Mỗi ngày 1 tin nhắn, 1 năm móc túi người Việt 230 tỷ đồng
Hồi cuối năm 2016, dư luận trong nước từng bức xúc với vụ việc của Sam Media. Đây là một công ty chuyên cung cấp các dịch vụ nội dung di động như game, ứng dụng, video, truyền hình… tại hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Sau khi hợp tác kinh doanh với một số doanh nghiệp Việt Nam, Sam Media đã tổ chức hoạt động quảng cáo trúng thưởng máy tính bảng, điện thoại thông qua hình thức sử dụng Landing Page (trang đích).
Hoạt động quảng cáo của Sam Media được thực hiện dưới dạng các câu hỏi vui. Sau khi tham gia trả lời các câu hỏi, người dùng sẽ được dẫn đến trang đích có thông tin về cách đăng ký tham gia chương trình thông qua các mã lệnh. Những nội dung này được thiết kế nổi bật với kích thước lớn. Trong khi đó, nội dung cụ thể về giá cước và cách hủy dịch vụ được in với kích cỡ chữ nhỏ hơn nhiều lần.
Dự luận từng bức xúc trước các thông tin xoay quanh vụ việc của Sam Media. (Ảnh chụp màn hình)
Bằng thủ đoạn này, trong khoảng thời gian từ tháng 1/2013 đến 19/7/2016, Sam Media đã lôi kéo được 93.735 khách hàng sử dụng dịch vụ. Từ đó thu lợi số tiền lên tới 230,5 tỷ đồng từ các thuê bao của bốn nhà mạng Viettel, Vinaphone, MobiFone và Vietnammobile.
Có một điều đáng chú ý là theo phản ánh của người dùng di động, nhiều người trong số này không biết rằng họ đang sử dụng dịch vụ của Sam Media. Những người này cho biết họ nhận được tin nhắn về các câu hỏi hàng ngày và nghĩ rằng chúng là những tin nhắn rác. Nhiều nạn nhân của Sam Media không biết tài khoản của mình âm thầm bị trừ tiền mỗi khi nhận được các tin nhắn.
Sau khi vụ việc trên được phanh phui và phản ánh trên các phương tiện truyền thông, Thanh tra Bộ Thông tin & Truyền thông đã vào cuộc.
Kết luận điều tra của thanh tra cho thấy, Sam Media đã có nhiều sai phạm trong việc thiết lập website thương mại điện tử không phép và cung cấp thông tin về dịch vụ nội dung qua tin nhắn. Công ty Sam Media sau đó đã bị xử phạt hành chính với số tiền phải nộp là 55 triệu đồng.
Bịt lỗ hổng, chặn đứng hành vi móc túi người dùng di động
Năm 2016, Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) từng ban hành Thông tư số 17/2016/TT-BTTTT về quy trình, thủ tục đăng ký cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động. Trong đó có quy định cụ thể trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung và các doanh nghiệp viễn thông.
Tuy nhiên sau khi vụ việc của Sam Media bị phát giác, Bộ TT&TT đã ban hành thêm Thông tư 08/2017/TT-BTTTT nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư 17/2016.
Bộ TT&TT mạnh tay xử lý các sai phạm trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông. Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Cụ thể hơn, Thông tư 08/2017 xác định cụ thể vai trò của của chủ thể doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung (CSP). Việc này nhằm xác định rõ vai trò gắn liền với trách nhiệm của chủ thể CSP, tránh nhầm lẫn với các chủ thể khác có liên quan trong quá trình cung cấp dịch vụ.
Bên cạnh đó, do Thông tư 17/2016 chỉ quy định về phương thức đăng ký dịch vụ qua tin nhắn SMS, chính vì thế Thông tư 08/2017 đã bổ sung thêm các phương thức đăng ký cung cấp dịch vụ nội dung khác như đầu số tin nhắn ngắn (SMS), Wap/Website, Ứng dụng, USSD, Livescreen nhằm cập nhật kịp thời các xu hướng cung cấp dịch vụ nội dung phổ biến hiện nay.
Trao đổi với phóng viên VietNamNet, ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình &Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) cho biết: “Sau vụ việc của Sam Media, Bộ đã gửi nhiều đoàn thanh tra đến các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung trên mạng viễn thông. Kết quả thanh tra cho thấy không chỉ Sam Media mà rất nhiều nhà cung cấp dịch vụ khác cũng lừa khách hàng bằng những tiểu xảo như vậy. Chính vì thế, Bộ đã ban hành Thông tư 08/2017 bổ sung, sửa đổi Thông tư 17/2016 nhằm quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của các bên có liên quan”.
Ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT (Bộ TT&TT) trao đổi với phóng viên VietNamNet
Theo đó, Thông tư 08 bổ sung trách nhiệm của các doanh nghiệp viễn thông, cụ thể hơn là các nhà mạng trong việc kiểm soát quy trình, hệ thống cung cấp dịch vụ của các doanh nghiệp CSP. Đảm bảo rằng việc đăng ký, xác thực, thu cước, từ chối, gia hạn hay hủy dịch vụ phải được các doanh nghiệp CSP thông báo tới người sử dụng theo đúng quy định của pháp luật.
Thông tư 08/2017 còn quy định cụ thể, yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ phải gửi tin nhắn định kỳ (theo tuần hoặc tháng) nhằm thông báo cho người sử dụng các thông tin cụ thể về loại dịch vụ, chu kỳ, giá cước, cách hủy cũng như cách liên lạc với tổng đài tư vấn khách hàng. Điều này là để chặn đứng nguy cơ, người dùng bị ép sử dụng dịch vụ âm thầm mà không hề hay biết.
Sự mạnh tay của Bộ TT&TT sẽ buộc các nhà mạng phải có động thái giám sát, tích cực phát hiện các CSP có ý đồ xấu nhằm bảo vệ quyền lợi cho các khách hàng. Trong trường hợp có khiếu nại xảy ra, cả nhà mạng và các nhà cung cấp dịch vụ nội dung di động (CSP) đều phải có trách nhiệm tiến hành tiếp nhận và xử lý.
Trọng Đạt - VietNamNet