UNICEF sử dụng giải pháp cung ứng vắc-xin dựa trên blockchain của startup Ấn Độ

TH| 17/05/2019 08:13
Theo dõi ICTVietnam trên

Statwig, một công ty khởi nghiệp ở Ấn Độ đang phát triển một giải pháp quản lý chuỗi cung ứng vắc-xin dựa trên blockchain. Đây cũng là một trong những startup về blockchain trên thế giới đã nhận được khoản tài trợ từ UNICEF cuối năm 2018.

Mặc dù đã áp dụng nhiều tiến bộ công nghệ nhưng vẫn có tới 1/3 lượng thực phẩm trên thế giới bị mất hoặc hư hỏng trong quá trình vận chuyển, bởi vậy nhu cầu về các giải pháp giải quyết vấn đề này ngày càng trở nên cấp bách. Đó là những gì thúc đẩy Sid Chakravarthy thành lập StaTwig vào năm 2016, một công ty sử dụng IoT và blockchain để giám sát từng bước hành trình của sản phẩm, cung cấp sự minh bạch và ngăn chặn sự gián đoạn trong khâu giao hàng trên quy mô lớn.

Tuy nhiên, những thách thức liên quan đến kho vận không chỉ giới hạn ở việc vận chuyển thực phẩm. Để duy trì tính hiệu quả và sự an toàn của vắc xin, điều thiết yếu là vắc xin cần được bảo quản liên tục ở độ lạnh yêu cầu. Bất kỳ sự sai lệch, gián đoạn nào trong quá trình từ khâu sản xuất, lưu trữ, vận chuyển và sử dụng đều có thể làm hỏng tính toàn vẹn của vắc-xin, dẫn đến giảm hiệu quả và an toàn trong điều trị.

Đây cũng chính là khó khăn mà Tổ chức cung ứng và phân phối vắc xin lớn nhất thế giới, UNICEF, gặp phải trong việc đảm bảo chất lượng và sự an toàn của vắc-xin. Thống kê cho thấy gần 50 - 60% vắc-xin mất hiệu quả do lỗi bảo quản lạnh. Ngoài ra, có tới 80% vắc xin mất tác dụng bởi lỗi trong quản lý chuỗi cung ứng.

Tháng 12/2018, UNICEF đã tìm hiểu dịch vụ mà StaTwig cung cấp và đầu tư 100.000 USD vào công ty có trụ sở tại thành phố Hyderabad này.

Khoản đầu tư được trích từ Quỹ Đổi mới (Innovation Fund) của UNICEF nhằm cung ứng các loại vắc-xin an toàn cho trẻ em có nhu cầu.Đáng chú ý, StaTwig nằm trong số 6 start-up về blockchain được UNICEF tài trợ để giải quyết các vấn đề toàn cầu bằng công nghệ tiên tiến này, trải dài khắp các lĩnh vực từ y tế đến quản lí các nguồn lực và tài chính.

Hành trình xây dựng chuỗi khối

Sid Chakravarthy và Ravi Kumar, những người sáng lập StaTwig, trước đó từng nghiên cứu về các công nghệ mới nổi tại công ty Kemp Technologies ở Mỹ, đã rất quan tâm đến khởi nghiệp. Năm 2016, Chakravarthy quay trở lại Ấn Độ và dành thời gian nghiên cứu lĩnh vực sản xuất để nắm bắt các vấn đề liên quan tới quản lý chuỗi cung ứng. Khi đó, Chakravarthy nhận thấy sự lãng phí đối với các sản phẩm, hàng hóa bị hỏng trong quá trình làm thủ tục quá cảnh và quyết định thành lập StaTwig.

Còn Kumar cho biết họ muốn giám sát hành trình của các sản phẩm bằng cách sử dụng thông tin thời gian thực và do đó đã lựa chọn công nghệ IoT và blockchain. IoT được coi như là hệ thống các đối tượng được kết nối Internet, ghi lại thông tin như vị trí của sản phẩm bất cứ lúc nào bằng sử dụng cảm biến và gửi thông tin cho tất cả các bên liên quan qua mạng.

Một trong những vấn đề là không chỉ có một bên liên quan mà có nhiều bên (như nhà sản xuất, nhà phân phối và nhà bán lẻ). Vì vậy, dữ liệu cần phải được chia sẻ như nhau giữa các bên.Đó là lý do lựa chọn blockchain”, Kumar cho biết.

Blockchain, cuốn sổ cái kỹ thuật số không thể sửa chữa, mang một chuỗi dữ liệu cố định có đánh dấu thời gian, được sở hữu bởi một thực thể duy nhất, nhưng mọi người và bất kỳ ai có quyền truy cập nó đều có thể chia sẻ và xem.

Giai đoạn đầu: Hỗ trợ cho ngư dân

Xác nhận tính hợp lệ của sản phẩm được đưa ra vào năm 2017, khi StaTwig hợp tác với Đại học California, Berkeley và Chính phủ Andhra Pradesh thực hiện một dự án thủy sản. Mục tiêu là cải thiện tính minh bạch, quản lý và giám sát cá do các ngư dân sống ở Andhra đánh bắt và xuất khẩu sang các thị trường châu Á và Mỹ.

Chakravarthy cho biết từ cảng nơi cá được đánh bắt đến chợ bán cá, có nhiều bên liên quan. Tuy nhiên, do chưa có truyền thông và thiếu thông tin được chia sẻ, nên ngư dân hoặc người bán hàng địa phương thường bán được với mức giá thấp hơn so với mặt bằng của thị trường. Các ngư dân không thể chứng minh thông tin về chất lượng đánh bắt sau khi cá được vận chuyển đến nơi bán. Trong trường hợp xảy ra sự cố trong quá trình vận chuyển hoặc ở bất kỳ giai đoạn nào khác, ngư dân thậm chí còn không biết và điều này dẫn đến việc họ mất lợi thế khi đàm phán với các nhà phân phối quốc gia.

Để giải quyết bài toán này, StaTwig đã trang bị cho mỗi ngư dân một điện thoại thông minh Android có cài đặt sẵn ứng dụng để họ có thể giám sát quá trình vận chuyển cá. Các chứng nhận được các nhân viên giám định cá cung cấp sau khi họ kiểm tra các loại cá có thể nhìn thấy trong ứng dụng.

Hơn nữa, những người mua địa phương có thể thấy hàng tồn kho của mỗi ngư dân. Điều này cho phép ngư dân và người bán hàng địa phương có thể đàm phán giá tốt hơn với các nhà phân phối quốc gia.

Đây là Giai đoạn I của dự án, Giai đoạn II hiện cũng đã bắt đầu, trong đó startup này sẽ hợp tác với các tổ chức tài chính như NABARD để cung cấp tài chính vi mô cho ngư dân và các nhà phân phối địa phương bằng cách đưa họ tham gia vào mạng lưới blockchain.

“Trong tương lai, chúng tôi có thể tạo ra các loại tiền điện tử có thể đổi thành tiền giấy, để trả cho ngư dân và nhà phân phối ngay lập tức”, ông Kum Kumar chia sẻ thêm.

Phát triển chuỗi cung ứng vắc xin dựa trên blockchain

Thời điểm StaTwig tạo ra bước đột phá chính là khi startup này được Quỹ Đổi mới của UNICEF lựa chọn đầu tư. Thông thường, việc cung ứng vắc-xin trải qua rất nhiều công đoạn về quyền sở hữu, từ văn phòng quốc gia đến văn phòng khu vực rồi trung tâm y tế. Tại đây, StaTwig ghi lại mọi thay đổi về quyền sở hữu và người ta không thể phủ nhận thông tin. Nói theo cách khác, nó gần giống như một công chứng viên xác nhận giao dịch.

Vấn đề thứ hai đối với vắc-xin nói chung là cần giám sát nhiệt độ. Kumar giải thích rằng vắc xin được dán nhãn màu theo tình trạng nhiệt độ của nó, thông qua các cảm biến StaTwig sẽ có thể giám sát được. Đặc biệt, vắc-xin rất nhạy cảm với nhiệt độ và thường bị hỏng nếu không được giao đúng hẹn.

Vấn đề thứ ba liên quan đến vắc-xin là cần tuân thủ Luật An toàn chuỗi cung ứng thuốc (DSCSA) và các quy định liên quan. Ở cấp độ nhà bán buôn hoặc nhà phân phối, nếu bạn chọn bất kỳ loại vắc-xin hoặc thuốc nào, số sê-ri trong sản phẩm đó sẽ có thể cho bạn biết toàn bộ hành trình của sản phầm.

Hiện nay, StaTwig đang hợp tác với nhiều văn phòng UNICEF ở các quốc gia khác nhau để cung cấp dịch vụ này. UNICEF cung ứng hàng tỷ liều vắc-xin mỗi năm. Đảm bảo chất lượng và an toàn của vắc-xin là rất quan trọng.Sáng kiến UNICEF SMART CHILD sẽ tạo ra một cơ hội quản lý và giám sát các vắc-xin từ nhà sản xuất đến trẻ em một cách an toàn bằng cách ứng dụng công nghệ blockchain.

Đại diện của UNICEF cho biết mỗi năm vắc-xin cứu sống tới 3 triệu người, bảo vệ trẻ em khỏi các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như sởi, viêm phổi, dịch tả và bạch hầu.

Sau 3 năm thành lập, StaTwig là một trong số ít các công ty khởi nghiệp blockchain có doanh thu tương đối tốt. Hiện tại, StaTwig đang đặt mục tiêu tạo ra khoảng 1-1,5 triệu USD vào cuối năm 2019 và tìm kiếm tăng thêm khoản tài trợ bên ngoài trung bình 600.000 USD.

Mặc dù đã tạo dựng được niềm tin mới trong chuỗi cung ứng, nhưng StaTwig cũng phải đối mặt với một số thách thức nhỏ ban đầu. Một trong số đó là giải thích về blockchain cho khách hàng vì đây là một khái niệm khá mới vào năm 2017 và có rất nhiều nhầm lẫn giữa thị trường tiền ảo và blockchain. Điều đó dẫn đến một số chậm trễ trong việc ký kết hợp đồng. Bên cạnh đó là thách thức về việc xử lý dữ liệu nhạy cảm.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
UNICEF sử dụng giải pháp cung ứng vắc-xin dựa trên blockchain của startup Ấn Độ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO