VPBank thuộc nhóm đứng đầu hệ thống ngân hàng về NIM
Sự trở lại ngoạn mục của FE Credit, cùng cấu trúc vốn hợp lý và nâng cao công tác thu hồi nợ giúp giảm mạnh chi phí vốn, VPBank trở thành ngân hàng hiếm hoi ghi nhận NIM tăng trong năm 2024, trong bối cảnh toàn ngành thu hẹp.
NIM hợp nhất của VPBank ở mức 6,2%
Là một trong những chỉ số quan trọng nhất đánh giá hoạt động kinh doanh của ngành ngân hàng, biên lãi thuần (net interest margin - NIM) đo lường sự chênh lệch giữa thu nhập từ lãi và chi phí lãi phải trả. NIM càng cao hàm ý hoạt động cốt lõi của ngân hàng càng có khả năng sinh lời cao.
Nửa cuối năm 2024, áp lực tăng lãi suất huy động để thu hút khách hàng gửi tiền trong bối cảnh nhiều kênh đầu tư khác như bất động sản, tiền số, chứng khoán…sinh lời hấp dẫn khiến NIM của hệ thống ngân hàng bị ảnh hưởng.

Theo tính toán của Chứng khoán Vietcap, NIM quý IV/2024 của các ngân hàng tiếp tục giảm xuống 3,37%, thấp hơn 6 điểm cơ bản (bps) so với quý III và giảm 25 bps so với cùng kỳ 2023 - mức thấp nhất trong 3 năm qua. Theo nhóm phân tích, phần lớn các ngân hàng đều ghi nhận NIM giảm. Tuy nhiên, vẫn có những ngân hàng có sự tăng trưởng về NIM đi ngược xu hướng chung, nổi bật nhất là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HoSE: VPB).
Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2024 của VPBank, thu nhập từ lãi và các khoản tương tự ghi nhận hơn 21.400 tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, chi phí lãi chỉ hơn 8.200 tỷ đồng, giảm tới hơn 12%. Kết quả này giúp thu nhập lãi thuần mở rộng lên gần 13.200 tỷ đồng trong quý cuối năm, tăng 19,5%. NIM hợp nhất của VPBank cả năm 2024 ở mức 6,2%, đứng đầu ngành ngân hàng.
Nếu chỉ tính riêng ngân hàng mẹ, quy mô thu nhập lãi thuần trong quý IV/2024 tăng hơn 27% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 10.000 tỷ đồng - mức cao kỷ lục của VPBank, nhờ tối ưu chi phí huy động và nâng cao công tác thu hồi lãi treo.
Ngoài ra, sự hỗ trợ từ Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE Credit), theo Chứng khoán Vietcap, cũng là một điểm nhấn. Trong đó, sự đóng góp mạnh hơn của các khoản vay lợi suất cao từ FE Credit cùng việc thu hồi các khoản nợ xấu đã xử lý tăng mạnh trong quý IV giúp NIM của VPBank cải thiện đáng kể.
Một động lực tăng trưởng khác là câu chuyện chi phí vốn, chỉ tiêu đánh giá chi phí cho mỗi đồng vốn huy động của VPBank, giúp ngân hàng linh hoạt trong việc xây dựng các chương trình cho vay, giảm đáng kể trong năm 2024, từ mức 6,65% xuống 4,43%, theo Vietcap. Các chỉ tiêu đánh giá chất lượng tài sản cũng cho thấy những bước tiến tích cực.
Tính theo quý, cả tỷ lệ nợ xấu và nợ nhóm 2 đều giảm. Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất quý IV/2024 giảm 61 bps so với quý trước và giảm 81 bps so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ nợ nhóm 2 trên tổng dư nợ cho vay trong quý IV giảm lần lượt 80 bps theo quý và giảm 63 bps so với cùng kỳ năm 2023.
"Việc cải thiện NIM của VPBank là một bất ngờ mang tính tích cực khi những ngân hàng trong cùng phân khúc gặp hạn chế về vấn đề này", Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu của UBS nhận xét.
Sự thay đổi, theo đánh giá của UBS, do cải thiện về lợi suất tài sản tích cực hơn so với biến động chi phí vốn. Kết quả này đến từ danh mục cho vay có tính chọn lọc cao hơn, không tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá, cùng với những cải thiện về chất lượng tài sản.
Kỳ vọng tăng trưởng tích cực năm 2025
Năm 2025, trên thị trường quốc tế, sự chú ý đang hướng vào những chuyển động mới của Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, sự thay đổi của tình hình lạm phát và chính sách tiền tệ của các nền kinh tế lớn. Với riêng ngành ngân hàng trong nước, "catalyst – chất xúc tác" năm nay hướng tới mục tiêu chung giúp kinh tế đặt mức tăng trưởng GDP trên 8%, trong bối cảnh thế giới còn nhiều biến số.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trong hội nghị đầu năm với các ngân hàng cũng khẳng định ngành sẽ tập trung tối đa vào việc "thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 8% trở lên".
Với cấu trúc vốn hợp lý, chi phí vốn ở mức nền thấp, tiềm năng từ hệ sinh thái mở toàn diện và sự hỗ trợ của cổ đông chiến lược Nhật Bản trong phân khúc FDI, VPBank được giới phân tích kỳ vọng có thể "tỏa sáng" với những mục tiêu của ngành ngân hàng trong năm nay, trong khi vẫn đảm bảo các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động.
"Chúng tôi kỳ vọng tỷ lệ NIM năm 2025 của VPB đạt trên 6% nhờ tăng trưởng tín dụng bán lẻ phục hồi tốt hơn, đẩy mạnh giải ngân lĩnh vực bất động sản và đầu tư công", báo cáo đánh giá VPBank từ Agriseco công bố đầu tháng 2 cho biết.
Theo bộ phận phân tích từ Chứng khoán KB Việt Nam, kỳ vọng tăng trưởng của khối bán lẻ và sự hồi phục của ngành bất động sản sẽ là động lực chính để cải thiện lợi suất tài sản sinh lời của VPBank trong năm 2025. Cùng với đó, các tín hiệu hồi phục của chất lượng tài sản, đặc biệt ở FE Credit, cũng sẽ góp phần vào sự hồi phục của chỉ tiêu này. Để hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp, KB Việt Nam dự báo lãi suất cho vay của VPBank có thể duy trì ở mức thấp để đảm bảo tính cạnh tranh, nhằm hướng tới mục tiêu tăng trưởng tín dụng.
Trong bối cảnh đó, sự hỗ trợ từ câu chuyện chi phí vốn trong năm 2024 sẽ là yếu tố có thể giúp VPBank vẫn duy trì được tỷ lệ NIM ổn định, dù không phải tăng lãi suất. Thu nhập lãi thuần hợp nhất của ngân hàng trong năm 2025, theo dự báo của KB Việt Nam, có thể tăng hơn 36%, lên mức 66.600 tỷ đồng.