Xây dựng nền tảng dữ liệu số - Giải pháp phát triển kinh tế số du lịch

Vân Khánh| 10/10/2022 08:00
Theo dõi ICTVietnam trên

Du lịch là một ngành dịch vụ gắn liền với nhu cầu của con người, là ngành có điều kiện ứng dụng các công nghệ hiện đại liên quan đến dịch vụ phục vụ trực tiếp nhu cầu của du khách.

Chuyển đổi số (CĐS) giúp ngành Du lịch phát triển các mô hình mới và hình thành sự cân bằng cung - cầu mới, đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế số. Kết hợp với thương mại điện tử, với kinh tế chia sẻ, du lịch đã dần thay đổi, hướng tới một ngành kinh tế thông minh.

Nền tảng số đưa kinh tế số du lịch đến với từng người dân

CĐS sẽ số hóa các dữ liệu, số liệu thống kê du lịch - yếu tố quan trọng để nghiên cứu và xúc tiến thị trường. Hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung sẽ giúp các doanh nghiệp (DN) có thêm nhiều thông tin quan trọng để đưa ra định hướng triển khai các hoạt động phù hợp hơn với nhu cầu và đòi hỏi của thị trường.

Trong chương trình CĐS quốc gia (ban hành theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020), Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trì với Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) xây dựng nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch, trên cơ sở nền tảng chung này, các dữ liệu sẽ được chia sẻ lên các sàn thương mại điện tử đã có, để các DN, du khách có thể khai thác và trải nghiệm. Nền tảng này, hoạt động và cung cấp dữ liệu hoàn toàn miễn phí.

Bộ TT&TT đã công bố 35 nền tảng số quốc gia phục vụ CĐS, với nguyên tắc “rõ người, rõ việc” đưa hoạt động của người dân, DN lên môi trường số bằng các nền tảng số Việt Nam. Trong số này có 2 nền tảng thuộc ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch là nền tảng quản trị kinh doanh du lịch và nền tảng bảo tàng số để số hóa các di tích.

Theo ông Nguyễn Trọng Đường, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý DN (nay là Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính), Bộ TT&TT, Chương trình thúc đẩy chiến lược nền tảng số quốc gia có 2 nhóm nhiệm vụ chính gồm: Phát triển nền móng cho kinh tế số và xã hội số với 9 yếu tố nền móng (thể chế số, hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số, nhân lực số, kỹ năng số, DN số, thanh toán số, an toàn an ninh mạng) và phát triển kinh tế số và xã hội số ngành lĩnh vực trọng điểm với 7 lĩnh vực (kinh tế số nông nghiệp; Y tế số; Giáo dục số; Đời sống lao động, việc làm và an sinh xã hội; Kinh tế số thương mại, công nghệ và năng lượng; Kinh tế số du lịch; Kinh tế số tài nguyên và môi trường).

Như vậy, kinh tế số du lịch là một trong 7 lĩnh vực cấu thành nên kinh tế số, xã hội số thúc đẩy CĐS. Về nhiệm vụ phát triển kinh tế số du lịch, chương trình thúc đẩy chiến lược nền tảng số quốc gia sẽ cung cấp đầy đủ thông tin và trải nghiệm trực tuyến cho khách du lịch theo thời gian thực. Cụ thể, kế hoạch hành động phát triển kinh tế số và xã hội số du lịch tập trung mỗi DN du lịch là một DN ứng dụng công nghệ số; Tạo làn sóng DN công nghệ đầu tư vào du lịch; Phát triển các nền tảng số kết nối cung cầu du lịch.

Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và nhu cầu ứng dụng trong thực tế, hệ sinh thái số du lịch không chỉ đem lại sự tiện lợi, tiết kiệm chi phí mà còn nâng cao trải nghiệm du lịch, qua các ứng dụng trên nền tảng số để đưa kinh tế số du lịch đến gần hơn với từng người dân.

Thách thức trong phát triển kinh tế số du lịch

Chia sẻ về những thách thức trong quá trình phát triển kinh tế số du lịch tại Hội nghị chuyên đề “Chuyển đổi số - Phát huy sức mạnh di sản - văn hóa tạo đà phát triển kinh tế số” trong khuôn khổ Tuần lễ CĐS tỉnh Thừa Thiên - Huế 2022, ông Cao Hoàng Anh, Phó Tổng giám đốc Công ty FSI cho biết, thách thức phát triển kinh tế số nói chung và kinh tế số du lịch nói riêng, cơ bản là liên quan đến các vấn đề vận hành, công nghệ, dữ liệu. Việc xây dựng hạ tầng số là rất quan trọng không chỉ đối với kinh tế số du lịch mà ở tất cả các ngành.

“Vận hành thủ công hay dữ liệu bị phân mảnh, công nghệ chưa được ứng dụng một cách rõ ràng, xuyên suốt, đồng bộ liên kết là những thách thức lớn trong phát triển kinh tế số”, ông Hoàng Anh khẳng định.

Trong nền kinh tế số, dữ liệu cũng là một nguồn vốn có giá trị không kém các loại tài sản hữu hình khác. Ngành du lịch có khối lượng dữ liệu khổng lồ được thu thập từ rất nhiều nguồn khác nhau về hành vi, thói quen, xu hướng, trải nghiệm du lịch và các đánh giá của du khách.

Vì vậy, thu thập dữ liệu, phân tích dữ liệu và mở dữ liệu là cách tốt nhất để tạo ra những mô hình kinh doanh mới.

Tuy nhiên, trên thực tế, cơ sở dữ liệu du lịch còn phân tán, dẫn đến vừa lãng phí nguồn lực đầu tư, vừa chồng chéo, khai thác không hiệu quả.

Về thực tế hiện trạng dữ liệu số lĩnh vực du lịch hiện nay, ông Hoàng Anh, cho biết dữ liệu mới chỉ bước đầu được số hóa tại một số điểm du lịch; cơ sở dữ liệu số hóa chưa đầy đủ. Chưa có hệ thống quản lý liên thông, kết nối giữa bộ, ngành liên quan, từ Trung ương đến địa phương. Việc không thể tập trung hóa dữ liệu, các hệ thống dữ liệu không liên thông được với nhau là một rào cản lớn trong đẩy mạnh phát triển kinh tế số du lịch. Do đó, việc xây dựng liên kết dữ liệu là vấn đề rất quan trọng.

Hiện tại, ngành Du lịch chưa có kho dữ liệu dùng chung để chia sẻ cho DN và khách du lịch. Theo ông Hoàng Anh, Tổng cục Du lịch cần xây dựng một kho dữ liệu dùng chung, đồng thời các địa phương cũng phải xây dựng kho dữ liệu dùng chung cho ngành Du lịch nhưng nó phải là một thực thể, một kho nằm trong kho dữ liệu dùng chung lớn của tỉnh. Đây là điều rất cần thiết vì không có sự liên thông chia sẻ dữ liệu giữa các ngành trong địa phương thì rất khó để một mình ngành du lịch nâng tầm. 

Trong khi đó, bản đồ số du lịch vẫn còn phân mảnh và tự phát chưa đáp ứng được nhu cầu. Trên thực tế, chưa có kho dữ liệu dùng chung thì việc xây dựng và tạo lập bản đồ số hóa 3D bị thiếu hụt nhiều dữ liệu là điều hiển nhiên và đó cũng là một trong những thách thức không nhỏ của các địa phương, bộ ngành.

“Thách thức lớn nhất của kinh tế số du lịch là nền tảng dữ liệu thủ công, phân tán, chưa chia sẻ nền tảng dữ liệu. Do đó tổ chức xây dựng nền tảng dữ liệu số du lịch là vấn đề cấp thiết và nó phục vụ cho việc trải nghiệm thông minh, thanh toán thông minh và tương tác thông minh của du khách,...”, ông Hoàng Anh nhấn mạnh.

Dữ liệu là trọng tâm của CĐS, nếu không giải quyết được vấn đề tập trung dữ liệu, chia sẻ dữ liệu, mở dữ liệu và kết nối dữ liệu, thì kinh tế số du lịch rất khó phát triển.

Bên cạnh đó, tầm nhìn, tư duy, nhận thức cũng là một trong những thách thức cơ bản thường gặp trong CĐS ngành Du lịch nói riêng và kinh tế số nói chung. Thực tế cho thấy, nhiều địa phương, đơn vị, bộ ngành CĐS đã gặp nhiều khó khăn do đòi hỏi đổi mới về tư duy, nhận thức, sự phối hợp về hành động, kiến thức, năng lực và nguồn lực của nhiều bên mới có thể thành công.

Số hóa không có nghĩa là chỉ chuyển đổi các thông tin du lịch lên môi trường số mà còn là số hóa cách quản lý, phương thức tiếp cận, xúc tiến, quảng bá du lịch tới đối tượng khách hàng mục tiêu. Để thực hiện điều này đòi hỏi sự đổi mới trong cả tầm nhìn, tư duy, nhận thức và hành động của toàn ngành du lịch, từ đơn vị quản lý đến các doanh nghiệp để tăng cường năng lực công nghệ phù hợp xu thế phát triển mới. Trong khi đó, vấn đề về hạ tầng số, nguồn nhân lực cũng là thách thức không lớn. Theo thống kê sơ bộ, có đến 95% DN du lịch nhỏ không có chi phí mua phần mềm, không thể tự xây dựng nền tảng hoặc trả phí cho các nền tảng khác [1]. Nguồn nhân lực số tại các địa phương cũng còn hạn chế, mà chất lượng nguồn nhân lực là nhân tố then chốt để tạo ra sự đổi mới và đột phá.

Một vấn đề cần đặc biệt quan tâm là thách thức về an toàn an ninh và bảo mật. Khi thực hiện CĐS, cũng đồng nghĩa với việc phải dịch chuyển các hệ thống, dữ liệu lên cloud (đám mây), do đó vấn đề về bảo mật an toàn thông tin là rất quan trọng và yêu cầu phải có sự tập trung ưu tiên nhất định.

Cuối cùng là vấn đề thể chế và khung pháp lý. Hiện nay, hầu hết các tỉnh, thành phố đều tham gia thực hiện CĐS, vì vậy, cần có khung pháp lý hoàn chỉnh với hệ thống dữ liệu tiêu chuẩn. Rất nhiều DN và địa phương muốn tạo lập nhanh dữ liệu số hóa 3D để xây dựng cơ sở dữ liệu cho ngành du lịch nhưng hiện tại vẫn chưa có những quy định cụ thể liên quan đến định mức xây dựng, tạo lập số hóa 3D. Điều này khiến việc thực hiện tạo lập cơ sở dữ liệu 3D gặp nhiều khó khăn. Chỉ khi có được khung pháp lý hoàn chỉnh, thì mới kết nối được thông tin từ điểm đến tới trung tâm các tỉnh, thành phố, các DN du lịch để tất cả cùng sử dụng, góp phần thúc đẩy CĐS nhanh hơn.

Đặc biệt, do khung pháp lý chưa hoàn chỉnh và định mức chưa có nên các địa phương làm công tác tạo lập số hóa 3D, hay dữ liệu bản đồ số cũng rất manh mún và mang tính chất thử nghiệm chứ chưa triển khai được đồng bộ. Rõ ràng thể chế và khung pháp lý gắn liền với ngành cũng cần phải được đẩy mạnh hoàn thiện mới có thể sớm hoàn thành dữ liệu số hóa 3D, từ đó mới triển khai được các mô hình du lịch thông minh.

Xây dựng nền tảng dữ liệu số - Giải pháp phát triển kinh tế số du lịch - Ảnh 1.

Nền tảng dữ liệu số - Giải pháp phát triển kinh tế số du lịch

Xu hướng du lịch thông minh đang ngày càng phổ biến. Các dịch vụ du lịch đang hướng đến đáp ứng nhu cầu cá nhân hóa trải nghiệm, nên yêu cầu số hóa hệ thống dữ liệu lớn về điểm đến, dịch vụ và các sản phẩm du lịch lại càng cấp thiết trong bối cảnh đẩy mạnh phát triển kinh tế số du lịch như hiện nay. Và nền tảng dữ liệu số được coi là giải pháp để phát triển kinh tế số du lịch. 

“Việc ứng dụng công nghệ để xây dựng nền tảng dữ liệu số của ngành du lịch, tập trung hệ tài nguyên số, kho dữ liệu số dùng chung trong toàn ngành không chỉ phục vụ các cơ quan quản lý đưa ra những quyết định đúng đắn, kịp thời, mà còn giúp DN trong ngành mở rộng khả năng tiếp cận thị trường, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Đồng thời, gia tăng trải nghiệm du lịch thông minh, mang đến nhiều tiện lợi cho du khách” – ông Hoàng Anh chia sẻ.

Ông Hoàng Anh cũng nhấn mạnh: “Dữ liệu là “kho báu” của mọi tổ chức, DN. Dữ liệu trong kỷ nguyên số cần hướng tới 3 điểm quan trọng đó là: tập trung hóa được, có tính mở và liên thông chia sẻ được. Và vấn đề an toàn, an ninh thông tin bắt buộc phải đảm bảo”.

Dựa trên kinh nghiệm triển khai nhiều dự án số hóa, CĐS dữ liệu thực tế tại các bộ, ngành, địa phương, cùng nhiều tập đoàn lớn trong nước, ông Hoàng Anh chia sẻ một số đề xuất trong việc xây dựng nền tảng dữ liệu số du lịch nhằm góp phần quản lý, tăng hiệu quả hoạt động du lịch của ngành.

Theo đó, các địa phương, DN khi thực hiện triển khai nền tảng số hóa dữ liệu cần dựa vào nguồn lực kinh phí đầu tư của mỗi địa phương mình để có lộ trình và phương án xây dựng sao cho phù hợp, lựa chọn các mức độ ưu tiên của các loại dữ liệu, tài liệu để số hóa.

Về xây dựng kho dữ liệu số dùng chung, ông Hoàng Anh nhấn mạnh đây không chỉ là nhiệm vụ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch mà là nhiệm vụ chung của toàn tỉnh, đứng đầu là UBND tỉnh có đường lối, nghị quyết, sau đó Sở TT&TT cùng kết hợp các sở khác có lộ trình xây dựng kho dữ liệu số dùng chung có thể liên thông được với nhau. Trên thực tế dữ liệu ngành Du lịch tạo ra chủ yếu là liên quan đến dữ liệu để quảng bá, thông tin nhằm thu hút khách hay tạo các tour du lịch, tuy nhiên còn rất nhiều loại dữ liệu khác mà ngành Du lịch có thể tận dụng khai thác và đem lại các giá trị lớn hơn về kinh tế như dữ liệu khách hàng từ nhà hàng, khách sạn, sân bay, thuế, hải quan... Vì vậy, những dữ liệu đó cần được hiển thị song hành trong kho dữ liệu dùng chung của địa phương.

Ngoài ra, từ thực tế chi phí để xây dựng nền tảng dữ liệu số tương đối lớn và không phải địa phương nào cũng có đủ nguồn lực để thực hiện, do đó các địa phương nên có chủ trương xã hội hóa việc tạo lập cùng Nhà nước và DN để cùng khai thác dữ liệu, cung cấp cho người dân, DN hay quảng bá du lịch.

Như ông Nguyễn Trọng Đường từng nhấn mạnh tại diễn đàn “Luồng xanh cho du lịch cất cánh: CĐS động lực phát triển bền vững”, muốn phát triển kinh tế số du lịch, CĐS là một yêu cầu tiên quyết đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của tất cả cơ quan Nhà nước, DN và người dân.

Do đó, việc xã hội hóa xây dựng nền tảng dữ liệu số là một chủ trương cần thiết.

Hiện nay, Tổng cục Du lịch cũng đã và đang tập trung xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh để tạo sân chơi chung cho các địa phương và DN thông qua xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu du lịch Việt Nam; thiết lập hệ thống kết nối liên thông giữa các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch; hỗ trợ các địa phương, các điểm đến du lịch ứng dụng công nghệ và CĐS để số hóa các điểm đến du lịch nhằm nâng cao chất lượng quản lý và phục vụ; hỗ trợ các DN du lịch xây dựng sàn thương mại điện tử kết nối cung cấp dịch vụ và khách du lịch.

Đây là những nỗ lực hứa hẹn bước tiến dài của du lịch Việt Nam thời gian tới nhờ đẩy mạnh ứng dụng CNTT để số hóa du lịch, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh, góp Cphần thực hiện thành công mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Tài liệu tham khảo:

1. https://baodautu.vn/lien-thong-du-lieu-chia-khoa-de- chuyen-doi-so-du-lich-d167258.html

2. https://diendandoanhnghiep.vn

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 9 tháng 9/2022)

Bài liên quan
  • Gia tăng các chiêu trò lừa đảo đổi tiền, tour du lịch siêu khuyến mại dịp Tết Nguyên đán
    Tết Nguyên đán đang đến rất gần cũng là thời điểm các đối tượng lừa đảo lợi dụng nhu cầu về mua sắm, du lịch, vay tiền của người dân tăng cao để thực hiện các hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản, gây hậu quả nghiêm trọng. Cục An toàn thông tin đã đưa ra cảnh báo về các chiêu trò lừa đảo tinh vi, bao gồm lừa đổi tiền, tour du lịch siêu khuyến mại,...
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng nền tảng dữ liệu số - Giải pháp phát triển kinh tế số du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO