Ứng dụng BYOD cho doanh nghiệp sẽ nở rộ (Phần 2)

03/11/2015 21:41
Theo dõi ICTVietnam trên

Ảo hóa cơ sở hạ tầng cho máy trạm cho phép người dùng truy cập cùng một môi trường desktop từ nhiều thiết bị máy khách (client) khác nhau, hỗ trợ làm việc từ các môi trường văn phòng ở xa và từ nhà riêng, tạo ra môi trường điện toán “xanh” hơn thông qua sử dụng các thiết bị máy khách nhẹ có mức độ tiêu thụ nguồn thấp

PV: Công ty của ông đang làm gì để giải quyết những khó khăn này và hỗ trợ một cách hiệu quả cho khách hàng?

 Ông Phạm Quang Minh:Oracle đảm bảo cho các nhân viên làm việc di động có thể đạt được năng suất làm việc cao hơn trên tất cả các sản phẩm từ chính Công ty. Việc triển khai tốt các ứng dụng này cho chính Công ty của mình thì giúp chúng tôi có thêm kinh nghiệm thiết thực để tư vấn triển khai cho khách hàng. Không có một chiến lược di động duy nhất nào có thể đáp ứng được mọi yêu cầu và có rất nhiều khuynh hướng triển khai. Oracle hỗ trợ khách hàng bằng những giải pháp thích hợp, phù hợp với các hệ thống CNTT, danh mục ứng dụng và các đặc điểm về nhân khẩu học của lực lượng làm việc di động trong một DN. Từ thực tế triển khai tại Công ty chúng tôi và cho nhiều khách hàng, có một số bước quan trọng các DN nên quan tâm trước khi sử dụng các ứng dụng di động.

  Ảo hóa cơ sở hạ tầng cho máy trạm cho phép người dùng truy cập cùng một môi trường desktop từ nhiều thiết bị máy khách (client) khác nhau, hỗ trợ làm việc từ các môi trường văn phòng ở xa và từ nhà riêng, tạo ra môi trường điện toán “xanh” hơn thông qua sử dụng các thiết bị máy khách nhẹ có mức độ tiêu thụ nguồn thấp. Công nghệ Thin Client thế hệ mới của Oracle (Sun Ray Clients) giúp giảm bớt độ trễ bằng cách chỉ truy cập những dữ liệu cần thiết và đảm bảo rằng các cấp độ bảo mật vượt xa so với mức độ tiêu chuẩn và không có bất kỳ dữ liệu nào được lưu trữ tại chỗ trên thiết bị máy khách. Giải pháp này mở rộng sang các “máy khách mềm” (“soft clients”) có thể được sử dụng kết hợp cùng với các thiết bị điện thoại thông minh và máy tính bảng.

 Các ứng dụng và phần mềm lớp giữa (Middleware) được phát triển bằng khung giải pháp Oracle Application Development Framework (ADF) Mobile cung cấp cho DN năng lực di động cần thiết để đảm bảo sự thành công của hoạt động bán hàng. Oracle đang sử dụng nền tảng ADF mới để sáng tạo và cung cấp các ứng dụng đột phá mới cho ngành trên phạm vi toàn bộ DN. Các ứng dụng thế hệ mới sắp tới được kỳ vọng là sẽ cung cấp được các năng lực di động liên nền tảng, phong phú trên thiết bị với khả năng tích hợp dịch vụ thiết bị chặt chẽ và một giao diện người dùng được tối ưu hóa trên thiết bị di động. Đồng thời, những ứng dụng này phù hợp với nhiều ngành kinh tế, đáp ứng được những yêu cầu di động thường xuyên bằng cách cho phép các nhà phát triển ứng dụng nhanh chóng phát triển các ứng dụng một lần và sau đó triển khai chúng trên nhiều thiết bị và kênh khác nhau.

 Các tổ chức có lực lượng làm việc di động lớn có thể xây dựng một chiến lược ứng dụng di động cho các ứng dụng DN quan trọng. Các kênh phân phối di động cần phải có thể chia sẻ một cơ sở hạ tầng và các dịch vụ chung với phần còn lại của DN. Nhà phát triển không cần phải tạo ra một lớp dịch vụ hoặc dữ liệu riêng đặc biệt để hỗ trợ việc mở rộng vào môi trường di động. Cũng như vậy, khung phát triển dịch vụ lõi được Oracle khuyến nghị đảm bảo việc tái cơ cấu mục đích sử dụng của dịch vụ hiện tại cho một tình huống di động khác biến thành một nhiệm vụ đơn giản hơn. Chẳng hạn như, Oracle Mobile BI, được phát triển dựa trên hệ điều hành Apple iOS và có thể được tải về từ kho ứng dụng (app store), nhưng sử dụng công nghệ chồng hình (rendering) trên các thiết bị cụ thể để hiển thị nội dung báo cáo quản trị (BI). Nhờ đó, các bộ phận CNTT không cần thiết phải phát triển các phiên bản riêng chỉ dành cho di động của các báo cáo và bảng tin. Điều đó có nghĩa là các bảng biểu và đồ thị trên điện thoại iPhone sẽ được hiển thị đầy đủ độ rộng và người dùng có thể cuộn theo chiều dọc trên bảng tin từ phần tử này sang phần tử khác.

 Để kiểm soát rủi ro an ninh của BYOD, Oracle còn khuyến nghị bảo vệ các tài sản dữ liệu quan trọng bằng các giải pháp Quản lý Định danh (Identity Management solutions) nhằm giúp vượt qua thách thức trong việc bảo vệ nhiều kiểu thiết bị và ứng dụng trên mạng intranet trong và ngoài công ty. Nhiều khách hàng của chúng tôi sử dụng bộ giải pháp Quản lý Định danh và Truy cập (Identity and Access Management Suite Plus) để bảo vệ các dịch vụ và ứng dụng web mà thiết bị cá nhân của nhân viên này đang truy cập. Các giải pháp như là Oracle Access Management Suite Plus có thể cung cấp một trong những giải pháp an ninh toàn diện và hoàn chỉnh nhất trong ngành, nó cung cấp các cấu phần bảo vệ các ứng dụng, dữ liệu, tài liệu và các dịch vụ dựa trên nền tảng điện toán đám mây trên nhiều thiết bị bằng một sự kết hợp sáng tạo giữa xác thực và đăng nhập một lần, liên kết định danh, xác thực căn cứ theo mức độ rủi ro, ngăn chặn lừa đảo chủ động ở cấp độ DN, quản lý quyền thông tin và xác thực chi tiết, linh hoạt. Việc nhận dạng thiết bị và các năng lực liên quan khác cũng góp phần hạ thấp nhiều rủi ro.

PV: Ông đánh giá thế nào về xu hướng ứng dụng thiết bị di động thông minh tại Việt Nam?

Ông Phạm Quang Minh: Việt Nam cũng nằm trong dòng chảy chung của thế giới. Kết quả khảo sát của Gfk cho thấy, số lượng điện thoại thông minh được bán ra tại Việt Nam trong năm 2011 chiếm đến 32,2% doanh số toàn thị trường điện thoại trong nước nói chung, tỷ lệ của năm trước là 24,4%. Còn theo nghiên cứu mới đây của hãng IDC, năm 2011, thị trường smartphone Việt Nam đạt mức tăng trưởng 44% và dự đoán trong năm 2012 sẽ vượt lên mức 51%. Mặt khác, số liệu từ Yahoo cho thấy, Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển Internet di động nhanh thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á  (chiếm 60%), chỉ đứng sau Malaysia. Người tiêu dùng Việt Nam có mức độ chi tiêu cho Internet di động cao nhất trong khu vực Đông Nam Á (trung bình 24 USD/tháng).

 Nếu chỉ tính riêng thị trường máy tính tại Việt Nam, trong năm 2011, số lượng và giá trị doanh số của máy tính xách tay đã vượt máy tính để bàn. Năm 2010, lượng máy tính xách tay bán trên thị trường là 770.000 máy, còn lượng máy tính để bàn vào thời điểm đó ước chừng 1 triệu máy (tính cả máy bộ nhập và nguồn linh kiện tương ứng). Sang năm 2011, lượng máy tính xách tay đã nhảy vọt : 1,1 triệu máy, trong khi đó lượng máy tính để bàn giảm, còn 950.000 máy. Theo các chuyên gia phân tích thị trường của IDC, trong năm 2012, thị trường Việt Nam sẽ tiêu thụ khoảng 1,25 triệu máy tính xách tay, còn lượng máy tính để bàn xấp xỉ 900.000 máy. 

 Điều đó cho thấy xu hướng sử dụng thiết bị di động thông minh và máy tính xách tay (có tính di động cao) đang tăng nhanh tại Việt Nam. CIO tại các tổ chức, DN Việt Nam sẽ nhanh chóng nhìn ra những lợi ích trong việc triển khai ứng dụng quản trị DN trên các thiết bị này.

PV: Xin cảm ơn ông!

Mạnh Vỹ

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng BYOD cho doanh nghiệp sẽ nở rộ (Phần 2)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO