"Văn hóa vâng lời" và áp lực về cái đẹp của người Hàn Quốc: Bị phán xét từ mí mắt đến màu da, cuối cùng phải bước vào con đường "dao kéo"

imacho| 06/05/2020 22:04
Theo dõi ICTVietnam trên

Việc xã hội Hàn Quốc không ngừng tôn sùng những gương mặt đẹp khiến không ít cá nhân ở đây cảm thấy xấu hổ về các đặc điểm tự nhiên của mình và điều này làm họ mất hẳn sự tự tin.

Hàn Quốc được biết đến là đất nước xem trọng diện mạo bên ngoài. Chính vì lẽ đó nên áp lực ngày càng đè nặng lên vai người dân nơi đây, thôi thúc họ phải đáp ứng kì vọng của xã hội về vẻ bề ngoài và không ngần ngại chi hàng đống tiền để cải thiện nó. Việc người ta không ngừng tôn sùng những gương mặt đẹp khiến không ít cá nhân cảm thấy xấu hổ về các đặc điểm tự nhiên của mình và điều này làm họ mất hẳn sự tự tin.

Mặc dù tự chăm sóc nhan sắc là hành động yêu bản thân nhưng tôi tin rằng việc ám ảnh với nó sẽ mang lại nhiều tác hại hơn là lợi ích. Tôi nghĩ rằng đây là hậu quả của "văn hóa vâng lời" của người Hàn Quốc và các chuẩn mực xã hội nơi đây. Người dân Hàn Quốc dễ rơi vào vòng lẩn quẩn: Tự trách vẻ ngoài, suy giảm lòng tự trọng và muốn đi phẫu thuật thẩm mỹ. 

Lý do vì sao tôi nói ám ảnh với vẻ ngoài sẽ dẫn đến nhiều tác hại là bởi dẫu bỏ ra rất nhiều tiền để thay đổi ngoại hình để mang đến cảm giác bản thân có thể "hòa nhập" với mọi người xung quanh thì người đó cũng không bao giờ có thể thay đổi được cảm nhận bên trong, sự tự ti và bất an của mình. Nói đúng hơn, phẫu thuật thẩm mỹ chỉ dựng nên một chiếc mặt nạ mang đến sự tự tin giả tạo và khiến con người tiếp tục lẩn quẩn trong vòng lặp tự trách mình mà thôi.

Bản thân tôi là một người Mỹ gốc Hàn và nếu hỏi tôi quen thuộc nhất điều gì với văn hóa Hàn Quốc, tôi sẽ nói đó là tiểu chuẩn sắc đẹp đồng nhất. Từ khi còn là học sinh trung học, tôi luôn cảm thấy bất an với vẻ ngoài của mình. Tôi khao khát được trở nên xinh đẹp và được mọi người ngưỡng mộ hơn đến tuyệt vọng. Ở Hàn Quốc, đôi mắt 2 mí là một trong những tiêu chuẩn của cái đẹp. Đặc điểm này được người Hàn Quốc tôn sùng bởi nó giúp mắt trông to hơn và tròn hơn, một điều kiện cần có để được đánh giá là xinh đẹp trong văn hóa xứ sở kim chi. Tôi sinh ra với đôi mắt 1 mí và nó dường như là nguyên nhân lớn nhất khiến tôi thiếu tự tin. 

Bạn sẽ tự hỏi làm thế nào là một đặc điểm nhỏ xíu kia có thể gây ra ảnh hưởng lớn đến với cuộc sống con người như vậy đúng không. Ấy vậy mà nó trở thành gánh nặng mà tôi phải mang vác trong suốt thời gian dài. Tôi từng đọc và nghe được không ít câu chuyện của các cô gái thuộc nhiều độ tuổi, người nổi tiếng và cả những chàng trai, rằng họ đã đi cắt mắt và nó giúp họ trở nên cuốn hút hơn hẳn. Họ nói rằng phẫu thuật cắt mí mắt phổ biến đến nỗi con người đang dần bình thường hóa nó và những câu chuyện ấy trở thành một giọng nói văng vẳng bên tai tôi.

Các thí sinh trong cuộc thi hoa hậu ở Hàn Quốc.

Ở Hàn Quốc, con người theo đuổi các xu hướng mới và tính cá nhân hóa không được ủng hộ rộng rãi như ở Mỹ. Ngoài ra, nhan sắc còn là yếu tố nói lên đẳng cấp và địa vị xã hội của con người ở Hàn Quốc. Ví dụ như người ta sẽ đánh giá cao làn da trắng đến nhợt nhạt vì điều này chứng tỏ người đó không phải làm những công việc nặng nhọc, tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời. Đồng thời, làn da sẫm màu chỉ ra rằng người đó nhiều khả năng thuộc tầng lớp thấp kém. 

Nhiều người sẽ phản biện rằng con người ở các quốc gia khác cũng xem trọng vẻ bề ngoài bởi bản chất của con người là dễ bị thu hút bởi cái đẹp. Tuy nhiên, ở Hàn Quốc, điều này đã ăn sâu vào văn hóa và quan điểm của con người nơi đây. Đơn cử như mọi người đều được yêu cầu phải đính kèm hình ảnh của mình trong đơn xin đi làm hoặc đi học. Nếu từng đi máy bay của hãng Korean Air hoặc Asiana, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy rằng tất cả các tiếp viên đều rất xinh đẹp, tươm tất và lịch sự đến nỗi rập khuôn. Nhưng hãy nên nhớ rằng, không có điều gì là ngẫu nhiên ở đây cả. Người Hàn Quốc cảm thấy tự hào khi được mọi người chú ý và nó xuất hiện trong tất cả các khía cạnh văn hóa của họ.

Hoa hậu Hàn Quốc năm 2018 và 6 á hậu khác từng bị dân mạng Hàn Quốc chê tơi tả vì nhan sắc bình thường và thần thái không nổi bật.

Kim Sung Ryung và Honey Lee là 2 trong số ít những hoa hậu Hàn Quốc giữ vững sự yêu mến của công chúng.

Như đã nói ở trên, làn da trắng toát chứng tỏ một người có địa vị xã hội cao và ngược lại, làn da sẫm màu được cho là thuộc về những người lao động cấp thấp phải lăn lộn kiếm sống ngoài trời. Đa số các sản phẩm mỹ phẩm Hàn Quốc cũng đặc biệt chọn phục vụ đối tượng có làn da trắng sáng. Không nhiều công ty mỹ phẩm Hàn Quốc sản xuất sản phẩm dành cho tông da quá sẫm màu. Thậm chí, nhiều sản phẩm còn quảng cáo rằng chỉ cần xịt lên da và mặt thì sẽ nhanh chóng thấy kết quả. Chứng kiến mọi người sử dụng những sản phẩm này, tôi nhận ra làn da họ thay đổi hoàn toàn, đều dần trở nên trắng sứ và trông vô cùng hoàn hảo, nổi bật. 

Lớn lên ở Mỹ, tôi có thể xác nhận rằng nét đẹp ngây thơ và tươi trẻ không phổ biến với thiếu niên nơi đây. Thực tế là những bạn nữ mà tôi chơi cùng đều muốn bản thân trông chững chạc và trưởng thành hơn tuổi. Nhưng ở Hàn Quốc thì hình ảnh thế này không được chấp nhận, đó là lý do vì sao mọi người luôn nhấn mạnh những vẻ ngoài ngây thơ và thanh thuần.

Chăm sóc da ở Hàn Quốc có đến tận 10 bước với những sản phẩm tiêu tốn không ít tiền của. Mỗi sản phẩm dành cho một vấn đề khác nhau và từ đó những chi tiết trên gương mặt đều sẽ được cải thiện đến khi hoàn hảo.

Đến tận ngày nay, xã hội Hàn Quốc vẫn không ngừng xem trọng vẻ ngoài và quan niệm ngày càng trở nên mạnh mẽ. Người nổi tiếng, ví dụ như ca sĩ, rất có sức ảnh hưởng với cộng đồng. Nhiều khả năng họ cũng trải qua các cuộc phẫu thuật thẩm mỹ để giữ gìn nhan sắc tươi trẻ cũng như bảo vệ hình ảnh của công ty. Người hâm mộ của các ca sĩ này hầu hết vẫn còn trẻ và họ sẽ chịu nhiều ảnh hưởng, tin rằng vẻ bề ngoài xinh đẹp là rất quan trọng. 

Khi một người nộp đơn đi làm hoặc đi học, họ bắt buộc phải gửi hồ sơ kèm với bức ảnh chụp cá nhân. Dù đây chỉ là một chi tiết nhỏ nhưng nó cũng đủ chứng tỏ rằng các nhà tuyển dụng hoặc trường học xem xét kỹ lưỡng các ứng viên bao gồm ngoại hình của họ.

Thí sinh của cuộc thi hoa hậu Hàn Quốc năm 2013.

Ở Hàn Quốc, người ta thường so sánh diện mạo của một người với người khác trẻ tuổi hơn. Và đó cũng là một trong những chủ đề được mọi người nói với nhau hằng ngày. Điều này góp phần biến nỗi ám ảnh ngoại hình trở nên to lớn hơn trong lòng mỗi người dân nơi đây, vượt lên trên cả những yếu tố khác như tính cách và trí tuệ. Và tôi tin rằng điều này có thể dẫn đến những sự phán xét và gây ra các sự lựa chọn sai lầm trong suốt cuộc đời của ai đó. Ví dụ như trong các mối quan hệ xã hội, con người sẽ lựa chọn kết bạn với ai đó dựa trên vẻ đẹp chứ không phải là tính cách. 

Nếu như xã hội Hàn Quốc thoải mái hơn trong việc đánh giá ngoại hình và bớt đặt nặng các chuẩn mực nhan sắc thì người dân nơi đây luôn có thể mang mặt mộc ra đường mà không phải có cảm giác rằng mình không xứng đáng hoặc nảy sinh ý nghĩ phẫu thuật thẩm mỹ. Từ đó, sự chú ý của con người cũng sẽ chuyển từ ngoại hình sang tính cách. Khi nhận được sự khuyến khích của xã hội thì con người sẽ có động lực phấn đấu để cải thiện bản thân và chất lượng cuộc sống thay vì mong muốn chỉnh sửa gương mặt. 

Khao khát thay đổi ngoại hình đến từ sự tự ti sẽ đẩy con người vào một vòng lặp nguy hiểm mà trong đó, cảm giác bất an sẽ không bao giờ biến mất dù chi bao nhiêu tiền đi chăng nữa. Ngược lại, cải thiện tính cách lại mang đến nhiều lợi ích và thậm chí, nó còn áp đảo những gì mà ngoại hình có thể đem đến cho con người. Nó thúc đẩy mọi người quan tâm đến những khả năng nằm trong vòng kiểm soát của bản thân, bao gồm các quyết định quan trọng và cách ứng xử. Từ đó, nó có thể mở ra tương lai về một xã hội minh bạch và tiến bộ hơn. Bản thân tôi lúc nào cũng mong chờ ngày đó sẽ đến.

* Bài viết của tác giả Karin Cho đăng trên Medium ngày 2/5/2019.

(Nguồn: Medium)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
"Văn hóa vâng lời" và áp lực về cái đẹp của người Hàn Quốc: Bị phán xét từ mí mắt đến màu da, cuối cùng phải bước vào con đường "dao kéo"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO