Việc sửa đổi, hoàn thiện các quy định của Luật Báo chí 2016 là cấp thiết đặt ra trong giai đoạn hiện nay

PV| 06/12/2019 10:06
Theo dõi ICTVietnam trên

Sáng ngày 4/12, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị sơ kết 03 năm thi hành Luật Báo chí năm 2016, nhằm đánh giá những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành luật của cơ quan, địa phương; tổng hợp các giải pháp, kiến nghị để xây dựng các quy phạm trong Luật Báo chí mới để nâng cao chất lượng hoạt động báo chí và công tác quản lý nhà nước về báo chí.

         Tham dự Hội nghị có đại diện Văn phòng Chính phủ, các cơ quan chủ quản báo chí, Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và lãnh đạo các cơ quan báo, đài. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo chủ trì Hội nghị.

         Báo cáo tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông Lưu Đình Phúc cho biết: Luật Báo chí 2016 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 11 và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2017. Sau khi có hiệu lực, Luật Báo chí 2016 đã kịp thời điều chỉnh nhiều vấn đề nảy sinh; phần nào khắc phục bất cập trong thực tiễn hoạt động báo chí; từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về báo chí trong giai đoạn hiện nay; tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Những nội dung của Luật Báo chí 2016 cơ bản đã phù hợp và bảo đảm tính hiệu lực trong quản lý, điều hành các hoạt động báo chí.

            Để quy định chi tiết Luật Báo chí, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ban hành các văn bản hướng dẫn dưới Luật gồm có 02 Nghị định của Chính phủ và 04 Thông tư (3 Thông tư của Bộ TTTT và 01 Thông tư của Bộ Tài chính). Căn cứ các quy định của Luật Báo chí, nhiều bộ, ngành, địa phương cũng ban hành các văn bản triển khai thực hiện như: về nâng cao chất lượng, tăng cường sự lãnh đạo và quản lý công tác báo chí - xuất bản; về việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của đơn vị; về chấn chỉnh hoạt động của các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của cơ quan báo chí…

         Ngay trong năm 2016, sau khi Quốc hội thông qua Luật Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức 02 hội nghị tại khu vực phía Bắc và phía Nam nhằm quán triệt, phổ biến Luật báo chí cho lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí địa phương, các cơ quan chủ quản báo chí và cơ quan báo chí trên toàn quốc. Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị chức năng thuộc Bộ đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức cũng như tổ chức các khoá đào tạo, bồi dưỡng cho lãnh đạo và phóng viên các cơ quan báo chí.

         Tuy nhiên, sau 3 năm thi hành Luật Báo chí 2016, qua báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan báo chí và từ thực tiễn công tác quản lý, bên cạnh những mặt ưu điểm, tích cực là chủ yếu cũng đã dần bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn báo chí nhất là xu hướng phát triển của công nghệ hiện nay, đặc biệt với tình hình thực tiễn mới đặt ra nhiều khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Đó là: chưa quy định về báo in và tạp chí in, gây lúng túng cho cơ quan báo chí khi thực hiện, nhất là khi triển khai Quy hoạch báo chí; chưa thống nhất trong quá trình thực hiện việc thỏa thuận, bổ nhiệm cấp phó của người đứng đầu cơ quan báo chí; quy định về văn phòng đại diện, phóng viên thường trú chưa chặt chẽ; cần xem xét nếu loại hình thông tin nào có ảnh hưởng như báo chí thì xác định là loại hình phải quản lý…

         Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, theo Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo, Luật Báo chí năm 2016 khi có hiệu lực đã nhanh chóng, kịp thời điều chỉnh nhiều vấn đề nảy sinh trong thực tiễn cuộc sống, bất cập trong hoạt động báo chí, từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về báo chí, tạo thuận lợi cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Việc thực thi Luật Báo chí 2016 về cơ bản được triển khai tích cực, tuy nhiên có một số trường hợp khi thực thi luật nhưng không hiểu hoặc không nắm rõ luật nên trong khi ứng xử với báo chí không chuẩn. Thậm chí cứ nghe đến báo chí là né, là thoả hiệp. Bởi vậy, từng cơ quan, đối tượng liên quan của Luật Báo chí từ cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí, ở địa phương cần tìm hiểu, nghiên cứu Luật Báo chí để kịp thời xử lý những vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn. Việc tuyển dụng phóng viên ở nhiều cơ quan báo chí còn lỏng lẻo, nhận thức về chính trị, trình độ chuyên môn còn hạn chế; nhiều cơ quan báo chí phải đóng góp tài chính nuôi cơ quan chủ quản; Trang tin điện tử là cánh tay nối dài của cơ quan báo chí, nhưng trên thực tế nhiều trang tin điện tử đã gây bức xúc trong dư luận xã hội, theo quy định thì trang tin điện tử không được sản xuất, không được biên tập tin bài và khi dẫn lại nguồn tin phải có thoả thuận với cơ quan báo chí…

         Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo đề nghị Hội nghị cần tập trung bàn thảo kỹ lưỡng hai nhóm vấn đề chính sau đây: Thứ nhất là, tình hình thi hành Luật Báo chí 2016 trong xã hội và của các chủ thể của Luật như: cơ quan báo chí, nhà báo; cơ quan chủ quản báo chí; cơ quan quản lý nhà nước về báo chí. Cần phân tích để làm rõ những mặt tích cực, mặt tồn tại, nguyên nhân của những tồn tại ấy từ đâu, do một số nội dung của Luật Báo chí 2016 chưa rõ ràng, chưa quy định cụ thể; do một số một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn hoạt động báo chí chưa được Luật điều chỉnh hay do nhận thức thi hành và áp dụng Luật có những bất cập. Thứ hai là, đưa ra những kiến nghị, giải pháp sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển của báo chí, trong bối cảnh toàn cầu hóa thông tin, sự thay đổi thói quen đọc, nghe, xem của độc giả, khán giả, sự phát triển của công nghệ tác động đến báo chí trên cơ sở quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo của Đảng và các quy định khác của pháp luật.

         Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo cũng khẳng định: Với tinh thần trách nhiệm và sự cầu thị, Bộ Thông tin và Truyền thông lắng nghe, ghi nhận những ý kiến, tâm tư, kiến nghị của các cơ quan, tổ chức sau 03 năm triển khai thi hành Luật Báo chí 2016. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị có liên quan nghiêm túc tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý xác đáng nhằm hoàn chỉnh hành lang pháp lý trong hoạt động báo chí; khi tiến hành sửa đổi Luật Báo chí tới đây có thể khắc phục được những bất cập, những hạn chế, thiếu sót của Luật Báo chí 2016, cũng như việc sửa đổi, điều chỉnh các quy định của Luật phải đáp ứng tình hình thực tiễn, mang tính dự báo xu hướng phát triển trong thời gian tới. Việc sửa đổi, hoàn thiện các quy định của Luật báo chí năm 2016 là cấp thiết đặt ra trong giai đoạn hiện nay.

         Hội nghị còn có 15 tham luận của các cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí tại địa phương và đại diện lãnh đạo cơ quan báo chí.

         Tham luận tại Hội nghị, đại diện của Đài Truyền hình Việt Nam có ý kiến: “Nhiều tổ chức nước ngoài đã triển khai cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền xuyên biên giới thông qua mạng internet, đã tiến hành hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nhưng chưa tuân thủ các quy định pháp luật Việt Nam về kiểm soát nội dung, biên tập, biên dịch, chèn sóng quảng cáo, đóng các khoản phí, thuế dịch vụ truyền hình. Điều này tạo nên sân chơi không thật sự bình đẳng trong hệ thống truyền hình trả tiền. Do đó, thực tiễn đang đòi hỏi phải ban hành Nghị định mới thay thế hoặc sửa đổi Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/1/2016 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình, để đảm bảo phát huy hiệu quả tối đa của Luật Báo chí 2016”.

            Còn theo đại diện của Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh: Đổi mới, đầu tư, nâng cấp phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ truyền hình đáp ứng yêu cầu thực tiễn truyền thông hiện đại là gánh nặng tài chính cho Đài. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp tư nhân dù không phải bỏ ra khoản kinh phí lớn, nhưng vẫn có thể chuyển tải những sản phẩm truyền thông lên các hạ tầng Internet. Điều này ảnh hưởng lớn đến hiệu quả tuyên truyền của các kênh truyền hình truyền thống và ảnh hưởng đến nguồn thu…. Đề nghị điều chỉnh, bổ sung các chế tài đối với cá nhân, doanh nghiệp truyền thông tự sản xuất chương trình truyền hình cung cấp cho các hạ tầng truyền dẫn nội dung số, các phương thức truyền dẫn mới (YouTube, Facebook…) theo hướng phải có sự liên kết với cơ quan báo chí…”

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Phát động thực hiện phong trào “bình dân học vụ số” (*)
    Phát biểu tại buổi gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, thực tế hiện nay, còn tỷ lệ lớn người dân, kể cả cán bộ trong cơ quan nhà nước chưa nắm vững về chuyển đổi số; trong khi đó, Bộ Chính trị đã bàn và quyết định sẽ ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số quốc gia. Để thực hiện thành công Nghị quyết này, yêu cầu nhanh chóng phổ cập tri thức cơ bản về chuyển đổi số cho toàn dân đang đặt ra cấp thiết.
  • 12 cách toà soạn khai thác AI để tăng hiệu quả hoạt động (Phần 1)
    Trí tuệ nhân tạo (AI) đang cách mạng hóa các ngành, lĩnh vực trên toàn thế giới và báo chí cũng không ngoại lệ. Các tổ chức tin tức đang tích hợp các công cụ AI nhằm kết hợp hiệu quả của công nghệ với sự sáng tạo của người làm báo.
  • Cảnh sắc chỉ có thể được bảo tồn khi chúng ta rung động trước vẻ đẹp của chúng
    Cuốn sách “Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường” mở ra cho người đọc một cách nhìn mới về vẻ đẹp của thiên nhiên, về cách rung cảm trước nhiều hình thái khác nhau của tạo hóa, thay vì chỉ qua những bức hình trên mạng xã hội.
  • An ninh mạng là rủi ro kinh doanh hàng đầu trên toàn cầu
    Trước đây, an ninh mạng chỉ là vấn đề bên lề của hoạt động kinh doanh tại doanh nghiệp, nhưng giờ đây đã, an ninh mạng đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của các tổ chức trên toàn thế giới.
  • Ngành an ninh mạng sẽ có những thay đổi lớn trong năm 2025
    Dự báo an ninh mạng 2025 của Google cung cấp cái nhìn toàn diện về bối cảnh mối đe dọa mạng đang phát triển và các chiến lược mà các tổ chức nên cân nhắc để giải quyết các mối đe dọa.
Đừng bỏ lỡ
Việc sửa đổi, hoàn thiện các quy định của Luật Báo chí 2016 là cấp thiết đặt ra trong giai đoạn hiện nay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO