Bằng chứng rõ nhất cho nhận định này chính là việc Quân đội Quốc gia Libya (LNA) mới đây đã tìm thấy được các mảnh vỡ của một máy bay không người lái (UAV) có thiết kế khá tương đồng với mẫu UAV "cảm tử" IAI Harop gần thành phố Sabha, Tây Nam Libya, hiện do LNA kiểm soát.
Theo các tuyên bố của LNA, UAV trên đươc tìm thấy gần làng Hamada và chỉ còn sót lại mỗi hệ thống động cơ, tuy nhiên đây cũng là chi tiết quan trọng giúp các chuyên gia quân sự xác định được "tên tuổi" của UAV này.
Bằng chứng mới về UAV Harop của Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động Libya được kênh truyền thông của LNA đăng tải. Ảnh: M.LNA.
Hiện tại, Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa đưa ra bất cứ thông tin chính thức nào cho thấy họ đang triển khai UAV Harop tới Libya hay hình ảnh của UAV này hoạt động ở quốc gia Bắc Phi được công khai.
Các nhà quan sát nhận định, nếu Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đưa UAV Harop tới Libya thì khả năng lớn họ muốn sử dụng UAV "cảm tử" này để vô hiệu hóa lực lượng phòng không của LNA - vốn là "thủ phạm" đằng sau hàng loạt vụ UAV Thổ Nhĩ Kỳ bị bắn hạ ở Libya trong thời gian qua.
Với UAV Harop, Thổ Nhĩ Kỳ có thể dễ dàng săn lùng và tiêu diệt các hệ thống phòng không của LNA, kể cả các hệ thống phòng không hiện đại như Pantsir-S1 mà không cần sử dụng tới lực lượng không quân.
Cũng cần phải nói thêm rằng các hệ thống Pantsir-S1 của LNA (do UAE viện trợ) từ lâu đã là cái gai trong mắt Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở Libya và luôn nằm trong danh sách các mục tiêu cần phải bị tiêu diệt đầu tiên.
Hệ thống phòng không Pantsir-S1 của LNA do UAE viện trợ. Ảnh: M.LNA.
Ngoài ra, việc Thổ Nhĩ Kỳ lựa chọn UAV Harop để đối phó với phòng không LNA ít nhiều có liên quan đến sự kiện Lực lượng phòng vệ Israel nhiều lần sử dụng thành công UAV "cảm tử" này tiêu diệt các hệ thống Pantsir-S1 của phòng không Syria trong năm 2018 và 2019.
Trong đầu năm nay cũng có nhiều báo cáo cho thấy, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiêu diệt được từ 1-2 hệ thống Pantsir-S1 ở Libya, tuy nhiên thông tin này vẫn chưa được Ankara hay LNA xác nhận.
Còn về phần nguồn gốc số UAV Harop trong tay Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ dĩ nhiên họ được Israel cung cấp, bởi Ankara và Tel Aviv từ lâu đã có mối quan hệ hợp tác quốc phòng khá tốt, nhiều vũ khí của Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng do các công ty Israel cung cấp.
IAI Harop là một mẫu UAV "cảm tử do Tập đoàn IAI của Israel chế tạo, nó có thể có thể bay hàng giờ trên không trước khi hạ độ cao để tiêu diệt mục tiêu như một quả tên lửa với 10kg thuốc nổ cực mạng được đặt ở phần mũi máy bay.
UAV Harop cũng có thể được triển khai từ nhiều loại phương tiện phóng khác nhau từ xe tải đặc chủng cho tới tàu chiến, khoảng cách giữa trung tâm điều khiển và UAV tối đa khoảng 1.000km.
UAV "tự sát" từng được Israel sử dụng như quân át chủ bài để loại bỏ các hệ thống phòng Pantsir-S1 của Quân đội Syria.