Điều này đồng nghĩa ngoài thiết bị của người gửi và người nhận, tin nhắn sẽ không thể được giải mã trên thiết bị nào khác. Với mã hóa đầu cuối, nội dung trao đổi của người dùng qua Zalo sẽ được bảo vệ tối ưu hơn. Kể cả khi hệ thống trung gian gặp sự cố thì nội dung tin nhắn gốc của người dùng vẫn không bị lộ. Điều này giúp người dùng yên tâm hơn khi giao tiếp trên Zalo trong bối cảnh ứng dụng này ngày càng trở nên không thể thiếu trong cuộc sống.
Tính năng này được Zalo xây dựng và phát triển dựa trên giao thức mã nguồn mở Signal Protocol. Đây là giao thức quốc tế được hầu hết ứng dụng nhắn tin hàng đầu thế giới sử dụng cho E2EE. Rất nhiều chuyên gia công nghệ uy tín toàn cầu cũng đã kiểm định và bảo chứng về chất lượng, độ bảo mật của Signal Protocol trong nhiều năm qua.
Để kích hoạt cuộc trò chuyện mã hóa, người dùng Zalo trên điện thoại bấm vào "tùy chọn" ở góc phải bên trên, sau đó chọn "mã hóa đầu cuối". Nếu sử dụng Zalo phiên bản máy tính, người dùng bấm vào "thông tin hội thoại" và tìm tính năng "mã hóa đầu cuối" để nâng cấp. Quá trình nâng cấp thành cuộc trò chuyện mã hóa toàn phần được diễn ra nhanh chóng, phía người gửi và nhận tin đều được thông báo cuộc trò chuyện đã kích hoạt E2EE và đánh dấu bằng biểu tượng ổ khóa tại tên cuộc trò chuyện.
Mỗi ngày, người dùng trao đổi rất nhiều thông tin trên Internet, trong đó có những nội dung quan trọng như hồ sơ sức khỏe, tài chính, mật khẩu, ảnh cá nhân và gia đình, những cuộc giao tiếp thân mật... Chính vì thế, việc bảo vệ an toàn thông tin trên mạng là vấn đề được người dùng toàn cầu quan tâm. Tin nhắn mã hóa giúp người dùng chắc chắn rằng không ai có thể giải mã và đọc được dữ liệu của mình ngoại trừ bên gửi và nhận tin nhắn.
Là người quan tâm nhiều đến việc bảo vệ thông tin cá nhân trên Internet, anh Lê Trung Thiện (ngụ Quận 9, TP.HCM) chia sẻ: "Tôi xài Zalo rất nhiều để liên lạc với người thân, khách hàng. Đương nhiên trong lúc nói chuyện không thể tránh chia sẻ thông tin cá nhân, chuyện làm ăn. Tôi cảm thấy thông tin của mình được an toàn hơn khi bật tính năng mã hóa đầu cuối cho các trò chuyện thường xuyên liên lạc".
Zalo vốn được đánh giá cao trong việc phát triển nhiều tính năng giúp người dùng chủ động bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật thông tin trên không gian mạng. Đơn cử, người dùng có thể cài đặt nguồn nhận lời mời kết bạn, chủ động kiểm soát các cách người dùng khác có thể tìm được tài khoản Zalo của mình để tránh trường hợp bị làm phiền hoặc lộ thông tin, ảnh cá nhân. Ngoài ra, trên Zalo người dùng cũng có thể theo dõi đăng nhập và đăng xuất từ xa, chặn xem nhật ký và bình luận, chặn người lạ gọi điện hoặc nhắn tin, cài mật khẩu cho cuộc trò chuyện, đặt mã khóa cho ứng dụng...
Trước đó, vào cuối năm 2021 Zalo cũng ra mắt tin nhắn tự xóa với thời gian mặc định là 1, 7 hoặc 30 ngày,... giúp người dùng bảo vệ sự riêng tư cho những cuộc hội thoại. Khi sử dụng tính năng này, nội dung trao đổi sẽ tự động biến mất sau khoảng thời gian thiết lập sẵn từ cả hai phía người gửi và người nhận mà không cần thực hiện thêm bất kì thao tác thủ công nào./.