Xử lý rác thải rắn sinh hoạt: Còn nhiều những bãi chôn lấp lạc hậu, kém vệ sinh

PV| 08/09/2022 10:51
Theo dõi ICTVietnam trên

Sử dụng phương án chôn lấp, không hợp vệ sinh đang kéo theo tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng đáng lo ngại. Hơn nữa, việc thiếu cơ chế, chính sách, quỹ đất, công nghệ… là những khó khăn nan giải đề xử lý rác thải tại Việt Nam.

Hơn 70% bãi chôn lấp chưa hợp vệ sinh

Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết, thời gian qua, chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) ước tính lượng phát sinh ở các đô thị trên toàn quốc tăng trung bình 10% - 16% mỗi năm. Mặc dù, tỷ lệ thu gom vẫn tăng hàng năm, nhưng do lượng phát sinh lớn, năng lực thu gom còn hạn chế, ý thức cộng đồng chưa cao nên tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải, đặc biệt là CTRSH tại nhiều địa phương còn thấp. Phần lớn tổng lượng chất thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp (chiếm 71%) nhưng chỉ có 20% là bãi chôn lấp hợp vệ sinh.

Tại địa bàn các tỉnh khu vực Miền Trung và Tây Nguyên, theo kết quả đánh giá cho thấy, toàn khu vực có khoảng 173 cơ sở xử lý/bãi chôn lấp CTRSH. Trong đó, các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh lại chiếm tỉ lệ lớn (51%), tương đương với 102 bãi trên toàn bộ khu vực Miền Trung và Tây Nguyên chủ yếu là bãi rác hở, đổ lộ thiên, rác đổ đống, để khô đốt và khi đầy thì lấp đất hoặc bán lộ thiên, đào hố rãnh sâu, đổ rác.

Theo đánh giá, lượng chất thải rắn (CTR) phát sinh ngày càng lớn, có cơ cấu thành phần phức tạp. Tổng khối lượng CTR sinh hoạt phát sinh trên địa bàn 51/63 tỉnh/thành phố là khoảng 66.904 tấn/ngày (trong đó khu vực đô thị phát sinh khoảng 21.957 tấn/ngày và khu vực nông thôn khoảng 44.874 tấn/ngày ). Các địa phương có khối lượng CTR sinh hoạt phát sinh trên 1.000 tấn/ngày chiếm 25% (trong đó có Đồng Nai, Hà Nội,TP. Hồ Chí Minh phát sinh trên 6.000 tấn/ngày).

Đáng chú ý là theo báo cáo của các địa phương, lượng chất thải công nghiệp nguy hại phát sinh khoảng 1.590.987 tấn (tăng 457.910 tấn so với năm 2019), tập trung chủ yếu ở các ngành công nghiệp nhẹ, luyện kim, điện tử, hóa chất. Số lượng tăng chóng mặt, nhưng rác thải sinh hoạt đô thị, nông thôn chưa được phân loại, thu gom, xử lý hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh, cảnh quan đô thị, nông thôn ở nhiều địa phương trên cả nước.

Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đô thị trung bình cả nước là 93,7%, nông thôn là 83%. Như vậy, còn 6,3% khối lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị và 17% khối lượng chất thải rắn sinh hoạt nông thôn không được thu gom và bị thải bỏ ra môi trường xung quanh.

Ngoài ra, tại các đô thị, nhiều trạm trung chuyển, một số điểm tập kết còn có hiện tượng tồn đọng chất thải rắn sinh hoạt kéo dài, gây mùi khó chịu, khiến người dân bức xúc do môi trường sống bị ô nhiễm nghiêm trọng. Hầu hết các địa phương tại khu vực nông thôn còn thiếu thiết bị thu gom và phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt chuyên dụng.

Nhiều xã, đặc biệt các xã miền núi, thiếu các quy hoạch các bãi rác tập trung, không quy định chỗ tập trung rác, thiếu người và phương tiện chuyên chở rác. Do đó, các bãi rác tự phát đã hình thành ở rất nhiều nơi, làm cho tình trạng chất thải rắn sinh hoạt nông thôn trở thành vấn đề nan giải khó quản lý.

Xử lý rác đô thị: Còn nhiều những bãi chôn lấp lạc hậu, kém vệ sinh - Ảnh 1.

Số lượng tăng chóng mặt, nhưng rác thải sinh hoạt đô thị, nông thôn chưa được phân loại, thu gom, xử lý hiệu quả. (Ảnh: Báo Nhân Dân)

Giao xử lý rác cho doanh nghiệp tư nhân: Cần được khơi thông "điểm nghẽn"

Trên phạm vi cả nước có 904 bãi chôn lấp chất thải rắn hoặc tập kết chất thải cấp xã, trong đó, 49,1% bãi chôn lấp có diện tích nhỏ hơn 1ha, hầu hết các bãi chôn lấp đều quá tải; 381 lò đốt, 37 dây chuyền sản xuất phân compost.

Phần lớn các bãi chôn lấp tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn, có thành phần hữu cơ cao nên tính ổn định thấp, chiếm dụng diện tích đất lớn, gây ô nhiễm môi trường do mùi hôi, khí thải, nước rỉ rác, nhiều trường hợp gây ra sự cố phải xử lý phức tạp và tốn kém. Một số địa phương đã triển khai thí điểm chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; tuy nhiên việc phân loại đem lại hiệu quả chưa cao, mang tính riêng lẻ, không đồng bộ, chưa được nhân rộng.

Vừa qua, tại Hội thảo và triển lãm quốc tế về giải pháp và công nghệ xử lý chất thải tại các đô thị Việt Nam, nhiều đại biểu cho rằng, cần giải quyết các vướng mắc về cơ chế để hỗ trợ ngành xử lý rác Việt Nam, tạo ra con đường thuận lợi để đạt mục tiêu giải quyết việc xử lý rác như Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Theo dự báo, đến năm 2025, tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt dự báo tăng 10 - 16%/năm. Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, dự báo mỗi ngày sẽ phát sinh từ 7.000 - 9.000 tấn rác thải. Trong hoàn cảnh hệ thống công trình hạ tầng đô thị chưa được phát triển đồng bộ, trình độ và năng lực quản lý chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của quá trình đô thị hóa thì rác thải đã làm nảy sinh nhiều áp lực đối với môi trường cũng như sức khỏe cộng đồng. Việc triển khai các biện pháp xử lý rác thải theo phương thức hiện đại thay thế dần biện pháp chôn lấp lạc hậu là hết sức cần thiết.

Hiện nay, cơ chế, chính sách liên quan đến xử lý rác còn rất thiếu và yếu, nên các chính quyền địa phương, doanh nghiệp lúng túng, không mặn mà đầu tư. Vì thế, việc xử lý rác không có lối ra, không có đường đi rõ ràng. Việc khuyến khích đầu tư, xã hội hóa nhưng chưa hướng dẫn cụ thể thì ai sẽ thực thi, thực thi như thế nào? khuyến khích ưu đãi nhưng chưa nêu cụ thể ưu đãi cái gì? Điều này dẫn đến tình trạng một số doanh nghiệp đầu tư từ nhiều nguồn vốn khác nhau: ODA, vốn tư nhân… nhưng phát triển cũng không bền vững. Sau một thời gian vận hành thì các nhà máy xử lý rác cũng dừng hoạt động vì thu không đủ chi; máy móc, thiết bị hư hỏng không có kinh phí sửa chữa.

Một số lò đốt rác nói là công nghệ tiên tiến nhưng khí thải không đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, hoặc tro, xỉ tro cháy không triệt để, còn tỉ lệ lớn khó xử lý, số này lại chuyển thành rác nguy hại, lại phải đi chôn lấp, xử lý lại chi phí rất lớn.

Trước thực trạng này, Bộ TN&MT cần tham mưu trình Chính phủ ra quyết định các cơ chế chính sách để hỗ trợ ngành xử lý rác Việt Nam, tạo ra con đường thuận lợi để đạt mục tiêu giải quyết việc xử lý rác được như mong đợi đề ra tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Cần khuyến khích tái chế, sử dụng qua nhiều vòng trước khi tiêu hủy bằng phương pháp đốt hay phương pháp khác.

Ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho rằng, công tác quản lý chất thải, đặc biệt là CTRSH là vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương. Việc đề xuất được các giải pháp đồng bộ từ mô hình quản lý, mô hình công nghệ xử lý chất thải nhằm kiểm soát, giải quyết được bài toán xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải là vấn đề hết sức cấp thiết.

Quản lý chất thải rắn sinh hoạt là một trong những nội dung quan trọng được quy định mới trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Để thực hiện hiệu quả vấn đề này, cần có sự tham gia mạnh mẽ của doanh nghiệp, đồng thời Nhà nước cần tiếp tục có những chính sách khuyến khích thực hiện các mô hình kinh tế tuần hoàn tại doanh nghiệp, tăng cường thực thi pháp luật về quản lý chất thải. Cùng với đó, cần có các chính sách cụ thể ưu đãi cho các hoạt động xử lý để thu hút các doanh nghiệp tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ chất thải.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Xử lý rác thải rắn sinh hoạt: Còn nhiều những bãi chôn lấp lạc hậu, kém vệ sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO