Biến thách thức thành cơ hội, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số quốc gia

Trường Thanh| 20/11/2020 14:58
Theo dõi ICTVietnam trên

Tham gia tích cực vào cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, đẩy mạnh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo... là cơ hội để Việt Nam thực hiện ứng dụng CNTT, chuyển đổi số thành công

Đẩy mạnh thực hiện ứng dụng CNTT, chuyển đổi số

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, trong thời gian qua, Việt Nam đã tham gia rất tích cực vào cuộc CMCN 4.0. Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Việt Nam cũng rất sớm và năng động. Chỉ đạo của Thủ tướng là chúng ta quyết tâm thực hiện mục tiêu "kép" vừa làm tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19, vừa tiếp tục khôi phục, đẩy mạnh và phát triển kinh tế.

Biến thách thức thành cơ hội, đẩy mạnh thực hiện ứng dụng CNTT, chuyển đổi số quốc gia - Ảnh 1.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nhấn mạnh, bối cảnh hiện nay là thách thức rất lớn, cần biến thách thức thành cơ hội, do đó, đây cũng là cơ hội để chúng ta đẩy mạnh thực hiện ứng dụng CNTT, chuyển đổi số. Ảnh: Hoàng Giang

Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới có mức tăng trưởng dương. Vừa qua, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 37, các quốc gia và tổ chức quốc tế đã đánh giá cao cách tiếp cận, cách làm cũng như sự chủ động của Việt Nam.

Cũng tại đây, Thủ tướng đã công bố việc thành lập Trung tâm ASEAN ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi AC-PHEED dự kiến đặt tại Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực y tế, tăng cường khả năng điều phối quốc gia và khu vực, ứng phó với dịch bệnh trong tương lai.

Có thể nói, bối cảnh hiện nay là thách thức rất lớn. Như Thủ tướng vẫn nói, cần biến thách thức thành cơ hội, do đó, đây cũng là cơ hội để chúng ta đẩy mạnh thực hiện ứng dụng CNTT, chuyển đổi số. Bởi đây chính là giải pháp quan trọng để hạn chế tiếp xúc người với người trong nền kinh tế không tiếp xúc, giao dịch không tiếp xúc, vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế-xã hội.

"Mỗi năm chúng ta có khoảng 130.000 doanh nghiệp (DN) được thành lập mới, sau khi Trung tâm khởi nghiệp được thành lập, với sự chỉ đạo của Thủ tướng, tôi tin rằng chúng ta sẽ sớm đi đầu và thành công trong vấn đề chuyển đổi số. Ở đây có dư địa tăng trưởng lớn vì chúng ta có nguồn nhân lực dồi dào, các nhà công nghệ giỏi cũng như sự tham gia, cổ vũ của cộng đồng quốc tế", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết: Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng đã đưa ra thông điệp về quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, hướng tới người dân và DN.

Tại các phiên họp Chính phủ, Thủ tướng luôn đặt vấn đề xây dựng và hoàn thiện thể chế. Bên cạnh đó lấy việc cải cách thủ tục hành chính (TTHC) là trọng tâm, là xuyên suốt, thông qua Chính phủ điện tử (CPĐT) để hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, tạo sự minh bạch của Chính phủ với người dân, cũng như sự trao đổi, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan của Chính phủ, giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước 4 cấp.

Đặc biệt, xây dựng một hệ thống dịch vụ công (DVC), mang lại lợi ích cho DN và người dân, mang tính minh bạch, hiệu quả, công khai và có trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính nhà nước với sự giám sát của người dân, DN.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, chúng ta xây dựng CPĐT, Chính phủ số hướng tới nền kinh tế số, xã hội số trong khi chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư, về đất đai, những cơ sở dữ liệu quốc gia khác, những quy định pháp luật đang dần hoàn thiện.

"Tuy nhiên, trong một thời gian ngắn, chúng ta đã làm được rất nhiều công việc, đó là khai trương và vận hành Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hệ thống E-cabinet, Cổng DVCQG… Đây là những sản phẩm rất quan trọng, có sự đóng góp của các bộ ngành, địa phương trong đó có ngành Y tế".

Ngành Y tế tiên phong, đi đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số

Cũng Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Bộ Y tế là một Bộ rất tiên phong trong cải cách TTHC, đặc biệt là việc ban hành Nghị định 15/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm.

Qua tập hợp phản ánh của các DN, người dân có thể thấy Nghị định 15 đã tháo gỡ những khó khăn cho DN khi gia nhập thị trường, giảm chi phí, thời gian cho DN theo hướng cắt giảm mạnh các TTHC về đăng ký, công bố, kiểm tra chuyên ngành về thực phẩm, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, theo đó 95% lô hàng thực phẩm nhập khẩu sẽ không phải kiểm tra chuyên ngành.

Đặc biệt, trong thời kỳ chuyển đổi số, khi đại dịch đang tác động tiêu cực đến tất cả các nước, các nền kinh tế, ngành Y tế đã có sự trỗi dậy, nắm bắt được thời cơ và ứng dụng CNTT, kết nối, số hóa, các dịch vụ đặc biệt là khám chữa bệnh từ xa với 1.000 cơ sở y tế khám chữa bệnh từ xa.

Người dân cả nước tại bất cứ đâu đều có cơ hội tiếp cận, sử dụng dịch vụ y tế chất lượng cao nhất của tuyến trên ngay tại tuyến cơ sở, hạn chế việc chuyển tuyến, quá tải, tập trung đông bệnh nhân tại tuyến trên. Thậm chí người dân ở nhà cũng có thể được bác sĩ tuyến trên khám, hỗ trợ tư vấn, điều trị thông qua các thiết bị điện tử thông minh.

Bộ Y tế cũng đang đẩy mạnh sử dụng bệnh án điện tử thay thế bệnh án giấy tại các cơ sở khám, chữa bệnh và việc thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở khám chữa bệnh trên nền tảng thanh toán của Cổng DVCQG. Nếu làm tốt việc này, ngay tại cơ sở y tế, người bệnh không phải mang sổ khám chữa bệnh như trước đây, được thanh toán chế độ bảo hiểm dễ dàng.

Trong việc thực hiện các DVC, Bộ Y tế đã đưa lên Cổng DVC của Bộ 100% DVC cấp độ 3,4, đã kết nối lên Cổng DVCQG 100 DVC. Đến ngày 15/11/2020 có 1.479 hồ sơ tiếp nhận, xử lý, đồng bộ lên Cổng DVCQG. Bộ Y tế đã cùng với VPCP tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, đơn giản hóa TTHC bảo đảm công khai, minh bạch, đơn giản, thuận tiện với người dùng trước khi kết nối, tích hợp với Cổng DVCQG.

"Hiện nay, Bộ Y tế đã công khai tất cả vấn đề liên quan giá thiết bị và tới đây, Bộ Y tế sẽ công khai toàn bộ giá dịch vụ và kêu gọi xã hội hóa để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của người dân. Tôi tin tưởng rằng, ngành Y tế sẽ thực hiện được những nhiệm vụ Thủ tướng giao cho ngành y tế, đó là phải tiên phong, đi đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.

Số hóa dịch vụ y tế là để người dân được hưởng những lợi ích, các dịch vụ tốt nhất

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cũng nhấn mạnh: Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt. Từ đó, từng bộ, ngành, địa phương đều có kế hoạch cụ thể. Ngành y tế là một trong những ngành tiên phong thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình chuyển đổi số quốc gia.

"Chúng tôi kỳ vọng, toàn bộ nội dung liên quan đến trách nhiệm của Bộ Y tế về thể chế, quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn, ngành Y tế sẽ tiếp tục hoàn thiện để báo cáo Thủ tướng".

Tất cả những dịch vụ mà người dân đang mong đợi rất nhiều ở ngành y tế, chúng ta cần công khai, minh bạch, tạo ra dịch vụ tốt nhất, thuận lợi nhất cho người dân để giảm đi lại, giảm chi phí không cần thiết.

Số hóa dịch vụ y tế là để người dân được hưởng những lợi ích, các dịch vụ tốt nhất về khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết thêm, vừa qua, VPCP đã ký kết chương trình phối hợp với Bộ Y tế và sẽ tích cực cùng Bộ Y tế tái cấu trúc các quy trình theo hướng cải cách, cắt bỏ những thủ tục rườm rà; phối hợp với các cơ quan liên quan như cơ quan bảo hiểm, các nhà công nghệ, các cơ quan thanh toán, quản lý nhà nước để các cơ sở khám chữa bệnh của toàn quốc đều được kết nối ngang, kết nối dọc trên cơ sở nền tảng dùng chung, trên cơ sở các dữ liệu sẵn có. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề mới rất mong sự hưởng ứng và tin tưởng của người dân.

Ngoài việc bảo đảm tính chính xác, kịp thời, hiệu quả thì vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng rất quan trọng. Các cơ quan chức năng sẽ cùng Bộ Y tế thực hiện tốt việc này.

Bài liên quan
  • Giải pháp để mọi người dân Việt Nam đều có thể biết cách sử dụng AI
    Theo đánh giá, đại đa số người Việt Nam chưa biết dùng các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) hiện đại. Trong khi ngày nay, kỹ năng dùng AI hiện đại giống như kỹ năng đọc, viết của thời đại mới. AI không khiến người lao động bị thất nghiệp, ngược lại, AI sẽ tạo ra những loại hình công việc mới. Tuy vậy, những lao động không biết cách sử dụng AI sẽ bị thay thế bởi những lao động biết cách sử dụng AI.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Biến thách thức thành cơ hội, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO