Dù thương vụ không thành, nhưng mạng xã hội audio Clubhouse vẫn tiếp tục mở cuộc đàm phán mới với các nhà đầu tư và dự định huy động khoảng 4 tỷ USD, bằng mức giá đã thảo luận với Twitter.
Clubhouse đạt mức tăng trưởng ấn tượng
Những thứ đã cũ lại được làm mới. Nghe có vẻ trừu tượng và khó hiểu, nhưng đó là câu chuyện về Clubhouse - một startup đang nổi đình nổi đám trong giới công nghệ.
Không nghi ngờ gì khi nói Clubhouse đang có một quỹ đạo tăng trưởng ấn tượng - chỉ trong một năm, ứng dụng này đã trở thành một công ty được ngành công nghiệp mời chào và đưa đến mức định giá 1 tỷ USD. Mới đây nhất, Clubhouse càng nổi danh khi hãng tin Bloomberg cho biết theo nguồn tin riêng, Clubhouse được Twitter đàm phán mua lại với mức giá lên đến 4 tỷ USD. Cho đến nay, thương vụ chưa hoàn thành và có vẻ đã bị ngừng lại, tuy nhiên, điều đó vẫn khiến Clubhouse trở thành một hiện tượng đáng ngưỡng mộ trong giới startup. Được biết, Clubhouse vẫn tiếp tục mở cuộc đàm phán mới với các nhà đầu tư và dự định huy động khoảng 4 tỷ USD, bằng mức giá đã thảo luận với Twitter.
Paul Davison và Rohan Seth đã thành lập Alpha Exploration, công ty khởi nghiệp đứng sau ứng dụng Clubhouse. Ứng dụng cho phép người dùng tổ chức các chương trình radio trực tuyến của riêng họ. Trong năm ngoái, công ty khởi nghiệp này đã gây quỹ với mức định giá 1 tỷ USD, thu hút hơn 10 triệu người dùng, lan rộng đến hàng chục quốc gia và tổ chức các cuộc nói chuyện với một số nhân vật nổi tiếng lớn nhất ở Hollywood và Thung lũng Silicon. Có vẻ như các nhà đầu tư mạo hiểm đã sẵn sàng tôn vinh Paul Davison như một vị vua thực sự.
Theo những người từng làm việc với Davison, anh ấy thường xuyên bắt tay vào dự án tiếp theo và có niềm tin dường như chân chính rằng hầu hết mọi người đều tốt bụng và có thiện chí.
Con đường đến Thung lũng Silicon của Davison khá suôn sẻ. Anh theo học một trường trung học nổi tiếng với những thành tích cao ở San Diego, nơi anh là thành viên của câu lạc bộ dành cho “các nhà lãnh đạo và doanh nhân mới nổi”. Sau đó, anh tốt nghiệp đại học Stanford, trường kinh doanh Stanford, làm tư vấn tại Bain & Co.
Clubhouse nhanh chóng tạo ra tiếng vang trong Thung lũng Silicon và một số nhà đầu tư mạo hiểm hàng đầu đã đầu tư vào công ty mẹ Alpha Exploration chỉ trong vòng vài tháng. Andreessen Horowitz, công ty đầu tư vốn mạo hiểm, chính là hãng đã đặt trọn niềm tin vào Clubhouse và thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của Clubhouse. Lần đầu tiên, Andreessen Horowitz mua cổ phiếu Clubhouse và giúp định giá công ty ở mức 100 triệu USD. Sau đó, hồi tháng 1/2021, Andreessen Horowitz lại “dấn thân” thêm một lần nữa, đưa Clubhouse lên mức định giá 1 tỷ USD.
Clubhouse dường như không cung cấp cho mọi người một lý do rõ ràng để sử dụng nó và chính đó thực sự đã trở thành một tài sản. Trong trường hợp không có bất kỳ quy định nào, Clubhouse có thể là nơi để mọi người nghe Elon Musk nói về Bitcoin, nghe tóm tắt tin tức âm thanh, nghe các nhạc sĩ hát ru hoặc học cách chơi trên thị trường chứng khoán.
“Bí mật” không có gì là … bí mật của Clubhouse
Không có gì ngạc nhiên khi nhiều người đặt câu hỏi, bí quyết của Clubhouse là gì?
Ứng dụng mạng xã hội âm thanh Clubhouse ra đời cách đây 1 năm, vào tháng 4/2020. Là một ứng dụng mạng xã hội âm thanh, Clubhouse cho phép người dùng tạo các cuộc trò chuyện trực tuyến bằng âm thanh, giống như sự kết hợp giữa podcast và mạng xã hội. Đại dịch COVID-19 vừa qua dường như cũng là một “vận may” của Clubhouse, khi nhiều người phải làm việc tại nhà nhiều hơn, và nhu cầu sử dụng các ứng dụng mạng xã hội nhiều hơn.
Để sử dụng Clubhouse, người dùng không thể tự do tạo tài khoản mà phải được một thành viên cũ gửi lời mời. Dù vậy, tính đến nay, đã có hơn 10 triệu lượt tải xuống ứng dụng Clubhouse trên iPhone. Hiện tại, Clubhouse vẫn chưa có phiên bản dành cho Android.
Sự bùng nổ của Clubhouse khiến các ông lớn trong lĩnh vực mạng xã hội đứng ngồi không yên. Các công ty như Facebook, Twitter, Discord, Spotify và Slack đã và đang tạo ra các sản phẩm để cạnh tranh trực tiếp với Clubhouse.
Theo phân tích của trang Inc.com, thiên tài của Clubhouse nằm ở việc ứng dụng đã khai thác một số chân lý cơ bản: rằng tất cả chúng ta đều muốn có tiếng nói, có ý kiến và cố gắng cảm thấy mình là một phần của cộng đồng.
Điều đó có nghĩa là gì? Tất cả các doanh nghiệp đều có khả năng khai thác khuynh hướng tự nhiên của con người để phát triển các dịch vụ hoặc sản phẩm thành công. Clubhouse đã làm như vậy.
Đưa mic cho mọi người
Theo đúng nghĩa đen và nghĩa bóng, con người muốn có tiếng nói và Clubhouse đã “đưa mic cho mọi người”.
Nhìn xa hơn vào hàng tỷ người dùng mạng xã hội, chúng ta thấy rằng đây là một cơ hội kinh doanh hấp dẫn, mang lại cho mọi người cơ hội chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc và cái nhìn thoáng qua về cuộc sống của họ. Hoặc hãy nhìn vào thực tế là kể từ năm 2018, số lượng podcast đã tăng hơn gấp ba lần.
Nói theo nghĩa đen về việc “đưa mic cho mọi người”, quan sát trên thị trường thời gian qua, chúng ta nhận thấy có một sự thôi thúc làm gia tăng các kênh thoại. Từ loa thông minh như Amazon Alexa và trợ lý giọng nói như Siri đến các tùy chọn dịch vụ khách hàng hỗ trợ AI. Ở mọi nơi bạn đều nhìn thấy có cơ hội để mọi người nói lên suy nghĩ, câu hỏi và nhu cầu của họ.
Clubhouse đang tận dụng sự thôi thúc này bằng cách cho phép bất kỳ ai (có lời mời) lấy micrô. Với rào cản gia nhập thấp hơn podcasting và trong bối cảnh Clubhouse mang lại tính cá nhân hơn so với hầu hết các phương tiện truyền thông xã hội, ứng dụng này cho phép mọi người thể hiện bản thân và chia sẻ thông tin chi tiết về bất kỳ chủ đề nào họ chọn.
Tất nhiên, nguyên lý là để mọi người có cơ hội có tiếng nói của mình, song điều này sẽ không giống nhau đối với mọi doanh nghiệp (DN). Dù vậy, đó là một lời nhắc nhở quan trọng rằng mọi người đều muốn họ có tiếng nói và có ai đó đang lắng nghe. Cho dù thông qua một cộng đồng truyền thông xã hội tương tác, nội dung do người dùng tạo, các cuộc khảo sát phản hồi của khách hàng hay chỉ là một bộ phận dịch vụ khách hàng xuất sắc, đồng cảm, các DN nên nhớ hay “đưa mic cho khách hàng” và hãy “lắng nghe”.
Khai thác sức mạnh của cộng đồng
Khả năng chia sẻ quan điểm của bạn là một chuyện, nhưng có ai đó để mà chia sẻ sẽ còn mang lại cảm giác thỏa mãn hơn. Chẳng hạn như bạn đăng một trạng thái lên một tài khoản Facebook không có bạn bè, hay một tweet không có người theo dõi, hoặc một bài đánh giá mà không ai đọc. Bạn sẽ cảm thấy thiêu thiếu, mặc dù cảm giác ban đầu vẫn là “được nói ra”, song theo thời gian, cảm giác đó sẽ nhạt dần. Vì vậy, có tiếng nói vẫn chưa đủ nếu không có khán giả đón nhận nó.
Một phần sức hấp dẫn của Clubhouse là khả năng người dùng quản lý các cộng đồng này cho chính họ, theo dõi những người, chủ đề hoặc phòng mà họ quan tâm và tham gia các cuộc trò chuyện với những người có cùng sở thích này. Điều này càng trở nên hấp dẫn hơn trong một năm mà ý thức cộng đồng đặc biệt khó có được và mọi người mong muốn chia sẻ, lên tiếng khi phải cách ly, ở nhà làm việc.
Loại hình cộng đồng thương hiệu này không chỉ thu hút mọi người tham gia, mà điều rất quan trọng là xây dựng lòng trung thành trong đó, đặc biệt khi cuộc cạnh tranh nóng lên. Instagram vừa ra mắt tính năng phát trực tiếp nhóm; Facebook được cho là đang xây dựng một đối thủ cạnh tranh của Clubhouse; Twitter bắt đầu phát triển các phòng trò chuyện thoại - người dùng có thể sử dụng bất kỳ phòng nào trong số này để thể hiện bản thân. Những người chiến thắng sẽ là những người có thể xây dựng và duy trì một cộng đồng kiên định.
Thật ra, loại hình trò chơi này đã từng có. Chẳng hạn, Peloton đã làm nên một cộng đồng những người đam mê tập thể dục. Các trò chơi điện tử như Fortnite cũng đã tạo nên cộng đồng những người cùng sở thích. Không quan trọng sản phẩm hay dịch vụ; việc được sống trong một cộng đồng, xây dựng lòng trung thành và giữ chân mọi người quay trở lại là nền tảng để thành công.
Cẩn thận khi "bay" quá nhanh
Khi một công ty cất cánh nhanh như Clubhouse, mọi thứ phát triển với tốc độ chóng mặt, rạn nứt thường bắt đầu xảy ra.
Gần đây, mạng xã hội mới nổi này đã ghi tên vào danh sách những vụ rò rỉ dữ liệu người dùng. 1,3 triệu hồ sơ người dùng Clubhouse đã bị rò rỉ miễn phí trên một diễn đàn tin tặc nổi tiếng. Cơ sở dữ liệu bị rò rỉ chứa nhiều thông tin liên quan đến người dùng trên hồ sơ Clubhouse, bao gồm: ID người dùng, tên, URL ảnh, tên tài khoản, các thông tin Twitter, các thông tin Instagram, số lượng người theo dõi, số người được người dùng theo dõi, ngày tạo tài khoản, hồ sơ người mời sử dụng Clubhouse.
Mặc dù vậy, Clubhouse phủ nhận đó là một vụ rò rỉ dữ liệu. Bởi vì, theo công ty, thông tin về vụ rò rỉ dữ liệu là “hiểu nhầm và giả mạo”. Clubhouse không hề bị xâm phạm hay bị tấn công. Dữ liệu trong vụ việc đều là dữ liệu công khai hồ sơ của ứng dụng, bất kỳ ai cũng có thể tiếp cận qua ứng dụng hoặc qua API của chúng tôi”.
Giải thích này của Clubhouse có phần không thuyết phục. Rõ ràng, những thông tin bị rò rỉ trên diễn đàn hacker chứa cả những thông tin cá nhân quan trọng của người dùng, như những các thông tin liên kết tài khoản Twitter, Instagram của người dùng. Và như vậy, có phải Clubhouse cho phép bất kỳ ai cũng có thể thu thập những thông tin hồ sơ người dùng công khai trên quy mô lớn?
Ngoài ra, trước đó ứng dụng cũng đã xác nhận về một sự cố tràn dữ liệu, khi các cuộc trò chuyện được truyền trực tuyến, trái phép, tới nhiều phòng và nó đã bị phát hiện khi có báo cáo về các cuộc trò chuyện được ghi lại, dấy lên nhiều lo ngại về quyền riêng tư.
Khi những cơn đau gia tăng và được xử lý đúng cách, thì đó không phải là cơ hội cho ngày tận thế đến. Nhưng chúng là một lời nhắc nhở, rằng ngay cả khi bạn đã xây dựng một DN cực kỳ nổi tiếng, đừng bao giờ từ bỏ những điều cơ bản. Bất kể loại hình kinh doanh nào, cơ sở người dùng lớn hoặc được định giá cao bao nhiêu, các nguyên tắc cơ bản như tính nghiêm ngặt về quyền riêng tư và sự an toàn của người dùng vẫn là yếu tố cần thiết.
Cuối cùng, không phải công ty nào cũng sẽ tăng vọt lên mức định giá kỳ lân chỉ trong vòng chưa đầy một năm, hãy xem những năm tháng xây dựng cơ đồ của Elon Musk và Mark Zuckerberg, nhưng ít nhất, Clubhouse cũng cho chúng ta thấy một thành công siêu phàm. Bí quyết thành công có thể khá đơn giản, hãy dựa vào những gì tạo nên con người chúng ta.