Đời sống xã hội

Ưu tiên nguồn lực phát triển con người ở Thủ đô

Hoàng Hà 09/11/2024 16:44

Trong sự nghiệp phát triển văn hóa, vấn đề xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện được thành phố xác định là một trong những nội dung trọng tâm, xuyên suốt, góp phần thúc đẩy Thủ đô ngày càng phát triển hiện đại, văn minh, giàu bản sắc văn hóa.

Vì mục tiêu xây dựng nếp sống thanh lịch, văn minh

Việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ được Hà Nội đặc biệt quan tâm trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô; là một trong năm nhiệm vụ chủ yếu của Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) được Đảng bộ thành phố Hà Nội đề ra, xác định đây là khâu đột phá trong thực hiện Chương trình 06-CTr/TU về "Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2020-2025". Tháng 2/2024, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU về "tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh" nhằm phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, xây dựng, thực hiện hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Thủ đô trong thời kỳ mới. Chỉ thị 30-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội khẳng định tư duy vừa mang tính kế thừa, vừa bổ sung, hoàn thiện, thể hiện quyết tâm chính trị mới nhằm tạo ra kết quả mới trong một nhiệm vụ có tầm quan trọng đặc biệt.

anh-4.jpg
Lễ hội đền Kim Liên, Hà Nội.

Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố, các địa phương, đơn vị, MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã triển khai nhiều phong trào thi đua phù hợp với đặc thù của ngành, đơn vị và đạt nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Mặt trận Tổ quốc thành phố với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư"; Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội với phong trào xây dựng người Phụ nữ Thủ đô "trung hậu - năng động -sáng tạo - đảm đang - thanh lịch"; Thành Đoàn TNCS phát động Cuộc vận động "Xây dựng thế hệ trẻ Thủ đô văn minh - thanh lịch - hiện đại"; Liên đoàn lao động thành phố với cuộc vận động "Xây dựng nếp sống văn hóa công nghiệp"; Công an thành phố tập trung triển khai tốt phong trào "Công an nhân dân thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy"; Sở Giáo dục và Đào tạo với phong trào thi đua "Hai tốt"; triển khai thực hiện cuộc vận động xây dựng "Nhà trường văn hóa – Nhà giáo mẫu mực – Học sinh thanh lịch"… Triển khai 2 quy tắc ứng xử (Quy tắc ứng xử nơi công cộng và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong các cơ quan trực thuộc) đến nay, TP Hà Nội đã phát hành hơn 30.000 sổ tay Quy tắc ứng xử. Việc thực hiện 2 quy tắc ứng xử văn hóa đã góp phần tích cực trong việc xây dựng, lan tỏa nếp sống thanh lịch, văn minh, bồi đắp và hoàn thiện nhân cách con người Thủ đô.

Hà Nội xác định nhiệm vụ cốt lõi là tập trung xây dựng thành phố tiêu biểu về lối sống, phong cách ứng xử có văn hóa và nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh như: Triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung của phong trào "Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa", trọng tâm là xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng Gia đình văn hóa, Thôn văn hóa, Tổ dân phố văn hóa, các cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa... nhằm từng bước đi vào cuộc sống, có những những tác động tích cực, được dư luận nhân dân đồng tình, hưởng ứng. Hà Nội cũng là địa phương triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia như: Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững… đã góp phần rút ngắn khoảng cách chênh lệch về hưởng thụ văn hóa của nhân dân trên địa bàn thành phố.

Việc xây dựng môi trường văn hóa trên địa bàn thành phố được triển khai cụ thể hóa thông qua triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung của phong trào "Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa", trọng tâm là xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa, tổ dân phố văn hóa. Trong xây dựng gia đình văn hóa tập trung triển khai thực hiện bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình nhằm tuyên truyền giá trị về văn hóa truyền thống, phát huy giá trị tốt đẹp trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững, xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh. Xây dựng thôn, làng văn hóa được gắn với xây dựng nông thôn mới, tổ dân phố văn hóa gắn với xây dựng đô thị văn minh với các phong trào thi đua người tốt, việc tốt. Kết quả các mô hình thôn, làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa tiêu biểu như: "thôn, tổ dân phố tự quản", "thôn, tổ dân phố 5 không, 3 sạch" được xây dựng và nhân rộng trên địa bàn thành phố. Hiện thành phố có 88.0% gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, 63.0% thôn (làng) đạt danh hiệu Làng văn hóa, có 72.5% tổ dân phố đạt danh hiệu Tổ dân phố văn hóa.

Giải pháp khắc phục tồn tại

Tuy nhiên so với yêu cầu, nhiệm vụ, nhất là mục tiêu hiện thực hóa khát vọng xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể, trong nhận thức, một số cấp ủy Đảng, chính quyền còn xem nhẹ giá trị văn hóa, giá trị con người Hà Nội trong phát triển mọi mặt đời sống xã hội; còn thiên về các giá trị kinh tế, chưa chú ý tới nhân tố văn hóa và con người trong xây dựng và thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dẫn đến tình trạng phá vỡ không gian kiến trúc, xâm hại di sản văn hóa, biến dạng cảnh quan đô thị và nông thôn. Bên cạnh đó là nhận thức, việc tổ chức triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền chưa quyết liệt, đồng bộ, thiếu sự kiểm tra, giám sát thường xuyên, chế tài xử phạt còn nhiều hạn chế…

Trước thực trạng đó, để phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thực sự trở thành nguồn lực nội sinh cho sự phát triển bền vững cần thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp như: Đổi mới, sáng tạo và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, thành phố về xây dựng và phát triển văn hóa Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, qua đó nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân TP Hà Nội về vị trí, vai trò quan trọng của công tác xây dựng văn hóa, con người trong quá trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Bên cạnh đó tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao vai trò của các cấp ủy và chính quyền thành phố trong xây dựng và phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa. Cụ thể hóa các đặc trưng về người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong hệ thống chính trị, trong các cơ quan, đơn vị, trong mỗi gia đình và mọi tầng lớp nhân dân.

Tập trung xây dựng nếp sống văn minh và môi trường văn hóa phong phú, lành mạnh; chú trọng vai trò và sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình - nhà trường - xã hội; Tiếp tục nhân rộng và lan tỏa những tấm gương điển hình, người tốt, việc tốt, những giá trị văn hóa tốt đẹp, như lòng yêu nước, niềm tự hào, ý thức trách nhiệm, tinh thần thượng tôn pháp luật, tinh thần sẵn sàng cống hiến, sáng tạo… trong mỗi người dân Hà Nội, khơi dậy khát vọng phát triển TP Hà Nội trong bối cảnh mới; Đẩy mạnh hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, nhất là đội ngũ cán bộ ở cơ sở, nhằm nâng cao năng lực trong việc tham mưu, đề xuất, thẩm định, quản lý các hoạt động xây dựng văn hóa, con người Hà Nội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Tiếp tục quan tâm, bổ sung chính sách phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh cán bộ trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, trọng dụng người có tài, có đức; xây dựng cơ chế thu hút tài năng trẻ; tạo môi trường, điều kiện tốt để trí thức, văn nghệ sĩ, doanh nhân và toàn thể nhân dân Hà Nội phát huy tài năng, sức sáng tạo, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thúc đẩy sự phát triển bền vững của Thủ đô và cả nước

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Cyseex 2024: Nâng cao khả năng ứng cứu, phục hồi hệ thống sau thảm họa là nhiệm vụ cấp thiết
    Năm 2024, Liên minh An toàn Thông tin CYSEEX đã thực hiện diễn tập an ninh mạng trên 18 hệ thống, phát hiện 497 lỗ hổng, trong đó có 93 lỗ hổng nghiêm trọng; đào tạo, đánh giá hơn 14.000 nhân viên, góp phần giảm 40% lỗ hổng nguy hiểm, nâng cao năng lực ứng phó và nhận thức bảo mật trong các tổ chức thành viên.
  • Nền tảng ứng dụng iTitan hỗ trợ nhiều lĩnh vực đời sống
    Mặc dù là một nền tảng mới, nhưng iTitan có một chơ chế tổng hợp dữ liệu khá đặc biệt, cho phép tổng hợp theo cả cơ chế tập trung hoặc phi tập trung.
  • eSports Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới
    FPT Techday 2024 đã mang đến những thông tin chuyên sâu và trải nghiệm độc lạ của bộ môn thể thao điện tử thông qua hai tọa đàm với chủ đề “eSports Việt đang ở đâu trên bản đồ thế giới?” và “Tuyển thủ eSports - "Hạt giống" cho giấc mộng tỷ đô” và các trận đấu kịch tính, gay cấn, đầy tính chiến thuật của hai đội tuyển lừng danh Team GAM và Team Flash.
  • Khi chưa có luật bảo vệ trẻ em trên Internet, cha mẹ cần làm gì?
    Cha mẹ, nhà giáo dục và các nhà hoạch định chính sách đều đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một bối cảnh kỹ thuật số hỗ trợ phát triển và không ảnh hưởng đến sự an toàn của các em.
  • Hồng Kông nâng cao dịch vụ ID số và giấy phép lái xe điện tử
    Đây là những hoạt động thể hiện cam kết của Hồng Kông trong việc chuyển đổi số các dịch vụ công. Việc triển khai thẻ căn cước điện tử e-HKIC và giấy phép lái xe điện tử e-DL không chỉ giúp cải thiện sự thuận tiện mà còn giúp người dân truy cập các tài liệu quan trọng một cách an toàn và kỹ thuật số.
Đừng bỏ lỡ
Ưu tiên nguồn lực phát triển con người ở Thủ đô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO