Việt Nam - Hàn Quốc phát triển ICT lên tầm cao mới

Ánh Dương Hoàng Linh| 13/10/2022 09:10
Theo dõi ICTVietnam trên

Chuyển đổi số (CĐS) và sự phát triển của lĩnh vực ICT đã giúp các nước, trong đó có Hàn Quốc, Việt Nam vượt qua khó khăn thời kỳ đại dịch và bước tiếp.

Diễn đàn CĐS Việt Nam - Hàn Quốc được tổ chức ngày 12/10 trong khuôn khổ Tuần lễ số quốc tế (VIDW) 2022 là dịp để chia sẻ, trao đổi về xây dựng chính sách CĐS, phát triển ICT và những thực tiễn của Việt Nam - Hàn Quốc nhằm chuẩn bị cho tương lai sau đại dịch thông qua CĐS.

Hợp tác để phát triển

Tại Diễn đàn, ông Park Yun Kyu, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ và ICT Hàn Quốc (MIST) cho biết đại dịch COVID-19 đã cho thấy kỹ thuật số phát huy sức mạnh và trở thành ánh sáng giúp chúng ta bước tiếp đoạn đường khó khăn đó. Kỹ thuật số giờ đã trở thành thời đại của cách mạng số, trở thành nền tảng quan trọng của mọi cải tiến đổi mới. Kỹ thuật số là yếu tố then chốt trong đổi mới sáng tạo mọi lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, đến xã hội, văn hóa chứ không chỉ dừng lại ở việc thay đổi thói quen sinh hoạt hằng ngày hay là sự phát triển của lĩnh vực kỹ thuật công nghiệp nói chung.

Việt Nam - Hàn Quốc phát triển ICT lên tầm cao mới - Ảnh 1.

Thứ trưởng Park Yun Kyu: Hàn Quốc đặt ra các kế hoạch mạnh mẽ để đảm bảo khả năng kỹ thuật số tốt nhất thế giới

Thứ trưởng Park Yun Kyu cho biết ngày 28/9 vừa qua, chính phủ Hàn Quốc cũng đã công bố chiến lược số hóa Hàn Quốc. Đây là một kế hoạch tổng thể cấp quốc gia nhằm hiện thức hóa các giá trị nhân văn cơ bản bằng kỹ thuật số, đồng thời đưa Hàn Quốc trở thành nhà lãnh đạo kỹ thuật số toàn cầu.

Cùng với sự góp sức của người dân với tầm nhìn trở thành một cường quốc về kỹ thuật số đặt ra hình mẫu cho thế giới, Hàn Quốc đặt ra các kế hoạch mạnh mẽ để đảm bảo khả năng kỹ thuật số tốt nhất thế giới trong các ngành kỹ thuật số quan trọng như dữ liệu, trí tuệ nhân tạo (AI), đám mây, phần mềm, cơ sở hạ tầng mạng như 6G, lượng tử cũng như những ngành mới như metaverse…

"Hàn Quốc đặt kế hoạch hỗ trợ sự đổi mới toàn diện nền kinh tế bằng cách lan tỏa sự hội tụ số trong tất cả các lĩnh vực từ nông nghiệp, chăn nuôi và thủy sản đến các ngành dịch vụ như văn hóa, hậu cần, công nghệ sinh học và sản xuất nói chung", Thứ trưởng Park Yun Kyu nhấn mạnh.

Cũng theo Thứ trưởng Park Yun Kyu, Hàn Quốc sẽ tạo ra một xã hội số cho mọi công dân bằng cách bảo vệ sự an toàn của người dân mọi lúc, mọi nơi bằng công nghệ số, sử dụng công nghệ số tích cực hơn để hiện thực hóa tính trung lập của carbon và đảm bảo kỹ thuật số là quyền cơ bản của người dân. Hàn Quốc sẽ tiến tới một chính phủ số không chỉ cải thiện sự tiện lợi cuộc sống người dân thông qua kỹ thuật số mà còn hiện thực hóa các chính sách phúc lợi qua kỹ thuật số và dân chủ kỹ thuật số.

Cuối cùng, Thứ trưởng Park Yun Kyu cho biết Hàn Quốc dự định tạo ra một nền văn hóa đổi mới số, khuyến khích sự tự do của người dân đối với với việc thử thách đổi mới sáng tạo bản thân. Đồng thời, để chuẩn bị cho một trật tự kinh tế xã hội số mới, Hàn Quốc dự kiến ban hành 5 luật cơ bản của nền kinh tế số bao gồm cả việc chuẩn bị luật cơ bản AI, luật metaverse đặc biệt, luật cơ bản xã hội…

Thông qua đó, Hàn Quốc sẽ cùng chung tay tạo ra một trật tự kỹ thuật số toàn cầu và thực hiện những thay đổi mà các doanh nghiệp (DN) và người dân có thể trải nghiệm trong cuộc sống hằng ngày của họ.

Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Lê Văn Tuấn, Cục trưởng Cục Tần số Vô Tuyến điện - Bộ TT&TT cho biết CĐS, chuyển đổi xanh là một trong những giải pháp chiến lược đột phá của Chính phủ Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Việt Nam là Chủ tịch Uỷ ban quốc gia về CĐS. Trong khi đó, người đứng đầu của 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam cũng là người đứng đầu Uỷ ban CĐS địa phương. Điều này nói lên sự quan tâm của lãnh đạo Việt Nam đối với công cuộc CĐS.

Việt Nam - Hàn Quốc phát triển ICT lên tầm cao mới - Ảnh 2.

Cục trưởng Lê Văn Tuấn: một trong những nội dung quan trọng của CĐS Việt Nam là đưa hoạt động của người dân, DN lên các nền tảng số

Theo ông Lê Văn Tuấn, một trong những nội dung quan trọng của CĐS Việt Nam là đưa hoạt động của người dân, DN lên các nền tảng số và đưa hoạt động và khuyến khích các DN sử dụng công nghệ số, đặc biệt là các công nghệ liên quan đến AI, nền tảng số để cải thiện năng suất, hiệu quả hoạt động của mình.

Về chính quyền số, một trong những nội dung quan trọng là công nghệ số, CĐS giúp cải cách hành chính, giúp cho người dân tiếp cận với các dịch vụ công dễ dàng, thuận tiện hơn, chính quyền gần gũi với người dân hơn. Đó là mục tiêu cơ bản của quá trình CĐS Việt Nam.

Ông Lê Văn Tuấn cũng đánh giá cao Hàn Quốc khi có một cộng đồng các DN lớn và có đóng góp quan trọng vào nền kinh tế của Việt Nam. Các DN Hàn Quốc là những DN có khả năng, có kinh nghiệm về CĐS. Theo đó, các DN Hàn Quốc là những cánh chim đầu đàn chia sẻ, truyền lửa, truyền cảm hứng đối với cộng đồng DN Việt Nam trong quá trình CĐS và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn để ứng dụng để hai bên cùng có lợi.

Chính sách thúc đẩy phát triển ICT lên tầm cao mới

Chia sẻ về sự phát triển của lĩnh vực ICT của Việt Nam, ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp CNTT và Truyền thông - Bộ TT&TT cho biết ngành công nghiệp CNTT gồm 4 mảng: phần cứng - điện tử, nội dung số, phần mềm và dịch vụ CNTT. Tổng doanh thu ICT năm 2021 của Việt Nam đạt 124,7 tỷ USD.

Việt Nam - Hàn Quốc phát triển ICT lên tầm cao mới - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Thiện Nghĩa: vào năm 2030, lĩnh vực ICT đặt mục tiêu có tốc độ tăng trưởng lớn hơn gấp đôi tốc độ tăng trưởng GDP quốc gia

Chiến lược phát triển ICT của Việt Nam đặt ra các mục tiêu cụ thể vào năm 2025 như đạt tốc độ tăng trưởng lớn hơn gấp đôi tốc độ tăng trưởng GDP quốc gia, có 80.000 DN ICT, đóng góp 6 - 6,5% GDP, lọt top 5 quốc gia hàng đầu về doanh thu từ dịch vụ phần mềm, sản xuất và phân phối trò chơi di động, 07 tỉnh có doanh thu 1 tỷ USD, 1,5 triệu người làm việc trong ngành ICT, có 10 DN CNTT có doanh thu từ 1 tỷ USD trở lên.

Vào năm 2030, lĩnh vực ICT đặt mục tiêu có tốc độ tăng trưởng lớn hơn gấp đôi tốc độ tăng trưởng GDP quốc gia, có 100.000 DN ICT, đóng góp 7 - 8% GDP, 07 tỉnh có doanh thu hơn 1 tỷ USD,15 DN CNTT có doanh thu hơn 1 tỷ USD trở lên. Lĩnh vực có 1,8 triệu người làm việc.

Theo đó, lĩnh vực sẽ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, đưa ra khung thử nghiệm sandbox, trong đó xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho các công nghệ số được ưu tiên như 5G và các công nghệ di động thế hệ tiếp, dữ liệu lớn, AI, chuỗi khối (blockchain), Internet vạn vật (IoT). Đồng thời phát triển và triển khai dự án khoa học trọng điểm quốc gia và chương trình công nghệ về ngành công nghệ số; nghiên cứu, xây dựng thể chế đặt hàng, giao nhiệm vụ nghiên cứu các công nghệ lõi; đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm quốc gia (lab), trung tâm R&D về tính toán hiệu suất cao, kiểm tra và chất lượng đánh giá các sản phẩm và dịch vụ công nghệ số...

Chia sẻ thêm về chính sách đóng góp cho sự phát triển, ông Lee Byung Moog, Phó Giám đốc Trung tâm hợp tác CNTT Hàn Quốc cho biết để phát triển lĩnh vực ICT Hàn Quốc tập trung cải cách thể chế (sửa đổi các quy định, có khung thử nghiệm "sandbox"), chấp nhận công nghệ mới (đi đầu về ứng dụng công nghệ mới, ưu tiên nghiên cứu, hỗ trợ các công ty về thủ tục hành chính, kỹ thuật và thuế…) và nuôi dưỡng các nguồn lực công nghệ mới. Theo đó, lĩnh vực đã đóng góp 12,9% vào GDP, xuất khẩu chiếm 34,6%, R&D chiếm 58%.

Việt Nam - Hàn Quốc phát triển ICT lên tầm cao mới - Ảnh 2.

Các kết quả nổi bật của thực hiện chiến lược Digital New Deal

Hàn Quốc cũng đã ban hành chiến lược kinh tế mới (Digital New Deal) thúc đẩy thương mại trực tuyến, làm việc từ xa, số hóa - thành phần quan trọng để thúc đẩy cạnh tranh, sáng tạo số - sức mạnh chính của Hàn Quốc nhờ ICT. Hiệu quả của chiến lược là thúc đẩy tăng trưởng của các ngành, mở rộng thị trường dữ liệu, đào tạo số cho công dân, thu hút tài năng, CĐS các công ty phi ICT, tăng sức sống cho các DN./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam - Hàn Quốc phát triển ICT lên tầm cao mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO