Ảnh minh họa
Đề án nhằm triển khai ứng dụng CNTT vào giải quyết chính sách an sinh xã hội cho người dân, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đổi mới về tổ chức và đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực an sinh xã hội, góp phần phát triển Chính phủ điện tử. Mục tiêu đến năm 2020, ứng dụng CNTT trong đăng ký, giải quyết chính sách, chi trả cho đối tượng thụ hưởng chính sách an sinh xã hội kịp thời, công khai và minh bạch; Hoàn thiện cơ sở pháp lý, triển khai cấp số và thẻ an sinh xã hội điện tử để tích hợp, giúp người dân thụ hưởng thuận lợi các chính sách trợ giúp xã hội, giảm nghèo, người có công với cách mạng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp; Xây dựng CSDL quốc gia về an sinh xã hội bao gồm thông tin cơ bản về công dân Việt Nam là đối tượng của các chính sách: Trợ giúp xã hội, giảm nghèo, người có công với cách mạng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.
Theo đó, Đề án định hướng đến năm 2030, mở rộng CSDL quốc gia về an sinh xã hội gồm thông tin về các lĩnh vực: trẻ em, dạy nghề, việc làm, bình đẳng giới, phòng chống tệ nạn xã hội và các lĩnh vực khác của an sinh xã hội theo quy định của pháp luật. Tong đó, nhiệm vụ cụ thể là xây dựng phần mềm ứng dụng CNTT trong giải quyết chính sách an sinh xã hội, quản lý, cập nhật CSDL quốc gia về an sinh xã hội; nghiên cứu, hoàn thiện cơ sở pháp lý cấp số và thẻ an sinh xã hội điện tử; ban hành quy chế về cập nhật, quản lý, vận hành và truy cập CSDL quốc gia về an sinh xã hội, bảo đảm kết nối liên thông, tích hợp và chia sẻ dữ liệu với các CSDL của các Bộ, ngành, địa phương liên quan.
Bên cạnh đó, cập nhật CSDL quốc gia về an sinh xã hội gồm các thông tin: Các thông tin về đối tượng và chính sách trợ giúp xã hội theo quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các văn bản pháp luật có liên quan; các thông tin về đối tượng và chính sách giảm nghèo theo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020 và các văn bản pháp luật có liên quan; các thông tin về đối tượng và chính sách ưu đãi người có công với cách mạng được quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản pháp luật có liên quan; các thông tin về đối tượng và chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Luật việc làm và các văn bản hướng dẫn Luật.
Đồng thời tích hợp các thông tin sau vào CSDL quốc gia về an sinh xã hội: Các thông tin định danh công dân theo quy định tại Điều 9 Luật căn cước công dân và các văn bản hướng dẫn Luật; các thông tin về đối tượng và chính sách bảo hiểm xã hội theo quy định tại Luật bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn Luật; các thông tin về đối tượng và chính sách bảo hiểm y tế theo quy định tại Luật bảo hiểm y tế và các văn bản hướng dẫn Luật.
Trong giai đoạn 2017 - 2018, Đề án sẽ hỗ trợ thí điểm cấp số và thẻ an sinh xã hội điện tử tại 1 - 3 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; giai đoạn 2019 - 2020 hỗ trợ cấp số và thẻ an sinh xã hội điện tử cho công dân Việt Nam là đối tượng của an sinh xã hội; Xây dựng Cổng Thông tin điện tử An sinh xã hội trên mạng điện tử để thực hiện giải quyết các chính sách an sinh xã hội cho người dân; cung cấp thông tin về chính sách, đối tượng thụ hưởng chính sách an sinh xã hội; tích hợp cung cấp dịch vụ trực tuyến và kết nối hệ thống thông tin thống kê về an sinh xã hội của các bộ, ngành, địa phương.
Đề án cũng chỉ ra các giải pháp chủ yếu gồm: Rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành theo thẩm quyền, hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý triển khai CSDL về an sinh xã hội; Nghiên cứu hoàn thiện các cơ chế chính sách, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giải quyết chính sách an sinh xã hội…; Tuyên truyền, nâng cao, nhận thức của các cấp ngành, và người dân về vai trò, tác dụng của số an sinh xã hội, thẻ an sinh xã hội điện tử và CSDL quốc gia về an sinh xã hội; Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ; Tăng cường trao đổi thông tin, học tập kinh nghiệm của các nước đã áp dụng thành công thẻ an sinh xã hội điện tử; Tăng cường, đánh giá việc thực hiện xây dựng CSDL quốc gia về an sinh xã hội của các cấp, các ngành.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội được giao chủ trì, hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án; Chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan hướng dẫn các địa phương lựa chọn đơn vị có mạng lưới cơ sở vật chất và nhân lực trải rộng đến cấp xã trên cả nước, có kinh nghiệm cung cấp dịch vụ chi trả trợ cấp xã hội, các chính sách an sinh xã hội và đảm bảo xây dựng CSDL an sinh xã hội để cung cấp dịch vụ chi trả các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, triển khai, phối hợp thực hiện nhiệm vụ, giải pháp của Đề án theo nhiệm vụ của Đề án.