Giải bài toán thực tế
Hiện nay, việc thu phát tín hiệu trên mạng viễn thông chủ yếu sử dụng các trạm truyền thống cỡ lớn (Macro cell). Các trạm này thường có chi phí đắt đỏ và dễ bị suy giảm tín hiệu đặc biệt là tại các khu vực có mật độ tòa nhà dày đặc hoặc số lượng người dùng trong một khu vực quá lớn.
Trong khi đó, nhu cầu sử dụng dữ liệu của người dùng ngày càng tăng đòi hỏi nhà mạng phải có giải pháp truyền dữ liệu tốc độ cao và tin cậy hơn. Chính vì vậy, các thiết bị trạm thu phát cỡ nhỏ là giải pháp hữu hiệu để giải quyết bài toán trên.
Các small cell không phải là sự thay thế cho mạng macro, mà thay vào đó là một công nghệ bổ sung có thể được triển khai trong nhà hoặc ngoài trời tùy thuộc vào trường hợp sử dụng. Việc triển khai các small cell chính là một cách để các nhà khai thác mạng cải thiện phạm vi phủ sóng và tăng thêm dung lượng cho những khu vực cần thiết.
Với kỳ vọng từng bước làm chủ hoàn toàn mảng sản xuất thiết bị viễn thông, Tập đoàn VNPT đã xây dựng kế hoạch sản xuất các thiết bị mạng 5G, trong đó có thiết bị small cell để từng bước tiến tới làm chủ trong mảng này giống như đã làm đối với mạng 2G, 3G, 4G và băng rộng cố định trước đây.
Chính vì thế, ngay từ năm 2019, VNPT Technology - đơn vị chủ lực của Tập đoàn VNPT trong lĩnh vực công nghệ, công nghiệp điện tử viễn thông, CNTT, truyền thông và công nghiệp nội dung số - đã bắt đầu nghiêm cứu phát triển một thiết bị trạm gốc cỡ nhỏ đa công nghệ WiFi/4G.
Tại thời điểm đó, thách thức về mặt công nghệ là rất lớn bởi công nghệ trạm gốc 4G LTE còn tương đối mới so với công ty, cho dù đã có kinh nghiệm phát triển công nghệ WiFi, vốn có một số nét đồng nhất định về công nghệ vô tuyến và xử lý tín hiệu với LTE.
Sau khi phát triển và chế tạo phiên bản thử nghiệm đầu tiên, thiết bị vẫn chưa đạt chất lượng kỹ thuật cao nhất như kỳ vọng. Đội ngũ kỹ sư VNPT Technology đã phải tiến hành kiểm thử nhiều vòng liên lục, với hàng loạt cuộc trao đổi, hội thảo trong nội bộ công ty và với các chuyên gia đánh giá, phản biện trong nước cũng như các chuyên gia nước ngoài, trước khi ra được sản phẩm cuối cùng.
Bên cạnh đó, VNPT Technology cũng hợp tác trực tiếp với hãng công nghệ nguồn hàng đầu thế giới Qualcomm để phát triển các phần mềm nhúng trên chipset của hãng này, nhằm xử lý tín hiệu 4G, WiFi và định tuyến dữ liệu lên mạng lõi.
Tối ưu sản phẩm, mang lại hiệu quả cao
ThS. Nguyễn Văn Trung - Giám đốc Trung tâm Công nghệ phần mềm của VNPT Technology cho biết, trong 2 tháng thử nghiệm trên mạng điện thoại VinaPhone, thiết bị đã giúp tăng dung lượng truyền tải ở khu vực phủ sóng lên 2 lần và tốc độ truyền tối đa đạt 300 Mbps.
Đây là một trong những thiết bị small cell đầu tiên được nghiên cứu phát triển thành công tại Việt Nam. So với các trạm truyền thống, các thiết bị small cell có khả năng triển khai linh hoạt và chi phí thấp hơn; dễ dàng gắn trên đèn đường, cột điện, bên trong các tòa nhà và nhiều kiến trúc khác và cung cấp bán kính phủ sóng lên tới 300 m.
Thiết bị small cell do VNPT Technology nghiên cứu phát triển còn được tích hợp thêm công nghệ truy nhập Wi-Fi (chuẩn 802.11ac) mà các thiết bị Macro cell không có. Hơn nữa, các kỹ sư VNPT Technology đã tìm cách "gói gọn" cả hai công nghệ 4G và WiFi vào trong một chiếc hộp bằng cách áp dụng các nguyên tắc thiết kế tối ưu trên cả phần cứng và phần mềm. Mỗi cấu phần trong đó đều phải đảm bảo chức năng kép, tức là hoạt động liền mạch khi chuyển đổi giữa các công nghệ và băng tần khác nhau.
Dự kiến trong năm 2021, VNPT Technology sẽ cùng công ty ANSV triển khai hàng nghìn thiết bị small cell tại các địa điểm khác nhau trên toàn quốc.
Với việc làm chủ các thiết kế phần cứng và phần mềm, đồng thời hợp tác với các nhà cung cấp linh kiện nguồn uy tín, VNPT Technology đã khép kín quy trình sản xuất thiết bị viễn thông, hạn chế tối đa những lỗ hổng bảo mật, đảm bảo độ tin cậy hệ thống cho các nhà mạng 4G. Việc làm chủ công nghệ cũng đã đưa VNPT Technology trở thành một trong những đơn vị nội địa đầu tiên của Việt Nam có khả năng thay thế thiết bị small cell ngoại nhập, góp phần đảm bảo an ninh mạng quốc gia.