Việt Nam đưa ít nhất 2 tuyến cáp quang biển mới vào khai thác năm 2025
Theo Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT&TT khuyến khích đầu tư vào việc mở rộng mạng cáp quang và đảm bảo việc truy cập Internet trở thành hiện thực cho mọi hộ gia đình Việt Nam. Việt Nam sẽ đưa ít nhất 2 tuyến cáp quang biển mới vào khai thác vào năm 2025.
Ngày 27/11/2024, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo - Triển lãm Internet Day 2024 với chủ đề “Bước tiến mới cho Internet Việt Nam (Bứt phá với DC, Cloud, 5G và AI)". Đây là hoạt động thường niên của Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) phối hợp Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) với sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT).
Internet định hình tương lai của nền kinh tế số và xã hội số
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT&TT cho biết trong suốt hơn một thập kỷ qua, Internet Day đã trở thành một diễn đàn uy tín để cộng đồng công nghệ, doanh nghiệp (DN), và các cơ quan quản lý cùng chia sẻ, thảo luận về những xu hướng công nghệ, các giải pháp đổi mới sáng tạo (ĐMST), và những vấn đề chiến lược của thời đại số.
Chủ đề của Internet Day năm nay, "Bước tiến mới cho Internet Việt Nam: Bứt phá cùng DC, Cloud, AI và 5G", nhấn mạnh vai trò trung tâm của Internet trong việc định hình tương lai của nền kinh tế số và xã hội số.
Theo đó, Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết Internet không chỉ là nền tảng kết nối, mà còn là động lực thúc đẩy các công nghệ tiên phong như trung tâm dữ liệu (TTDL) (DC), điện toán đám mây (ĐTĐM) (cloud), trí tuệ nhân tạo (AI) và mạng 5G.
"Đây là những lĩnh vực cốt lõi, mở ra cơ hội phát triển đột phá trong các ngành công nghiệp, nâng cao hiệu quả quản lý, thúc đẩy ĐMST và cải thiện chất lượng cuộc sống. Đồng thời, chủ đề này cũng định hướng cộng đồng công nghệ và DN cùng xây dựng một hệ sinh thái số bền vững, an toàn", Cục trưởng Nguyễn Thành Phúc nhấn mạnh.
Hạ tầng số trở thành hạ tầng chiến lược cho phát triển kinh tế - xã hội
Cục trưởng Nguyễn Thành Phúc cũng nhấn mạnh: Hạ tầng số đã trở thành hạ tầng chiến lược cho phát triển kinh tế - xã hội quan trọng như hạ tầng giao thông, hạ tầng điện, cần được đầu tư trước, có khả năng mở rộng trong tương lai. Hạ tầng số tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội, mở ra cơ hội mới, không gian phát triển mới cho các DN công nghệ, DN viễn thông.
“Sự chuyển đổi này được thúc đẩy mạnh mẽ bằng các công nghệ số tiên tiến như TTDL, ĐTĐM, 5G và AI, không chỉ góp phần vào việc ĐMST tại Việt Nam, giải các bài toán Việt Nam, mà còn góp phần Việt Nam phát triển bứt phá trong thời đại số”.
Cục trưởng Cục Viễn thông thông tin Bộ TT&TT đã ban hành Khung phát triển hạ tầng số, thiết lập một khuôn khổ rõ ràng để các DN xác định không gian phát triển mới, gồm 4 thành phần chính:
Hạ tầng viễn thông và Internet: tập trung vào việc phát triển kết nối Internet tốc độ cao, đáng tin cậy trên khắp Việt Nam, cung cấp nền tảng cho mọi dịch vụ và ứng dụng kỹ thuật số khác, bao gồm việc mở rộng hạ tầng, băng thông mạng cáp quang, triển khai dịch vụ 5G.
Hạ tầng dữ liệu: nhấn mạnh vào việc xây dựng hạ tầng cần thiết để lưu trữ, xử lý và quản lý dữ liệu, bao gồm việc thu hút triển khai các trung tâm dữ liệu siêu lớn (Hyperscale), TTDL hỗ trợ các ứng dụng AI, ĐTĐM.
Hạ tầng vật lý - số: là thành phần quan trọng bậc nhất của chuyển đổi số (CĐS), các lợi ích chủ yếu của CĐS được tạo ra bởi hạ tầng này, bao gồm thiết bị IoT để số hóa thế giới thực, cung cấp khả năng tương tác giữa thế giới thực và thế giới số, các kết nối truyền dữ liệu, và các phần mềm, nền tảng xử lý dữ liệu.
Hạ tầng tiện ích số và công nghệ số: tập trung vào việc cung cấp các dịch vụ số thuận lợi cho việc tiếp cận của cá nhân, DN và cơ quan nhà nước, bao gồm phát triển các nền tảng số quốc gia cho chính phủ điện tử, định danh số, chữ ký số và thanh toán số.
Một số định hướng lớn phát triển hạ tầng số Việt Nam
Cục trưởng Nguyễn Thành Phúc cũng cho biết chiến lược hạ tầng số của Việt Nam đã xác định một số định hướng lớn bao gồm:
Phổ cập cáp quang đến các hộ gia đình: Internet tốc độ cao đóng vai trò quan trọng trong thế giới kết nối hiện nay, việc đảm bảo khả năng truy cập liền mạch vào không gian số là một trong những ưu tiên hàng đầu.
"Bộ TT&TT khuyến khích việc đầu tư vào việc mở rộng mạng cáp quang và đảm bảo rằng việc truy cập Internet trở thành hiện thực cho mọi hộ gia đình Việt Nam".
Phủ sóng 5G rộng khắp: Năm 2024 đánh dấu cột mốc quan trọng trong việc triển khai 5G tại Việt Nam với việc đấu giá thành công các băng tần B1 (2500 - 2600 MHz), C2 (3700 - 3800 MHz) và C3 (3800 - 3900 MHz) cho các nhà mạng.
Viettel, VNPT và MobiFone đã nhanh chóng triển khai thương mại hóa, chính thức cung cấp dịch vụ 5G. Có DN đã lên kế hoạch nâng số trạm 5G của mình đến 2025 đạt 50% số trạm 4G.
Đảm bảo thông tin liên lạc và trao đổi dữ liệu toàn cầu, Việt Nam sẽ đưa ít nhất 2 tuyến cáp quang biển mới vào khai thác vào năm 2025 và sẽ bổ sung thêm ít nhất 8 tuyến nữa đến năm 2030, nâng tổng dung lượng thiết kế đáp ứng yêu cầu dự phòng tối thiểu 1+2.
"Điều này đảm bảo tính bền vững, an toàn của hạ tầng viễn thông quốc tế, đảm bảo kết nối không bị gián đoạn, tăng cường năng lực băng thông kết nối quốc tế", ông Nguyễn Thành Phúc nhấn mạnh.
Các TTDL đóng vai trò then chốt cho hạ tầng số. Việt Nam khuyến khích các DN công nghệ đầu tư xây dựng các TTDL quy mô lớn, hình thành các TTDL cho AI (AI Data Center), với mục tiêu đến năm 2030 tổng công suất của các TTDL đạt 870MW. Việt Nam cũng chú trọng phát triển các TTDL đáp ứng các tiêu chuẩn xanh quốc tế, hiệu quả sử dụng điện năng (PUE) không vượt quá 1,4.
Phát triển các nền tảng cung cấp công nghệ số IoT, AI, dữ liệu lớn, chuỗi khối (blockchain), an ninh mạng như dịch vụ. Các nền tảng này sẽ hoạt động như cơ sở hạ tầng mềm thiết yếu, tạo thuận lợi cho các DN và người dân khai thác công nghệ, giảm thiểu chi phí đầu tư ban đầu.
Theo Cục trưởng Cục Viễn thông, Internet vạn vật (IoT) đang mở ra tiềm năng to lớn để cách mạng hóa cách chúng ta sống, làm việc và tương tác với môi trường xung quanh.
Với mục tiêu đến năm 2030, trung bình mỗi người dân Việt Nam sẽ sở hữu 4 kết nối IoT, Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết chúng ta sẽ chứng kiến một bước tiến quan trọng trong việc kết nối các thiết bị, thu thập dữ liệu và triển khai tự động hóa thông minh trên nhiều lĩnh vực khác nhau. "Đây là một định hướng chiến lược lớn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, hỗ trợ ra quyết định và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Kết nối IoT sẽ giúp số hóa thế giới thực và tạo ra sự tương tác liền mạch giữa thế giới thực và thế giới số".
Hệ sinh thái IoT không chỉ kết nối dữ liệu mà còn là nền tảng để triển khai các phần mềm, các ứng dụng thông minh giúp xử lý và phân tích dữ liệu, thúc đẩy đầu tư vào các TTDL, ĐTĐM đặc biệt là TTDL biên, điện toán đám mây biên, mang lại những cơ hội phát triển mới cho mọi lĩnh vực và giải quyết các bài toán của Việt Nam.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc VNNIC cho biết cần phát triển Internet lớn hơn, nhanh hơn, an toàn hơn, phẳng hơn. Theo đó, cần tập trung phát triển hạ tầng Internet an toàn, hiệu quả, chất lượng; cần khai thác tạo giá trị đột phá, bước nhảy lớn ngay trong các dịch vụ, hạ tầng Internet cơ bản, lõi.
Tương lai của Internet Việt Nam hứa hẹn nhiều đột phá lớn
Theo ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch VIA cho biết, mỗi giai đoạn phát triển Internet đều đánh dấu sự thay đổi không chỉ về công nghệ mà còn về văn hóa sử dụng Internet tại Việt Nam. Tương lai của Internet Việt Nam hứa hẹn nhiều đột phá lớn, khi công nghệ đang thay đổi nhanh chóng và nhu cầu CĐS ngày càng mạnh mẽ. Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục tích cực trong thúc đẩy CĐS, mở rộng phổ cập Internet đến vùng sâu, vùng xa.
Trong khi đó, ông Andrew Goledzinowski, Đại sứ Australia tại Việt Nam chia sẻ những dự báo về phát triển Internet và cho biết hiện có 2 vấn đề quan trọng mà thế giới đang quan tâm là toàn cầu hoá và Việt Nam.
"Chúng ta đang trải qua những thay đổi nhanh chóng, nhất là sau COVID-19,... người dân, chính phủ đều có nhiều vấn đề cần quan tâm, trong đó có Internet. Internet giúp chia sẻ các ý tưởng giữa các quốc gia, các vấn đề cùng quan tâm".
Tuy nhiên, Đại sứ Andrew Goledzinowski cho rằng Internet đang gặp phải những thách thức khi cáp quang biển bị tấn công, kết nối vệ tinh còn gián đoạn… nên các quốc gia cần phải tăng cường hợp tác, trong đó Việt Nam và Australia cần đẩy mạnh hợp tác.
Trong một thế giới biến động, chúng ta phát triển như thế nào? Trả lời câu hỏi này, Đại sứ Andrew Goledzinowski cho rằng cần lưu ý 3 từ: trách nhiệm giải trình, minh bạch và hiệu quả. "Việt Nam đang bước vào vào kỷ nguyên mới và Internet rất quan trọng để hỗ trợ Việt Nam phát triển trong tương lai".
Phiên sáng Hội thảo ngày Internet Day 2024 có một số tham luận được trình bày đáng chú ý như: Cloud Native & AI; Wifi 6E /Wifi 7; Chiến lược 5G/Dịch vụ mới cho 5G; Ứng dụng Edge Native - Giải phóng sức mạnh của Edge. Buổi chiều, hội thảo sẽ có 2 phiên chuyên đề: Chuyên đề 1: thảo luận về TTDL cho kỷ nguyên AI; Chuyên đề 2: Hội thảo về Các công nghệ kết nối tân tiến cho kỷ nguyên AI (Mạng 5G & 6G; Wi-Fi 6E & Wi-Fi 7; Công nghệ Mạng Lưới (Mesh Networking); điện toán biên (edge computing); Quantum Internet (mạng lượng tử); Công nghệ Li-Fi (Light Fidelity); IoT và IoT tích hợp trí tuệ nhân tạo (AIoT);…/.