Việt Nam ưu tiên phát triển trí tuệ nhân tạo

Trương Khánh Hợp, Lâm Thị Nguyệt| 06/09/2019 20:28
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trí tuệ nhân tạo đã có những tiến bộ đáng kể và dự kiến sẽ tạo ra những bước đột phá trong 10 năm tới.

Content image - Phnom Penh Post

Theo xu hướng toàn cầu, chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu biến trí tuệ nhân tạo thành động lực phát triển và làm cho nó trở thành ưu tiên hàng đầu trong các chính sách tăng trưởng.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất là phát triển nguồn nhân lực, bao gồm nâng cao chất lượng đào tạo giáo dục đại học, xây dựng các viện đào tạo công nghệ 4.0, khuyến khích ứng dụng công nghệ, đổi mới tại các doanh nghiệp; và đầu tư vào nghiên cứu khoa học - công nghệ.

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, Việt Nam có lợi thế trong khởi nghiệp đổi mới và phát triển công nghệ, đặc biệt là về trí tuệ nhân tạo.

Với môi trường kinh doanh mở và lực lượng lao động quan tâm đến công nghệ, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực khác nhau đã đạt được nhiều tiến bộ, kết nối các bộ phận của hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo quốc gia.

Tại Việt Nam, trí tuệ nhân tạo đã được áp dụng trong một số lĩnh vực bao gồm chăm sóc sức khỏe, giáo dục, nông nghiệp, giao thông và thương mại điện tử.

Tập đoàn công nghệ thông tin - viễn thông FPT Corporation đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào giao thông thông minh tại thành phố Hồ Chí Minh.

Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong việc nội soi, giúp xác định, và đánh giá mức độ thiệt hại trong hệ thống tiêu hóa.

Theo TS. Nguyễn Quang Vinh của Tập đoàn Viettel cho biết: “Trí tuệ nhân tạo giúp giảm thời gian chẩn đoán xuống năm lần so với các phương pháp truyền thống với độ chính xác lên tới 90%”.

Trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, Viettel đã áp dụng trí tuệ nhân tạo trong việc kiểm soát tình trạng rừng và thống kê diện tích với độ chính xác là 80%. Công ty đang tìm cách thiết lập cơ sở dữ liệu rừng và bản đồ quản lý.

Viettel cũng đã đưa ra một giải pháp giúp các doanh nghiệp chống lại các cuộc tấn công mạng và thắt chặt an ninh nội bộ.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, sử dụng trí tuệ nhân tạo nhằm mục đích làm cho xã hội trở nên an toàn và văn minh hơn. Các dự án như thành phố thông minh, hỗ trợ du lịch, kiểm soát an ninh và bảo mật thông tin đều phục vụ đất nước.

Ông cho biết: “Trí tuệ nhân tạo mang lại cơ hội để Việt Nam tạo ra những bước đột phá và thúc đẩy đất nước tiến lên”.

Hệ sinh thái Trí tuệ nhân tạo

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - ông Nguyễn Chí Dũng cho biết: Bộ đã thiết lập một hệ sinh thái kỹ thuật số dành cho sự đổi mới và khởi nghiệp.

Bộ đã đề xuất với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một trung tâm đổi mới quốc gia, nhằm hỗ trợ các đột phá công nghệ và ý tưởng sáng tạo của các doanh nhân Việt Nam.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ đồng hành cùng cộng đồng trí tuệ nhân tạo để giúp họ giải quyết các thách thức trong quá trình nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư trong nước và quốc tế vào trí tuệ nhân tạo.

Tại Hội nghị thượng đỉnh liên doanh Việt Nam vào tháng 6 năm nay, 18 quỹ đầu tư trong và ngoài nước đã cam kết đầu tư 425 triệu đô la cho các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam trong vòng ba năm tới.

Đặt phát triển nguồn nhân lực là cốt lõi của ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo, mạng lưới đổi mới của Việt Nam đã thu hút các chuyên gia công nghệ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lên kế hoạch mở rộng mạng lưới các chuyên gia trí tuệ nhân tạo của Việt Nam ở các quốc gia khác và thành lập một quỹ toàn cầu để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành.

Theo PGS.TS Tạ Hải Tùng Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông của Đại học Bách khoa Hà Nội: “Cộng đồng trí tuệ nhân tạo của Việt Nam còn trẻ và có tiềm năng phát triển nhanh chóng”.

Ba năm trước, người Việt ở nước ngoài là chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ đã bắt đầu quay trở lại Việt Nam để phát triển trí tuệ nhân tạo và giúp đỡ cộng đồng địa phương tương tác nhiều hơn với các đối tác quốc tế.

Cộng đồng trí tuệ nhân tạo Việt Nam cho đến nay đã liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài, hiệp hội, kết nối các chuyên gia với các cơ quan nhà nước và thị trường.

Một liên minh của các cộng đồng trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam đã ra mắt vào tháng trước, bao gồm cộng đồng Chuyển đổi kỹ thuật số, cộng đồng Machine Learning (Học máy), cộng đồng Nhà phát triển Google và cộng đồng Business Intelligence.

Các kinh nghiệm quốc tế

Chủ tịch và Giám đốc điều hành Trung tâm Năng suất Hàn Quốc Noh Kyoo-sung cho biết, giống như ở Hàn Quốc, trí tuệ nhân tạo sẽ là tương lai của Việt Nam. Ở Hàn Quốc, trí tuệ nhân tạo đã thay đổi cấu trúc xã hội, công việc, các ngành công nghiệp, nông nghiệp, du lịch… và con người. Các chính sách của chính phủ để phát triển trí tuệ nhân tạo, tập trung vào nguồn nhân lực để phục vụ ngành công nghiệp quốc gia.

Hàn Quốc đã nghiên cứu và thiết lập cơ sở hạ tầng cho dữ liệu lớn. Ông cho biết: trí tuệ nhân tạo cũng đã có tác động đến việc tuyển dụng và phân loại chất lượng người lao động.

Mức độ ứng dụng trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam được đánh giá là cao so với các nước khác ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, để có thể có được mức cao như ở Singapore, ông nói thêm rằng Việt Nam cần phải có chiến lược phát triển dài hạn.

Ông Noh cho biết: Trí tuệ nhân tạo được trình bày trong các sản phẩm của các tập đoàn lớn ở Hàn Quốc. Chính phủ đã cung cấp những chính sách hỗ trợ cho ứng dụng trí tuệ nhân tạo nhằm thu hút nhân tài.

Việt Nam và Hàn Quốc có cơ hội để hợp tác trong lĩnh vực này khi hai nước có nhiều điểm chung. Việt Nam đã và đang nỗ lực xây dựng thành phố thông minh. Trong khi đó, Hàn Quốc đã xây dựng các thành phố thông minh từ năm 2000.

Khoảng 40% người Việt Nam làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Mặc dù không có nhiều lao động nông nghiệp như Việt Nam, Hàn Quốc đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào nông nghiệp. Những điểm tương đồng này cho phép Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam.

Giám đốc công nghệ của Tập đoàn FPT - ông Lê Hồng Việt cho biết: nguồn nhân lực là một thách thức đối với tập đoàn khi thị trường phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động được đào tạo về trí tuệ nhân tạo. Các chuyên gia trí tuệ nhân tạo xuất sắc, những người nghiên cứu ở nước ngoài đã không quay lại Việt Nam làm việc.

TS Bùi Hải Hưng Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Trí tuệ Nhân tạo - VinAI Research trực thuộc Công ty VinTech, cho biết đào tạo giáo dục đại học là giải pháp cốt lõi để giải quyết tình trạng thiếu nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo.

Ông cho biết: Mục tiêu của VinAI là hỗ trợ các trường đại học nghiên cứu và giúp các giảng viên quan tâm đến việc nghiên cứu.

Ông Tạ Hải Tùng, Viện Công nghệ Thông tin của Đại học Bách Khoa học Hà Nội cho biết: năm nay trường đại học đã mở một chuyên ngành trí tuệ nhân tạo với số điểm đầu vào là 27 điểm và với số lượng sinh viên nhập học hạn chế.

Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo là một trong bốn ưu tiên nghiên cứu của trường đại học Bách khoa Hà Nội. Trường sẽ đẩy mạnh nghiên cứu và đào tạo ở cấp độ đại học và sau đại học và tăng cường hợp tác giữa các trường và doanh nghiệp.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam ưu tiên phát triển trí tuệ nhân tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO