Ứng dụng ICT hướng tới mục tiêu “sức khoẻ cho tất cả mọi người”

TH| 17/04/2018 15:17
Theo dõi ICTVietnam trên

Ngày Sức khỏe thế giới năm nay (7/4) là dịp để Tổ chức Y tế thế giới đánh giá lại những kết quả đã đạt được, chỉ ra các thách thức trong việc thực hiện mục tiêu sức khỏe là quyền cơ bản của con người. Và việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông được kỳ vọng sẽ khiến mục tiêu này sớm trở thành hiện thực.

Xuất phát từ kết quả khảo sát thực trạng chăm sóc sức khoẻ thiết yếu cho người dân tại các quốc gia trên toàn thế giới, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chọn chuyên đề “Bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân cho mọi người, ở mọi nơi” (Universal Health Coverage: Everyone, Everywhere) là chủ đề chính của ngày sức khoẻ thế giới năm nay (7/4/2018). Ý nghĩa của chủ đề này là đảm bảo cho mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế thiết yếu mà không phải chịu thêm gánh nặng về tài chính. Điều đó cũng một lần nữa nhấn mạnh nhu cầu cấp bách phải vươn tới các cộng đồng chưa được phục vụ.

Thực tế, trong những năm qua, công tác chăm sóc sức khỏe đã đạt được nhiều thành tựu và tiến bộ quan trọng, như tăng tuổi thọ của người dân, đạt một số mục tiêu phát triển thiên niên kỷ… Cụ thể, trong giai đoạn từ năm 1990 đến năm 2015, tỷ lệ trẻ em chết dưới 5 tuổi đã giảm hơn một nửa do việc triển khai mở rộng các biện pháp ngăn ngừa tỷ vong như tiêm vắc-xin và cấp phát màn ngủ.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu “sức khoẻ cho tất cả mọi người” mà WHO đã đặt ra vẫn còn rất nhiều thách thức. Chăm sóc y tế là nhu cầu thiết yếu nhưng không phải ai cũng có thể tiếp cận. Theo Tổ chức này, có ít nhất một nửa dân số thế giới hiện nay không thể tiếp cận các dịch vụ y tế cần thiết. Hơn 100 triệu người đang bị đẩy vào hoàn cảnh nghèo đói, sống dưới mức 1,9 USD/ngày vì họ phải chi trả các chi phí y tế. Hơn 800 triệu người, chiếm khoảng 12% dân số thế giới, đã chi tiêu ít nhất 10% ngân sách gia đình để chi trả cho các dịch vụ y tế. Mỗi ngày, có khoảng 830 bà mẹ và 16.000 trẻ em chết vì các bệnh có thể ngăn ngừa và điều trị do họ không thể tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế cần thiết.

Vậy các công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) có thể tạo ra một giải pháp để lấp đầy khoảng trống cung cấp dịch vụ này không? Trong một cuộc thảo luận được tổ chức tại Diễn đàn Hội nghị thượng đỉnh Thế giới về Xã hội Thông tin (World Summit for the Information Society) năm 2018, câu trả lời là có.

Các giải pháp ICT giúp tiếp cận cộng đồng ở xa để đẩy lùi sốt rét

Hiện nay, dịch bệnh sốt rét đang được kiểm soát khá tốt trên toàn cầu: Số trường hợp mắc sốt rét giảm còn 1/3; tỷ lệ tử vong do sốt rét giảm một nửa; tại một số quốc gia như Hoa Kỳ bệnh sốt rét đã bị tiêu diệt hoàn toàn.

Thực tế, bệnh sốt rét đã tồn tại gần như song hành với sự phát triển của loài người và bất cứ ai cũng có thể bị nhiễm. Điều đó đồng nghĩa với việc dịch bệnh này có nguy cơ tái phát cao, tuy nhiên việc sử dụng ICT có thể tăng cường các nỗ lực kiểm soát và giám sát liên tục nhằm ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát trở lại.

Theo ông Joshua Levens, Giám đốc Ủy ban vận động và huy động nguồn lực tại Hiệp hội Đẩy lùi sốt rét toàn cầu (RBM), phần mềm máy bay không người lái đã mang lại những cải tiến đáng kể trong việc cấp phát thuốc sốt rét tại Rwanda, Malawi và Tanzania đến các địa điểm vùng xa thông qua máy bay không người lái.

 “Hệ thống bản đồ tốt hơn đã cho phép chúng tôi tìm ra những tuyến đường tốt nhất cho triển khai nhân viên, để quản lý đặt hàng và cung ứng có hiệu quả, tham chiếu bệnh nhân, lập bản đồ tại các khu vực biên giới giữa các quốc gia”, ông Joshua Levens cho biết thêm. Nhưng ở các khu vực khó tiếp cận, dữ liệu lập bản đồ có thể không có sẵn hoặc không chính xác thì hệ thống thông tin tại cấp cộng đồng, cơ sở và quốc gia, cũng như các khu vực xuyên biên giới là tối ưu. “Chúng ta cần tiếp tục thúc đẩy các giải pháp ICT nhằm giải quyết những thách thức này”, ông nhấn mạnh.

iKure: Giải pháp chăm sóc sức khỏe tại các khu vực nông thôn Ấn Độ

Công ty iKure, được thành lập vào năm 2010, cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cơ bản cho những cộng đồng dân cư tại các vùng nông thôn của Ấn Độ.

Ông Sujay Santra, người sáng lập và Giám đốc điều hành của iKure cho biết: “Tại Ấn Độ, một bác sỹ phục vụ khoảng 8.800 người dân. Chúng ta sẽ không thể giải quyết khoảng trống này nếu không sử dụng công nghệ”.

iKure đào tạo và trang bị cho một nhóm nhân viên y tế, đồng thời tích hợp các công nghệ chăm sóc sức khỏe mũi nhọn, sáng tạo vào các dịch vụ của họ. “Chúng tôi sử dụng nhiều loại thiết bị khác nhau”, ông Sujay Santra giải thích. Một đội y tế chủ chốt làm việc tại phòng khám trung tâm thường xuyên tới các phòng khám tuyến dưới để khám và chữa bệnh cho người dân.

Ngoài ra, iKure còn phát triển một công nghệ nền tảng đám mây gọi là hệ thống giám sát sự cố sức khoẻ vô tuyến WHIMS (Wireless Health Incident Monitoring System) nhằm thu thập dữ liệu bệnh nhân và được sử dụng như một công cụ chẩn đoán để phân tích thông tin bệnh nhân cho sàng lọc, phát hiện sớm và giám sát bệnh.

Hệ thống giám sát sự cố sức khoẻ vô tuyến WHIMS

“Chúng tôi cung cấp các thẻ số cho bệnh nhân của chúng tôi. Khi nhân viên y tế (mang túi y tế và điện thoại) tới các khu vực vùng sâu, vùng xa của đất nước mà không có Internet hoặc điện, họ có thể quét thẻ và tất cả dữ liệu về bệnh nhân sẽ được hiển thị. Khi các nhân viên này trở lại khu vực có Internet, thông tin sẽ được đưa lên đám mây và các bác sĩ có thể sử dụng”, ông Sujay Santra cho biết.

iKure đã hỗ trợ 800.000 bệnh nhân tại 6 tiểu bang ở Ấn Độ, đây là những người hiện sửdụng hệ thống khám chữa bệnh tổng quát tại chỗ, dịch vụ chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ em, chăm sóc mắt và các dịch vụ y tế từ xa. Với dữ liệu thu thập được qua WHIMS, nhóm iKure đã làm việc với các đối tác để xác định các vấn đề sức khoẻ trong cộng đồng và phát triển các giải pháp toàn diện để phòng ngừa.

Nexleaf Analytics: Tăng cường chuỗi cung ứng với dữ liệu

Martin Lukac, CTO và đồng sáng lập của Nexleaf Analytics, cho biết: “Vắc-xin giúp tiết kiệm được hàng triệu sinh mạng mỗi năm, nhưng donhiệt độ bảo quản không tốt nênhiệu nghiệm và hiệu quả mà nó mang lại  bị giảm đáng kể”.Thực tế, tủ lạnh bảo quản vắc-xin tại các phòng khám nông thôn thường không đảm bảo do máy móc bị lỗi, nhân viên y tế thường quá bận khiến việc sử dụng và đáp ứng các yêu cầu không đủ nhanh.Để giải quyết vấn đề này, Nexleaf Analytics đã phát triển một giải pháp được gọi là ColdTrace.

Một cảm biến ColdTrace được đặt bên trong tủ lạnh chứa vắc-xin và một thiết bị khác được đặt gần đó có thể gửi cảnh báo qua SMS tới nhân viên y tế bất cứ khi nào vắc-xin rơi vào tình trạng nguy hiểm. Dữ liệu về nhiệt độ được lưu trữ trong một bảng điều khiển, nhằm cung cấp dữ liệu thu thập, dữ liệu lịch sử theo gian thực, nó được sử dụng để nhận biết các tủ lạnh thường xuyên gặp sự cố, chẩn đoán từ xa một số nguyên nhân gây ra sự cố thông thường và khắc phục từ xa bằng cách gọi điện thoại đến cơ sở y tế.

Martin Lukac giải thích “Ở Mozambique, chúng tôi đã làm việc với một kỹ thuật viên, người đã xem xét dữ liệu, xác định các cơ sở y tế hoạt động không hiệu quả và gọi điện tới các cơ sở đó. Ngay sau khi thực hiện cuộc gọi điện thoại và tư vấn cho nhân viên y tế địa phương có rất nhiều thay đổi đã xảy ra”.

Ngoài ra, Nexleaf còn cung cấp việc đào tạo và phát triển các quy trình vận hành tiêu chuẩn (Standard Operating Procedures - SOP) cụ thể cho từng quốc gia để giúp nhân viên y tế phản ứng lại với các cảnh báo của ColdTrace một cách hiệu quả.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng ICT hướng tới mục tiêu “sức khoẻ cho tất cả mọi người”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO