CTCK KB Việt Nam (KBSV) vừa công bố báo cáo chiến lược với dự báo TTCK sẽ còn biến động mạnh nhưng kỳ vọng hồi phục về cuối quý 2.
Theo KBSV, bối cảnh quốc tế hiện đang xáo trộn với những diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19 mang tới những hệ quả: (i) gián đoạn chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu trầm trọng hơn bởi sự lệ thuộc lớn vào dây chuyền ở Trung Quốc; (ii) tiêu dùng, mua sắm, hoạt động dịch vụ, giao thương đình trệ do tâm lý ngại tiếp xúc, hoặc do chịu kiểm soát để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh; (iii) nhu cầu tiêu thụ dầu sụt giảm khiến giá dầu lao dốc; (iv) tâm lý thận trọng gia tăng khiến các tài sản mang tính rủi ro bị bán mạnh (bao gồm cổ phiếu trên TTCK Việt Nam); (v) Các NHTW và Chính phủ đẩy mạnh các gói kích thích hỗ trợ kinh tế.
Yếu tố hỗ trợ thị trường từ đầu tư công và các gói hỗ trợ kinh tế
KBSV cho rằng mặc dù hoạt động sản xuất kinh doanh các doanh nghiệp đã chịu tác động của Covid-19 từ quý 1, nhưng tác động mạnh nhất sẽ đến vào quý 2. Covid-19 và rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu là 2 rủi ro chính đối với thị trường hiện tại. Dù vậy, vẫn có những cơ sở để kỳ vọng về thị trường khi Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công; Các gói kích thích kinh tế trên Thế giới được bung ra; Hiệu quả từ các gói hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp của Chính phủ, các biện pháp hỗ trợ giảm lãi suất của NHNN.
Cụ thể, KBSV kỳ vọng tiến độ giải ngân đầu tư công sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới như là một biện pháp kích thích tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng. Với việc tăng trưởng chịu tác động nặng nề từ dịch bệnh Covid-19 trong khi dư địa chính sách tiền tệ hạn chế, KBSV cho rằng Chính phủ sẽ tập trung đẩy mạnh chi tiêu tài khóa.
Sự ưu tiên sẽ tập trung vào những dự án trọng điểm về cơ sở hạ tầng, có thể kể đến 2 đại dự án là cao tốc Bắc – Nam và sân bay Long Thành kỳ vọng sẽ được triển khai trong năm 2020.
KBSV cho rằng dư địa để đẩy mạnh đầu tư công tương đối khả thi Luật đầu tư công vừa thông qua được kỳ vọng sẽ giải quyết được những yếu kém trong hệ thống quản lý đầu tư công. Bên cạnh đó, bội chi NSNN năm 2019 tiếp diễn xu hướng giảm nhẹ, ở mức 3,4% GDP.
Về việc hạ lãi suất, KBSV đánh giá mặt bằng lãi suất cho vay trong nền kinh tế sẽ có xu hướng giảm trong thời gian tới (kỳ vọng 0,5 điểm phần trăm) với 2 cơ sở chính: i) do tác động của Covid-19, nhu cầu tín dụng các doanh nghiệp có sự sụt giảm mạnh (thể hiện qua tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm chỉ ở mức 0,06% YoY, thấp nhất trong vòng 6 năm), trong khi thanh khoản hệ thống ở trạng thái dồi dào; ii) chi phí huy động vốn trên thị trường liên ngân hàng giảm, kết hợp với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ.
Với dự báo lạm phát sẽ sớm hạ nhiệt trong các quý tới, KBSV cho rằng NHNN có thêm dư địa để đẩy mạnh các chính sách nới lỏng tiền tệ nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Bên cạnh đó, KBSV kỳ vọng Chính phủ sẽ đẩy mạnh các chính sách kích thích tài khóa bao gồm giãn, hoàn nộp thuế, phí, lãi suất, bảo hiểm...có tác động trực tiếp nhằm hỗ trợ thanh khoản các doanh nghiệp đang gặp khó khăn mà không ảnh hưởng tới yếu tố lạm phát.
Về việc FED mạnh tay hạ lãi suất, KBSV cho rằng đây là yếu tố mang tính chất tích dài hạn tới TTCK, dù tác động trước mắt đến TTCK Việt Nam là không đáng kể.
Việc các NHTW đồng loạt hạ lãi suất, đặt biệt là hành động quyết liệt của FED trong 2 tuần đầu tháng 3 là yếu tỗ hỗ trợ mạnh cho biến động TTCK toàn cầu nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng dưới 2 tác động chính là giúp hạ nhiệt đồng USD (giúp giải tỏa áp lực tỷ giá trong nước) và hỗ trợ nguồn tiền giá rẻ tràn ngập thị trường.
Khả năng Covid-19 có gây ra suy thoái kinh tế sâu rộng đối với kinh tế toàn cầu hay không vẫn là câu hỏi được bỏ ngỏ. Trong trường hợp suy thoái sâu rộng không diễn ra, TTCK toàn cầu có cơ hội hồi phục mạnh mẽ nhờ các gói kích thích kinh tế của các NHTW. Ngược lại, trong kịch bản tiêu cực, những động thái này của các NHTW sẽ giúp hỗ trợ nền kinh tế và tránh cho TTCK tiếp tục đà giảm mạnh.
VN-Index dao động trong vùng 750 điểm trong quý 2
Về diễn biến TTCK, KBSV cho rằng ở thời điểm hiện tại so với cách đây hơn 10 năm đã có nhiều sự khác biệt. Thị trường chuyên nghiệp hơn và dòng tiền mang tính ổn định, dài hạn hơn. Mặc dù vậy, diễn biến thị trường giai đoạn khủng hoảng 2008-2009 vẫn là cơ sở quan trọng để làm tham chiếu cho các kịch bản xấu có thể diễn ra.
Với xác suất xảy ra thấp, KBSV coi mức P/E đáy của thị trường giai đoạn khủng hoảng 2008-2009 (quanh 8 lần) là kịch bản tiêu cực nhất có thể xảy ra, tương đương vùng giá quanh 500 của chỉ số VN-Index ở thời điểm hiện tại.
Dù vậy, dựa theo kịch bản cơ sở dịch bệnh sẽ đạt đỉnh giai đoạn cuối quý 2, KBSV kỳ vọng VN-Index sẽ quay lên vùng 750 điểm. Trong đó, KBSV dự báo EPS trượt 4 quý của thị trường sẽ giảm nhẹ 3% (QoQ), cùng với mức P/E của VN-Index hồi phục lên quanh mức 12 lần nhờ các thông tin tích cực liên quan đến việc kiểm soát dịch bệnh.