Có thể nhìn thấy những dấu hiệu đầu tiên của cú sụp đổ này trong những dữ liệu kinh tế ban đầu đang được công bố trên khắp thế giới, từ số liệu về thương mại, đầu tư đến tiêu dùng và tỷ lệ thất nghiệp đang tăng lên nhanh chóng.
Theo số liệu của IHS Markit, khối lượng hàng hóa mà nước Mỹ xuất đi trong 2 tuần đầu của tháng 3 bằng chưa đến một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt ngành ô tô bị ảnh hưởng nặng nhất: tỷ lệ số tàu thường được sử dụng để vận chuyển ô tô bằng đường biển phải neo đậu tại các cảng đã tăng lên 19% tổng số, so với con số 11% của 1 năm trước.
Sau khi Mỹ công bố số việc làm bị mất đi cao gấp 7 lần dự báo vào cuối tuần trước, đã có một vài dữ liệu khác cho thấy đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng như thế nào đến mọi thành phần của nền kinh tế, từ các nhà sản xuất cho đến hộ gia đình, từ các siêu cường thương mại cho đến các nền kinh tế mới nổi.
Ở Đức, số xe đăng ký mới trong tháng 3 giảm 38% so với 1 năm trước, dù thường thì đây sẽ là tháng cao điểm trong năm. Chỉ số tương tự ở Anh giảm 44%. 3 trong số các nền kinh tế lớn nhất của khu vực Arab thiệt hại nặng, trong khi chỉ số đo lường sức khỏe ngành dịch vụ của Brazil rơi xuống mức thấp nhất kể từ 2016. Doanh số xe hơi ở Nam Phi tuột dốc 30%.
Ở Australia, đất nước chưa từng suy thoái trong 30 năm qua, lượng tuyển dụng giảm mạnh nhất kể từ 2009 dù đến cuối tháng 3 nước này mới áp dụng lệnh cấm hạn chế đi lại nghiêm ngặt.
“Cả hệ thống, toàn bộ chuỗi cung ứng đã bị chao đảo”, Roberto Azevedo, Tổng giám đốc tổ chức thương mại thế giới WTO cho hay. “Ở một vài khía cạnh bức tranh hôm nay thậm chí còn tồi tệ hơn khủng hoảng 2008-2009”.
WTO dự báo kim ngạch thương mại toàn cầu sẽ sụt giảm mạnh hơn nhiều so với mức 12,6% của khủng hoảng 2009. Mức suy giảm GDP cũng sẽ lớn hơn nhiều so với con số 2% cách đây hơn chục năm.
Bi quan cũng là màu sắc chung trong dự báo của các bên, từ các định chế như IMF và World Bank đến các ngân hàng đầu tư và các chuyên gia kinh tế tư nhân.
Vốn đang chệnh choạng, kinh tế toàn cầu mất đà nhanh hơn so với những ngày đầu của khủng hoảng tài chính, theo dữ liệu thống kê GDP của Bloomberg. Từ Ấn Độ đến Italy, các biện pháp giới nghiêm khiến hoạt động kinh doanh ngưng trệ và hàng tỷ người phải ở trong nhà trong nhiều tuần, gây nên cú sốc cung và cú sốc cầu cùng một lúc, làm gián đoạn mạng lưới sản xuất và logistics toàn cầu vốn không hề được chuẩn bị để ứng phó với 1 cú sốc mạnh đến vậy.
Các công ty từ Airbus ở châu Âu đến FedEx ở Mỹ gần đây đã cảnh báo còn quá sớm để ước tính độ dài của đợt suy thoái hay mức độ thiệt hại lần này. Điều đó cho thấy sự thiếu chắc chắn đang bao trùm mọi ngõ ngách của kinh tế thế giới, trong đó có cả những nhà cung ứng nhỏ bé trên chuỗi cung ứng toàn cầu, những công ty thường được đặt ở các vùng nông thôn và những nền kinh tế đang phát triển. Đáp lại, các chính phủ từ châu Âu đến Mỹ đang ồ ạt tung ra các gói giải cứu nhóm doanh nghiệp nhỏ.
Trong bức thư gửi tới khoảng 135.000 người lao động cuối tuần trước, Airbus nói rằng trong ngắn hạn hãng hoàn toàn không thể quay trở lại hoạt động hết công suất bởi vì thiếu hụt các linh kiện và các hãng hàng không thì đang quá khó khăn để có thể nhận máy bay mới.
Còn FedEx cảnh báo rằng “thời kỳ chuỗi cung ứng và nền kinh tế toàn cầu gián đoạn kéo dài có thể tác động rất mạnh đến hoạt động kinh doanh” và “suy thoái toàn cầu” sẽ gây ra thêm nhiều tổn thất. Năm ngoái doanh thu quốc tế chiếm hơn một nửa tổng doanh thu của FedEx, và hãng có 177.000 nhân viên.
Với hoạt động đầu tư giảm mạnh và ngày càng có nhiều người mất việc, GDP toàn cầu có thể giảm sâu hơn nữa, tùy thuộc vào các chính phủ kéo dài thời gian phong tỏa đến bao giờ (nhiều nước dự đoán đến tận hết tháng 5 hay tháng 6). OECD ước tính mỗi tháng phong tỏa sẽ khiến GDP giảm khoảng 2%.
Trừ khi thế giới có thể kiểm soát được dịch bệnh trong vài tuần nữa, GDP giảm và nhu cầu thương mại lao dốc sẽ tạo ra vòng luẩn quẩn mà trong đó triển vọng hoạt động đầu tư cũng như tuyển dụng của doanh nghiệp càng thêm u ám, tạo thêm rắc rối cho thị trường lao động.
Đến nay vẫn chưa hề có dấu hiệu cho thấy tình trạng này sẽ sớm kết thúc và kinh tế toàn cầu sẽ sớm phục hồi. Hôm qua, Honda vừa thông báo ngừng trả lương cho các công nhân bị cho nghỉ phép tại tất cả 10 nhà máy ở Mỹ trong 3 tuần.
Hơn 10 triệu người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tháng trước, và ILO cảnh báo gần 25 triệu việc làm sẽ mất đi nếu virus không nhanh chóng được kiểm soát.
“Các chính phủ và những người ở tuyến đầu - các ông chủ và người lao động - cần phải đối thoại với nhau để cuộc đại khủng hoảng thời kỳ những năm 1930 không lặp lại”, Tổng giám đốc ILO Guy Ryder phát biểu.