THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN INTERNET TẠI CHÂU Á
Theo thống kê của Internet World Stats, tính tới quý 4/2013, châu Á hiện là khu vực có lượng người dùng Internet lớn nhất thế giới, với 1265,1 triệu người dùng Internet, chiếm 45,1% thế giới.
Mặc dù chiếm lượng lớn người dùng nhưng tỷ lệ thâm nhập Internet cũng như tốc độ kết nối của khu vực này lại khá thấp. Cụ thể, tỷ lệ thâm nhập Internet tại châu Á gần như thấp nhất thế giới (31,7%), chỉ cao hơn châu Phi, trong khi con số này tại Bắc Mỹ là 84,9% gấp gần 3 lần châu Á.
Kết quả nghiên cứu về tình hình Internet toàn cầu trong quý 1/2014 của hãng Quản lý lưu lượng Internet và giải pháp công nghệ Akamai (Mỹ) cũng cho thấy một thực tế khá ảm đạm về tốc độ Internet hiện nay ở khu vực châu Á. Trong bảng xếp hạng của Akamai, Ấn Độ đứng vị trí cuối bảng với tốc độ Internet chỉ ở mức 1,7 Mbps, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới 3,9 Mbps. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có tốc độ kết nối Internet thuộc vào loại thấp nhất tại châu Á nói chung và khu vực Đông Nam À nói riêng. Tốc độ Internet trung bình của Việt Nam là 2 Mbps, xếp thứ 107 trên thế giới. Ngoài ra, ở khu vực châu Á
-Thái Bình Dương còn có Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Malaysia không đạt chuẩn so với tốc độ Internet trung bình của thế giới.
Tại châu Á chỉ có 3 nước là Hàn Quốc, Nhật Bản và Hồng Kông là có tốc độ Internet trung bình cao. Cụ thể Hàn Quốc đứng đầu thế giới với tốc độ 23,6 Mbps. Có đến 60% người dùng tại quốc gia này sử dụng đường truyền có tốc độ lớn hơn 15 Mbps. Xếp thứ 2 trong danh sách các quốc gia có tốc độ đường truyền Internet tốt nhất là Nhật Bản, với tốc độ trung bình 14,6 Mbps, tăng 12% so với quý trước và tăng 29% so với cùng kì năm ngoái.
Các quốc gia còn lại trong nhóm 10 quốc gia có tốc độ Internet trung bình cao nhất đều nằm tại châu Âu gồm Thụy Sỹ (12,7 Mbps), Hà Lan (12,4 Mbps), Latvia (12,0 Mbps), Thụy Điển (11,6 Mpbs), Cộng hòa Séc (11,2 Mpbs), Phần Lan (10,7 Mpbs) và Ireland (10,7 Mpbs). Cường quốc về công nghệ Mỹ xếp thứ 12 trong danh sách với tốc độ Internet trung bình đạt 10,5 Mbps.
NHỮNG THÁCH THỨC LỚN
Có thể thấy, Internet ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với con người trong xã hội, đã và đang tác động tích cực tới hầu hết các lĩnh vực như truyền thông, y tế, giáo dục, kinh tế, kỹ thuật, ngân hàng... Internet không chỉ góp phần tạo lập cộng đồng, thúc đẩy hoạt động của các tổ chức xã hội, nâng cao năng lực sản xuất và thương mại mà còn tạo ra nhiều hơn cải vật chất trong xã hội và nâng cao đời sống người dân. Nền kinh tế thế giới truyền thống hiện đang có bước chuyển mạnh mẽ sang nền kinh tế Internet. Tuy nhiên, tại châu Á, có rất nhiều rào cản đang kìm hãm nền công nghiệp Internet tại khu vực này. Năm 2013, Liên minh Internet châu Á (AIC) đã phối hợp với tổ chức nghiên cứu EIU (Economist Intelligence Unit) tiến hành khảo sát để tìm ra những yếu tố ảnh hưởng tới tình trạng chung của ngành công nghiệp Internet châu Á. Cuộc khảo sát đã tiến hành phỏng vấn các nhà sáng lập doanh nghiệp, giám đốc điều hành và các nhà đầu tư của hơn 30 công ty Internet trong khu vực. Kết quả cho thấy môi trường kinh doanh mà doanh nghiệp Internet châu Á hoạt động phải đối mặt với các yếu tố nội bộ và bên ngoài (liên quan đến mô hình kinh doanh, kiến trúc tài chính, thị trường tiềm năng, môi trường pháp lý và các quy định phải tuân thủ...), gây tác động lớn đến sự thành công của chiến lược kinh doanh. Theo đó có 5 thách thức sau:
-Các doanh nghiệp Internet châu Á thường tập trung vào thị trường nội địa, một phần vì đây là thị trường rất lớn và nhiều tiềm năng, một phần vì họ cho rằng cần chú trọng phát triển quy mô doanh nghiệp trước khi mạo hiểm đầu tư ra nước ngoài.
-Tìm kiếm các nguồn doanh thu mới là một trận chiến khó khăn đối với nhiều doanh nghiệp Internet châu Á.
-Các kênh thanh toán trực tuyến bị phân mảnh và kém phát triển, cản trở hoạt động kinh doanh. Trong khi Nhật Bản có 45% dân số sử dụng thanh toán điện tử trực tuyến, Singapore có 42%, nhưng con số này lại rất thấp ở Indonesia, Việt Nam và Ấn Độ (2-3%). Đây chính là một rào cản lớn. Trong khi các trang web thương mại điện tử có thể sử dụng tiền mặt để thanh toán, nhưng đó lại không phải là một giải pháp lý tưởng cho các nền kinh tế ứng dụng hoặc dịch vụ thuê bao trực tuyến.
-Các quy định trong lĩnh vực Internet đang gia tăng. Tại nhiều quốc gia châu Á, chính phủ đang đẩy mạnh việc kiểm soát lĩnh vực này hơn bằng các quy định pháp luật, thậm chí cả những rào cản kiểm duyệt và điều này phần nào gây tác động tiêu cực đến sự phát triển của nó.
-Thiều nguồn nhân lực công nghệ cao tại châu Á. Sự hấp dẫn của nền giáo dục ở Mỹ hoặc Anh thường tước đi các doanh nhân tiềm năng của các nước châu Á. Một số về nước nhà nhưng do cơ chế, chính sách đãi ngộ không thỏa đáng và hạ tầng thiếu thốn nên một thời gian cũng lại chuyển ra nước ngoài.
Tuy nhiên, châu Á là nơi có tới gần 50% số người dùng Internet trên thế giới nên tiềm năng tăng trưởng của nền công nghiệp web ở đây là rất lớn. Để thúc đẩy sự phát triển, chính phủ các nước châu Á cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhau để xóa bỏ các quy định không cần thiết, gây phiền hà và làm gia tăng chi phí hoạt động của các doanh nghiệp. Ngoài ra, cần có các chính sách phù hợp để thu hút đầu tư của nước ngoài, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước, từ đó tạo đà thúc đẩy nền công nghiệp Internet tại châu Á.
BH
(còn nữa)
(TCTTTT Kỳ 1/11/2014)