Tại ngày Internet Việt Nam 2018, ông Lê Bá Tân, Giám đốc Trung tâm Chiến lược mạng lưới và đổi mới công nghệ, Tổng công ty mạng lưới - Tập đoàn Viettel, cho biết Viettel xác định 5 yếu tố nền tảng tạo nên hệ sinh thái số gồm: hạ tầng kết nối, hạ tầng điện toán, nguồn nhân lực, thanh toán điện tử và an toàn an ninh mạng. Viettel nhận thấy cần phải đầu tư, làm chủ, tập trung vào các yếu tố này.
Ông Lê Bá Tân trình bày tại Hội thảo Ngày Internet Việt Nam 2018
Về hạ tầng kết nối, Viettel có các hạ tầng 2G, 3G, 4G phủ sóng rộng khắp Việt Nam với công nghệ hiện đại. Viettel sẽ tiếp tục mở rộng hạ tầng 4G sau khi được cấp thêm những tần số mới và ứng dụng công nghệ mới nhất để dung lượng 4G tiếp tục tăng lên. Kết nối quốc tế đã được Viettel phát triển liên tục trong những năm qua với dung lượng lên đến gần 5Tbp/s; Hạ tầng kết nối cho các dịch vụ cố định với 276.809 km cáp quang phủ đến xã, 8,4 triệu cổng GPON, 6 đường trục quốc gia với tổng dung lượng 6Tbps.
Bắt đầu từ năm 2018, hạ tầng kết nối vạn vật được hình thành, Viettel bắt đầu đi sâu vào đầu tư cho các hạ tầng IoT mới, cho phép các thiết bị IoT công suất tiêu thụ năng lượng rất nhỏ và có thể tồn tại rất lâu, đó là các thiết bị theo chuẩn Narrow-band IoT (NB-IoT).
Ngày 3/12/2018, Viettel công bố đã kích hoạt thành công 30 trạm phát sóng đầu tiên ứng dụng công nghệ NB-IoT tại Hà Nội. Đây là công nghệ phát triển dành cho các thiết bị nhằm hỗ trợ kết nối Internet vạn vật (IoT). Toàn bộ hệ thống hạ tầng và nền tảng IoT của Viettel sẽ sẵn sàng cung cấp cho khách hàng từ nửa đầu năm 2019. Ngoài Hà Nội, dự kiến từ tháng 12/2018, Viettel sẽ tiếp tục triển khai công nghệ này tại TP.Hồ Chí Minh đến hết quý I năm 2019, cũng như hướng đến việc triển khai trên toàn quốc và các thị trường nước ngoài mà Viettel đang hợp tác khai thác, đảm bảo cho cộng đồng doanh nghiệp có thể triển khai sản phẩm, giải pháp kết nối IoT thực sự với những công nghệ tiên tiến trên thế giới. Với cột mốc này, Viettel trở thành nhà mạng đầu tiên tại Việt Nam, đồng thời nằm trong nhóm 70 nhà mạng đầu tiên trên thế giới triển khai mạng NB-IoT thương mại.
Trong năm 2019, Viettel sẽ thử nghiệm và triển khai LTE-M cho các dịch vụ di động (mobility) thời gian thực. Đến năm 2020, khi triển khai các dịch vụ 5G, Viettel sẽ tập trung vào triển khai IoT cùng mạng 5G phục vụ nhu cầu bùng nổ kết nối về, tức là 1 km2 có thể đáp ứng 1 triệu kết nối.
Hạ tầng kết nối vạn vật
Ông Tân nhấn mạnh: “Đây là tầm nhìn rất mới mà Viettel tập trung nhiều nguồn lực, thời gian, kỹ sư, tri thức để không chỉ cung cấp các dịch vụ cho xã hội mà còn làm chủ nền tảng, hạ tầng công nghệ cũng như sản xuất thiết bị…”.
Tầm nhìn của Viettel cơ bản đến năm 2020 là tầng truyền dẫn có dây và không dây, ở đó không phân biệt khách hàng di động hay cố định nữa, mà sẽ được cung cấp dịch vụ đồng nhất. Mạng di động sẽ cung cấp dịch vụ cố định cho các khách hàng sử dụng dịch vụ cố định tại nhà. Ngược lại, mạng cố định cũng có thể cung cấp các dịch vụ di động tại nhà. “Mạng lưới Viettel sẽ đạt tốc độ Gbps đến từng người dùng, kết nối nhuần nhuyễn, không ranh giới giữa di động và cố định thành một hạ tầng đồng nhất băng rộng vào năm 2020 đảm bảo sẵn sàng kết nối cho các hệ sinh thái số”, ông Tân cho biết.
Về hạ tầng điện toán, Viettel có các nền tảng dữ liệu lớn và phân tích để phân tích hành vi khách hàng thông minh. Năm 2019, Viettel bắt đầu xây dựng Data Lake, là nơi chuẩn hóa toàn bộ các dữ liệu của nhà mạng, các dữ liệu về CNTT mà tập trung thành một nền tảng thống nhất phục vụ cho nhà mạng trong việc khai thác, phân tích dữ liệu, hành vi, “hiểu” khách hàng hơn để cung cấp các dịch vụ sát với nhu cầu của khách hàng hơn. Những hệ thống phân tích dữ liệu thông minh mà Viettel triển khai cũng sẽ giúp cho khách hàng, doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp dễ dàng và thuận lợi hơn. Ngoài ra, Viettel cũng có các nền tảng AR/VR, AI, IoT và đám mây.
“Mục đích của hạ tầng điện toán là tạo ra nền tảng để có các dữ liệu và thuận tiện tạo ra các dịch vụ số hệ sinh thái số”, ông Tân cho hay.
Viettel giới thiệu giải pháp cho hệ sinh thái số
Về nhân lực cho hệ sinh thái số, ông Tân cho biết Viettel có khoảng hơn 3000 kỹ sư làm việc trong nhiều lĩnh vực hệ sinh thái bao gồm phát triển phần mềm, giải pháp DN, khối Digital, không gian mạng, công nghệ cao.
Về hạ tầng thanh toán điện tử, Viettel xây dựng ngân hàng số ViettelPay phổ cập dịch vụ tài chính điện tử đến từng ngõ ngách cuộc sống hoàn toàn miễn phí với hơn 50 tiện ích thanh toán. Dịch vụ ví điện tử của Viettel tới 10 quốc gia trên thế giới. Dịch vụ thanh toán điện tử đa nền tảng với hơn 20 triệu giao dịch đem lại dòng tiền 27.000 tỷ đồng/tháng.
Ngành ICT đang hòa dần vào các ngành kinh tế xã hội khác. Theo đó, Viettel cũng đang đề xuất chính phủ cùng với một DN ICT lớn làm dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, làm trung gian kết nối các ngân hàng, DN và cá nhân, ông Tân.
Giới thiệu và hướng dẫn sinh viên sử dụng ứng dụng ViettelPay
Về an toàn an ninh mạng, đại diện của Viettel cũng cho hay trong nhiều năm an toàn, an ninh mạng được Viettel xác định là một vấn đề sống còn không chỉ đối với hoạt động cốt lõi của Tập đoàn này mà còn để bảo vệ mạng lưới, dịch vụ của mình và an toàn an ninh mạng trở thành một dịch vụ của Viettel.
Trong thời gian sắp tới, Viettel sẽ nâng cấp Trung tâm An ninh mạng trở thành công ty an ninh mạng đóng vai trò cung cấp dịch vụ cho xã hội. An toàn thông tin được xây dựng như một hệ thống gắn kết chặt chẽ giữa Quy trình, Công cụ và Con người. Viettel mong muốn thu hút nhiều nhân sự giỏi để làm chủ các công nghệ về an ninh mạng trên mạng lưới của mình và cung cấp cho toàn xã hội.
Nhấn mạnh lại, ông Tân cho biết Viettel mong muốn hợp tác cùng cộng đồng phát triển hệ sinh thái số tại Việt Nam.