Theo bài viết "Is the Metaverse Just Marketing?" trên trang The New York Times, gõ lên thanh tìm kiếm Google từ khóa “metaverse” sẽ ra hơn 1,5 tỷ kết quả. Những tiêu đề thông báo các khoản đầu tư vào metaverse được nhà nước hậu thuẫn trị giá hàng tỷ đô la cũng xuất hiện. Bên cạnh tất cả những điều đó, phần mô tả của Google đối với cụm từ tìm kiếm “metaverse” là “Fictional world” (Thế giới hư cấu).
Thuật toán tìm kiếm Google không sai. Metaverse chưa tồn tại, ngoài các phiên bản thô sơ trong các trò chơi. Nhưng điều đó không ngăn được các công ty nền tảng, bao gồm cả chính Google, đặt cược lớn rằng metaverse sẽ sớm tồn tại. Những khoản đầu tư này gần như hoàn toàn vin vào triển vọng về một thế giới ảo khổng lồ, đủ chức năng và có thể tương tác, nơi các CEO công nghệ hứa hẹn chúng ta sẽ sớm làm việc, mua sắm và xã hội hóa như những hình đại diện kỹ thuật số.
Những gã khổng lồ phương Tây, bao gồm cả công ty mẹ của Facebook là Meta và Microsoft, đã đặt cược hàng tỷ đô la vào việc tạo ra các công nghệ làm nền tảng cho thế giới ảo siêu thực với đầy các hình đại diện, coi sự phát triển này là sự phát triển tiếp theo của internet.
Theo The New York Times, mặc dù phần lớn cuộc sống của chúng ta đã chuyển sang trực tuyến trong thời kỳ đại dịch, nhưng việc làm cho những trải nghiệm đó thực sự đắm chìm vào thế giới ảo trên quy mô lớn là một thách thức khó khăn. Metaverse hiện đang bị đình trệ do thiếu cơ sở hạ tầng (phần cứng và phần mềm chưa sẵn sàng), cách tiếp cận độc quyền để phát triển nền tảng (metaverse có khả năng yêu cầu sự cộng tác và cởi mở hơn) và thiếu các tiêu chuẩn quản trị rõ ràng (một số chuyên gia muốn tránh những cạm bẫy của phương tiện truyền thông xã hội).
Vì vậy, nếu không có một sản phẩm với chức năng cụ thể, rõ ràng, tất cả những gì được quảng cáo rầm rộ và những tiêu đề về metaverse có phải chỉ là “chiêu tiếp thị”?
Trung Quốc đặt cược vào metaverse, tham vọng trở thành trung tâm toàn cầu
Tại Trung Quốc, chính quyền địa phương và các tổ chức được nhà nước hậu thuẫn đang bơm tiền vào các công ty liên quan đến việc tạo ra cái gọi là metaverse, khi quốc gia này cạnh tranh để trở thành trung tâm toàn cầu của cơn sốt kỹ thuật số mới.
Trung Quốc đã thành lập cái gọi là Ủy ban công nghiệp Metaverse và mới đây, Ủy ban này thông báo rằng đã có 17 công ty được đưa vào tổ chức để “thúc đẩy sự phát triển lành mạnh, có trật tự và bền vững của metaverse”.
Ủy ban, được thành lập vào tháng 10/2021 bởi China Mobile, nhằm mục đích để các công ty thảo luận về các quy tắc, chính sách và dự án mới. Các công ty Internet lớn của Trung Quốc bao gồm Tencent, Baidu và Alibaba Group đã đăng ký các nhãn hiệu liên quan đến metaverse trong những tháng gần đây, với hy vọng sẽ thống trị ngành công nghiệp mới, mà hãng nghiên cứu Morgan Stanley dự đoán có thể phát triển thành một ngành trị giá 8 tỷ USD chỉ riêng ở Trung Quốc.
Thông tin mới nhất về Ủy ban metaverse này của Trung Quốc là họ vừa ký kết quan hệ đối tác chiến lược với Ngân hàng số Châu Á (ADB), với mục đích nỗ lực cùng khám phá hệ sinh thái thương mại và tài chính số mới trong kỷ nguyên metaverse.
Trong những tháng gần đây, các thành phố lớn của Trung Quốc, bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến, đã kết hợp metaverse vào các kế hoạch phát triển của thành phố và tích cực thu hút các công ty metaverse tự phong.
Vào tháng 1, Tongzhou, một quận ở Bắc Kinh, đã thành lập một quỹ để hỗ trợ tài chính cho các công ty khởi nghiệp và nghiên cứu tiên phong trong lĩnh vực này. Trong khi đó, chính quyền thành phố Thượng Hải gần đây đã mở một hội trường ảo mà họ dự định biến thành một cổng thông tin trực tuyến để các công ty tương tác với các quan chức.
Chenyu Cui, một nhà phân tích trò chơi tại Thượng Hải của nhóm nghiên cứu Omdia cho biết mặc dù “khái niệm metaverse hiện đang rất hot”, vẫn còn phải xem những công ty nào tồn tại được sau những nhiệt tình ban đầu này. “Tất nhiên, điều đó phụ thuộc vào những gì họ thực sự phát triển”, bà nói thêm.
Các thành phố, quốc gia đầu tư vào metaverse trên thế giới
Không chỉ Trung Quốc, một số quốc gia khác cũng đã đầu tư vào metaverse. Seoul, thủ đô của Hàn Quốc, là một trong những thành phố đã công bố kế hoạch thiết lập sự hiện diện trong metaverse. Chính quyền thủ đô Seoul đã công bố kế hoạch khai trương Metaverse Seoul và đầu tư khoảng 3,3 triệu USD vào dự án.
Cụ thể, Metaverse Seoul sẽ bao gồm một tòa thị chính ảo, các địa điểm du lịch và các trung tâm xã hội. Lần ra mắt này là lần đầu tiên chính quyền thành phố lớn đầu tư mạnh vào metaverse. Việc ra mắt Metaverse Seoul là một phần trong kế hoạch mang tên Tầm nhìn Seoul 2030 của Thị trưởng Oh Se-hoon của thành phố nhằm xây dựng Seoul trở thành người dẫn đầu trong thị trường thành phố tương lai.
Công dân của thành phố sẽ có thể sử dụng tai nghe thực tế ảo để gặp gỡ các quan chức thành phố trong metaverse. Công dân cũng sẽ có thể đến thăm các địa danh và tham dự các sự kiện trong thế giới ảo.
Seoul sẽ ra mắt phiên bản thử nghiệm của thành phố metaverse vào cuối năm nay. Thành phố có kế hoạch cung cấp nhiều hơn nữa trong metaverse, chẳng hạn như Lễ hội Đèn lồng Seoul, bắt đầu vào năm 2023.
Kế hoạch 5 năm cho Metaverse Seoul bao gồm giai đoạn “giới thiệu” vào năm 2022, “mở rộng” vào năm 2023 và 2024 và “định cư” vào năm 2025 và 2026.
Một quốc gia nữa cũng đang nghiêm túc nghiên cứu về metaverse là Barbados. Quốc gia Caribe Barbados có thể trở thành quốc gia có chủ quyền đầu tiên có đại sứ quán trong metaverse. Thông tin cho biết Barbados đã thảo luận với một số công ty metaverse về việc thiết lập một “vùng đất có chủ quyền số”.
Barbados sẽ xác định và mua đất, xây dựng các đại sứ quán ảo và cho phép người dùng vận chuyển hình đại diện của họ từ thế giới ảo này sang thế giới ảo khác.
“Điều này cho phép chúng tôi mở cửa, sử dụng ngoại giao công nghệ, sau đó mở rộng sang ngoại giao văn hóa - thương mại nghệ thuật, âm nhạc và văn hóa”.
Tại Mỹ, Santa Monica là thành phố lớn đầu tiên “liên quan đến metaverse”. Thành phố hợp tác với FlickPlay, một ứng dụng xã hội metaverse play-to-earn (chơi để kiếm tiền). Sử dụng thực tế tăng cường và thực tế ảo, người dùng ứng dụng sẽ có thể mở khóa các bộ sưu tập và phần thưởng để đổi lấy các vật phẩm thật các địa điểm bán lẻ trong thành phố.
“Tôi không nghi ngờ gì về việc Santa Monica Metaverse sẽ trở thành một nghiên cứu điển hình duy nhất về sự đột phá và đổi mới trong những năm tới”, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành FlickPlay, Pierina Merino cho biết.
Metaverse hay một tương lai số đa dạng hơn là điều không thể tránh khỏi?
Ý tưởng về một cuộc sống cho phép mọi người có những trải nghiệm xã hội phong phú trong thế giới số ngày càng trở nên phổ biến. Các công nghệ mới, bao gồm tai nghe thực tế ảo, đã tạo điều kiện thuận lợi cho những trải nghiệm này và những bộ phim như “Ready Player One” giúp người xem hình dung về metaverse.
Khi “Ready Player One” ra mắt vào năm 2018, metaverse vẫn giống như một khả năng xa vời. Sau đó, đại dịch đã đẩy nhanh quá trình số hóa hầu hết mọi thứ, bao gồm cả đi học, đi làm, giao tiếp xã hội và tập thể dục. Giờ đây, một cuộc thăm dò ước tính rằng với mức độ tiêu dùng công nghệ hiện nay, trung bình một người Mỹ sẽ dành tới 44 năm cuộc đời để dán mắt vào màn hình.
Nick Bostrom, triết gia Đại học Oxford, nổi tiếng với việc phát triển mô phỏng, cho biết: “Điều này vốn bị coi là điên rồ hoặc sẽ bị chế giễu hoặc bị phớt lờ - nhưng giờ đây đột nhiên chúng bắt đầu có vẻ giống như lẽ thường”.
Khi viễn cảnh metaverse dần hé lộ đối với công chúng, các công ty công nghệ đã âm thầm cạnh tranh để hiện thực hóa nó trong nhiều năm. Các công ty nền tảng chạy đua phát triển phiên bản metaverse của riêng họ, cụ thể là bằng cách mua lại các công ty có tài sản phần cứng hữu ích.
Facebook lần đầu tiên mua Oculus, công ty trò chơi VR, vào năm 2014. 5 năm sau, Facebook mua lại CTRL-Labs, công ty đã phát triển một thiết bị đeo tay có khả năng truyền tín hiệu điện từ não tới máy tính. Sau đó, giữa cuộc khủng hoảng quan hệ công chúng vào cuối năm ngoái, Facebook tuyên bố sẽ đổi tên thương hiệu, đổi tên công ty mẹ thành Meta. Một số nhà phê bình đã băn khoăn liệu việc thay đổi tên này có phải chỉ là một động thái tiếp thị chiến lược hay không.
Matthew Ball, một chuyên gia về metaverse, ít hoài nghi hơn về việc đổi tên. Ông nói: “Tôi nghĩ nó có ý nghĩa. Facebook đổi tên thành Meta không phải là một thuật ngữ tiếp thị mà mang tính tín hiệu nhiều hơn. Tôi không nghĩ đó là tiếp thị bởi vì tiếp thị chủ yếu hướng đến một sản phẩm có sẵn để bán”, trong khi, ông lập luận rằng “metaverse vẫn chưa có sẵn”.
Nếu sự thay đổi thương hiệu là một tín hiệu nhằm thiết lập xu hướng, thiết lập tham vọng và phân bổ nguồn lực, thì nó đã phát huy tác dụng. Ngay sau thông báo của Meta, Microsoft đã đặt cược lớn rằng mọi người sẽ ngày càng dành nhiều thời gian hơn trong thế giới số, và Microsoft mua lại Activision Blizzard, một công ty trò chơi xã hội trị giá 70 tỷ USD. Apple cũng được cho là đang phát triển tai nghe VR dành cho người tiêu dùng của riêng mình.
Giờ đây, những người sáng lập, nhà đầu tư, nhà tương lai học và giám đốc điều hành đều đang cố gắng đưa ra tuyên bố của họ về metaverse, thể hiện tiềm năng của nó đối với kết nối xã hội, thử nghiệm, giải trí và quan trọng là lợi nhuận.
Trở lại với tham vọng metaverse của Trung Quốc, việc các quan chức chính phủ Trung Quốc lựa chọn hỗ trợ các dự án metaverse khiến một số nhà quan sát ngạc nhiên vì sự liên kết của khái niệm này với ngành công nghiệp trò chơi và tiền điện tử - cả hai ngành này đều bị Bắc Kinh hạn chế hoặc cấm.
Theo Financial Times, Chenyu Cui cho biết metaverse vẫn chưa được xác định rõ ràng, vì vậy hiện tại, metaverse có thể như một “công cụ” cho các công ty và chính quyền địa phương đang tìm cách trở thành một phần của bước đột phá công nghệ tiếp theo.
Cui nói: “Khái niệm này rộng đến mức bất kỳ công ty nào cũng có thể tham gia vào metaverse, ngay cả khi họ thực sự không liên quan gì đến nó. Các công ty giải trí, y tế và hóa chất đều tự định hình mình như một phần của metaverse. Thương hiệu "metaverse" cũng giúp các công ty khởi nghiệp thu hút đầu tư và các công ty niêm yết đang tìm cách tăng giá cổ phiếu của họ”.
Ngay cả khi siêu mô hình metaverse mà Mark Zuckerberg hình dung không thành hiện thực vào năm 2026, một số người cho rằng một tương lai số đa dạng hơn là điều không thể tránh khỏi./.