VDCA tích cực giải bài toán bản quyền số
Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) đã thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng như tham gia đóng góp chính sách, xây dựng pháp luật, tổ chức giải thưởng chuyển đổi số (CĐS) Việt Nam và Giải thưởng sáng tạo nội dung số. VDCA đặc biệt tích cực thúc đẩy bảo vệ bản quyền số.
Những đóng góp quan trọng của VDCA trong công cuộc CĐS, phát triển nội dung số
Sáng 6/1, Hội Truyền thông số Việt Nam (đã tổ chức Hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm 2024. Theo ông Vũ Kiêm Văn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VDCA, trong năm 2023, Hội đã kết nạp mới 55 hội viên, doanh nghiệp (DN), trong đó phía Bắc là 40 hội viên và phía Nam là 15 hội viên. Hội cũng đã tổ chức ba chương trình Techtour để kết nối hội viên tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Singapore.
Hội đã chỉ đạo tổ chức thành công hơn 20 chương trình hội nghị, hội thảo (workshop) lớn trong năm qua và rất nhiều trục sự kiện nhỏ về truyền thông số, chuyển đổi số, nội dung số cùng các đơn vị trực thuộc. Đặc biệt, trong năm 2023 vừa qua, Hội đã triển khai giải thưởng CĐS Việt Nam (VDA) và năm vừa qua cũng là năm đầu tiên triển khai Giải thưởng sáng tạo nội dung số do Câu lạc bộ Liên minh sáng tạo nội dung số đề xuất.
Ngoài ra, VDCA cũng tổ chức các tọa đàm, hướng dẫn DN thực hiện các quy định pháp luật của Nhà nước mới ban hành như Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân, hay hỗ trợ các hội viên tìm hiểu, phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), tham gia Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 cũng như bảo trợ nhiều hoạt động truyền thông cho các hoạt động, sự kiện của hội viên. Nhiều hiệp hội, tập đoàn, DN của Mỹ, của Thái Lan, của Singapore, của Nga đã làm việc với Hội và đề xuất các nội dung hợp tác.
Về công tác tư vấn phản biện xã hội, Hội đã tham gia góp ý nhiều dự thảo luật, đề án, chương trình như Luật Giao dịch điện tử sửa đổi, Luật Viễn thông sửa đổi, Luật đất đai, chiến lược hạ tầng số, chiến lược blockchain quốc gia, Nghị định thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý Internet, xây dựng bộ chỉ số CĐS cấp huyện, cấp xã, bản đồ công nghệ, danh mục các cơ sở dữ liệu quốc gia và khung Chính phủ điện tử Việt Nam ….
Tại Hội nghị, ông Vũ Hải Quang, Phó Tổng đốc Đài tiếng nói Việt Nam (VOV), cho rằng trong kỷ nguyên số, chúng ta có nhiều cơ hội phát triển, và hiện nay muốn phát triển một đất nước hùng cường, không thể không nói đến CĐS. Do vậy, vai trò triển khai chính sách và phản biện chính sách đối với CĐS rất quan trọng, đặc biệt khi câu chuyện đi từ chính sách vào thực tế vẫn còn nhiều hạn chế.
Bản quyền số cũng là một vấn đề đang thu hút sự chú ý của xã hội. Ông Vũ Hải Quang cho rằng trên môi trường số, bản quyền là một vấn đề cấp bách và nếu không được giải quyết sớm, tất cả các lĩnh vực như nội dung số sẽ gặp khó khăn khi muốn phát triển. So với các nước, những vấn đề bản quyền của Việt Nam còn nhiều hạn chế. Vai trò của VDCA trong kỷ nguyên số sẽ góp phần, giúp sức để để giải quyết bài toán bản quyền, giúp đất nước phát triển.
TS. Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch VDCA cho biết Hội đã thực hiện, tổ chức một số các hoạt động là vấn đề nóng của lĩnh vực truyền thông, như hội thảo về bản quyền báo chí trên môi trường mạng, Hội thảo có sự phối hợp với VOV và Báo Đại biểu Nhân dân, thu hút sự quan tâm của các cơ quan báo chí. Sắp tới, Hội sẽ phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam thực hiện những hoạt động về bảo vệ bản quyền báo chí, một vấn đề nhức nhối.
25 nhóm nhiệm vụ trọng năm của VDCA năm 2024
Đối với nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2024, VDCA sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động trên các lĩnh vực như tư vấn, phản biện, đào tạo, phổ biến kiến thức nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, truyền thông kết nối và phát triển hội viên hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực công nghệ số, nội dung số và truyền thông số, bám sát vào Chương trình CĐS quốc gia và chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số của đất nước, phát huy sức mạnh của Hội và các đơn vị trực thuộc .
Chương trình công tác dự kiến của năm 2024 gồm có 25 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt sẽ tiếp tục tổ chức 2 giải thưởng lớn của Hội cùng các hoạt động Hội thảo, triển lãm bên lề là Giải thưởng CĐS Việt Nam - VDA 2024 và Giải thưởng sáng tạo nội dung số Việt Nam - VCA 2024; đồng thời tiếp tục các hoạt động về bảo vệ bản quyền số, thiết lập trục bản quyền số quốc gia, mở rộng khai thác và bảo vệ bản quyền các lĩnh vực…
Chủ tịch Nguyễn Minh Hồng, cho biết: “Trong 30 nhiệm vụ mà Hội đề ra từ đầu năm, Hội đã thực hiện được 29 đầu việc quan trọng như tham gia đóng góp chính sách, xây dựng pháp luật, phản biện chính sách đối với các Luật Viễn thông, Luật Giao dịch điện tử, chính sách thuế, bản quyền … Một việc nữa để lại sang năm là triển khai các nền tảng số trong thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cũng như chính phủ số”.
Theo TS. Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội tự động hóa Việt Nam, trong công cuộc CĐS hiện nay, vai trò của các hội liên quan đến công nghệ số vô cùng quan trọng. Trong năm vừa qua, VDCA đã có rất nhiều hoạt động đem lại hiệu quả thiết thực, không chỉ cho cộng đồng CĐS mà còn cho nền kinh tế.
“Chúng tôi đánh giá rất cao hoạt động của VDCA trong năm vừa qua cũng như những cái định hướng năm 2024, đặc biệt là nhiệm vụ xây dựng bản quyền số. Đây là một vấn đề nóng mà cả xã hội rất quan tâm, đặc biệt là những người làm báo, những người làm trong trong lĩnh vực truyền thông số. Nếu chúng ta làm được điều này sẽ giúp ích cho các nhà báo rất nhiều. Trong năm tới, Hội Tự động hóa Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác với VDCA, đặc biệt là trong lĩnh vực CĐS cũng như tự động hóa của các DN công nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất”.
Các đại biểu tham dự Hội nghị đều thống nhất tiếp tục triển khai nhiều hoạt động trên các lĩnh vực như tư vấn, phản biện đào tạo, phổ biến kiến thức, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ,... thực hiện Chương trình CĐS quốc gia và Chiến lược phát triển Kinh tế số - Xã hội số của đất nước, góp phần phát huy sức mạnh của VDCA và các đơn vị trực thuộc./.