Xây dựng đô thị thông minh và nâng cao hiệu quả chính quyền điện tử

Minh Thiện| 10/10/2017 04:48
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong một thành phố thông minh, hoạt động quản lý nhà nước của bộ máy chính quyền đóng vai trò chủ đạo. Chính quyền điện tử là chính quyền ứng dụng CNTT-TT trong mọi hoạt động nhằm phục vụ nhân dân tốt hơn, hiệu quả hơn.

Cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm

Sáng 6/10/2017, tại Lào Cai, Bộ TT&TT phối hợp với UBND tỉnh Lào Cai và Hội Tin học Việt Nam tổ chức Hội thảo hợp tác phát triển CNTT-TT Việt Nam lần thứ 21. Tham dự lễ khai mạc có đồng chí Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ; Lãnh đạo Hội Tin học Việt Nam cùng các đơn vị thành viên. Về phía tỉnh Lào Cai có bà Hà Thị Nga, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Xuân Phong; Lãnh đạo một số ban, ngành Trung ương và địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực TT&TT cùng gần 800 đại biểu đến từ 63 tỉnh, thành của cả nước.

Với chủ đề “Nâng cao hiệu quả chính quyền điện tử, phát triển đô thị thông minh trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0”, Hội thảo là diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý và chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm và tạo cơ hội hợp tác phát triển CNTT-TT các Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành trong cả nước. Nội dung Hội thảo góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày một tốt hơn, phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh.  

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho biết, trong những năm qua, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực, xếp hạng của Việt Nam về chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2016 cũng đã có nhiều cải thiện, tăng 10 hạng so với năm 2014 và chính thức gia nhập nhóm các nước có chỉ số phát triển Chính phủ điện tử cao.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng phát biểu khai mạc Hội thảo

Thứ trưởng chia sẻ, đặt vấn đề phát triển Chính phủ điện tử và xây dựng thành phố thông minh trong xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta phải thấy được Việt Nam hiện nay đang đối mặt với những thách thức to lớn. Các nước đang phát triển như Việt Nam không thể chỉ dựa vào khai thác tài nguyên, lao động giản đơn, mà cần mở rộng đầu tư mạnh mẽ vào đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu. “Chúng ta cần tích cực đổi mới mô hình tăng trưởng để nâng cao trình độ phát triển của nền kinh tế; phát triển chủ yếu dựa trên sáng tạo, công nghệ tiên tiến, năng suất cao và tranh thủ thời cơ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Trong một thành phố thông minh, hoạt động quản lý nhà nước của bộ máy chính quyền đóng vai trò chủ đạo. Chính quyền điện tử là chính quyền ứng dụng CNTT-TT trong mọi hoạt động nhằm phục vụ nhân dân tốt hơn, hiệu quả hơn. Việc hình thành một thành phố thông minh sẽ phải trải qua nhiều giai đoạn, phải thỏa mãn nhiều yếu tố khác nhau và được cấu thành bởi nhiều hợp phần. Mỗi thành phố có những điều kiện tự nhiên và nguồn lực khác nhau nên cần có chiến lược, kế hoạch phát triển riêng nhằm ưu tiên và tập trung vào một số lĩnh vực nhất định.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng lưu ý, trong toàn bộ quá trình dịch chuyển sang thành phố thông minh, CNTT-TT chỉ là một công cụ để giúp một thành phố giải quyết một hay nhiều vấn đề cụ thể, không phải là mục tiêu phát triển của thành phố. Chiến lược và kế hoạch xây dựng thành phố thông minh cần được xem xét chặt chẽ dựa trên nhiều yếu tố khác nhau, tránh việc đầu tư tràn lan các hệ thống thông tin hoặc quá chú trọng vào ứng dụng CNTT-TT mà coi nhẹ các vấn đề cơ bản khác của một thành phố. 

Để phát triển chính phủ điện tử, xây dựng thành phố thông minh hiệu quả, trong thời gian tới, Việt Nam cần tập trung xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng CNTT, nhất là hạ tầng viễn thông băng rộng cố định và di động hiện đại, an toàn, dung lượng lớn, tốc độ cao, chất lượng tốt và vùng phù dịch vụ rộng trên phạm vi toàn quốc; tiếp đó là hạ tầng cơ sở dữ. liệu quốc gia lànyiền tảng cho mọi cấu phần.

Ông Bùi Mạnh Hải, Chủ tịch Hội tin học Việt Nam

Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Mạnh Hải, Chủ tịch Hội tin học Việt Nam cũng cho rằng, để xây dựng đô thị thông minh hiệu quả, Việt Nam cần sớm thống nhất tiêu chí về đô thị thông minh để tránh mỗi nơi làm một kiểu. Ngoài ra cần có tiêu chí cụ thể phù hợp với điều kiện hoàn cảnh Việt Nam, trên cơ sở nền tảng hiện có.

Để tận dụng tốt những thuận lợi và vượt qua được các thách thức mà cuộc cách mạng số mang lại, ngoài vai trò chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, thì sự tham gia ủng hộ tích cực của cộng đồng CNTT-TT hết sức quan trọng. Bộ TT&TT cũng kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp, hội/hiệp hội CNTT-TT nỗ lực tham gia, đồng hành cùng Chính phủ trong hoạt động thúc đẩy cũng như đảm bảo an toàn cho sự phát triển của lĩnh vực CNTT-TT tại Việt Nam.

Hãy trân trọng những nỗ lực của doanh nghiệp trong nước

Trao đổi tại hội thảo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà nhận xét: Các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu ứng dụng CNTT và sản xuất phần mềm. Trong lĩnh vực cung ứng phần mềm cho các cơ quan nhà nước, vì nhiều lý do nên chỉ có doanh nghiệp trong nước mới cung ứng được các sản phẩm phần mềm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành. Tuy nhiên, do một số bất cập về quản lý đầu tư trong các cơ quan nhà nước nên dẫn đến hạn chế trong việc triển khai áp dụng các sản phẩm ứng dụng công nghệ cao. Do đó, Văn phòng Chính phủ đang phối hợp với Bộ TT&TT xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 102/2009/NĐ-CP nhằm phù hợp với đặc thù CNTT. 

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà phát biểu tại Hội thảo

Ông Lê Mạnh Hà đánh giá, thời gian qua, công nghiệp CNTT trong nước đã có những bước phát triển khả quan. Ví dụ, sản phẩm chính trong Chính phủ điện tử đều là phần mềm do Việt Nam xây dựng. Gần đây là dự án sản xuất xe ô tô VinFast của Vingroup, hay điện thoại Bphone của BKAV… rất đáng khuyến khích phát triển. Tuy nhiên, theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Bphone của Nguyễn Tử Quảng lại bị vùi dập, nhiều người không hưởng ứng. “Có lẽ do người Việt Nam đánh giá Vingroup có tiềm lực còn Bkav không có tiềm lực? Tuy nhiên theo tôi thì chúng ta nên phải ủng hộ cả hai, như thế mới bứt phá được”, ông Lê Mạnh Hà nói.

Cho dù là VinFast của Phạm Nhật Vượng hay Bphone của Nguyễn Tử Quảng, ông Lê Mạnh Hà cho rằng, các doanh nghiệp này đang đi đúng hướng. Đáng mừng hơn là do tư nhân đầu tư chứ không phải do Nhà nước định hướng. “Qua hội nghị này, tôi rất mong chúng ta ủng hộ sản phẩm của Việt Nam. Nhất là sản phẩm như điện thoại, thể hiện tinh hoa của ngành CNTT, của cách mạng công nghiệp 4.0”, ông Lê Mạnh Hà kêu gọi.

Chia sẻ kinh nghiệm và tìm tiếng nói chung

Hội thảo được các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách chia sẻ với các chủ đề chính bao gồm: Chính phủ điện tử, những thành tựu đạt được, các giải pháp, định hướng trong những năm tiếp theo; Khung kiến trúc Chính phủ điện tử; hệ thống nền tảng kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu; định hướng phát triển đô thị thông minh; Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, kết nối các ứng dụng cấp quốc gia với các ứng dụng tại địa phương; Cổng dịch vụ công Quốc gia; Hiện trạng và định hướng nâng cao an toàn thông tin trong các cơ quan nhà nước; Chính sách đảm bảo nguồn lực, nguồn nhân lực cho phát triển CNTT-TT.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Là một trong những tỉnh nằm trong tốp đầu cả nước về phát triển và ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước, Lào Cai cũng có nhiều mô hình nổi bật nhằm chia sẻ kinh nghiệm với các đại biểu. Trong đó có mô hình Kiến trúc Chính quyền điện tử của tỉnh; hệ thống kết nối, liên thông chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh; CSDL dùng chung nền tảng phục vụ chính quyền điện tử; các giải pháp tương tác giữa người dân với chính quyền các cấp như: triển khai dịch vụ bưu chính công ích trong tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả thủ tục hành chính; thanh toán dịch vụ hành chính công không dùng tiền mặt; đánh giá sự hài lòng của người dân với cán bộ “một cửa”, ứng dụng chữ ký số trong văn bản điện tử… 

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Đặng Xuân Phong cho biết: Sau hơn 25 năm tái lập tỉnh, Lào Cai từ một địa phương khó khăn nhất của cả nước đã vươn mình lên trở thành điểm sang trong phát triển kinh tế - xã hội của khu vực trung du miền núi phía Bắc, là điểm đến hẫp dẫn của các nhà đầu tư và là nơi du lịch nổi tiếng. 

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Đặng Xuân Phong phát biểu tại Hội thảo

“Trong những thành tựu ấy, có sự đóng góp không nhỏ của ngành CNTT-TT. Việc đẩy manhj ứng dụng CNTT thời gian qua đã giúp Lào Cai nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp, tăng tính công khai, minh bạch và thúc đẩy cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư… Chính vì vậy, nhiều năm liên tục, Lào Cai luôn đứng trong TOP đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số ứng dụng, phát triển CNTT (ICT Index)”, ông Đặng Xuân Phong nhấn mạnh

Tại Hội thảo, TS. Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng chính phủ đã khẳng định: “Xây dựng các đơn vị hành chính công là để phục vụ nhân dân. Muốn quyền của dân được đáp ứng thì cải cách thủ tục, đi liền với ứng dụng tiến bộ công nghệ kĩ thuật để khắc phục tồn tại là mối quan tâm hàng đầu của Việt Nam. Hội thảo chính là dịp để các các bộ cùng nêu lên quan điểm, tiếng nói của mình để làm sao chúng ta không bị đi lùi trong thời đại công nghiệp 4.0 này”.

Trao đổi tại hội thảo, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT Huỳnh Quang Liêm, chia sẻ: “Chuyển đổi số cho đô thị là cần thiết để tối ưu quá trình vận hành và hạ tầng đô thị, trao quyền nhiều hơn cho nhân viên công quyền, những người đang thực sự tham gia vận hành đô thị cũng như kết nối gần hơn, chặt chẽ hơn với người dân”.

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT Huỳnh Quang Liêm trình bày nội dung Chuyển đổi số

Tham gia hội thảo với chủ đề “Nâng cao hiệu quả chínhquyền điện tử, phát triển đô thị thông minh trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0”, ông Cao Hoàng Anh - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Phát triển Công nghệ FSI, chia sẻ: “FSI mong muốn các cơ quan chức năng xây dựng các chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ thông tin, giải pháp phần mềm: Giảm thuế VAT, hỗ trợ thủ tục hành chính... cũng như tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia triển khai, tư vấn các dự án CNTT trong lĩnh vực cải cách hành chính và các dự án mang tính chất chuyên biệt”.

Hội thảo lần này cũng là dịp để các nhà quản lý, các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực CNTT-TT có cơ hội tiếp xúc, trao đổi, nắm bắt về hiện trạng, nhu cầu, giới thiệu về hoạt động, năng lực của đơn vị mình, tìm kiếm hợp tác, giới thiệu, tư vấn những giải pháp, sản phẩm, kỹ thuật công nghệ mới. Các bên cùng thảo luận để đưa ra giải pháp và định hướng trong việc tập trung nâng cao hiệu quả Chính quyền điện tử, chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ cộng đồng. 

Bên lề Hội thảo cũng diễn ra Triển lãm CNTT-TT với sự góp mặt của các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực CNTT-TT.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng đô thị thông minh và nâng cao hiệu quả chính quyền điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO