Truyền thông

Nỗ lực của cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số

Trường Thanh 23/11/2024 08:50

Nhiệm vụ hàng đầu của việc đào tạo báo chí - truyền thông là đào tạo một cách toàn diện, đặc biệt là đào tạo đội ngũ người làm báo có tư duy nhạy bén, có bản lĩnh chính trị, có trình độ chuyên môn, có khả năng làm chủ công nghệ, có phẩm chất đạo đức...

Chiến lược chuyển đổi số (CĐS) báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 6/4/2023, đặt mục tiêu chung là xây dựng các cơ quan báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, hoàn thành tốt sứ mệnh cách mạng, đồng thời phát triển ngành công nghiệp nội dung số. Công tác phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được xem là một trong những nhiệm vụ chủ đạo để thực hiện CĐS báo chí thành công.

Theo Chiến lược, Chính phủ đặt ra mục tiêu: “100% các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) chuyên ngành báo chí hoặc có khoa báo chí cập nhật các kiến thức, kỹ năng tác nghiệp trong môi trường báo chí số trong chương trình đào tạo cho sinh viên; 100% lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập các cơ quan báo chí được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về CĐS báo chí…”.

Hơn nữa, trước những đòi hỏi ngày càng cao của xã hội và sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ, đào tạo báo chí đang đứng trước yêu cầu đổi mới toàn diện và sâu sắc. Việc cải tổ từ nội dung đến phương pháp đào tạo, gắn lý thuyết với thực hành, tích hợp công nghệ, tăng cường liên kết giữa nhà trường và các đơn vị báo chí - truyền thông không chỉ giúp nâng cao chất lượng đào tạo mà còn góp phần tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh và thích ứng trong kỷ nguyên số.

Tầm quan trọng của đào tạo báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số

Tại Hội thảo quốc tế “Đào tạo báo chí - truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay” do Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp Vụ Báo chí - Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương), Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông), Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hồi tháng 6/2024, GS. TS. Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, CĐS không còn là sự lựa chọn mà là nhiệm vụ đặt ra đối với từng cơ quan báo chí cũng như các cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông, để vừa phục vụ tốt nhất, nhanh nhất nhu cầu thông tin của công chúng, vừa phù hợp với xu thế phát triển chung của thời đại, đồng thời, tối ưu hóa các nguồn lực cho sự phát triển của báo chí - truyền thông nước nhà.

Trong khi đó, PGS. TS. Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền nêu rõ: Trong quá trình CĐS, trước những biến động mạnh mẽ trong hệ sinh thái truyền thông, báo chí không thể đứng ngoài cuộc mà đóng vai trò quan trọng, thậm chí tiên phong hướng tới nền kinh tế truyền thông số.

CĐS báo chí ở Việt Nam không ngoài mục đích xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước.

CĐS báo chí - truyền thông thành công cần sự hội tụ của rất nhiều yếu tố, trong đó, yếu tố con người được coi là then chốt.

“Điều này đặt ra yêu cầu cần phải đổi mới, tăng cường công tác đào tạo báo chí - truyền thông thích ứng với yêu cầu CĐS hiện nay; thay đổi tổng thể từ tư duy, tầm nhìn, kiến thức, kỹ năng, thái độ của đội ngũ nhân lực báo chí - truyền thông số”.

PGS. TS. Đặng Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng cho biết: CĐS, trên nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây, Internet vạn vật (IoT)..., đang biến hệ sinh thái truyền thông truyền thống của thời đại công nghiệp sang một hệ sinh thái mới của truyền thông thời đại số - thời đại của văn minh trí tuệ. Công nghệ hiện đại mang đến nhiều thời cơ, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho người làm báo.

Trong bối cảnh bùng nổ truyền thông của thời đại kỹ thuật số và dưới áp lực cạnh tranh ngày một gay gắt của đào tạo ĐH đang từng bước tự chủ, đào tạo báo chí chất lượng, hiệu quả ngày càng trở thành vấn đề cấp thiết và cần thiết. Đặc biệt, là đào tạo nguồn nhân lực báo chí - truyền thông trong công cuộc CĐS nói chung và CĐS báo chí nói riêng.

“Trong thời đại kỹ thuật số, đạo đức nghề báo cần được đề cao và thực thi một cách hiệu quả hơn bao giờ hết. Và vì vậy, nhiệm vụ hàng đầu của việc đào tạo báo chí - truyền thông là phải đào tạo một cách toàn diện, đặc biệt là đào tạo cho được đội ngũ người làm báo có tư duy nhạy bén, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn thuần thục, có khả năng thích ứng, nắm bắt và làm chủ công nghệ; có phẩm chất đạo đức trong sáng, tâm huyết, công tâm, khách quan trong thực thi nhiệm vụ, luôn đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân lên trước hết và trên hết”.

Học viện Báo chí và Tuyên truyền nâng cao chất lượng đào tạo để góp phần thúc đẩy CĐS báo chí Việt Nam

PGS.TS. Phạm Minh Sơn cho biết, là cơ sở đào tạo trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, một trong những đơn vị đào tạo báo chí hàng đầu của cả nước, Học viện Báo chí và Tuyên truyền xác định, CĐS trong đào tạo báo chí - truyền thông theo tinh thần chỉ đạo của Đảng và Nhà nước là nhu cầu và mục tiêu của nhà trường.

Do đó, nhà trường đã có rất nhiều nỗ lực hành động để từng bước hiện thực hóa quan điểm chỉ đạo này, vừa nâng cao chất lượng đào tạo báo chí - truyền thông, vừa góp phần thúc đẩy tiến trình CĐS báo chí ở Việt Nam hiện nay.

img_1950(1).jpg
Ảnh: AJC.

Với gần 65 năm thành lập và phát triển, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, phóng viên báo chí luôn được Học viện quan tâm đặc biệt. Hiện nay, ngoài hai ngành đào tạo Báo điện tử và Truyền thông đa phương tiện với những môn học được đầu tư để người học có thể tác nghiệp trong môi trường số một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.

Mở hai chuyên ngành riêng về Báo điện tử và Truyền thông đa phương tiện là bước đi trước của Học viện trong xu thế CĐS hiện nay. Đây cũng là hai ngành học có số thí sinh ứng tuyển cao nhất và có số điểm trúng tuyển cao nhất Học viện. Sinh viên sau khi học tập tại trường có kiến thức vững vàng và có kỹ năng tác nghiệp tốt trong môi trường truyền thông số hiện nay.

Các chuyên ngành: Báo in, báo phát thanh, báo truyền hình, báo ảnh, quay phim truyền hình... đều đã được bổ sung các môn học như: Truyền thông xã hội và mạng xã hội; Kỹ thuật và công nghệ truyền thông số. Tùy từng chuyên ngành, các môn học này sẽ được thiết kế từ 3 - 15 tín chỉ trong chương trình.

Về hệ thống trang thiết bị phục vụ học tập và giảng dạy, Học viện đã đầu tư trường quay ảo gồm studio truyền hình, trường quay, phòng đạo diễn, phòng dựng phim, phòng thu âm... Đây là nơi các giảng viên, sinh viên của Học viện thường xuyên đến thực hành sản xuất các sản phẩm số.

img_2399.jpg
Ảnh: AJC

Để bảo đảm được việc thực hiện giảng dạy các chương trình đào tạo mới này, Học viện chú trọng đến đội ngũ cán bộ giảng viên nhà trường, tạo điều kiện cho các cán bộ giảng viên có cơ hội học tập nghiên cứu, giao lưu với các đồng nghiệp quốc tế. Học viện luôn quan tâm mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế nhằm nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, giảng viên và vị thế của nhà trường trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, trao đổi học thuật với các quốc gia trên thế giới…

“Với sự đầu tư và tạo điều kiện như vậy nên sinh viên báo chí Học viện Báo chí và Tuyên truyền đáp ứng tốt các yêu cầu của cơ quan tuyển dụng. Theo kết quả khảo sát của Học viện về cơ hội việc làm của sinh viên sau khi ra trường tỷ lệ sinh viên báo chí có việc làm rất cao. Ngành báo chí: 94,5%. Trong đó 50% các em làm việc tại các cơ quan nhà nước”, PGS. TS. Phạm Minh Sơn chia sẻ.

Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông khẳng định vị thế trong đào tạo nguồn nhân lực báo chí nước nhà

Chia sẻ về đào tạo nguồn nhân lực báo chí của Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, PGS. TS. Đặng Thị Thu Hương cho biết, đến nay, ngoài Học viện Báo chí và Tuyên truyền, còn có nhiều trường đào tạo khác triển khai đào tạo báo chí - truyền thông, trong đó Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội) là một trong những cơ sở đào tạo và nghiên cứu báo chí - truyền thông hàng đầu ở Việt Nam.

img_4340.jpg
Ảnh: sjc.ussh.vnu.edu.vn.

Sau gần 35 năm xây dựng và phát triển, Viện đã từng bước khẳng định vị thế trong đào tạo nguồn nhân lực báo chí nước nhà. Học tập và làm việc trong môi trường đào tạo và nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn hàng đầu ở Việt Nam, sinh viên của Viện được tiếp cận và truyền thụ những kiến thức cơ bản, nền tảng và sâu sắc, những phông nền kiến thức quan trọng, giúp các nhà báo tương lai có sự hiểu biết xã hội toàn diện cùng với kỹ năng nghiệp vụ chuyên sâu. Đây cũng là cơ sở đào tạo báo chí truyền thông có hệ thống trang thiết bị phục vụ đào tạo hiện đại, đồng bộ nhất ở Việt Nam hiện nay.

Hiện nay, Viện đào tạo 3 ngành học: Báo chí, Quan hệ công chúng và Quản trị Báo chí và Truyền thông; 3 bậc học ngành Báo chí từ cử nhân, thạc sỹ đến tiến sỹ. Viện cũng là một trong những cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên ở Việt Nam đào tạo tiến sĩ báo chí học.

Viện phối hợp với Đại học Stirling (Vương quốc Anh) tổ chức liên kết đào tạo Thạc sỹ ngành Quản trị truyền thông do Đại học Stirling cấp bằng, là cơ sở đầu tiên trong cả nước đào tạo chương trình thạc sĩ quản trị báo chí và truyền thông (từ 2018), thạc sỹ báo chí định hướng nghiên cứu (từ 1997) và thạc sĩ báo chí định hướng ứng dụng (từ 2017) và trong tương lai gần sẽ tiếp tục phát triển các chương trình tiến sĩ truyền thông đại chúng, cử nhân báo chí số...

Trong lần cập nhật chương trình mới nhất năm 2023, chương trình đào tạo đại học ngành báo chí của Viện đã kịp thời đưa môn học “Công nghệ truyền thông số” vào chương trình đào tạo. Đây là môn học cập nhật các kiến thức, kỹ năng liên quan tới công nghệ mới nhất của báo chí truyền thông vào giảng dạy cho sinh viên như hệ thống tòa soạn hội tụ, thuật toán và ứng dụng thuật toán trong báo chí truyền thông, các công nghệ AI, phân tích dữ liệu, thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường...

img_4341.jpeg
Ảnh: sjc.ussh.vnu.edu.vn.

Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông cũng là một trong những trung tâm nghiên cứu báo chí truyền thông hàng đầu của cả nước với các công trình khoa học cấp Quốc gia, cấp Bộ - Ngành, là một trong những đầu mối lớn trong giao lưu quốc tế về nghiên cứu và đào tạo báo chí truyền thông với nhiều cơ quan tổ chức báo chí nước ngoài. Từ nơi đây, hàng ngàn sinh viên và học viên sau ĐH, nghiên cứu sinh đã ra trường, gia nhập cộng đồng báo chí truyền thông cả nước và có nhiều đóng góp đáng ghi nhận.

GS. TS. Lê Văn Lợi đánh giá, thực tế trong thời gian qua, các cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông đã sớm tích hợp, đưa các nội dung của CĐS vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng; đồng thời, thường xuyên cập nhật, bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện các chương trình khung, chương trình chi tiết của từng chuyên ngành, phù hợp với yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn.

Các nhà trường cũng đã chú trọng đổi mới tư duy, phương pháp đào tạo theo hướng hiện đại, đồng bộ, kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, giữa giảng dạy lý thuyết và hướng dẫn thực hành.

Đồng thời, trang bị các kiến thức, kỹ năng lao động cần thiết cho người học trong môi trường số, đưa các mô hình tòa soạn số, trường quay ảo, công nghệ truyền thông thế hệ mới… vào giảng đường.

Cùng với đó là bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, tâm huyết, công tâm, khách quan trong thực thi nhiệm vụ, luôn đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân lên trước hết.

Tuy nhiên, bối cảnh CĐS hiện nay đang đặt ra yêu cầu đối với các cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông cần xác định lại triết lý, mục tiêu đào tạo phù hợp với xu thế mới; sớm xây dựng một khung chương trình chuẩn về đào tạo báo chí, truyền thông của quốc gia, gắn với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”, GS. TS. Lê Văn Lợi nhấn mạnh./.

Bài liên quan
  • Chuyển đổi số từ thực tiễn Báo Hải Dương
    Báo Hải Dương có nhiều thuận lợi khi thực hiện chuyển đổi số. Đó là Ban Biên tập có quyết tâm cao. Đội ngũ cán bộ, phóng viên, nhân viên của báo nhanh nhạy với cái mới, ham học hỏi...
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực của cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO