Nhờ có chiếc điện thoại, đời sống gia đình ông có nhiều cải thiện: con cái đi làm xa có thể liên lạc thường xuyên về nhà, thương lái có thể liên lạc dễ dàng để hỏi mua nông sản khi đến vụ…
Gia đình ông Tỉnh chỉ là một trong số 2,6 triệu hộ gia đình đã được nhận hỗ trợ từ chương trình. Bắt đầu triển khai từ năm 2006 theo Quyết định 74 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, chương trình viễn thông công ích đã cho thấy chính sách, định hướng về cung cấp dịch vụ viễn thông công ích của Đảng và Nhà nước là rất đúng đắn và cần thiết. Các chương trình viễn thông công ích cần được tiếp tục thực hiện trong giai đoạn hiện nay và tiếp sau này để đáp ứng yêu cầu, mục tiêu về chính trị, kinh tế, xã hội.
Việc sử dụng điện thoại di động không còn xa lạ đối với người dân tộc vùng cao. Ảnh: Xuân Chiến - Báo điện tử Lai Châu |
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả của các chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích trong giai đoạn tới, bên cạnh việc kế thừa những ưu điểm ở giai đoạn trước, cần có những định hướng phát triển mới phù hợp với thực tiễn. Được biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đang hoàn thiện Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020 trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Chương trình có nhiều điểm mới, khắc phục được những khoảng trống của các chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích giai đoạn trước.
Tập trung phát triển cơ sở hạ tầng
Việc phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông với công nghệ phù hợp sẽ nâng cao mức độ sẵn sàng cung cấp dịch vụ viễn thông lâu dài, giúp phát triển thuê bao và dịch vụ, nhất là trong điều kiện thị trường cạnh tranh.
Tính đến tháng 7/2013, vẫn còn 238 xã chưa có hạ tầng truyền dẫn băng rộng đến xã; 1697 xã chưa có hạ tầng mạng truy nhập băng rộng cố định đến xã; 386 xã chưa có hạ tầng mạng truy nhập băng rộng di động đến xã; các huyện đảo mới chỉ được kết nối bằng hệ thống truyền dẫn viba, chất lượng chưa bảo đảm, đặc biệt trong điều kiện giông bão…
Vì vậy, để bảo đảm phát triển bền vững dịch vụ viễn thông công ích, chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020 định hướng tập trung chủ yếu vào nhiệm vụ hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông, đặc biệt là hạ tầng viễn thông băng rộng đa dịch vụ trong đó ưu tiên vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới và hải đảo.
Hỗ trợ thiết thực, đúng nhu cầu
Trước đây, các hộ gia đình trong vùng công ích được hỗ trợ máy điện thoại cố định và một phần cước liên lạc hàng tháng. Nhưng hiện nay, dịch vụ di động phát triển bùng nổ, nhu cầu sử dụng điện thoại cố định ngày càng giảm (hiện số thuê bao điện thoại cố định chiếm khoảng 10%, trong khi thuê bao di động chiếm khoảng 90% tổng số thuê bao).
Vì vậy, trong giai đoạn tới, để việc hỗ trợ hiệu quả và thiết thực hơn, chương trình sẽ hỗ trợ cho cả dịch vụ điện thoại cố định và thông tin di động mặt đất theo nguyên tắc công nghệ hay dịch vụ nào hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu của thị trường và người dân sẽ được chương trình hỗ trợ triển khai.
Đảm bảo hỗ trợ công bằng, đúng đối tượng
Đối tượng thụ hưởng trong Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích giai đoạn trước là “mọi người dân sinh sống trong vùng công ích”. Việc khoanh vùng đối tượng với quy mô rộng, không phân biệt mức thu nhập dẫn đến tình trạng không bình đẳng giữa người nghèo không thuộc vùng công ích và người giàu thuộc vùng công ích.
Để đảm bảo mục tiêu “bảo đảm quyền truy nhập bình đẳng, hợp lý cho mọi người dân, đặc biệt là cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình thuộc đối tượng chính sách”, trong thời gian tới, chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích cần xem xét từng nhóm đối tượng hỗ trợ theo quy định của Nhà nước thay vì khoanh vùng như các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách…
Qua gần 10 năm triển khai đã cho thấy Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích ra đời là một chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Việc triển khai chương trình trong thời gian tới cần có sự thay đổi theo các định hướng mới để đảm bảo tính hiệu quả và bền vững, phù hợp với sự phát triển của thị trường viễn thông, công nghệ và đáp ứng sát với nhu cầu thực tiễn.
Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam được thành lập năm 2006 theo Quyết định 74 của Thủ tướng Chính phủ để hỗ trợ thực hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước về cung cấp viễn thông công ích trên phạm vi cả nước. Năm 2006, từ thực trạng của thị trường viễn thông, khả năng tiếp cận dịch vụ của các khu vực trong cả nước còn khá chênh lệch, mật độ điện thoại tại nhiều khu vực trên cả nước thấp, chương trình đã tập trung cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2010 với các nội dung: - Tập trung đẩy mạnh phổ cập dịch vụ điện thoại cố định tại các khu vực có mật độ dưới 2,5 máy/100 dân - Tạo cơ hội để người dân tại các khu vực khó khăn được tiếp cận và sử dụng dịch vụ viễn thông. Kết quả triển khai thực hiện Chương trình 74 đã tạo cơ hội cho hơn 20 triệu người dân thuộc vùng công ích tiếp cận dịch vụ điện thoai và Internet. Chương trình không chỉ đạt được các mục tiêu quan trọng về phổ cập dịch vụ viễn thông mà còn góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao dân trí khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn, từng bước giảm khoảng cách hưởng thụ dịch vụ viễn thông giữa các vùng miền và cộng đồng dân cư. |
Bài đăng trên vietnamnet, tháng 12/2014