Vào những ngày hè oi ả hay khi tâm trạng bức bối, khó chịu, chẳng còn gì tuyệt vời hơn được thưởng thức một món đồ uống mát lạnh vừa chua vừa ngọt. Không chỉ chăm sóc sức khỏe, đồ uống này còn giúp bạn phấn chấn tâm trạng ngay tức thì. Ứng cử viên sáng giá thuộc hàng top trong danh sách ấy không thể không kể đến chính là chanh leo.
Chanh leo thơm ngon và là lựa chọn hoàn hảo cho nhiều người, đặc biệt là các chị em muốn sở hữu vóc dáng cân đối và làn da mịn màng, trắng hồng.
Mặc dù vậy, giới chuyên gia cảnh báo có một số lưu ý bạn không được bỏ qua nếu không muốn biến đồ uống nhiều giá trị dinh dưỡng này thành "thuốc độc":
Không uống nhiều nước chanh leo
Nhiều người cho rằng chanh leo có vị chua dịu, không chứa calo rất thích hợp cho việc giảm cân, nên vào mùa hè không thiếu chị em mua hàng cân chanh tích trữ uống dần hàng ngày để giảm cân. Chưa kể, nếu vào giai đoạn chính vụ, nhiều người có tâm lý cho rằng chanh leo ít có nguy cơ bị phun thuốc trừ sâu, lại được tính ham của rẻ, trong khi thực phẩm quá nhiều dinh dưỡng nên ăn thật nhiều. Đây đều là những thói quen uống nước chanh leo sai cách mà mọi người cần cẩn trọng.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm (Nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh Dưỡng Quốc gia), nước chanh leo dù bổ dù tốt đến mấy cũng cần sử dụng điều độ mới phát huy hiệu quả chứ không phải cứ càng uống nhiều thì càng tốt. Bất cứ loại thực phẩm nào cũng cần ăn uống điều độ, việc lạm dụng đều có thể biến những thứ được coi là tiên dược phản tác dụng hoàn toàn.
Chuyên gia khuyên, tốt nhất là bạn chỉ nên uống không quá 2 cốc mỗi ngày. Khi uống, nước chanh leo cần được pha loãng chứ không nên uống quá đặc để đảm bảo tính giải khát. Mỗi ngày bạn có thể pha 3 quả chanh leo cho 2 cốc nước uống sẽ rất tốt cho sức khỏe – với người khỏe mạnh bình thường.
Chú ý lượng đường cho vào pha chế
Chú ý lượng đường khi pha bởi chanh leo chua, lỡ tay cho quá nhiều đường có thể không phát hiện ra vị ngọt nhân tạo nhưng ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe, thậm chí có thể khiến đổ vỡ công cuộc xây dựng "dáng đẹp da xinh" cũng là lưu ý của BS Nguyễn Thị Lâm muốn chị em ghi nhớ.
Không uống nước chanh leo khi bụng đói
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, chanh leo giàu tính axit, nếu uống khi đói bụng sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ cho sức khỏe dạ dày. Thói quen ăn đồ chua, uống đồ chua khi bụng rỗng khiến dạ dày trong quá trình co bóp sẽ bị ăn mòn bởi axit, gây ra tình trạng viêm loét dạ dày, thậm chí xuất huyết dạ dày. Đây là thói quen uống nước chanh leo sai cách rất nhiều người mắc nhưng không hay nhận ra, chỉ đến khi phát hiện mắc bệnh dạ dày mới ngã ngửa.
Vì thế, vị chuyên gia này khuyên, tốt nhất mọi người chỉ nên uống nước chanh leo sau khi đã ăn đủ no khoảng 30 phút để đảm bảo không ảnh hưởng đến sức khỏe dạ dày.
Bệnh nhân dạ dày cần uống thận trọng
Theo lương y Vũ Quốc Trung (Phòng Chẩn trị Y học cổ truyền), bệnh nhân mắc bệnh dạ dày không được tùy tiện ăn uống những thực phẩm có tính axit. Chanh leo là một trong những loại trái cây có nhiều tính axit nhất. Nếu uống quá nhiều nước chanh leo một lúc có thể làm nghiêm trọng thêm các triệu chứng của bệnh dạ dày như hội chứng trào ngược dạ dày, chứng ợ chua…
Do đó, chuyên gia khuyên người mắc bệnh dạ dày cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi uống chanh leo để phù hợp tình hình sức khỏe, cơ địa của bản thân, tránh hậu quả không mong muốn.
Lưu ý khi ăn bí ngô để tránh biến thực phẩm vàng thành "thuốc độc"Đọc ngay
Người có cơ địa dị ứng không nên dùng
Theo chuyên gia, trong chanh leo có chứa các chất dễ gây dị ứng, nổi mề đay, khó thở, phù mạch… nếu không cấp cứu kịp thời có thể gây sốc phản vệ, nguy hiểm tính mạng. Do đó, người có cơ địa dị ứng tốt nhất không nên dùng, hoặc nếu muốn nhất định phải tham khảo ý kiến chuyên gia.
Uống nước chanh leo có cả hạt cần thận trọng
Nhiều người có thói quen uống nước chanh leo kèm nhai cả hạt mới thú vị. Tuy nhiên cần chú ý liều lượng, nếu ăn quá nhiều hạt chanh leo có thể gây khó tiêu. Đặc biệt khi sử dụng hạt chanh leo kèm các loại thuốc, tránh uống hạt chanh leo với thuốc chống trầm cảm vì hạt chanh có tính an thần, không dùng cùng aspirin vì có thể làm tăng tác dụng của thuốc, gây loãng máu.