Chuyển đổi số

15 triệu công dân đã tích hợp sổ sức khỏe điện tử qua VNeID

AD 22/11/2024 22:25

Đã có 32,1 triệu sổ sức khỏe cho người dân được tạo lập; 15 triệu công dân đã tích hợp Sổ sức khỏe điện tử qua VNeID; trên 81.000 hồ sơ cấp Phiếu lý lịch tư pháp đã được tiếp nhận và xử lý qua VNeID.

Đây là những thông tin được đề cập trong Thông báo số 530/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình tại Hội nghị thúc đẩy triển khai các nhiệm vụ Đề án 06 (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số (CĐS) quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030) do Văn phòng Chính phủ ban hành ngày 22/11/2024.

2023-8-15-638276922614929630-them-bhyt-vao-vneid-2116.jpg
(Ảnh minh họa: Internet)

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kích hoạt được trên 57,9 triệu tài khoản VNeID

Thông báo nêu rõ, các kết quả triển khai Đề án 06 thời gian qua đã góp phần quan trọng thúc đẩy quản trị đất nước tốt hơn và cung ứng dịch vụ công (DVC) hiệu quả với mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp (DN) là trung tâm phục vụ, tập trung xây dựng chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Niềm tin của người dân và DN, của các cấp, các ngành, các địa phương được củng cố, góp phần truyền cảm hứng và tạo động lực phát triển mới.

Theo đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đánh giá cao các kết quả của Tổ công tác triển khai Đề án 06 nói chung, của Bộ Công an và các bộ, ngành và địa phương trong triển khai các nhiệm vụ của Đề án nói riêng.

Cụ thể, công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho cung cấp DVC trực tuyến (DVCTT), số hóa được triển khai tích cực. Vấn đề điểm nghẽn thể chế, chính sách liên quan đến vấn đề kinh phí, đặc biệt là đầu tư dự án về CNTT, mua sắm trang thiết bị,… cơ bản được giải quyết.

Thủ tục hành chính (TTHC), quy định kinh doanh tiếp tục được cắt giảm, đơn giản hóa; số lượng và chất lượng DVCTT được nâng lên: 49/76 DVC thiết yếu đã được triển khai trên Cổng DVC quốc gia, trong đó, 23/25 DVC thiết yếu theo Đề án 06 đã được thực hiện toàn trình, giúp tiết kiệm cho Nhà nước, xã hội gần 3,5 nghìn tỷ đồng/năm.

Các cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia, chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai xây dựng, kết nối, chia sẻ. CSDL quốc gia về dân cư đã kích hoạt được trên 57,9 triệu tài khoản VNeID; Kết nối, chia sẻ, xác thực, làm sạch dữ liệu với 18 bộ, ngành, 63 địa phương, 4 DN Nhà nước; 32,1 triệu sổ sức khỏe cho người dân đã được tạo lập; 15 triệu công dân đã tích hợp sổ sức khỏe điện tử (SKĐT) qua VNeID; Trên 81.000 hồ sơ cấp Phiếu Lý lịch tư pháp (LLTP) được tiếp nhận và xử lý qua VNeID.

Thông báo cũng nêu rõ, bên cạnh những kết quả nổi bật trên, Đề án 06 còn tồn tại một số hạn chế như: Xây dựng, hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ chế, chính sách còn chưa kịp thời; vẫn còn khoảng trống trong xây dựng các văn bản pháp lý cho CĐS nói chung và triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06 nói riêng. Dữ liệu chưa thực sự "đúng, đủ, sạch, sống"; tính liên thông, chia sẻ, đồng bộ hiệu quả chưa cao, việc bảo đảm vận hành thông suốt giữa các hệ thống còn nhiều bất cập.

Việc triển khai các nhiệm vụ về số hóa dữ liệu đất đai, hộ tịch; tích hợp Sổ SKĐT và cấp Phiếu LLTP trên VNeID; cung cấp các nhóm DVC liên thông điện tử ở một số địa phương còn chưa bảo đảm tiến độ, chất lượng theo chỉ đạo.

Nghiên cứu kinh nghiệm triển khai các mô hình điểm, cách làm hay của các địa phương trong thực hiện Đề án 06

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đề nghị các Bộ trưởng, Lãnh đạo các bộ, cơ quan, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bám sát các quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết về "Chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới", huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; các cơ quan, đơn vị, đoàn thể; sự hưởng ứng, tham gia tích cực của toàn dân, cộng đồng DN bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ của CĐS quốc gia nói chung và Đề án 06 nói riêng. Trong đó, để giải quyết dứt điểm những nhiệm vụ chậm tiến độ trong thời gian vừa qua.

Các bộ, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo hoàn thiện các chương trình, kế hoạch về CĐS nói chung và Đề án 06 nói riêng; Bám sát kế hoạch, lộ trình hoàn thành các nhiệm vụ của Đề án 06, khắc phục các khó khăn, vướng mắc để hoàn thành đúng tiến độ, hiệu quả.

Đối với các bộ, ngành, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình yêu cầu tập trung tham mưu hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý; hệ thống hóa và hướng dẫn, tập huấn cụ thể về các quy định, tiêu chuẩn mới liên quan đến lĩnh vực phụ trách để việc áp dụng triển khai thống nhất, đồng bộ, hiệu quả; giải đáp cụ thể các kiến nghị, đề xuất của các địa phương theo tổng hợp của Bộ Công an và gửi lại Tổ công tác để tổng hợp, hoàn thành trước ngày 25/11/2024.

Đối với các địa phương, các nhiệm vụ chậm tiến độ theo báo cáo của Bộ Công an, các địa phương tập trung chỉ đạo, bố trí nguồn lực, nâng cấp hạ tầng số, đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức để bảo đảm hoàn thành trong năm 2024; nghiên cứu kinh nghiệm triển khai các mô hình điểm, cách làm hay, sáng tạo của các địa phương khác trong thực hiện Đề án 06 và căn cứ tình hình thực tế trên địa bàn để áp dụng triển khai hiệu quả, phù hợp.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan theo dõi, đôn đốc việc triển khai của các địa phương theo chỉ đạo./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
15 triệu công dân đã tích hợp sổ sức khỏe điện tử qua VNeID
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO