HIỆN TRẠNG QUẢN LÝ DỮ LIỆU HẠ TẦNG BƯU CHÍNH VIỄN THÔNG TỈNH QUẢNG NAM
Đến cuối năm 2013, hệ thống cơ sở hạ tầng bưu chính viễn thông (BCVT) tỉnh Quảng Nam được đầu tư và phát triển rộng khắp: cáp quang phủ đến 96% trung tâm các xã; mạng lưới trạm thu phát sóng được phát triển mạnh mẽ. Toàn tỉnh hiện có 1.293 trạm BTS phủ sóng trên hầu hết các khu vực trên địa bàn tỉnh; mạng 2G, 3G được phủ sóng đến trung tâm các huyện, xã, các khu công nghiệp; trên 500 trạm viễn thông, hơn 1.000 điểm cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông, Internet.
Dữ liệu quản lý hạ tầng BCVT được cập nhật và lưu trữ riêng rẽ, dưới nhiều định dạng khác nhau: trên giấy hoặc dữ liệu điện tử dạng file Word, Excel; chưa hệ thống hóa thành một cơ sở dữ liệu (CSDL) thống nhất; chưa có CSDL nền chung nên việc cập nhật, thống kê, xử lý thông tin còn nhiều hạn chế và tốn thời gian. Hiện tại, chưa có công cụ hỗ trợ tốt trong việc kết hợp các thông tin về hiện trạng mạng lưới, thông tin về quy hoạch, chưa được gắn liền với bản đồ số nên gây ra khó khăn trong công tác quy hoạch, quản lý việc phát triển hạ tầng mạng viễn thông trên địa bàn tỉnh. Từ đó làm cho công tác quản lý, thẩm định, thanh kiểm tra phải mất nhiều thời gian, chưa khoa học, chưa có kết nối dữ liệu từ tỉnh đến huyện, từ Sở Thông tin và Truyền thông (Sở TTTT) đến các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, đến các cơ quan quản lý liên quan.
Hệ thống thông tin địa lý GIS (Geographic Information Systems) là công cụ hữu hiệu phục vụ cho công tác quản lý hạ tầng bưu chính viễn thông (BCVT). Tại Quảng Nam, GIS được một số doanh nghiệp viễn thông đưa vào sử dụng trong công tác quản lý trạm BTS dưới các ứng dụng Maplnfo, GoogleEarth, GoogleMap... Từ những lý do trên, nhằm ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác quản lý nhà nước, Sở TTTT Quảng Nam đã được UBND tỉnh giao thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh: "Ứng dụng công nghệ GIS trong quản lý hạ tầng viễn thông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam“. Hệ thống GIS-BCVT được triển khai sử dụng tại địa chỉ web: gmic.quangnam.gov.vn.
-Xây dựng CSDL địa lý phục vụ quản lý hạ tầng bưu chính viễn thông tỉnh Quảng Nam.
-Xây dựng hệ thống phần mềm ứng dụng GIS nhằm đáp ứng các yêu cầu công tác quản lý nhà nước của Sở TTTT, hoạt động của các doanh nghiệp bưu chính viễn thông và các cơ quan chức năng có liên quan như Sở Xây dựng, các phòng Văn hóa thông tin cấp huyện.
-Cung cấp thông tin về hệ thống điểm phục vụ bưu chính viễn thông phục vụ nhu cầu tìm kiếm thông tin của người dân, du khách.
MÔ HÌNH TỔNG THỂ HỆ THỐNG GIS- BCVT
Mô hình tổng thể của hệ thống GIS-BCVT tỉnh Quảng Nam (Hình1) bao gồm: các tác nhân (Sở TTTT, doanh nghiệp BCVT, cộng đồng.); CSDL GIS nền địa lý như thông tin giao thông, thủy văn, biên giới quốc gia, địa giới hành chính...; CSDL GIS BCVT cập nhập và lưu trữ dữ liệu về hạ tầng BCVT; các phân hệ phần mềm ứng dụng như: khai thác thông tin trên nền bản đồ, thống kê báo cáo, tra cứu và khai thác thông tin.
CÁC ĐẶC ĐIỂM CHÍNH CỦA HỆ THỐNG GIS-BCVT
1.Quản lý trực quan bằng hình ảnh, truy vấn thông tin nhanh chóng và chính xác
Với hệ thống CSDL về hạ tầng BCVT đã được xây dựng, người dùng có thể truy vấn các thông tin về các đối tượng thuộc hạ tầng BCVT và xem được cụ thể vị trí trên bản đồ. Các đối tượng được quản lý bao gồm: doanh nghiệp BCVT; đại lý viễn thông, đại lý Internet; hạ tầng trạm thông tin di động (trạm BTS); hạ tầng trạm viễn thông (hệ thống tổng đài); hạ tầng truyền dẫn (mạng cáp quang, vi ba, cáp đồng); hệ thống phát thanh truyền hình.
Từng thông tin chi tiết của các đối tượng quản lý đều được cập nhật trên chương trình. Với các tính năng cập nhật, tìm kiếm, kiểm tra, điều chỉnh thông tin, xuất báo cáo. người dùng sẽ quản lý thông tin CSDL hạ tầng BCVT một cách chính xác, đầy đủ, kịp thời. GIS-BCVT sẽ cung cấp thông tin theo các đối tượng:
-Thông tin tổng hợp các số liệu hạ tầng BCVT.
-Thông tin từng loại đối tượng được quản lý theo doanh nghiệp, theo địa phương.
-Thông tin đặc tính kỹ thuật của từng đối tượng.
-Thông tin pháp lý của từng loại đối tượng.
-Thống kê theo phạm vi không gian và hỗ trợ nhà quản lý trong việc cấp phép.
Để đảm bảo an toàn thông tin, dựa trên mức độ khai thác tài nguyên của các đối tượng sử dụng sẽ phân quyền truy cập vào hệ thống với các mức độ khai thác tương ứng. Các đơn vị được quyền sử dụng chương trình:
-Sở TTTT: quản lý, cập nhật, chỉnh sửa, xét duyệt thông tin.
-Sở Xây dựng: xem thông tin về hạ tầng trạm BTS, hạ tầng mạng cáp và cập nhật thông tin về giấy phép xây dựng.
-Phòng Văn hóa thông tin cấp huyện: xem thông tin về hạ tầng trên địa bàn huyện của mình quản lý, được quyền chỉnh sửa thông tin.
-Doanh nghiệp BCVT: cập nhật thông tin, xem thông tin của doanh nghiệp mình.
-Người dân, du khách: xem thông tin về các điểm cung cấp dịch vụ BCVT.
Những thông tin được cập nhật, sửa chữa từ các đơn vị sẽ được Sở TTTT kiểm tra, duyệt thông tin thì mới được cập nhật lên chương trình. 3.Quản lý cấp phép và định hướng quy hoạch phát triển hạ tầng BCVT
Với hệ thống CSDL đầy đủ, chính xác, GIS-BCVT cho phép nhà quản lý nắm bắt số liệu về hạ tầng BCVT qua các công cụ phân tích đối tượng theo không gian, vị trí, vùng phục vụ để thực hiện công tác phân tích, đánh giá hiện trạng hệ thống, thẩm định kế hoạch phát triển của doanh nghiệp, cấp phép phát triển mới, phục vụ công tác hoạch định kế hoạch, quy hoạch hạ tầng BCVT. Đặc biệt, đối với việc cấp phép phát triển hạ tầng trạm BTS, hạ tầng mạng truyền dẫn, GIS-BCVT là công cụ hỗ trợ tối đa cho nhà quản lý trong việc cấp phép. Hình ảnh trực quan của hiện trạng và các phương pháp tính toán sẽ hỗ trợ nhà quản lý cho phép doanh nghiệp phát triển hạ tầng ở những khu vực nào để đảm bảo an toàn thông tin và mỹ quan đô thị.
4.Phục vụ người dân, du khách khai thác thông tin
Người dân, du khách có thể truy cập qua mạng Internet tìm kiếm thông tin về hệ thống điểm cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông, Internet. Các thông tin về điểm dịch vụ BCVT sẽ giúp người dân, du khách lựa chọn điểm cung cấp dịch vụ cần sử dụng.
Ngọc Quyên
(còn nữa)
(TCTTTT Kỳ 2/4/2014)