Ảnh minh họa |
Lịch sử báo chí truyền thông Việt Nam đã có quá trình hình thành và phát triển lâu đời với nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc giải phóng, bảo vệ và xây dựng đất nước. Sau 20 năm đổi mới, báo chí truyền thông Việt Nam đã có bước phát triển mới nhanh chóng, toàn diện, mạnh mẽ, đóng góp hiệu quả cho sự nghiệp đổi mới công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và mở rộng giao lưu quốc tế. Mặc dù còn không ít hạn chế, yếu kém nhưng báo chí truyền thông Việt Nam đã khẳng định được vai trò, vị trí ảnh hưởng to lớn của mình đối với xã hội trước yêu cầu mới. Những đổi mới trong phương thức truyền thông nhằm tạo ra sản phẩm mới, sẽ góp phần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục người dân, các thanh niên thế hệ trẻ, những tri thức, nhận thức đúng đắn về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cũng như bồi dưỡng tư tưởng chính trị cho cán bộ, đảng viên trẻ thế hệ sau này.
Hiện nay, tại Việt Nam đang phát triển nhiều loại hình truyền thông nhằm phục vụ mục đích tuyên truyền, giáo dục, đối ngoại v.v... với 845 cơ quan báo chí, 1.118 ấn phẩm, 1 hãng thông tấn quốc gia, 67 đài phát thanh - truyền hình. Số lượng các kênh chương trình phát thanh truyền hình quảng bá là 179 kênh, 33 đơn vị cung cấp truyền hình cáp, 98 cơ quan báo chí điện tử và 1.525 trang thông tin điện tử tổng hợp, 420 mạng xã hội được phép hoạt động với lượng truy cập rất cao, có ảnh hưởng lớn về thông tin đối với xã hội.
Ở Việt Nam, tuy chưa có thống kê chính thức, nhưng ước chừng có hàng trăm ngàn người đang hoạt động trong lĩnh vực báo chí truyền thông với các công việc, như phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên, nhân viên kỹ thuật, nhà in, phát hành, quảng cáo dịch vụ, đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cơ quan báo chí, đội ngũ cộng tác viên, thông tin viên... Họ ngày càng được trẻ hóa, đào tạo bài bản, hệ thống, có chất lượng và trình độ. Tuy nhiên, một số cán bộ, đảng viên trẻ kể cả một số lãnh đạo chưa quán triệt đầy đủ, sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về báo chí, trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân. Một số cơ quan báo chí và nhà báo chưa bám sát nhiệm vụ của đất nước của ngành, địa phương, đoàn thể mình; chưa quan tâm đúng mức việc nêu gương, biểu dương cổ vũ nhân tố mới, điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt để tạo không khí, niềm tin cho xã hội. Việc sa đà đăng tải những tin, bài, ảnh về các vụ, việc tiêu cực, mặt trái xã hội, xâm phạm đời tư, thiếu nhạy cảm khi thông tin các vấn đề dân chủ nhân quyền tự do, tôn giáo, dân tộc... làm “nóng” các vấn đề kinh tế - xã hội một cách thiếu ý thức và trách nhiệm, chỉ vì mục đích câu khách, giật gân để bán được nhiều báo. Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về báo chí truyền thông chưa theo kịp thực tiễn sôi động, nhanh chóng và phức tạp của báo chí truyền thông hiện nay. Lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng nhân lực báo chí truyền thông chưa đáp ứng nhu cầu xã hội, chất lượng chưa cao.
Những hạn chế, khuyết điểm nói trên là không thể coi thường. Nếu không được ngăn chặn, điều chỉnh kịp thời sẽ gây bất lợi cho xã hội, cho đất nước.
Tại Việt Nam, hiện đang tồn tại 4 loại hình báo chí là: Phát thanh, truyền hình, báo mạng, báo in. Cả 4 loại hình báo chí đang có những bước phát triển mạnh mẽ theo những hướng khác nhau nhưng đều chung nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó.
Đối với phát thanh - truyền hình: Đài Tiếng nói Việt Nam là tiếng nói của Đảng. Đài có lịch sử lâu dài, gắn bó từ thời kỳ đầu thành lập nước năm 1945. Sau đó, Đài truyền hình Việt Nam được tách ra từ một bộ phận thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam năm 1970. Như vậy có thể nói, phát thanh, truyền hình quốc gia có lịch sử lâu đời. Trải qua nhiều năm, truyền hình phát triển mạnh mẽ với nhiều chương trình giải trí hấp dẫn, thu hút hàng triệu người xem, cũng như thu về rất nhiều kinh phí từ các nguồn khác nhau. Các thông tin về thời sự, chính trị giúp Đảng và Nhà nước tuyên truyền chủ trương, chính sách đến với người dân một cách nhanh chóng, chính xác, mang lại hiệu quả cao. Củng cố nội dung chương trình là điều cần thiết để tạo ra hiệu ứng truyền thông đạt hiệu quả. Cụ thể, phát thanh cần chọn chuẩn phát thanh phù hợp với điều kiện của Việt Nam, truyền hình hiện nay đang chuyển dần sang chuẩn DVBT-2 và cần sớm hoàn thành trên cả nước.
Đối với báo in: Báo in trong những năm gần đây có xu hướng phát triển chững lại so với thời kỳ trước. Tuy nhiên, đây vẫn là một phương thức truyền thông không thể thiếu trong đời sống xã hội. Số người đọc báo in vẫn chiếm tỷ lệ cao tại Việt Nam. Do vậy, cần đổi mới cách thiết kế truyền thống, thử nghiệm các ý tưởng mới cho báo in nhằm thu hút thêm độc giả.
Đối với báo mạng: Trong xu thế hiện nay, báo mạng có khả năng phát triển vượt trội. Ngoài báo in, truyền hình, phát thanh đổi mới về nội dung chương trình nhằm thu hút khán giả, thì trong 10 năm trở lại đây, báo mạng (báo điện tử) là một phương thức truyền thông vô cùng hữu ích, đem lại hiệu ứng lan tỏa mạnh đến toàn xã hội. Trên mạng internet xuất hiện nhiều trang thông tin đa chiều, như thông tin chính thống, trang thông tin giả mạo cá nhân, tổ chức, trang thông tin xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước... với nhiều mục đích khác nhau. Báo mạng có nhiều loại, như trang tin tức, blog cá nhân, trang thông tin của tổ chức, mạng xã hội,... Tùy vào nội dung mỗi loại sẽ có sự quan tâm của độc giả khác nhau. Tuy nhiên, mạng xã hội, cụ thể như facebook được đông đảo người dân sử dụng trên toàn quốc. Vì vậy, ứng dụng công nghệ thông tin trong truyền thông, cụ thể là báo mạng trở thành một xu thế tất yếu. Một số phương thức truyền thông qua mạng internet có thể thực hiện:
- Tận dụng mạng xã hội để lan tỏa thông tin, định hướng. Lập ra các “Trang” (Page) trên mạng xã hội để đăng những bài viết nhằm bồi dưỡng tư tưởng chính trị cho các cán bộ, đảng viên, nhân dân.
- Xây dựng các trang thông tin, diễn đàn trao đổi thông tin.
- Mỗi cá nhân đảng viên, người có trình độ lý luận chính trị cao có thể tạo lập các blog cá nhân, qua đó tuyên truyền, định hướng thông tin qua các bài viết cá nhân trên blog của mình.
- Trao đổi thông tin, bình luận (comment) tư tưởng, chính trị của mình qua các trang thông tin, trang mạng xã hội.
- Mỗi cá nhân luôn phải cập nhật những chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước để có cơ sở cho việc tuyên truyền.
- Mỗi cơ quan, tổ chức cần có các trang thông tin trên mạng internet như: cổng thông tin điện tử, diễn đàn, mạng xã hội, blog v.v...
Trong thời đại bùng nổ thông tin, kinh tế tri thức đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và làm thay đổi nhận thức của nhiều thanh niên. Sự phát triển mạnh mẽ của nền báo chí hiện đại và các phương tiện truyền thông mới sẽ là “sức mạnh mềm” bồi đắp nhận thức chính trị cho lớp cán bộ, đảng viên trẻ. Một số cách thức có thể thực hiện, như đa dạng tác phẩm dạng sách cho thanh niên; xuất bản báo in công ích chuyên biệt dành cho đối tượng thanh niên; xây dựng hệ thống thư viện thanh niên; nâng cao chất lượng sản phẩm phim, ảnh, chương trình kết hợp tuyên truyền và giải trí cho thanh niên; phát triển, mở rộng các kênh phát thanh, truyền hình chuyên biệt về thanh niên Việt Nam; kênh thông tin số kết nối các phương tiện cá nhân của thanh niên; kênh truyền thông xã hội qua mạng internet.../.