Ngày 27/11/2017, Phó Thủ tướng Cộng hòa Slovakia Peter Pellegrini phụ trách Đầu tư và Tin học của Slovakia và Bộ trưởng Bộ TTTT Việt Nam Trương Minh Tuấn đã có buổi làm việc về hợp tác lĩnh vực Thông tin và Truyền thông tại Hà Nội. Tham dự có đại diện các cơ quan của ngành Đầu tư và Tin học hóa Cộng hòa Slovakia và Bộ TTTT Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn trao đổi về phát triển, hợp tác TTTT
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn đã thông tin về tình hình phát triển lĩnh vực TTTT Việt Nam. Theo đó, ngành TTTT Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí trong sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Năm 2016, tổng doanh thu toàn ngành đạt 72,7 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng đạt 9,1% so với năm 2015. Lĩnh vực công nghiệp CNTT đang trở thành ngành kinh tế có tốc độ phát triển nhanh, bền vững, doanh thu cao, có giá trị xuất khẩu lớn đóng góp quan trọng vào GDP quốc gia. Tổng doanh thu lĩnh vực CNTT năm 2016, ước tính 67,8 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu CNTT ước đạt 60,8 tỷ USD, trong đó phần cứng điện tử là 57,737 tỷ USD, phần mềm là 2,491 tỷ USD. Trong 10 tháng đầu năm 2017, ngành TTTT vẫn duy trì được sự tăng trưởng tốt, dự báo sẽ hoàn thành các mục tiêu kế hoạch với mức tăng trưởng khoảng 10%.
Thị trường Viễn thông, Internet việt Nam tiếp tục có sự cạnh tranh tích cực. Tổng số thuê bao điện thoại di động đạt trên 128 triệu thuê bao, trong đó gần 36,2 triệu thuê bao băng rộng di động. Việt Nam hiện có tổng số lượng tên miền quốc gia đăng ký cao nhất khu vực ASEAN, tiền đề cho việc phát triển các dịch vụ Internet vạn vật cũng như cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Chỉ số CPĐT của Việt Nam được Liên hợp quốc xếp vào nhóm cao (thứ 2 trong 4 mức phát triển), tăng 10 bậc so với năm 2015.
Hiện Việt Nam có khoảng 53 triệu người dùng Facebook, đồng nghĩa với việc hơn 1/2 dân số tại Việt Nam sở hữu tài khoản Facebook. Việt Nam cũng là 1 trong nhóm 10 quốc gia có lượng người dùng Youtube cao nhất thế giới.
Việt Nam có 26 doanh nghiệp (DN) viễn thông được cấp phép thiết lập mạng viễn thông công cộng, trong đó một số DN đạt tầm khu vực và quốc tế có tiềm lực cả về vốn, công nghệ, đội ngũ nhân lực và kinh nghiệm quản lý, khai thác như Viettel, VNPT, MobiFone, FPT, VTC. Các DN đã thực hiện đầu tư ra nước ngoài trong đó có Đông Nam Á, châu Phi, Mỹ La tinh.
Toàn cảnh buổi làm việc
Bộ trưởng khẳng định dưới sự chỉ đạo và ủng hộ của Chính phủ hai nước, đặc biệt là sau chuyến thăm của Thủ tướng chính phủ Slovakia vào tháng 7/2016, các hoạt động hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực TTTT đã diễn ra sôi động. Các DN hai nước đã nhanh chóng triển khai thực hiện các kế hoạch hợp tác kinh doanh như Tập đoàn FPT với công ty RWE IT Slovakia, Tập đoàn VNPT với Slavia Capital.
Slovakia là một trong những quốc gia nhiều kinh nghiệm, thế mạnh trong ứng dụng CNTT và đảm bảo an toàn thông tin. Theo đó, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn tin tưởng sự hợp tác giữa hai nước sẽ tập trung vào các nội dung: Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chính sách CNTT-TT phù hợp với xu thế phát triển của cách mạng 4.0; Triển khai các chương trình, dự án về ứng dụng CNTT-TT trong quản lý hành chính nhà nước như CPĐT, chứng thực điện tử; An toàn thông tin; Hợp tác phát triển công nghiệp CNNTT-TT; Phát triển hạ tầng và dịch vụ băng rộng, công nghệ 5G; Hợp tác nghiên cứu phát triển; Cơ sở dữ liệu quốc gia, IoT, Điện toán đám mây, Máy in 3D, Máy tính trí tuệ nhân tạo, Thành phố thông minh.
Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh về nội dung hợp tác đào tạo nhân lực, nhất là nguồn nhân lực dành cho phát triển CPĐT và ATTT.
Trên cơ sở Biên bản hợp tác trong lĩnh vực CNTT-TT đã được ký kết vào 30/11/2016, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã đề nghị các cơ quan, DN Việt Nam tăng cường trao đổi và tìm kiếm các cơ hội hợp tác để triển khai một cách hiệu quả nhất các nội dung đã thỏa thuận trong giai đoạn tới.
Phó Thủ tướng Slovakia Peter Pellegrini phát biểu tại buổi làm việc
Phó Thủ tướng Slovakia Peter Pellegrini cũng khẳng định sẽ hỗ trợ và ủng hộ hết mình cho DN hai nước hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao và truyền thông. Slovakia sẽ hỗ trợ DN Việt Nam tham gia vào thị trường Slovakia bằng cách tạo điều kiện pháp lý, nhân lực chất lượng cao CNTT giỏi ngoại ngữ, hỗ trợ đào tạo, kết nối DN với các cơ sở nghiên cứu chuyên ngành.
Một trong những điển hình của hợp tác thành công trong thời gian qua, Phó Thủ tướng Peter Pellegrini cho biết, đó là công ty FPT Software của Việt Nam đã đầu tư thành công vào Slovakia. Đầu tư của FPT đang có lợi nhuận tăng trưởng liên tục hàng năm. Hy vọng thành công của FPT Software sẽ là kinh nghiệm để các DN Việt Nam tham gia vào thị trường Slovakia.
Phó Thủ tướng Peter Pellegrini cũng thông báo một số kết quả hợp tác giữa DN Slovakia với Việt Nam như hợp tác phát triển du lịch thông minh, y tế thông minh tại TP. Hồ Chí Minh.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, tại Khóa họp lần thứ 2 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam- Slovakia được tổ chức tại Slovakia hồi tháng 6/2017 về hợp tác kinh tế, nhằm thảo luận các biện pháp thúc đẩy hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực. Hai nước cũng đặt trọng tâm hợp tác vào lĩnh vực CNTT, CPĐT, thành phố thông minh, áp dụng CNTT trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Phó Thủ tướng hy vọng, sự hợp tác không chỉ giữa hai Nhà nước, Chính phủ mà còn là hợp tác giữa các DN tư nhân hai nước và trong đào tạo nhân lực CNTT-TT.