Văn chương TP. Hồ Chí Minh nở hoa xuân với 4 tác phẩm của 4 nhà văn nữ

T.H| 18/02/2022 20:00
Theo dõi ICTVietnam trên

Khai xuân năm mới Nhâm Dần, Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức chương trình ra mắt sách giới thiệu 4 tác phẩm của 4 nữ nhà văn là hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh, gồm: "Cha tôi - Nhà thơ Nguyễn Bính"; "Sài Gòn thở chậm hít sâu"; "Dòng biên viễn" và "Phù sa châu thổ".

Cha tôi - Nhà thơ Nguyễn Bính

Đây là tập ký chân dung do nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu (con gái nhà thơ Nguyễn Bính) chấp bút. Qua đời ở tuổi 48, đến nay thi sĩ tài hoa Nguyễn Bính đã đi xa 56 năm. Đó là khoảng thời gian không ngắn, nhưng dường như hình bóng của người cha thân yêu vẫn luôn còn đó. Bởi thế, với tình yêu vô bờ bến, dù mới lên hai đã phải xa lìa người cha thân yêu, nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu vẫn cho ra đời ấn phẩm Cha tôi - Nhà thơ Nguyễn Bính.

Văn chương TP. Hồ Chí Minh nở hoa xuân với 4 nhà văn nữ - Ảnh 1.

Cuốn sách không chỉ giúp cho độc giả yêu mến nhà thơ hiểu sâu hơn về đời và thơ của thi sĩ của đồng quê mà còn là tài liệu quý cho những người viết văn học sử, những ai quan tâm nghiên cứu về Nguyễn Bính. 

Đồng thời, cuốn sách này cũng giúp cho những ai muốn phê bình tiểu sử Nguyễn Bính sẽ có những tư liệu tin cậy để lý giải về hồn thơ độc đáo của ông.

Tác giả Nguyễn Bính Hồng Cầu đã rất công phu khi tìm hiểu rất cặn kẻ về dòng tộc, từ ý nghĩa họ tên của cha mình, của ông bà mình. 

Chị cũng lý giải hồn cốt của nhà thơ chân quê, cho rằng đó là do ông sinh ra, được thụ hưởng một nền văn hóa dân gian phong phú của quê hương. Chị minh họa cuộc đời của cha mình bằng chính thơ của ông, ký sự vì thế đã rất sinh động, thú vị.

Sài Gòn thở chậm hít sâu và Dòng biên viễn

Sau hai tập tản văn Sài Gòn thềm xưa nắng rụngĐêm nay con có mơ không ít nhiều tạo được thiện cảm nơi người đọc về những bài viết dung dị, mang đến những điều đẹp đẽ ẩn hiện trong cuộc sống thường nhật, nhà văn Trương Gia Hòa tiếp tục gửi đến bạn đọc tập tản văn thứ ba Sài Gòn thở chậm hít sâu với 39 bài tản văn được thể hiện bằng giọng văn duyên dáng, hóm hỉnh và sâu sắc. 

Đây cũng chính là cách chị thể hiện tình yêu của mình dành cho con người, cuộc sống ở thành phố thân thương sau hơn 30 năm sống và làm việc nơi đây.

Văn chương TP. Hồ Chí Minh nở hoa xuân với 4 nhà văn nữ - Ảnh 2.

Nhận định về Sài Gòn thở chậm hít sâu, PGS. TS Bùi Thanh Truyền bày tỏ: "Chị đã trao cho người đọc năng lực, hạnh phúc được thấu cảm và tin yêu qua từng chút thời gian được sống để nhận thức rằng: Làm người đâu có khó; sống cũng dễ dàng thôi, nếu chúng ta không đánh mất niềm tin và hy vọng dù trong bất cứ cảnh ngộ, nỗi đời nào. Loại vitamin niềm tin này sẽ luôn cần thiết, hiệu quả đối với độc giả".

Từng gây chú ý khi đoạt Giải nhất cuộc thi truyện ngắn của Báo Văn nghệ 2006-2007, lần này, nữ nhà văn thuộc thế hệ 7X Hồ Thị Ngọc Hoài có bước tiến đáng kể với Dòng biên viễn, một tiểu thuyết lịch sử viết về Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Chọn một nhân vật lớn, không kém phần phức tạp để thể hiện, lại chọn thời điểm ông bị bệnh, trước lúc từ giã cõi đời để bày tỏ tâm tư, thế sự có thể xem là một sự bứt phá, táo bạo và dũng cảm của nữ nhà văn Hồ Thị Ngọc Hoài.

Tác giả cũng bộc lộ rõ tính chất nữ tính hóa trong bút pháp. Đó là những hành động, biểu cảm, những suy ngẫm, liên tưởng, triết lý… thường tình, cảm tính, tế nhị, chu đáo; những đoạn miêu tả, trữ tình đều xuất phát từ điểm nhìn, giọng điệu của người kể chuyện, dẫu gián cách hay nhập vào nhân vật đều có một tông chủ đạo là đằm thắm, thiết tha, gợi thương gợi nhớ cho người đọc.

Câu chuyện của giới trẻ tại TP.HCM trong cơn đại dịch

Tập truyện ngắn Phù sa châu thổ của Hoài Hương là những trang viết về người trẻ, đặc biệt là người trẻ tại thành phố trong cơn đại dịch vừa qua.

Văn chương TP. Hồ Chí Minh nở hoa xuân với 4 nhà văn nữ - Ảnh 3.

Nói về tác phẩm, PGS. TS Võ Văn Nhơn nhận định: "Có thể xem đây là những trang viết hiện thực độc đáo, tập trung vào các vấn đề thời sự, những đề tài gần gũi với chúng ta; đặc biệt là các nhân vật đều đẹp, họ đầy ý chí để vượt qua vấp ngã và cống hiến, đóng góp cho cuộc đời".

Về phần mình, nhà văn Hoài Hương thừa nhận chính đại dịch COVID-19 đã là chất xúc tác quan trọng để chị hoàn thành tập truyện Phù sa châu thổ.

"Có những trang viết từ thực tế trải nghiệm của tôi trong khi tham gia làm tình nguyện các chương trình của Thành đoàn trong những ngày thành phố giãn cách nghiêm ngặt", Hoài Hương chia sẻ./.

Bài liên quan
  • Ra mắt sách "Cuộc đấu trí bất ngờ" của Đại tá, GS. Phan Phác
    Cuốn sách "Cuộc đấu trí bất ngờ" với những bài viết mang giá trị lịch sử và thực tiễn sâu sắc được Nhà Xuất bản Hội Nhà văn biên soạn và ra mắt độc giả đúng dịp cả nước trong không khí kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024).
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Văn chương TP. Hồ Chí Minh nở hoa xuân với 4 tác phẩm của 4 nhà văn nữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO