Ưu đãi thuế CNTT phải đi đôi với chính sách hỗ trợ sản xuất

15/10/2015 01:21
Theo dõi ICTVietnam trên

Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam: Việc xây đựng đề án ưu đãi thuế cho doanh nghiệp CNTT góp phần tạo động lực phát triển cho lĩnh vực này

Song song với mục tiêu phát triển ngành công nghiệp CNTT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025”, Việt Nam đang triển khai một số chính sách nhằm đưa Công nghệ thông tin (CNTT) trở thành ngành kinh tế có tốc độ phát triển nhanh, bền vững.

Đáng lưu ý là việc xây dựng chính sách thuế ưu đãi dành cho doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT. Đề án này vừa được Hội Tư vấn thuế hoàn thiện với đề xuất giảm nhiều loại thuế cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Tuy vậy, nếu nhìn toàn diện ngành công nghệ thông tin việc ưu đãi thuế mới chỉ là điều kiện cần bên cạnh những chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm, thị trường cho các doanh nghiệp trong nước trước sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt với các doanh nghiệp nước ngoài.

Trước hết có thể nhận thấy, đề án ưu đãi thuế cho doanh nghiệp công nghệ thông tin mang lại nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp, với đề xuất ưu đãi thuế GTGT đối với doanh nghiệp CNTT, chuyển từ diện không chịu thuế thành không kê khai tính thuế.

Điều này đồng nghĩa với việc không tính thuế VAT đối với các dịch vụ CNTT nhưng vẫn được khấu trừ VAT đầu vào; Đề xuất ưu đãi bằng việc đưa dịch vụ CNTT và phần mềm vào nhóm được hưởng ưu đãi thuế với mức ưu đãi là được hưởng thuế suất 10% trong vòng 15 năm; ưu đãi thuế thu nhập cá nhân (TNCN), với việc giảm 50% thuế thu nhập cá nhân và thêm phụ cấp ngành nghề 25%,tạo điều kiện thu hút nhân lực công nghệ cao...

Như vậy có thể thấy chủ trương ưu đãi thuế cho doanh nghiệp CNTT là đúng và cần thiết, không chỉ khuyến khích kinh doanh CNTT mà còn để thúc đẩy ứng dụng và xuất khẩu CNTT.

Theo ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam: "Quản lý thuế phải được chú trọng, đề phòng bị lợi dụng. Việc xây đựng đề án ưu đãi thuế cho doanh nghiệp CNTT góp phần tạo động lực phát triển cho lĩnh vực này, đồng thời không phải là vấn đề gây bất bình cho các lĩnh vực khác". Trong khi đó giảm thu thuế do ưu đãi lại rất nhỏ so với thuế ở những lĩnh vực khác và cũng nên quan tâm hơn đến ưu đãi thị trường và tiêu dùng cho doanh nghiệp CNTT.

Riêng với phần thuế thu nhập cá nhân (TNCN), đề xuất giảm 50% thuế thu nhập cá nhân và thêm phụ cấp ngành nghề 25% theo ông Vũ Hoàng Liên là chính sách có ý nghĩa nhất.

Bởi lẽ theo ông Liên, ưu đãi VAT có tác dụng kích cầu trong nước hơn là lợi ích của doanh nghiệp CNTT. Ưu đãi thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) tạo lợi thế cạnh tranh và khuyến khích đầu tư, kinh doanh còn ưu đãi thuế TNCN là động lực phát triển nguồn nhân lực CNTT đồng thời là động lực cho cả cung và cầu và là ưu đãi thiết thực chỉ cho Việt Nam. Do vậy ở khía cạnh ưu đãi này cần tổ chức quản lý tốt, đặc biệt là thuế TNCN của người nước ngoài có giấy phép lao động CNTT tại Việt Nam.

Tuy nhiên, có một điều đáng lưu ý, về phía doanh nghiệp nước ngoài cần cóđánh giá giá trị thực hiệu quả kinh tế họ đóng góp cho Việt Nam chứ không chỉ là những chỉ số tài chính doanh nghiệp thuần túy. Có vậy, ưu đãi doanh nghiệp nước ngoài mới không bị lợi dụng. Mặc dù vậy, với sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực CNTT, cạnh tranh về giá chưa phải là quan trọng nhất. Vì vậy, đó cũng không hẳn là rào cản đối với doanh nghiệp CNTT nước ngoài. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam không nâng cao năng lực cạnh tranh, không quản trị kinh doanh tốt ưu đãi thuế cũng không phải là cứu cánh, thậm chí còn gây dựa dẫm.

Theo ông Lê Thanh Nam, phó Giám đốc công ty cổ phần BKAV, ưu đãi thuế thực sự có lợi khi một đơn vị có sản phẩm đưa ra thị trường. Nhưng CNTT Việt Nam lại đang ở giai đoạn đầu, khởi nghiệp, cần sự hỗ trợ về tài chính để phát triển, đưa ra sản phẩm tốt. Đặc biệt khi Việt Nam tham gia hiệp định TPP, Chính phủ Việt Nam cần thúc đẩy công nghiệp công nghệ thông tin bằng việc khuyến khích người dân sử dụng hàng Việt Nam, các sản phẩm made in VN bên cạnh những ưu đãi về thuế.

Điều này theo ông Lê Thanh Nam "phải có chính sách phù hợp cho từng giai đoạn. Giai đoạn đầu này cần có chính sách thiết thực cụ thể để phát triển sản phẩm và thị trường, chưa phải là chính sách thuế".

Ở một số nước phát triển như Singapore, Hàn Quốc hay Nhật Bản, chính phủ đều có chính sách cụ thể nhằm thúc đẩy công nghệ cao trong nước. Tại Singapore, doanh nghiệp mới thành lập 3 năm đầu được miễn tiền thuê văn phòng; Hỗ trợ giá khi bán sản phẩm theo định hướng nhà nước, nằm trong diện ưu đãi, khuyến khích phát triển hoặc nhà nước hỗ trợ trực tiếp bằng tiền.

Với Hàn Quốc, Nhật Bản bên cạnh việc hỗ trợ đối với hãng công nghệ lớn, chính phủ cũng khuyến khích người dân ưu tiên dùng sản phẩm trong nước, thúc đẩy nền công nghiệp công nghệ thông tin trong nước phát triển.

Với quyết định 392/QĐ-TTg về “Chương trình mục tiêu phát triển ngành công nghiệp CNTT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025”, Công nghệ thông tin (CNTT) sẽ trở thành ngành kinh tế có tốc độ phát triển nhanh, bền vững, doanh thu cao và có giá trị xuất khẩu vào năm 2025.

Nếu làm tốt chính sách thuế, những người làm CNTT ở Việt Nam sẽ không phải mở công ty ở nước ngoài, đóng thuế ở nước ngoài. Nếu làm tốt hơn một bước nữa thì những người làm việc ở nước ngoài có thể mở doanh nghiệp ở Việt Nam và đóng thuế ở Việt Nam. Mặc dù vậy, bên cạnh chính sách ưu đãi thuế thì doanh nghiệp Việt Nam đang rất cần thêm những chính sách hỗ trợ sản xuất và mở rộng thị trường. Điều đó mới có thể tạo nên sự vững chắc trong sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ với các doanh nghiệp công nghệ thông tin nước ngoài./.

CTV Đinh Thúy/VOV.VN

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ưu đãi thuế CNTT phải đi đôi với chính sách hỗ trợ sản xuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO