các bệnh nhân mới, do đó khiến tỷ lệ tử vong tại quốc gia này tăng cao so với các nước khác. Tính đến thời điểm trên, Ý có 74.386 người mắc, trong đó 7503 người tử vong.

Để ngăn chặn virus ở mức có thể kiểm soát được, các nhà nghiên cứu từ Đại học California, Berkeley đã đề xuất các biện pháp như "khoảng cách xã hội",  một trong những biện pháp được các chính phủ phương Tây ưu tiên nhất trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán, nhằm ngăn chặn và giảm tối đa số lượng các ca nhiễm mới để hệ thống y tế không bị quá tải bị.

Ứng dụng AI để phòng chống Covid-19 - Ảnh 1.

Một nhà nghiên cứu về vắc-xin chống lại virus COVID-19 mới tại phòng thí nghiệm nghiên cứu của Đại học Copenhagen ở Copenhagen, Đan Mạch, vào ngày 23 tháng 3 năm 2020. (Ảnh AFP)

Tốc độ lây nhiễm càng tăng nhanh thì hệ thống y tế địa phương càng bị quá tải, vượt quá khả năng điều trị của mình. Thiết lập khoảng cách xã hội sẽ góp phần làm giảm căng thẳng đối với các hệ thống chăm sóc sức khỏe tương ứng.

"Chúng tôi có một thông điệp đơn giản cho tất cả các quốc gia: thử nghiệm, thử nghiệm, thử nghiệm", Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết.

Tại Malaysia, kể từ nửa đêm 22/3, quân đội Malaysia được chính phủ yêu cầu tăng cường để hỗ trợ cảnh sát lập các chốt chặn trên đường phố. Tất cả để đảm bảo Lệnh kiểm soát di chuyển MCO được thực thi triệt để, hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19. Malaysia hiện có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất trong số các quốc gia ASEAN.

Tổng Giám đốc Cơ quan Y tế Malaysia Noor Hisham Abdullah đã cảnh báo sự gia tăng nhanh chóng các trường hợp nhiễm Covid-19 ở nước này sẽ dẫn đến hệ thống y tế quá tải, buộc các bác sĩ phải quyết định bệnh nhân nào sẽ được đặt máy thở.

"Hiện tại có 64 bệnh nhân đang được điều trị trong phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) với 27 người trong số họ đang thở máy. Điều đáng lo ngại là nếu số các ca lây nhiễm tăng đột biến theo cấp số nhân. Khả năng của chúng tôi là hạn chế. Sau đó, chúng tôi phải lựa chọn bệnh nhân nào sẽ có đặc quyền máy thở", ông  Noor Hisham Abdullah cho biết.

Trong khi đó, một số quốc gia đã cố gắng ngăn chặn sự lây lan của virus tốt hơn thông qua việc kiểm soát số lượng lớn người với sự trợ giúp của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).

Triển khai AI thành công

Trong giai đoạn đầu, Chính quyền thành phố Vũ Hán đã chỉ đạo nhân viên phòng chống dịch bệnh tại địa phương sàng lọc các trường hợp nghi ngờ nhiễm bằng cách gọi điện thoại hàng ngày để thu thập thông tin về triệu chứng và nhiệt độ cơ thể của người dân. Tuy nhiên, thực tế, các nhân viên không thể hoàn thành hơn 300 điện thoại sàng lọc mỗi ngày. Hiệu quả và độ chính xác của các cuộc gọi như vậy cũng có thể khác nhau, tùy thuộc vào kinh nghiệm và phán đoán của các nhân viên y tế.

Để giải quyết vấn đề này, Ping An Smart Health đã ra mắt một hệ thống sàng lọc âm thanh thông minh cho COVID-19 để tăng cường kiểm soát và phòng chống dịch bệnh bằng công nghệ AI. Đến nay, hệ thống đã hoàn thành hơn 580.000 sàng lọc trong 47.000 hộ gia đình ở 17 cộng đồng ở Vũ Hán, nơi đã xác định thành công hơn 1.600 trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh để theo dõi.

Hệ thống có thể kích hoạt đối thoại tự động theo các câu hỏi được lập trình, hiểu ngữ nghĩa của cuộc hội thoại, cấu trúc và phân loại kết quả để đánh giá rủi ro, từ đó báo cáo cho nhóm quản lý phòng chống dịch bệnh, nhằm có thể theo dõi chính xác các trường hợp có các triệu chứng nghi ngờ.

"Ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh giống như chạy đua với virus. Hệ thống sàng lọc âm thanh thông minh Covid-19 của Ping An có thể tăng cường hiệu quả khả năng phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh, dẫn đến mang lai hiệu quả cao hơn và quản lý thông minh hơn. Kết quả là giúp lực lượng phòng chống dịch có thể tập trung thời gian và nỗ lực của họ vào các nhiệm vụ quan trọng hơn", Geoff Kau, Đồng chủ tịch và Giám đốc chiến lược của Ping An cho biết.

Trong khi các công nghệ AI hiện tại khác xa với việc tái tạo trí thông minh của con người, chúng đang chứng tỏ là rất hữu ích trong việc theo dõi ổ dịch; chẩn đoán bệnh nhân, khử trùng các khu vực và đẩy nhanh quá trình tìm kiếm pháp đồ điều trị virus Covid-19 hiệu quả.

Với rất nhiều dữ liệu được tạo ra về coronavirus mỗi ngày, các thuật toán AI có thể giúp tìm ra dữ liệu có thể cung cấp thông tin thích hợp về sự lây lan của virus. Nó cũng có thể tìm thấy mối tương quan quan trọng giữa các điểm dữ liệu, chẳng hạn như các mô hình di chuyển của những người sống trong khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi virus.. 

Bệnh viện đa khoa Tampa ở Florida, Hoa Kỳ cũng đã kết hợp AI trong chiến lược phòng chống lại sự bùng phát của virus corona. Một phần mềm được phát triển bởi Care.ai, một nền tảng giám sát tự hành chăm sóc sức khỏe được hỗ trợ bởi AI, đã được triển khai để giảm nguy cơ lây nhiễm trong bệnh viện. Nó có khả năng thực hiện quét khuôn mặt để xác định bệnh nhân bị sốt, có thể giảm 75% nguy cơ lây nhiễm trong bệnh viện theo tuyên bố của Tổng giám đốc Tampa, John Couris.

Các quốc gia như Trung Quốc và Hàn Quốc cũng đang gửi tài nguyên và thiết bị cho các quốc gia đang khủng hoảng trong việc điều trị virus. Các cuộc gọi hội nghị video giữa Trung Quốc và các quốc gia khác bao gồm Liên minh châu Âu (EU) hiện đang thực hiện để chia sẻ các khuyến cáo và kinh nghiệm kỹ thuật nhằm hạn chế tỷ lệ lây nhiễm hiện nay.

Việc chia sẻ tài nguyên sẽ tiếp tục là một phản ứng toàn cầu hiệu quả trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh biến thành đại dịch.

Câu chuyện của Việt Nam

Dưới sự chỉ đạo của Bộ TT&TT, nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt đang tích cực ứng dụng AI vào việc trợ giúp công tác phòng dịch. 

Viettel đã gấp rút triển khai ứng dụng Chatbot thông minh (Cyberbot) tích hợp vào Fanpage Sức khỏe toàn dân, cung cấp các thông tin chính thống từ Bộ Y tế theo kịch bản linh hoạt và phù hợp thực tế, hỗ trợ khách hàng cập nhật thông tin chính xác, mới nhất về dịch bệnh và biện pháp phòng dịch.

Chatbot này sẽ hỗ trợ việc tư vấn, trả lời tự động một cách nhanh chóng các thông tin cơ bản liên quan đến dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona gây ra nhờ tính năng nổi bật của Cyberbot: tạo và quản lý bot một cách dễ dàng, khả năng nhận diện ý định người dùng cao việc áp dụng các công nghệ Trí tuệ nhân tạo tiên tiến nhất (Machine Learning, Text Pattern, Spelling Check..), khả năng Quản lý hội thoại thông minh (liên kết câu, nhớ ngữ cảnh, xử lý những câu phức tạp nhiều ý định/thực thể, truy vấn và gợi ý các sản phẩm theo các thuộc tính..)

Ngoài ra, các doanh nghiệp công nghệ trong nước cũng được khuyến khích việc ứng dụng công nghệ phân tích dữ liệu lớn, chủ động báo cáo, khuyến nghị, đề xuất với cơ quan chức năng có thẩm quyền về các giải pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch bệnh dựa trên kết quả phân tích. Đây là một việc làm tuy đơn giản nhưng có nhiều ý nghĩa bởi chỉ trong ít ngày gần đây, ngày càng xuất hiện nhiều những thông tin thất thiệt về tình hình lây nhiễm của virus Corona.

Ứng dụng AI để phòng chống Covid-19 - Ảnh 2.

Mới đây nhất, hai ứng dụng (app) hỗ trợ phòng dịch Covid-19 gồm ứng dụng NCOVI dành cho người dân Việt Nam và ứng dụng Vietnam health declaration dành cho người nhập cảnh vào Việt Nam cũng được ra mắt, với sự hợp sức của các doanh nghiệp CNTT Việt Nam. Dựa trên dữ liệu mà ứng dụng này gửi về, hệ thống y tế Việt Nam sẽ biết được các trường hợp cần chú ý để bảo đảm hỗ trợ ý tế nhanh nhất và hiệu quả nhất có thể. 

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng AI để phòng chống Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO