Trong văn bản quan trọng này, giai đoạn 2018 - 2025, quan điểm xuyên suốt, chủ đạo để thực hiện nhiệm vụ phát triển ĐTTM chính là tập trung ưu tiên các nội dung: Quy hoạch ĐTTM; Xây dựng và quản lý ĐTTM; Cung cấp các tiện ích ĐTTM cho các tổ chức, cá nhân trong đô thị với cơ sở nền tảng là hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hệ thống hạ tầng ICT trong đó bao gồm cơ sở dữ liệu (CSDL) không gian ĐTTM được kết nối liên thông và hệ thống tích hợp hai hệ thống trên.
Khi nói về nội dung công tác quy hoạch ĐTTM, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Ngô Trung Hải, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam, Tổng thư ký Hiệp hội các Đô thị Việt Nam (ACVN) đã có những quan điểm, chia sẻ, đồng thời dẫn chứng về mô hình được áp dụng thành công trong thực tế tại Việt Nam và nước ngoài... tất cả vì mục tiêu chung góp phần thúc đẩy, xây dựng, phát triển các ĐTTM ngày càng bền vững, hiệu quả tại Việt Nam.
Không có một định nghĩa chung "thông minh" cho mọi đô thị
Theo TS. Ngô Trung Hải, ĐTTM là đô thị có không gian bền vững, ứng dụng công nghệ hiện đại để kết nối hạ tầng tiên tiến nhằm khai thác tiềm năng, giảm ô nhiễm môi trường, cải thiện đời sống người dân và quản lý đô thị tổng hợp để phát triển bền vững.
Trong khái niệm tổng thể này, TS. Ngô Trung Hải nói thêm, khi chúng ta xây dựng, phát triển ĐTTM cần có cái nhìn mở vì khó có một định nghĩa chung "thông minh" cho mọi đô thị. "Điều quan trọng khi xây dựng ĐTTM, chúng ta cần xác định các tiêu chí để hoạch định, triển khai, tiếp cận hiệu quả".
Để làm tốt điều này, chúng ta cần dựa vào 09 tiêu chí gồm: Mô hình kinh tế thông minh (phát triển có sức cạnh tranh); di chuyển thông minh (giao thông - hạ tầng kỹ thuật); cư dân thông minh (nhân lực, năng lực); môi trường thông minh (tài nguyên tự nhiên); quản lý thông minh; chất lượng cuộc sống người dân được hưởng đảm bảo tốt nhất; quy hoạch; kinh tế; quản trị.
Cùng với đó, để triển khai hiệu quả các ĐTTM tại Việt Nam, chúng ta cần tập trung nghiên cứu, thực hiện theo 4 tiêu chí khung chồng lớp: Nền tảng tự nhiên (đất, nước, khí hậu…); hạ tầng kỹ thuật (giao thông, năng lượng, cây xanh đô thị..); hạ tầng số (CNTT, truyền thông, tự động hóa…); hạ tầng dịch vụ (giáo dục, chăm sóc sức khỏe, an ninh…).
Trên quan điểm quy hoạch, Tổng thư ký ACVN nói thêm, ĐTTM cần có không gian đô thị, kiến trúc, cảnh quan đô thị, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở… Làm tốt các điều này sẽ giúp tạo lập môi trường sống thích hợp cho người dân sống trong đô thị một cách bền vững.
Nhấn mạnh về yếu tố phát triển không gian đô thị, TS. Ngô Trung Hải chỉ ra các lợi ích lâu dài mang lại giúp: Tối ưu hóa việc ứng dụng CNTT trong việc quy hoạch và phát triển đô thị xanh; hướng đến một nền kinh tế đô thị với các sản phẩm có giá trị tăng cao; xã hội công bằng văn minh trong việc sử dụng tài nguyên; giảm thiểu sử dụng tài nguyên, khuyến khích năng lượng tái tạo, giảm ô nhiễm, thúc đẩy các công nghệ môi trường.
Đặc biệt, khi nói về việc phát triển đô thị xanh, TS. Ngô Trung Hải nhấn mạnh cần phải có bản quy hoạch cụ thể, điều này chính là việc chúng ta tôn trọng thiên nhiên, tận dụng tối đa thiên nhiên, năng lượng tự nhiên, nắng, gió, nước mưa. Bên cạnh đó, cần phát triển hạ tầng kỹ thuật xanh, điều này tạo ra mô hình sống xanh - cư dân đô thị biết yêu không gian sống, ứng xử văn minh với môi trường xanh.
"Trên quan điểm bình diện, mô hình chung đó, ĐTTM chính là một sự lựa chọn, không phải là "tất yếu"; là một trong những mô hình như thành phố: xanh, sinh thái, kinh tế, làng… Tùy theo khả năng kinh tế, văn hóa truyền thống mà có hướng phát triển đô thị phù hợp tại Việt Nam", TS. Ngô Trung Hải nhấn mạnh.
Xây dựng, vận hành ĐTTM cần thí điểm điển hình, rút kinh nghiệm
Được coi là ý kiến giải pháp giúp các ĐTTM ở Việt Nam phát triển, TS. Ngô Trung Hải nêu các mô hình tiêu biểu như của Singapore, Hồng Kông và Việt Nam có khu đô thị Ecopark.
Đối với Singapore, hiện áp dụng thành công mô hình ĐTTM với tên gọi Concept Plan - Smart Plan (quy hoạch ý tưởng - thông minh), cho phép trong quá trình xây dựng được áp dụng quy hoạch mềm lựa chọn tầm dài hạn, chú trọng đến việc phát triển nhà ở cao tầng và giao thông thông minh; tạo môi trường sinh thái tiết kiệm (ECO2 city); trở thành thành phố công nghệ số (Digital city). Trong chiến lược này, đến năm 2030, Singapore phấn đấu đạt mục tiêu xây dựng ĐTM theo hướng thêm đất, nhà ở, cây xanh.
Cũng giống như Singapore, HongKong có chung điểm tương đồng nhỏ, hẹp về diện tích địa lý, Hong Kong xây dựng ĐTTM theo mô hình đô thị nén (Compact city), đây là mô hình đô thị điển hình có ưu điểm tập hợp, rút ngắn các khoảng cách: nơi ở, làm việc, tiện ích, giải trí…. Đồng thời, ở các ĐTTM Hong Kong không khuyến khích các phương tiện cá nhân mà đang ưu tiên xây dựng, sử dụng các phương tiện giao thông công cộng; hướng đến việc đảm bảo chất lượng các dịch vụ số phục vụ người dân thuận lợi, tốt nhất.
Còn ở Việt Nam, mô hình khu ĐTTM Ecopark city được coi là một điển hình để cư dân sống, nghỉ dưỡng, vì khu đô thị này áp dụng mô hình chiến lược kiến tạo trên các tiêu chí: Địa điểm, đa dạng sản phẩm, hệ sinh thái, tiện ích và cộng đồng, môi trường thân thiện, phân khu và phân kỳ hợp lý - vận hành bền vững.
"Với 3 ví dụ trên, chúng ta có thể học hỏi, vận dụng, chọn lọc các ưu điểm để lồng ghép, xây dựng, vận hành phù hợp, tạo hiệu quả cao cho các ĐTTM tại các địa phương hiện nay", TS. Ngô Trung Hải nhấn mạnh.
Tóm lại, trên quan điểm, góc nhìn quy hoạch, để giúp các địa phương, tỉnh, thành phố phát triển, xây dựng, vận hành hiệu quả các ĐTTM, Tổng thư ký ACVN nhấn mạnh, cần phải bám sát, thực hiện nghiêm túc các yêu cầu của Đề án 950 của Chính phủ. Trong đó, cần tập trung thực hiện thí điểm điển hình, rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng; tiến hành dần từng bước, có những tiến bộ cụ thể và vững chắc; dựa trên đặc điểm riêng của đô thị, hài hòa giữa yêu cầu phát triển dài hạn của đô thị với nhu cầu bức thiết của người dân; đảm bảo hiệu quả đầu tư ngắn hạn và dài hạn; không phát triển tự phát, lan theo phong trào./.