Ứng dụng KHCN hiện đại vào SXNN đang là xu hướng chủ đạo, là chìa khóa thành công của các nước có nền nông nghiệp phát triển trên thế giới hiện nay. Ở nước ta, thực tiễn đã chứng minh, việc đẩy nhanh nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào sản xuất đã đóng góp rất lớn đến sự phát triển của ngành Nông nghiệp Việt Nam.
Ứng dụng KHCN được thực hiện toàn diện, đồng bộ
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), KHCN và ĐMST đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong SXNN, trong lĩnh vực sản xuất giống cây trồng, vật nuôi đạt 38%. KHCN đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa nông sản trên thị trường trong nước và quốc tế. Trong giai đoạn 2016 – 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tăng nhanh, đạt 238,81 tỷ USD, trung bình đạt hơn 39,8 tỷ USD/năm, riêng năm 2021 đạt 48,6 tỷ USD.
Bộ NN&PTNT cho biết, việc ứng dụng KHCN hiện nay được thực hiện toàn diện, đồng bộ ở tất cả các lĩnh vực, các khâu của quá trình SXNN và đạt được một số kết quả cụ thể sau:
Một là, ứng dụng KHCN trong chuẩn bị đất, phân bón và ao chuồng chăn nuôi đạt nhiều kết quả tích cực. Đã có nhiều công trình nghiên cứu được ứng dụng vào cải tạo, nâng cao độ phì nhiêu của đất; các loại phân bón hữu cơ, phân vi sinh ứng dụng công nghệ sản xuất mới được sử dụng rất phổ biến đã góp phần cải thiện đáng kể chất lượng đất trồng.
Tiêu biểu như nghiên cứu, ứng dụng than sinh học làm từ trấu và vỏ cà phê, sản xuất bằng phương pháp khí hóa nhằm nâng cao chất lượng đất và đánh giá hiệu quả trên các loại cây trồng của Trung tâm Công nghệ sinh học TP. Hồ Chí Minh (2016). Nghiên cứu, sử dụng chế phẩm vi sinh cải tạo đất của Viện Thổ nhưỡng Nông hóa đã được áp dụng vào thực tiễn và sản xuất ở quy mô công nghiệp nhằm cải thiện độ phì nhiêu của đất. Ứng dụng công nghệ nano để sản xuất một số loại phân bón thế hệ mới; sản xuất các chế phẩm ứng dụng làm thuốc bảo vệ thực vật; chế tạo máy phun hiệu năng cao…
Việc áp dụng cơ giới hóa SXNN đã giúp cho nông dân giảm chi phí đầu vào, tăng chất lượng sản phẩm, góp phần tăng lợi nhuận khoảng 20 - 30% so với không áp dụng cơ giới hóa.
Hai là, các thành tựu KHCN đã được ứng dụng phổ biến trong chọn tạo được nhiều cây, con giống mới có chất lượng cao, khả năng phòng trừ dịch bệnh, thích ứng tốt với các điều kiện tự nhiên khắc nghiệt. Trong giai đoạn (2013 - 2020), đã có 529 giống mới (trong đó 393 giống cây trồng, 12 giống thủy sản; 82 giống cây lâm nghiệp và 42 giống vật nuôi); 101 tiến bộ kỹ thuật và 85 bằng phát minh sáng chế được công nhận và ứng dụng vào thực tiễn…
Với ngành chăn nuôi, đã làm chủ quy trình sản xuất tinh đông lạnh gia súc (trâu, bò, dê, lợn), đồng thời nghiên cứu thành công công nghệ sản xuất phôi, cấy phôi tươi, phôi đông lạnh ở một số loại gia súc (bò, lợn nái sinh sản) và một số loại gà bản địa. Trong lai tạo, chọn giống thủy sản với các tiêu chí chính là tăng trưởng và tỷ lệ sống cao, giai đoạn 2016 – 2020 có 12 giống mới, 65 tiến bộ kỹ thuật và 20 bằng sáng chế được công nhận và chuyển giao vào sản xuất.
Ba là, đã ứng dụng phổ biến các thành tựu KHCN trong chăm sóc cây trồng, vật nuôi và nuôi trồng thủy sản, góp phần nâng cao năng suất lao động. Việc ứng dụng phổ biến các tiến bộ kỹ thuật, máy móc hiện đại, đẩy nhanh cơ giới hóa vừa góp phần giải phóng sức lao động của người nông dân, vừa bảo đảm tính thời vụ, tăng năng suất và giảm tổn thất sau thu hoạch. Số lượng máy móc được sử dụng trong nông nghiệp tăng nhanh, tính đến năm 2019 so với năm 2011 số lượng máy kéo tăng 48%, máy gặt đập liên hợp tăng 79%, máy sấy nông sản tăng 29%; máy chế biến thức ăn gia súc tăng 90,6%; máy chế biến thức ăn thủy sản tăng 2,2 lần; máy phun thuốc trừ sâu tăng 3,1 lần…
Các mô hình SXNN ứng dụng công nghệ cao cũng ngày càng phát triển, đến nay, cả nước có 49 doanh nghiệp (DN) nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nhiều DN có trình độ tiên tiến ngang tầm khu vực và thế giới, như: TH Group (sữa), Dabaco (chăn nuôi), Nafoods (trồng, chế biến trái cây), Nam miền Trung (tôm), Vingroup (rau), Ba Huân, Lộc Trời…
Bốn là, ứng dụng KHCN trong trong thu hoạch, bảo quản nông phẩm đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần hạn chế tổn thất, nâng cao giá trị hàng hóa. Hiện nay, nhiều tiến bộ kỹ thuật, máy móc hiện đại, dây truyền công nghệ tiên tiến đã được sử dụng phổ biến trong thu hoạch và bảo quản nông sản, đặc biệt là ở các vùng SXNN quy mô lớn, tập trung, các DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong khâu thu hoạch lúa, vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện có mức độ cơ giới hóa đạt trên 82%, vùng Đông Nam Bộ đạt khoảng 70% và khu vực Trung du miền núi phía Bắc đạt 25%...
6 nhóm giải pháp quan trọng
Các chuyên gia cho rằng, để sớm hiện thực hóa mục tiêu công nghiệp hoá - hiện đại hoá (CNH-HĐH) nông nghiệp, nông thôn; phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô hớn theo hướng hiện đại, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh, đem lại giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững; đồng thời phấn đấu đến năm 2030, nông nghiệp Việt Nam sẽ đứng trong top 15 nước phát triển trên thế giới theo mục tiêu Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định thì tất yếu phải đẩy nhanh ứng dụng KHCN vào sản xuất. Theo đó, những chính sách và giải pháp quan trọng gồm:
Một là, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách về nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng KHCN vào SXNN;
Hai là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nông nghiệp;
Ba là, phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong ứng dụng KHCN vào SXNN;
Bốn là, tiếp tục nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm các nước để lựa chọn các mô hình SXNN phù hợp; đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đồng bộ, hiện đại tạo nền tảng đẩy nhanh quá trình ứng dụng KHCN vào SXNN ở từng địa phương;
Năm là, đẩy mạnh phát triển thị trường và hợp tác về KHCN phục vụ trong nông nghiệp;
Sáu là, đẩy mạnh SXNN theo chuỗi liên kết bền vững nhằm mở ra các cơ hội ứng dụng KHCN vào SXNN ở nước ta./.