Việt Nam tái trúng cử vào Ủy ban Thể lệ vô tuyến của Liên minh Viễn thông quốc tế

PV| 07/11/2018 09:24
Theo dõi ICTVietnam trên

Đại diện của Việt Nam vừa tái trúng cử vào Ủy ban Thể lệ vô tuyến của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU).

Hội nghị Toàn quyền của ITU (PP-18) vừa tiến hành phiên bầu cử Thành viên của Ủy ban Thể lệ vô tuyến (RBB) của ITU nhiệm kỳ 2019 – 2022 tại thành phố Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE).

Thứ trưởng Bộ TTTT Phan Tâm và Đoàn đại biểu của Việt Nam tham dự Hội nghị PP-18

Ứng cử viên của Việt Nam, ông Đoàn Quang Hoan, Nguyên Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện (VTĐ), đã tái trúng cử vào Ủy ban này với số phiếu 167/179. Đây cũng là lần thứ 2 Việt Nam có đại diện trong Ủy ban Thể lệ vô tuyến của ITU - Cơ quan quan trọng của ITU chịu trách nhiệm đưa ra hướng dẫn thực thi Thể lệ Thông tin vô tuyến và xử lý các tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng tần số/quỹ đạo vệ tinh giữa các quốc gia.

Công bố kết quả bầu cử tại Hội nghị

Ủy ban Thể lệ Thông tin vô tuyến là cơ quan chuyên môn quan trọng có những tiếng nói ảnh hưởng đến quyền lợi của các nước trong quá trình giải quyết các nghiệp vụ vô tuyến như đăng ký quỹ đạo vệ tinh, phối hợp tần số. Theo quy định của Hiến chương ITU, Ủy ban Thể lệ Thông tin vô tuyến gồm 12 thành viên được bầu từ các ứng cử viên do các quốc gia thành viên đề cử từ 5 khu vực (A,B,C,D và E), theo nguyên tắc phân bổ công bằng theo địa lý giữa các vùng trên thế giới và được bầu trực tiếp tại hội nghị Toàn quyền của ITU.

Việc bầu chọn thành viên của RRB nhiệm kỳ 2019 - 2022 được tiến hành theo hình thức bỏ phiếu kín bởi các nước thành viên của ITU nhằm chọn ra 12 ủy viên đến từ 05 khu vực. Tham gia vòng bỏ phiếu trong phiên toàn thể ngày 05/11/2018 có 179 quốc gia tiến hành bỏ phiếu.

Trong nhiệm kỳ 2015 - 2018, mặc dù lần đầu tiên tham gia RRB, đại diện của Việt Nam đã để lại nhiều dấu ấn giúp nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng các quyết định của RRB, như: Giải quyết các yêu cầu mở rộng thời hạn phóng vệ tinh, tranh chấp về tần số/quỹ đạo không được sử dụng theo quy định, can nhiễu giữa các quốc gia. Các đóng góp của ông Đoàn Quang Hoan được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Với uy tín cá nhân ông Đoàn Quang Hoan và sự tham gia tích cực của Việt Nam tại nhiều Diễn đàn khác nhau về thông tin vô tuyến trong suốt thời gian qua đã giúp đại diện của Việt Nam tiếp tục được cộng đồng quốc tế tín nhiệm bầu vào RRB. Việc trúng cử vào RRB chứng minh định hướng đúng đắn tham gia tích cực vào ITU và hiện thực hóa mục tiêu tham gia sâu vào các tổ chức quốc tế của Việt Nam.

RRB hiện tại bao gồm 12 thành viên được bầu tại các Hội nghị Toàn quyền. Để đạt được sự cân bằng giữa các khu vực, các thành viên của RRB được lựa chọn từ 05 khu vực bao gồm: Vùng A (Châu Mỹ) 02 thành viên; Vùng B (Tây Âu) 02 thành viên; Vùng C (Đông Âu và Bắc Á gồm các nước Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan and Uzbekistan) 02 thành viên; Vùng D (Châu Phi) 03 thành viên; Vùng E (Châu Á và châu Úc) 03 thành viên.

Hội nghị PP-18 đã bầu ra thành viên của Ủy ban Thể lệ vô tuyến quốc tế nhiệm kỳ 2019 - 2022 gồm:

Vùng A: Bà Chantal Beaumier (Canada) và ông Fernando Borjon Figueroa (Mexico)

Vùng B: Ông Yvon Henri (Pháp) và bà Lilian Jeanty (Hà Lan)

Vùng C: Bà Sahiba Hasanova (Azerbaijan) và ông Nikolay Varlamov (Nga)

Vùng D: Ông Hassan Talib (Morocco), ông Samuel Mandla Mchunu (Nam Phi) và ông Elsayed Azzouz (Ai Cập).

Vùng E: Ông Đoàn Quang Hoan (Việt Nam), ông Akira Hashimoto (Nhật Bản) và ông Tariq Alamri (Ả Rập Xê út).

Trước đó, Hội nghị PP-18 cũng đã bầu ra Ban lãnh đạo nhiệm kỳ tiếp theo, gồm: Tổng Thư ký là ông Houlin Zhao (Trung Quốc); Phó Tổng Thư ký là ông Malcolm Johnson (Anh); Giám đốc Cục Thông tin vô tuyến là ông Mario Maniewicz (Uruguay); Giám đốc Cục Tiêu chuẩn hóa là ông Cheasub Lee (Hàn Quốc) và Giám đốc Cục Phát triển Viễn thông là bà Doreen Bogdan-Martin (Mỹ).

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam tái trúng cử vào Ủy ban Thể lệ vô tuyến của Liên minh Viễn thông quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO