Vai trò của Công tác tư tưởng, định hướng dư luận xã hội và thanh niên

Minh Hùng - Ngọc Quỳnh| 14/06/2016 09:26
Theo dõi ICTVietnam trên

Một trong những nội dung quan trọng của đổi mới công tác tư tưởng là đổi mới công tác đấu tranh phòng, chống những lệch lạc, suy thoái về tư tưởng chính trị trong cán bộ, đảng viên; đặc biệt là đối với cán bộ, đảng viên trẻ.

Trên thực tế lịch sử thế giới đầu thế kỷ XXI, đã có nhiều ví dụ minh chứng mạnh mẽ về vai trò của công tác tư tưởng trong định hướng dư luận xã hội:

- Từ điểm chung của các cuộc cách mạng sắc màu, có thể thấy vai trò của các mạng xã hội, truyền thông phương Tây khi đã “xâm chiếm tư tưởng” của đông đảo nhân dân nước sở tại, trong đó lực lượng chính là thanh niên. Nhiều bài học khác nhau đã được rút ra, nhưng bài học kinh điển vẫn là ai nắm được tư tưởng, định hướng được dư luận xã hội thì sẽ thắng; cụ thể hơn, phương thức công tác tư tưởng mới đã thắng thế phương thức công tác tư tưởng cũ.

- Từ nhận thức thế giới phẳng đến thế giới không phẳng; lợi ích, thuận lợi đan xen với thiệt hại, khó khăn; vấn đề đối tác và đối tượng; các vấn đề toàn cầu; các vấn đề về truyền thông hiện đại, truyền thông mới; công dân trong một thế giới ngày càng phẳng… cho thấy công tác tư tưởng giai đoạn hiện nay hết sức phức tạp nhưng không thể không xác định rõ tính chất, đặc trưng; xác định rõ nội dung định hướng dư luận xã hội giai đoạn hiện nay, nếu không nguy cơ chệch hướng, lệch lạc, suy thoái là rất cao; sự mơ hồ, “ảo tưởng” về những thứ mỹ miều bên ngoài mà không nắm được cái nguy hiểm bên trong đã hiện hữu trong thanh niên nói chung, kể cả cán bộ, đảng viên trẻ.

- Lịch sử công tác tư tưởng – với nghĩa rộng là hoạt động tư tưởng của tất cả các quốc gia, đảng phái, giai cấp,… đang có những biến đổi mạnh mẽ, có nhiều vấn đề mới, như xâm lăng văn hóa, bành trướng thông tin, định hướng dư luận xã hội xuyên quốc gia, sức mạnh mềm,… Việc truyền thông nước này định hướng dư luận xã hội nước khác, quốc gia này bằng sức mạnh mềm chi phối tư tưởng nước khác để dẫn tới chi phối chính trị đã xảy ra. Đối với công tác tư tưởng của Đảng ta, bên cạnh những vấn đề mới đó, tồn tại nhiều vấn đề không mới, những vấn đề thường xuyên như chiến lược diễn biến hòa bình, tự diễn biến, tự chuyển hóa,… ảnh hưởng rất lớn đến công tác định hướng dư luận xã hội, nhất là với thanh niên, kể cả cán bộ, đảng viên trẻ. Xã hội Việt Nam, và nhiều xã hội các nước đang phát triển khác, đang hội tụ đầy đủ các yếu tố để tạo ra những lệch lạc trong tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của thanh niên.

Thực tế trên đòi hỏi công tác tư tưởng phải có những đổi mới về nội dung, phương thức định hướng dư luận xã hội. Đồng thời, xác định rõ, đổi mới phương thức, nội dung thể hiện nhưng tuyệt đối không thay đổi hệ tư tưởng – đây là điều mà nhiều người còn nhầm lẫn, ngụy biện khi chọn lựa con đường khác.

Công tác tư tưởng, được thực hiện ở bất cứ nhóm cá nhân, tổ chức, đảng phái, giai cấp nào, suy cho cùng là nhằm tác động tới nhận thức, từ đó định hướng hoạt động thực tiễn của con người. Hay nói cách khác, một trong những biểu hiện tập trung của công tác tư tưởng là định hướng dư luận xã hội. Công tác tư tưởng chịu nhiều yếu tố tác động khác nhau nhưng yêu cầu cao nhất đó là phải theo kịp trình độ phát triển của xã hội, trình độ nhận thức của đối tượng chịu tác động của công tác tư tưởng; không theo kịp những vấn đề này thì chắc chắn sẽ thua trong “cuộc chiến” tranh giành tầm ảnh hưởng tư tưởng, truyền bá hệ tư tưởng… Do đó, những năm gần đây, nhất là sau Đổi mới năm 1986, đổi mới công tác tư tưởng là một nội dung được Đảng ta thường xuyên nhắc trong các kỳ đại hội, qua các văn kiện, nghị quyết, chỉ thị. Mới đây nhất, Đại hội XII của Đảng yêu cầu:

“Đổi mới công tác tư tưởng, lý luận

Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác tư tưởng…

Đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Tăng cường đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; chủ động ngăn chặn, phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch”.

Trên thực tế, nhiều năm qua Đảng ta luôn yêu cầu đổi mới công tác tư tưởng, nhưng kết quả đạt được chưa được như mong muốn. Các mặt hạn chế đã được Đại hội XII thẳng thắn nhìn nhận: Chất lượng và hiệu quả công tác tư tưởng, lý luận chưa cao. Chậm khắc phục có hiệu quả những hạn chế của công tác tư tưởng như thiếu sắc bén, chưa thuyết phục. Đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” còn bị động, hiệu quả chưa cao…Do đó, đổi mới công tác tư tưởng là vấn đề rất cần thiết hiện nay.

Thanh niên Việt Nam nói chung, cán bộ, đảng viên trẻ nói riêng hiện nay có những đặc điểm tâm lý, xã hội khác so với các giai đoạn khác. Ngày nay, bên cạnh những mặt ưu điểm, thanh niên Việt Nam còn rất nhiều mặt hạn chế, sự lệch lạc, suy thoái về tư tưởng chính trị biểu hiện trên nhiều khía cạnh, cụ thể như sau:

Một bộ phận thanh niên bản lĩnh chính trị non kém, lập trường tư tưởng không vững vàng, dễ dao động, thậm chí dễ bị dụ dỗ, lôi kéo, kích động tham gia vào các hoạt động trái pháp luật. Với âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch thường xuyên dùng mọi chiêu bài để lôi kéo thanh niên, khiến thanh niên có những nhận thức sai lệch về các vấn đề xã hội, về Đảng và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Chúng lập ra ngày càng nhiều những diễn đàn, trang thông tin mạng, trang facebook…để tuyên truyền phản động. Thực tế, chúng đang âm mưu thành lập những nhóm thanh niên và tiến tới là một tổ chức thanh niên bị kích động, chịu ảnh hưởng của chúng. Âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch là vậy và chúng vẫn đang tiến hành âm mưu đó trên mọi lĩnh vực, thế nhưng, thanh niên hiện nay vẫn quá mơ hồ về chính trị, về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nhận thức sơ sài cùng với tâm lý hiếu thắng, chuộng cái mới lạ, thanh niên lại càng dễ dao động, lôi kéo, kém nhạy cảm chính trị và không biết được đâu là đúng, đâu là sai.

Sự quan tâm của thanh niên tới các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là lĩnh vực chính trị còn chưa đúng tầm, thậm chí là thờ ơ chính trị. Một bộ phận thanh niên bàng quan trước những vấn đề bức bối của đời sống. Sự hiểu biết của thanh niên về những vấn đề thời sự trong nước và thế giới còn hạn hẹp, chưa nắm được bản chất vấn đề. Nhiều thanh niên kém hiểu biết về lịch sử dân tộc. Có thể nói, lịch sử là bài học quý giá nhất để chúng ta soi vào và rút ra những kinh nghiệm cho hôm nay và mai sau, đây cũng là nguồn động viên, niềm tự hào vô cùng to lớn. Như Bác Hồ đã dạy: “Dân ta phải biết sử ta…”. Thế nhưng, đáng buồn khi thanh niên ngày nay lại không am hiểu về lịch sử và đất nước mà họ đang và sẽ làm chủ.

Quan niệm sống của một bộ phận thanh niên hiện nay cũng có nhiều điểm lệch lạc, thiếu lý tưởng sống. Sự lai căng văn hóa khiến thanh niên có suy nghĩ ngày càng thực dụng, coi trọng giá trị vật chất hơn giá trị tinh thần và mơ hồ trong cách nhìn nhận, đánh giá vấn đề. Những giá trị tốt đẹp dần dần mất đi, thay vào đó là lối suy nghĩ kệch cỡm, xa lạ với văn hóa Việt. Vấn đề đáng báo động hiện nay là nạn bạo lực học đường, dường như thanh niên ngày càng sai lầm trong việc thể hiện bản thân, thể hiện cái “tôi”, họ đang chà đạp lên tấm lòng nhân hậu, bao dung, vị tha của người Việt từ bao đời nay và sẵn sàng “động thủ” vì bất cứ lý do gì.

Từ những nhận thức, quan điểm sống lệch lạc, thanh niên ngày càng sa vào những tệ nạn xã hội, như ma túy, mại dâm, trộm cướp, cờ bạc… Những phạm nhân “tuổi teen” xuất hiện ngày càng nhiều, trong đó có cả những sinh viên, trí thức. Ý thức chấp hành pháp luật của thanh niên đang xuống thấp, Một bộ phận thanh niên không am hiểu pháp luật nhưng cũng có một bộ phận thanh niên am hiểu nhưng cố tình vi phạm pháp luật, cán bộ, đảng viên trẻ cũng không ngoại lệ. Sự giám sát chưa cao khiến thanh niên tạm quên đi nghĩa vụ công dân và quên đi cả trách nhiệm của một đảng viên.

Đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên trẻ

Một trong những nội dung quan trọng của đổi mới công tác tư tưởng là đổi mới công tác đấu tranh phòng, chống những lệch lạc, suy thoái về tư tưởng chính trị trong cán bộ, đảng viên; đặc biệt là đối với cán bộ, đảng viên trẻ. Bởi lẽ, đây chính là lực lượng ưu tú, tiền phong, rường cột của Đảng, ở cả hiện tại và tương lai. Thêm vào đó, trong bối cảnh hiện nay, các thế lực thù địch vẫn luôn âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, tìm cách phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, lái nước ta đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Đối tượng đặc biệt mà chúng muốn hướng tới chính là cán bộ, đảng viên trẻ - những người còn non nớt về chính trị, bản lĩnh chính trị chưa vững vàng. Do vậy, đổi mới công tác tư tưởng trong đấu tranh phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị trong cán bộ, đảng viên trẻ là nhiệm vụ cơ bản, lâu dài, đồng thời cũng là nhiệm vụ cấp bách trước mắt để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, ngang tầm với nhiệm vụ thời đại.

Giải pháp quan trọng để đổi mới công tác tư tưởng trong đấu tranh phòng, chống những lệch lạc, suy thoái về tư tưởng chính trị trong cán bộ, đảng viên trẻ chính là đổi mới trong công tác định hướng dư luận xã hội. Sở dĩ đây là giải pháp quan trọng bởi những nguyên nhân sau:

Một là, ngày nay, các phương tiện truyền thông phi chính thống và các phương tiện truyền thông mới xuất hiện rất nhiều, đặc biệt là những trang mạng xã hội, báo điện tử. Các thế lực thù địch thường sử dụng những phương tiện này để bủa vây thông tin, giăng mắc những đối tượng non nớt chính trị, lôi kéo, kích động các phần tử chống đối cực đoan, bôi nhọ, nói xấu Đảng, khoét sâu những sai lầm. Bằng những luận điệu xuyên tạc, xảo trá và những thủ đoạn thâm độc, núp bóng “chân lý”, “lẽ phải”, chúng đã khiến “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên… suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống…”. Những kênh thông tin này hiện rất khó để kiểm soát và ngày càng hoạt động một cách tinh vi hơn.

Hai là, một bộ phận cán bộ, đảng viên trẻ hiện nay còn kém sự nhạy cảm chính trị, mất cảnh giác với âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, hiểu biết một cách chung chung, sơ sài về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà Nước. Sự hạn chế về nhận thức đó khiến cán bộ, đảng viên trẻ dễ dao động, lung lay, mơ hồ về chính trị.

Ba là, đặc điểm tâm lý của cán bộ, đảng viên trẻ bao gồm cả những đặc điểm tâm lý của thanh niên Việt Nam. Trong đó, những đặc điểm tâm lý xã hội cần đặc biệt quan tâm là khi tham gia vào một nhóm nào đó, thanh niên chịu ảnh hưởng khá mạnh của tâm lý nhóm. Khi nhóm đã thống nhất ý kiến về một vấn đề nào đó, tức là dư luận nhóm hình thành thì mỗi cá nhân lại chịu sự tác động mạnh mẽ của dư luận nhóm. Thực tế, thanh niên hiện nay tham gia vào rất nhiều nhóm khác nhau, có nhóm tích cực, có nhóm tiêu cực. Do đó, định hướng dư luận xã hội cho thanh niên hay cụ thể hơn là cán bộ, đảng viên trẻ là vô cùng quan trọng.

Chúng tôi cho rằng, những hạn chế trong công tác tư tưởng nói chung, với cán bộ, đảng viên trẻ nói riêng có thể là do chúng ta chưa xác định được rõ các đặc điểm, tính chất của thời đại ngày nay, giai đoạn hiện nay đang tác động lên nhận thức của thanh niên nói chung, cán bộ, đảng viên trẻ nói riêng. Cần xác định được các đặc điểm đó tác động, chi phối công tác tư tưởng như thế nào, đón bắt các khuynh hướng của các hoạt động tư tưởng thì mới có thể đổi mới đúng, trúng và hay.

Khi dư luận xã hội được định hướng đúng đắn, kịp thời thì những chức năng cơ bản của dư luận xã hội sẽ được phát huy, đối với định hướng cán bộ, đảng viên trẻ, những chức năng đó thể hiện như sau:

Chức năng đánh giá: Dư luận xã hội là yếu tố quan trọng tạo nên thang giá trị xã hội. Trên thực tế, người ta thường chạy theo những thang giá trị mà dư luận xã hội đề cao chứ không phải những thang giá trị mà các nhà tư tưởng, lý luận đề ra. Cũng chính lẽ đó mà các chủ trương, chính sách đưa ra dù có đúng nhưng không được dư luận xã hội ủng hộ thì cũng rất khó đi vào thực tiễn. Khi cán bộ, đảng viên trẻ được định hướng dư luận xã hội thì họ sẽ có sự nhìn nhận đúng đắn về những vấn đề xảy ra.

Chức năng điều chỉnh: Dư luận xã hội rất nhạy cảm đối với các hành vi xâm phạm lợi ích chung, lợi ích của toàn xã hội. Mọi hành vi “lệch chuẩn” đều bị dư luận xã hội lên án mạnh mẽ. Đồng thời, những hành vi có lợi cho xã hội đều được dư luận xã hội cổ vũ, khích lệ. Chính vì lẽ đó mà dư luận xã hội điều tiết được các mối quan hệ và điều chỉnh được hành vi con người. Để phát huy tốt chức năng này trong đấu tranh phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị trong cán bộ, đảng viên, cần phải tạo điều kiện hình thành thái độ phê phán, không thỏa hiệp của dư luận xã hội đối với những biểu hiện suy thoái này.

Chức năng giáo dục: Chức năng này có tác dụng rất lớn đối với thế hệ trẻ. Sự khen, chê, khuyên can kịp thời của dư luận xã hội đối với các hành vi phù hợp hoặc không phù hợp với lợi ích, các giá trị xã hội sẽ giúp cán bộ, đảng viên trẻ nhận thức được phải – trái, thiện – ác, đúng – sai.

Chức năng giám sát: thực chất của chức năng này là thông qua sự phán xét, đánh giá, dư luận xã hội giám sát hoạt động của cán bộ, đảng viên trẻ.

Chức năng tư vấn, phản biện: trong dư luận xã hội có thể tìm thấy những lời khuyên, những ý kiến, những đề nghị chứa đựng phương pháp giải quyết các vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, cùng với đó là những ý kiến phản biện có ý nghĩa. Khi dùng dư luận xã hội để tác động đến cán bộ, đảng viên trẻ, họ sẽ căn cứ vào sự tư vấn, phản biện này để củng cố tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Chức năng giải tỏa tâm lý xã hội: theo quy luật tâm lý, khi những nỗi niềm của con người không được giãi bày thì nó sẽ chìm lắng xuống tầng vô thức trong tâm thức của con người và đến một lúc nào đó sẽ bộc phát thành những hành vi, phản ứng bất thường không kiểm soát được. Như vậy, nếu những khúc mắc, những quan điểm sai lầm về tư tưởng chính trị không được nhanh chóng định hướng, giải tỏa thỏa đáng thì những lêch lạc, suy thoái về tư tưởng chính trị càng trở nên nghiêm trọng và bộc phát thành những hành vi tiêu cực.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Vai trò của Công tác tư tưởng, định hướng dư luận xã hội và thanh niên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO