Quang cảnh Đại hội Đảng lần thứ XII. Ảnh dangcongsan.vn |
Khẳng định nền kinh tế nhiều thành phần
Trên cơ sở tổng kết thực tiễn 30 năm đổi mới, Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã có những khái quát mới về lý luận: “Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật”[1].
Lần đầu tiên trong Văn kiện, Đảng ta khẳng định nội dung, kết cấu của nền kinh tế XHCN Việt Nam là có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng trước pháp luật. Đây là một bước phát triển mới trong nhận thức lý luận của Đảng về nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta.
Từ thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội trong 30 năm đổi mới, chúng ta ngày càng nhận thức rõ hơn mối quan hệ giữa chế độ sở hữu, hình thức sở hữu và loại hình kinh doanh. Mỗi chế độ sở hữu trong thực tiễn có thể có nhiều hình thức sở hữu mà ở đó sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất và biểu hiện ra là các loại hình kinh doanh có hiệu quả cao góp vào quá trình tăng trưởng kinh tế. Sự phát triển đa dạng của các hình thức sở hữu là do sự phát triển của lực lượng sản xuất. Lực lượng sản xuất càng đa dạng, trình độ kinh tế - xã hội càng phát triển, quan hệ sản xuất càng mở rộng thì tính đa dạng trong quan hệ sở hữu cũng ngày càng tăng lên.
Vì vậy, Văn kiện Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Những nhận thức trên đây có giá trị định hướng lâu dài trong suốt thời kỳ quá độ, cần tiếp tục cụ thể hoá phù hợp với từng giai đoạn phát triển”[2]. Đây là một bước tiến nhằm tạo một không gian mở cho quy luật về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất hoạt động, để có thể tránh giáo điều chủ quan về số lượng, tỷ lệ các hình thức sử hữu, thành phần kinh tế và loại hình doanh nghiệp như trước đây.
Thể chế hóa sở hữu và loại hình doanh nghiệp
Để “Tiếp tục hoàn thiện thể chế về sở hữu, phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp”[3], Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã đưa ra khái quát mới về mặt lý luận: “Thể chế hoá quyền tài sản (bao gồm quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt và hưởng lợi từ sử dụng tài sản) của Nhà nước, tổ chức và cá nhân đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013”[4].
Theo đó, “Mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đều phải hoạt động theo cơ chế thị trường, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật. Có chính sách thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp Việt Nam thật sự trở thành lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp CNH, HĐH. Bảo đảm quyền tự do kinh doanh các lĩnh vực mà luật pháp không cấm”[5].
“Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo hướng: doanh nghiệp nhà nước tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh; những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư”[6].
“Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của kinh tế tập thể, kinh tếhợp tác xã; đẩy mạnh liên kết và hợp tác dựa trên quan hệ lợi ích, áp dụng phương thức quản lý tiên tiến, phù hợp với cơ chế thị trường”[7].
“Khuyến khích phát triển các loại hình doanh nghiệp, các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh với sở hữu hỗn hợp, nhất là các doanh nghiệp cổ phần. Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế”[8].
“Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài, chú trọng chuyển giao công nghệ, trình độ quản lý và thị trường tiêu thụ sản phẩm; chủ động lựa chọn và ưu đãi đối với các dự án đầu tư nước ngoài có trình độ quản lý và công nghệ hiện đại, có vị trí hiệu quả trong chuỗi giá trị toàn cầu, có liên kết với doanh nghiệp trong nước”[9].
Cách tiếp cận mới của Văn kiện Đại hội XII của Đảng là phù hợp với lý luận của V.I. Lê nin về các thành phần kinh tế trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Tính uyển chuyển, linh hoạt phù hợp với thực tiễn khách quan. Giai đoạn áp dụng chính sách cộng sản thời chiến, thành phần kinh tế được nhấn mạnh trên cơ sở quan hệ sở hữu nhất định, nhưng khi chính sách kinh tế mới (NEP) ra đời, thành phần kinh tế lại được nhấn mạnh đến các hình thức kinh tế.
Như vậy, ở các giai đoạn khác nhau thì nhận thức về thành phần kinh tế cũng có sự thay đổi, đó là quá trình khách quan phù hợp với quy luật nhận thức. Vì vậy, quá trình đổi mới tư duy về các thành phần kinh tế ở nước ta qua các kỳ Đại hội của Đảng là hoàn toàn phù hợp với nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng hơn.
Vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước
Trong Văn kiện Đại hội XII, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh; sử dụng các nguồn lực của Nhà nước và công cụ, chính sách để định hướng và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và bảo vệ môi trường; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển. Phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hộ[10]
Đảng ta chủ trương trong thời kỳ mới: “phấn đấu cơ bản hoàn thiện đồng bộ hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN theo các tiêu chuẩn phổ biến của nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; bảo đảm tính đồng bộ giữa thể chế kinh tế và thể chế chính trị, giữa Nhà nước và thị trường; bảo đảm sự hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá, phát triển con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển xã hội bền vững”[11].
Như chúng ta đã biết, tại Đại hội VIII (1996), Đảng ta lần đầu tiên đưa ra phạm trù kinh tế nhà nước thay vì cách gọi kinh tế quốc doanh trước đó, với nội hàm rộng hơn, bao quát được toàn bộ các hoạt động quản lý tài nguyên của đất nước; những cơ sở hạ tầng được tạo ra; các loại quỹ của quốc gia; các doanh nghiệp nhà nước bao gồm cả doanh nghiệp công ích và doanh nghiệp kinh doanh... Nhờ đó, đã giải quyết được vấn đề nhận thức thực tiễn cũng như lý luận về vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước.
Các doanh nghiệp nhà nước hoạt động có hiệu quả cao sẽ góp phần tăng cường tiềm lực và sức mạnh của kinh tế nhà nước trong sứ mệnh chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Cho nên, việc tăng hay giảm cả về quy mô, số lượng, chất lượng hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước chỉ phản ánh một bộ phận của kinh tế nhà nước nói chung, chứ không thể coi đó là toàn bộ kinh tế nhà nước với vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân.
Văn kiện Đại hội XII còn chỉ rõ: “Tách bạch nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và nhiệm vụ chính trị, công ích. Tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước và chức năng quản lý nhà nước, chức năng quản trị kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước; sớm xoá bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước của các bộ, Uỷ ban nhân dân đối với vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp… Kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và nâng cao năng lực quản trị, quản lý doanh nghiệp nhà nước phù hợp với chuẩn mực quốc tế”[12].
Để có sự chuyển biến nhận thức từ giai đoạn phân chia các thành phần kinh tế thành hai loại: Kinh tế XHCN và phi XHCN (trước đổi mới), đến thừa nhận nền kinh tế nhiều thành phần (trong đổi mới), và thừa nhận tất cả các thành phần kinh tế đều là những bộ phận cấu thành của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là một quá trình lâu dài, phải trải qua 30 năm đổi mới. Điều quan trọng nhất là đã khẳng định vai trò của các thành phần kinh tế qua sự đóng góp đối với sự tăng trưởng và hiệu quả kinh tế mang lại cho nền kinh tế quốc dân.
Như vậy, từ thực tiễn đổi mới xây dựng CNXH ở Việt Nam, Đảng ta đã có những đóng góp quan trọng vào lý luận về những đặc trưng kinh tế của thời kỳ quá độ lên CNXH. Đây cũng là một trong những thành tựu quan trọng có ý nghĩa lịch sử trong 30 năm đổi mới./.
[1] Văn kiện Đại hội XII 2016, tr 20
[2] Văn kiện Đại hội XII 2016, tr 20
[3] Văn kiện Đại hội XII 2016, tr 20
[4] Văn kiện Đại hội XII 2016, tr 20
[5] Văn kiện Đại hội XII 2016, tr 21
[6] Văn kiện Đại hội XII 2016, tr 21
[7] Văn kiện Đại hội XII 2016, tr 21
[8] Văn kiện Đại hội XII 2016, tr 22
[9] Văn kiện Đại hội XII 2016, tr 21
[10] Văn kiện Đại hội XII 2016, tr 20
[11] Văn kiện Đại hội XII 2016, tr 20
[12] Văn kiện Đại hội XII 2016, tr 21