Ứng dụng BYOD cho doanh nghiệp sẽ nở rộ (Phần 1)

03/11/2015 21:41
Theo dõi ICTVietnam trên

Cùng với sự tăng trưởng của các thiết bị phần cứng, những ứng dụng cho loại thiết bị này cũng đang ngày càng phong phú và đi sâu vào ứng dụng cho doanh nghiệp (DN). Khai thác tốt tính năng của thiết bị di động thông minh này trong quản lý, điều hành sẽ mang lại hiệu quả cao trong hoạt động của doanh nghiệp.

Analysis Research mới đưa ra con số thống kê mức tiêu thụ máy tính và điện thoại thông minh trong cả năm 2011. Số liệu cho thấy, lần đầu tiên điện thoại thông minh (smartphone) đã vượt mặt máy tính về số lượng tiêu thụ. Trong cả năm 2011, các nhà sản xuất đã tiêu thụ được 487,7 triệu smartphone trong khi đó chỉ có 414,6 triệu máy tính (kể cả máy tính bảng) được tiêu thụ trong cùng thời điểm. 

Theo kết quả điều tra của công ty SSI đối với hơn 4.500 người tại 9 quốc gia và vùng lãnh thổ, ở thời điểm hiện tại, có khoảng 95% người dân trên thế giới sử dụng điện thoại di động, trong đó Hồng Kông đứng đầu với tỷ lệ 99%, Trung Quốc và Thụy Điển 98%, Mỹ 89%. Tỷ lệ sử dụng điện thoại di động thông minh chiếm 42% và có tới 58% nói rằng họ có ý định sẽ chuyển sang sử dụng điện thoại di động thông minh.

Cùng với sự tăng trưởng của các thiết bị phần cứng, những ứng dụng cho loại thiết bị này cũng đang ngày càng phong phú và đi sâu vào ứng dụng cho doanh nghiệp (DN). Khai thác tốt tính năng của thiết bị di động thông minh này trong quản lý, điều hành sẽ mang lại hiệu quả cao trong hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc lựa chọn sử dụng những ứng dụng nào, kế hoạch triển khai và khai thác ứng dụng sao cho đạt hiệu quả cao lại không đơn giản. Bàn về những vấn đề này, phóng viên của Tạp chí CNTT&TT đã có buổi trò chuyện cùng ông Phạm Quang Minh, Giám đốc Kinh doanh, Khối Ứng dụng, Oracle Việt Nam.

Phóng viên (PV): Ông có nhận xét gì về xu hướng sử dụng các thiết bị cá nhân (BringYour Own Devices - BYOD) trong các DN ?

 Ông Phạm Quang Minh: Điều gây ấn tượng với tôi là mức độ phổ biến nhanh chóng của xu thế này, đặc biệt là khi các nhà lãnh đạo trong Ban Tổng Giám đốc (C-level executives) yêu cầu được sử dụng máy tính bảng và những chiếc điện thoại thông minh đời mới nhất.

 Sự phổ biến của Công nghệ Thông tin (CNTT) đang trở nên mạnh mẽ trong các doanh nghiệp. Báo cáo thường niên mới nhất của Telstra cho thấy cứ hai khách hàng sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ) thì có một người sử dụng điện thoại thông minh, tăng lên nhiều so với con số 31% một năm về trước. Các nhân tố mang tính thế hệ cũng đóng vai trò nhất định. Những nhân viên thuộc Thế hệ Y (Gen Y), hay chúng ta có thể gọi là những “thổ dân của vương quốc số” (‘digital natives’) kỳ vọng có thể truy cập các ứng dụng DN, từ email cho tới các hệ thống quản trị doanh nghiệp phức tạp hơn, một cách nhanh chóng và dễ dàng từ chiếc điện thoại thông minh và máy tính bảng của mình.

 Kết quả là, bộ phận CNTT phải chịu áp lực ngày càng lớn trong việc khai thác những lợi ích về chi phí và năng suất của các thiết bị cá nhân được sử dụng trong môi trường công việc trong khi vẫn bảo vệ được dữ liệu và quyền sở hữu trí tuệ của công ty. Trong bối cảnh đó, người ta rất dễ quên rằng chính tiêu chuẩn hóa mới là yếu tố quan trọng trọng trong công cuộc đồng bộ hóa và đơn giản hóa việc phát triển các ứng dụng DN trong thị trường phát triển ứng dụng doanh nghiệp truyền thống. Tuy nhiên, trong môi trường mới, với việc sử dụng thiết bị cá nhân, sự bất tương thích giữa nhiều thiết bị phần cứng và hệ điều hành đang đặt ra những rào cản lớn.

 Khi xây dựng môi trường di động mở rộng cho các ứng dụng DN hiện tại, một phần quan trọng trong khâu thiết kế là phải đảm bảo được việc quản lý dữ liệu trên các ứng dụng. Bộ phận CNTT cần phải tìm cách để vượt qua những thách thức từ việc phổ thông hóa của CNTT trong khi vẫn phải đảm bảo được khả năng quản lý, tính bảo mật và chất lượng dịch vụ.

PV: Theo ông, đâu là những cơ hội dành cho các DN mong muốn ứng dụng BYOD?

 Ông Phạm Quang Minh: Mặc dù việc tiết kiệm chi phí có ý nghĩa rất lớn, nhưng phần lớn khách hàng của chúng tôi cho biết việc gia tăng năng suất làm việc của nhân viên mới là mục tiêu thực sự và chúng tôi thấy những mục tiêu đó đang dần trở thành hiện thực.

  Các thiết bị và ứng dụng di động hiện nay đã trở thành một phần trong cuộc sống thường nhật của nhân viên và các DN có cơ hội để gia tăng mức độ gắn kết và năng suất làm việc của nhân viên bằng cách hỗ trợ các nhu cầu di động của họ. BYOD mang lại cho các doanh nghiệp một lựa chọn cho việc di động hóa lực lượng lao động của mình, có thể là còn nhanh hơn cả việc đi ngược lại xu thế này. Qua đó, các DN có thể nâng cao năng suất làm việc của lực lượng lao động.

 Sẽ là hoàn toàn hợp lý khi bắt đầu mở rộng các ứng dụng doanh nghiệp sang các thiết bị di động để tăng doanh thu như: Các ứng dụng về luồng công việc; Quản trị quan hệ khách hàng (CRM); Quản trị nguồn lực DN (ERP) và Báo cáo quản trị Thông Minh (BI)... bởi vì những người dùng ứng dụng này thường là những người có vai trò ra quyết định trên thị trường thường tập trung vào các nhân viên bán hàng, các nhà quản lý kho hàng và khu vực.

 Ví dụ, trong ngành điện nước, trong đó các nhân viên dịch vụ khách hàng, những nhân viên hỗ trợ trực tiếp và các nhân viên kỹ thuật cần phải làm việc đồng bộ với nhau ở mọi thời điểm. Và tất cả các nhân viên cần phải có khả năng truy cập thông tin kịp thời về hiện trạng để đảm bảo sự hài lòng của khách hàng. Các giải pháp quản lý lực lượng lao động di động sẽ giúp tối ưu hóa chuỗi dịch vụ, nâng cao năng suất làm việc của lực lượng lao động và hạ thấp chi phí hoạt động trong khi vẫn giảm được số lượng yêu cầu không được giải quyết và số lượng yêu cầu chờ được phục vụ .

PV:Khi ứng dụng khuynh hướng BYOD thì các DN  cần phải hiểu được những thách thức nào?

Ông Phạm Quang Minh: An ninh bảo mật chính là quan ngại hàng đầu mà chúng tôi thường được nghe. Bạn có mức độ kiểm soát thấp hơn trước đây. Báo chí đã đề cập đến rủi ro khi mã độc tấn công vào những chiếc điện thoại thông minh đời mới nhất, nhưng rủi ro lớn hơn  nằm ở chỗ bạn đang mở ra khả năng truy cập các ứng dụng quan trọng với nhiều terabytes dữ liệu cho một loại thiết bị hoàn toàn mới. Thách thức nằm ở việc cấp quyền truy cập cho các thiết bị của nhân viên mà không ảnh hưởng tới an ninh tổng thể của cơ sở hạ tầng quan trọng.

 Theo một khảo sát mới đây của Oracle với hơn 3.000 thuê bao điện thoại di động trên toàn thế giới, 68% số người được khảo sát hoặc là không chắc chắn hoặc là cho rằng những dữ liệu được lưu trữ hoặc được truyền tải bởi các máy ĐTDĐ của họ là không an toàn. Có rất nhiều người dùng trong doanh nghiệp sử dụng những thiết bị này để truy cập vào những ứng dụng và dữ liệu nghiệp vụ hàng ngày. Một số nghiên cứu đã ước tính có gần 85% trong số những thiết bị này là không được bộ phận CNTT quản lý, và do đó không an toàn. Việc đánh mất hoặc bị đánh cắp những thiết bị di động này có thể dẫn đến các cuộc tấn công an ninh. Điều đó cũng không khác gì việc đánh mất hoặc bị đánh cắp chiếc máy tính laptop truyền thống.

 Vấn đề còn trở nên nghiêm trọng hơn khi các thiết bị di động còn được sử dụng cho mục đích cá nhân và do đó, được mặc định là có thể truy cập được bởi những người khác như là thành viên trong gia đình hoặc bạn bè. Điều đó có thể dẫn đến việc thông tin nhạy cảm bị khai thác.

 Với sự gia tăng về khả năng tiếp cận môi trường di động của nhân viên như vậy, các DN phải đối mặt với một thách thức là phải xây dựng được một giao diện dễ sử dụng và một trải nghiệm đồng nhất trên nhiều nền tảng thiết bị khác nhau. Đây là điều có ý nghĩa quan trọng đối với người dùng và cũng là một nhân tố quan trọng nếu bạn muốn khuyến khích người dùng làm việc trong khuôn khổ các đường biên giới của tường lửa công ty trên thiết bị cá nhân của chính họ. Mặc dù về mặt lý thuyết, các ứng dụng DN được cung cấp trên nền tảng web có thể được truy cập trên hầu hết các thiết bị hỗ trợ kết nối Internet, tiềm năng về cung cấp ứng dụng từ một nguồn duy nhất, nhanh chóng bị cản trở bởi việc triển khai thiếu nhất quán của các tiêu chuẩn trình duyệt web như là CSS, JavaScript, vv... trên nhiều thiết bị. Tuy vậy, vấn đề khó khăn không kém là việc sử dụng trên thực tế của một website vốn được thiết kế cho một màn hình trình duyệt lớn trên máy tính desktop lại được hiển thị trên một màn hình có kích thước tương đối nhỏ. Người dùng sẽ phải thường xuyên cuộn màn hình mới có thể xem được toàn màn hình và việc nhập dữ liệu cũng là một công đoạn hết sức khó khăn.

(còn nữa)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng BYOD cho doanh nghiệp sẽ nở rộ (Phần 1)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO