“Cộng đồng tưởng tượng” trong thời đại số
Cuốn “Những Cộng đồng Tưởng tượng” (1983) của Benedict Anderson đã đưa ra một cách định nghĩa mới trong giới học thuật thời điểm đó, về quốc gia/dân tộc, rằng: “Quốc gia/dân tộc là một cộng đồng chính trị tưởng tượng (imagined community) - vốn dĩ tưởng tượng về cả giới hạn lẫn chủ quyền”.
Tóm tắt:
- Bốn tính chất của “cộng đồng tưởng tượng”:
+ Tưởng tượng (Imagined): Quốc gia được xây dựng dựa trên niềm tin, thái độ, và nhận thức chung của công dân dù họ không quen biết nhau.
+ Giới hạn (Limited): Quốc gia có biên giới xác định, không phải một thực thể vĩnh cửu mà có thể thay đổi.
+ Chủ quyền (Sovereign): Khái niệm quốc gia có chủ quyền thay thế cho các trật tự xã hội quân chủ và tôn giáo
trước đây.
+ Cộng đồng (Community): Quốc gia được tưởng tượng như một cộng đồng có tình đồng chí, bất chấp bất bình
đẳng và bóc lột.
- Ngôn ngữ và dân tộc: Anderson nhấn mạnh ngôn ngữ là yếu tố quan trọng trong việc hình thành bản sắc dân tộc, đặc biệt là trong bối cảnh các đế chế đa ngôn ngữ bị phân mảnh.
- Vai trò của báo chí: Báo chí góp phần vào việc tưởng tượng và vẽ ranh giới quốc gia, giúp tầng lớp trí thức thúc đẩy các phong trào chính trị dựa trên căn tính dân tộc.
- Trong thời đại kỹ thuật số, “cộng đồng tưởng tượng” phát triển qua Internet và mạng xã hội, tạo ra những cộng đồng mới có quy mô xuyên quốc gia, đồng thời cũng đối mặt với các thách thức và nguy cơ từ sự biến đổi nhanh chóng và không kiểm soát được.
- Internet làm thay đổi cách thức truyền thông, từ đó làm thay đổi tính chất của chủ nghĩa dân tộc, với cả tiềm năng tích cực lẫn tiêu cực.
- Cộng đồng mạng và bảo vệ chủ quyền: Người dùng mạng xã hội thường xuyên bảo vệ chủ quyền quốc gia và uy tín đất nước, nhưng cũng có thể gây ra những tranh cãi và xung đột không cần thiết.
Cách định nghĩa này đã dẫn đến thay đổi lớn về cách nhìn nhận chủ nghĩa dân tộc trong giới học giả. Đến nay, công trình của Anderson vẫn được vận dụng để nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực khác nhau, và một lần nữa cho thấy tính dự báo chuẩn xác của nó trong thời đại số.
Đặc trưng của “cộng đồng tưởng tượng”
Để hiểu về “cộng đồng tưởng tượng” trước hết cần tìm hiểu về định nghĩa quốc gia hay dân tộc của Benedict Anderson. Anderson đề xuất định nghĩa về quốc gia/dân tộc là “một cộng đồng chính trị được tưởng tượng - và sự tưởng tượng vừa có tính giới hạn (limited), vừa có chủ quyền (sovereign)”, sau khi ông nghiên cứu trường hợp về chủ nghĩa thực dân (colonialism) ở châu Mỹ La Tinh và Indonesia.
Theo Anderson, “cộng đồng tưởng tượng” có 4 tính chất:
Thứ nhất, cộng đồng ấy được coi là “tưởng tượng” (imagined) vì một quốc gia thường được xây dựng trong một quá trình phổ biến, thông qua đó công dân của quốc gia đó cùng nhau chia sẻ niềm tin, thái độ, nhận thức về một cộng đồng dân tộc chung, quốc tịch chung, có chung căn tính, lịch sử, nguồn gốc, dù cho không ai gặp nhau cũng như không ai biết nhau. Anderson nhấn mạnh rằng, từ “dân tộc” có hàm ý tưởng tượng khi mà “các thành viên của một quốc gia, cho dù là một đất nước nhỏ nhất, cũng sẽ không bao giờ biết hết được đồng bào của mình, không thể gặp gỡ hay thậm chí là nghe về họ, nhưng trong tâm trí của mỗi cá nhân đều có hình ảnh về sự hiệp thông giữa họ”.
Thứ hai, cộng đồng tưởng tượng đó có “giới hạn” (limited). Theo Anderson, dân tộc là thực thể chính trị bị giới hạn vì “có một dân tộc tức là cũng có tồn tại những dân tộc khác”. Quốc gia/ dân tộc được xác định trong một không gian giới hạn, có một dân số nhất định, chứ không phải một thực thể hữu cơ, nó không tự nhiên mà có, không phải vĩnh cửu mà có thể thay đổi. Quốc gia/dân tộc được coi là bị giới hạn ở chỗ, ngay cả “quốc gia lớn nhất, có thể bao gồm một tỷ người dân đang sinh sống, vẫn có đường biên mềm hữu hạn, đàn hồi, tiếp giáp với quốc gia khác”.
Thứ ba, cộng đồng tưởng tượng phải có “chủ quyền” (sovereign). Anderson cho rằng, khái niệm “chủ quyền” ra đời khi “tư tưởng Khai sáng và cách mạng đã phá hủy tính định chế của các lĩnh vực tôn giáo..., thứ bậc các triều đại... Các dân tộc mơ ước về tự do..., tiêu chuẩn đánh giá và biểu tượng về sự tự do này là một nhà nước có chủ quyền”. Theo Anderson, khái niệm “quốc gia” được hình thành vào cuối thế kỷ XVIII như là một cấu trúc xã hội để thay thế cho chế độ quân chủ, trật tự xã hội thần quyền, nặng về tôn giáo trước đó. Đây là một cách hiểu mới về khái niệm “quyền cai trị” và “chủ quyền quốc gia”. Quyền cai trị này sẽ được giới hạn bởi số lượng dân số xác định và lãnh thổ nhà nước, tên của quốc gia, khả năng thực thi quyền lực.
Thứ tư, cộng đồng tưởng tượng có “tính cộng đồng” (community). Nó được tưởng tượng như một cộng đồng, và “không phân biệt một thực tế là bất bình đẳng và tình trạng bóc lột tồn tại trong mỗi quốc gia, thì tình cảm dân tộc luôn luôn được quan niệm như kiểu “tình đồng chí” (comradeship) bình đẳng và sâu sắc”.
Tính chất văn hóa của chủ nghĩa dân tộc
Ở thời điểm lập thuyết, khái niệm hoàn toàn mới của Anderson về “cộng đồng tưởng tượng” đã giúp ông có thể lý giải được tại sao “chủ nghĩa dân tộc” (nationalism) lại có tính lịch sử khác biệt, mạnh mẽ hơn các hệ tư tưởng chính trị khác và bị các học giả đi trước hiểu lầm. Theo ông, chủ nghĩa dân tộc thuộc một hệ thống văn hóa rộng lớn và còn đi trước tư tưởng chính trị. Nó không phải là triết học mà là một cảm giác, một câu chuyện kể. Luận điểm này thực ra không có gì khác biệt. Trong địa hạt văn chương, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã viết trong trường ca Đất nước (1971): “Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi. Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa” mẹ thường hay kể”.
Anderson nhấn mạnh, chủ nghĩa dân tộc giống như “quan hệ họ hàng” (kinship) hay “tôn giáo” (religion) hơn là “chủ nghĩa tự do” (liberalism) hay là “chủ nghĩa phát xít” (fascism). Theo đó, “chủ nghĩa dân tộc” dựa vào các hình thức văn hóa và nghệ thuật như là thơ ca, tiểu thuyết, lễ hội, hay các hình thức ký hiệu như quốc kỳ, biểu tượng để xây dựng bản sắc. Anderson lập luận rằng điều này là cần thiết sau thời kỳ Khai sáng (Enlightenment), đã lấp đầy khoảng trống trong các xã hội thế tục, thay thế tôn giáo bằng chính trị. Chủ nghĩa ấy đã sử dụng nghệ thuật và văn hóa để gắn kết các công dân lại với nhau trên bình diện tình cảm, cho phép họ nhìn nhận bản thân với những người khác là một, và cùng nhau chia sẻ những mục tiêu chung.
Trước khi viết cuốn “Những cộng đồng tưởng tượng”, Anderson tự đặt câu hỏi, tại sao mọi người lại cảm thấy gắn bó với quốc gia của họ đến mức sẵn sàng chết vì nó, và hành động hy sinh này thường được coi là cao quý. Ông giải thích rằng, bởi công dân tin là họ tạo nên quốc gia, sống trong lòng quốc gia và cống hiến cho quốc gia đó. Người ta cũng dùng những ẩn dụ về gia đình để nói về sự gắn bó quốc gia/dân tộc, chẳng hạn như “đất mẹ” (mother-land) thay cho lãnh thổ, và “anh chị em” (brothers and sisters) thay cho đồng bào. Điều này cho thấy sức mạnh tình cảm của quốc gia hướng theo “chiều ngang” (horizontally) với các công dân khác, và ý tưởng trừu tượng về quốc gia dựa trên, và tạo ra, ý tưởng về một cộng đồng cụ thể, gồm các cá nhân thuộc về, cấu thành nên quốc gia đó.
Theo Anderson, sự tưởng tượng của chủ nghĩa quốc gia/dân tộc cũng mạnh mẽ như tưởng tượng của tôn giáo. Theo tác giả, có hai hệ thống văn hóa liên quan là cộng đồng tôn giáo và các vương triều đã qua. Các tôn giáo đều có hệ thống giáo điều và nghi lễ chặt chẽ, và từ đó tạo nên những “cộng đồng tưởng tượng”.
Anderson còn cho rằng, điểm khởi đầu của dân tộc là ngôn ngữ chứ không phải dòng máu. Ví dụ như ở châu Âu hồi thế kỷ 19, ngôn ngữ đã trở thành một cách rất quan trọng để mọi người hình dung về bản sắc dân tộc của họ, đến mức người ta chỉ đơn giản cho rằng, một quốc gia có nghĩa là một cộng đồng dùng chung một loại ngôn ngữ. Điều này đã góp phần vào sự phân mảnh của các đế chế đa ngôn ngữ như Áo - Hung.
Anderson cũng nghiên cứu các tiểu thuyết mang tính dân tộc chủ nghĩa thời kỳ đầu. Trong một tác phẩm, người kể chuyện miêu tả một lãnh thổ quốc gia thống nhất, và trong một tác phẩm khác, tác giả thay mặt cho một cộng đồng công dân để lên tiếng. Tương tự, trong lĩnh vực báo chí, Anderson nhận định rằng, các tờ báo đã “vẽ ranh giới quốc gia” cho các độc giả của họ dưới hình thức của các lĩnh vực đáng quan tâm trong nội địa quốc gia hoặc bên ngoài.
Do đó, văn chương hay báo chí đều “tưởng tượng” công chúng như một tập thể có lợi ích chung, tạo tiền lệ cho khái niệm “công dân”, đồng thời giúp cho tầng lớp trí thức nhận thức được và đề xướng các phong trào chính trị dựa trên căn tính dân tộc mình, chống lại các thế lực thực dân, hoặc quân chủ cai trị họ. Như vậy, việc tiêu chuẩn hóa ngôn ngữ và ngành công nghiệp in ấn, tức báo chí, đã góp phần giúp mở rộng “cộng đồng tưởng tượng” qua kết nối về chữ viết và ngày càng được tăng cường.
Trải qua cuộc Chiến tranh Thế giới thứ Hai, với sự nổi lên của chủ nghĩa dân tộc cực đoan đến mức phát xít, khái niệm chủ nghĩa dân tộc bị xa lánh, thậm chí sợ hãi khi nó gắn liền với tính chất diệt chủng của các nước phe trục gây ra. Tuy nhiên, cùng với phong trao đấu tranh giải phóng dân tộc chống lại thực dân, đế quốc trên phạm vi toàn cầu, trong suốt ba thập niên sau đó, chủ nghĩa quốc gia/dân tộc lại trở về với vị trí ngọn cờ cho các quốc gia nhỏ, cựu thuộc địa.
Về mặt học thuật hàn lâm, đầu những năm 1980s, hàng loạt nghiên cứu về chủ nghĩa dân tộc, đặc biệt là cuốn “Những cộng đồng tưởng tượng” của Anderson, trở nên phổ biến và được rất nhiều nhà phê bình trên nhiều lĩnh vực quan tâm. Tuy nhiên nếu ở nhiều nơi trên thế giới, thuyết “cộng đồng tưởng tượng” nhận được sự chào đón của đông đảo giới học giả, thì ở Mỹ hoàn toàn ngược lại.
Rất hiếm các bài phê bình về “cộng đồng tưởng tượng”, ngoài New Left Review (tạp chí Cánh tả mới) và những người ủng hộ Nhà xuất bản Verso - nơi xuất bản cuốn sách. Chính Anderson sau đó đã giải thích rằng, những quốc gia đế quốc có quy mô lớn như Mỹ luôn cần những kẻ thù: từ Chủ nghĩa Cộng sản thời kỳ Chiến tranh lạnh, cho đến chủ nghĩa khủng bố sau này, và nói chung là sự trỗi dậy của “chủ nghĩa dân tộc của ai đó ngoài Mỹ”.
Sự trở lại của “cộng đồng tưởng tượng” trong thời đại số
Thời đại số là giai đoạn mà lịch sử nhân loại chuyển đổi từ ngành công nghiệp truyền thống, với trọng tâm là Cách mạng công nghiệp thông qua công nghiệp hóa, tới xã hội dựa trên tin học hóa. Thời đại này được đánh dấu từ những tiến bộ đầu tiên trong ngành khoa học máy tính, những năm 1970s, và thực sự bắt đầu kể từ khi Internet ra đời. Các hoạt động, quá trình xã hội, kinh tế và chính trị được thúc đẩy bởi ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ kỹ thuật số.
Thời đại số có một mối liên hệ trực tiếp với “cộng đồng tưởng tượng”. Vào những năm 1990s, một số nhà nghiên cứu đã lấy cảm hứng từ Anderson khi họ bắt đầu xem xét các tác động của Internet đối với sự hòa nhập xã hội và trí tưởng tượng về mặt văn hóa và căn tính/bản sắc dân tộc (national identity).
Các nghiên cứu chỉ ra một thực tế được cho là “dễ thấy”, đó là: Bất chấp tính chất phi biên giới lãnh thổ của Internet, của toàn cầu hóa, của các thiết chế siêu quốc gia, các nền kinh tế khu vực và thế giới; bất chấp các vấn đề biến đổi khí hậu, thánh chiến ở quy mô quốc tế, di cư và đại dịch toàn cầu hiện nay; bất chấp những kỳ vọng, quan ngại hay cảnh báo, thì những hiện tượng xuyên quốc gia này đã không thách thức nghiêm trọng căn tính dân tộc, cũngkhông làm suy yếu thuyết “cộng đồng tưởng tượng” của Anderson.
Sự biến đổi của căn tính hay bản sắc thường không xảy ra trong một sớm một chiều, và bên cạnh đó, giao tiếp, hay lễ nghi phổ quát không phải là tất cả những gì quan trọng nhất trong việc duy trì một đất nước. Ngược lại, ngày càng có xu hướng phi toàn cầu hóa nhằm khẳng định lại chủ quyền quốc gia.
Khi xem xét lý thuyết của Anderson trong thời đại hiện nay, có vẻ như những tiến bộ của kỷ nguyên kỹ thuật số đang khiến các loại hình quốc gia trở nên đa dạng hơn, thúc đẩy tạo ra các “cộng đồng tưởng tượng” mới thông qua Internet và các nền tảng mạng xã hội, các “cộng đồng tưởng tượng” này có thể có quy mô xuyên quốc gia, có tư tưởng chung và có sự kết nối trong suy nghĩ với nhau, dù chưa từng có các tiếp xúc vật lý. Đây là “cộng đồng tưởng tượng số” (digital imagined community). Liệu các quốc gia có phải là những gì Anderson muốn họ trở thành hay không? Xét cho cùng, nếu “các cộng đồng được phân biệt, không phải bởi sự giả dối hay chân thật của họ, mà bởi đặc trưng mà họ được tưởng tượng” thì đặc trưng này rõ ràng là rất khác trong thời đại Internet thống trị.
Internet mang lại một cảm giác cộng đồng hoàn toàn khác bởi vì nó tạo ra nhiều cách để trò chuyện hơn. Mỗi người trên Internet giờ đây là một nhà sản xuất thông tin tiềm năng, không chỉ đơn thuần là một người đón nhận. Trong nền công nghiệp báo in trước đây, cuộc trò chuyện công khai diễn ra hạn chế và thường phải qua sự xem xét, kiểm soát của Ban biên tập.
Tuy nhiên, trên Internet, những cá nhân có ít quyền lực chính trị, hoặc địa vị xã hội, đều có khả năng tham gia vào một cuộc trò chuyện và ảnh hưởng đến dư luận ít nhiều. Về mặt chính trị, theo giới quan sát, điều này sẽ giúp cải thiện tính dân chủ hơn, vì nhà nước có thể nắm được ý kiến của người dân thông qua các cuộc trò chuyện quy mô lớn ở trên mạng. Các chuyên gia cũng cho rằng, Internet chịu trách nhiệm về hình ảnh quốc gia.
So với thời kỳ trước, khi báo chí và văn chương chủ yếu được viết bởi giới tinh hoa, ngày nay, Internet, truyền thông số, mạng xã hội thúc đẩy những nhận diện căn tính đua nở, bùng phát, vừa để thỏa mãn nhu cầu của mỗi cá nhân về một “cộng đồng tưởng tượng” mà họ thuộc về, vừa dựa vào đó để giám sát những hành vi bị quy cho là lệch chuẩn với giá trị nhận diện chung. Do đó, tính chất của “cộng đồng tưởng tượng” trong không gian số có thể cho những hệ quả tích cực hoặc tiêu cực, tùy vào cách mà nó được dẫn dắt một cách nghiêm túc, hay thổi phồng với ý đồ công kích.
Chẳng hạn, trong nhiều cuộc thi hoa hậu quy mô thế giới những năm gần đây, đại diện Việt Nam thường thắng giải khán giả bình chọn để lọt vào những Top cao, chừng 15 hoặc 20 thí sinh xuất sắc. Điều này một phần có thể giải thích ở sự cổ vũ vô tư của nhiều người Việt, nhất là giới trẻ, mong muốn nhìn thấy đại diện nước nhà đạt được thứ hạng cao. Nhưng mặt trái của sự bình chọn “lấy được” này là khả năng các “hacker” đã cố tình thao túng, gian lận bằng các tài khoản cá nhân giả mạo.
Mặc dù việc này không ai đi điều tra, hay phanh phui, nhưng có một thực tế đáng buồn là Việt Nam thường nằm trong “top” những quốc gia, lãnh thổ có mức độ tin cậy trong môi trường Internet thấp nhất. Bởi vậy mà rất có thể suy đoán về sự nghi ngại của ban tổ chức cho cái gọi là “thắng giải bình chọn” này mà thí sinh đó chỉ dừng lại ở việc được “vote” nhiều nhất, nhưng không thể cải thiện được thành tích nào cao hơn.
Internet và các nền tảng số đã tăng cường đáng kể khả năng của các cộng đồng chính trị có thể hình thành thông qua các hoạt động tương tác xoay xung quanh những sự kiện lớn. Không có gì lạ khi các chính trị gia, các nguyên thủ sử dụng Twitter để thông báo về một số vấn đề quan trọng với công chúng và thông qua đó tạo ra gắn kết cộng đồng. Nếu nước Mỹ, như ở trên có đề cập, không mấy mặn mà gì khái niệm chủ nghĩa dân tộc nói chung và thuyết “cộng đồng tưởng tượng” nói riêng, thì có thể lấy dấu mốc khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống năm 2016.
Chính khẩu hiệu “Make America Great Again” của Trump đã cho thấy ngay cả một quốc gia hợp chủng, đa chủng tộc như nước Mỹ cũng cần có hơn bao giờ hết một sự “tưởng tượng” chung về căn tính dân tộc. Tuy nhiên, với các nước lớn, sự hô hào chủ nghĩa dân tộc rất dễ bị quy cho tính chất cực hữu.
Cũng cần nói thêm, chính Internet và phương tiện truyền thông xã hội đã cung cấp các nền tảng cho các biểu hiện mới của chủ nghĩa dân tộc theo hướng hẹp hòi, cực đoan, bao gồm các bài diễn văn bài ngoại, chống lại giới trí thức, tinh hoa, chống lại những giá trị công bằng, phổ quát của quyền con người. Truyền thông xã hội bị cho là đã khuyến khích loại “tình cảm dân tộc loại trừ”, dẫn đến hiện tượng Brexit, sự lên ngôi của Donald Trump, nạn diệt chủng ở Myanmar và sự bùng nổ của phong trào cực hữu cực đoan ở một số quốc gia châu Âu gần đây.
Một thực tế đang nổi lên nhanh chóng là công nghệ truyền thông thông tin đang làm thay đổi tính chất của chủ nghĩa dân tộc theo hướng đa dạng hơn. Thật vậy, từ Google đến Facebook và Weibo, các nền tảng này đã cho phép sự tham gia rộng rãi hơn trong tất cả các hình thức sản xuất nội dung và diễn thuyết. Mạng xã hội cung cấp các kênh mới để thể hiện quan điểm chính trị, xây dựng bản sắc và xây dựng cộng đồng. Một khái niệm mới được đặt ra là “chủ nghĩa dân tộc xa xứ”, nơi các thành viên của “cộng đồng tưởng tượng số” có thể hình thành ý thức dân tộc mà không cần gặp mặt trực tiếp.
Các chính trị gia, các nhà ngoại giao hiện có công cụ mới để “xây dựng thương hiệu quốc gia”, phổ biến các thông điệp dân tộc chủ nghĩa và củng cố hình ảnh và tính chính danh của thể chế. Đồng thời, sự đa dạng của người dùng cũng đồng nghĩa với sự đa dạng về quan điểm. Sự tác động lẫn nhau, giữa các tác nhân trong mạng lưới khác nhau rất phức tạp và có thể tạo ra những câu chuyện kể về quốc gia/dân tộc mà đôi khi nhà nước không thể nào kiểm soát được hết. Điều này khiến chủ nghĩa dân tộc trong thời đại kỹ thuật số trở nên phức tạp, luôn thay đổi và đầy rẫy những cạm bẫy tiềm ẩn.
Thời gian gần đây, trên không gian mạng xã hội nói tiếng Việt, xuất hiện một số kẻ lợi dụng yếu tố khác biệt trong văn hóa, tập quán, để kích động, xuyên tạc về sự phân biệt vùng miền, mà đằng sau đó đều là những mưu đồ chính trị, nhằm phá hoại khối đoàn kết toàn dân, phá hoại tính nhất quán và nhận diện chung của “cộng đồng tưởng tượng”. Những luận điệu này, mặc dù không phải dạng bạo động, lật đổ, nhưng lại rất nguy hiểm, do tính chất “mưa dầm thấm lâu”, có thể kích hoạt những nhận thức sai lệch và dễ lây lan thành trào lưu trên không gian số.
Một phương diện khác đáng lưu ý, đó là diễn ngôn thể hiện dân tộc tính của “cộng đồng tưởng tượng số” ở Việt Nam hiện nay thường gắn liền với vấn đề chủ quyền và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Người dùng mạng thường xuyên lên tiếng bảo vệ chủ quyền quốc gia, uy tín, danh tiếng của đất nước, chống lại các hành vi thể hiện tư tưởng bành trướng, hoặc âm mưu tuyên truyền sai lệch về chủ quyền.
Ví dụ, cộng đồng mạng từng tẩy chay mạnh mẽ những “idol”, diễn viên Trung Quốc đã chia sẻ bản đồ “Đường lưỡi bò” và thể hiện sự bức xúc qua bình luận về những người nổi tiếng đó. “Cộng đồng tưởng tượng số” tỏ ra chủ động và luôn cảnh giác trước những nội dung mà họ cho là gây tranh cãi, không phù hợp hoặc gây phương hại đến hình ảnh của Việt Nam.
Mặc dù, các chủ thể nhà nước có thể sử dụng “lực lượng cảnh giác” này để thúc đẩy đoàn kết dân tộc, tăng tính hợp pháp của chế độ và thúc đẩy chính sách đối ngoại. Nhưng, giống như thuộc tính “con dao hai lưỡi” của chủ nghĩa dân tộc, thì “cộng đồng tưởng tượng số” cũng có tính hai mặt về phương diện cảm tính dân tộc.
Mặt tích cực là nó gắn kết cộng đồng, tạo ra sự đoàn kết, chia sẻ, sức mạnh tập thể. Mặt trái là nó có thể bị lợi dụng để công kích lẫn nhau, gây chia rẽ, mất đoàn kết. Biểu hiện cụ thể của hiện tượng này có thể thấy là những cuộc tấn công thái quá của cộng đồng mạng nhằm vào một số doanh nghiệp, thương hiệu, hay tổ chức trong nước, có thể vì vô tình hay sơ suất đã không hiển thị hình ảnh Hoàng Sa, Trường Sa trên bản đồ. Cho dù họ có nhận lỗi công khai để ngăn chặn khủng hoảng kéo dài, nhưng sự tổn hại uy tín thương hiệu là khó tránh khỏi.
Thay lời kết
“Chủ nghĩa dân tộc kỹ thuật số”, hay “cộng đồng tượng tượng số” theo cách gọi của Benedict Anderson có thể có thể mang lại lợi ích cho các nhà lãnh đạo quốc gia nếu có chiến lược đúng đắn và sáng suốt trong việc dẫn dắt, điều hướng, biến tình cảm dân tộc vô hình trở thành lực lượng vật chất.
Trong thời đại kỹ thuật số, các quốc gia vẫn là đơn vị chính trị và văn hóa lớn nhất, và Internet vẫn là địa hạt nơi các quốc gia vừa hợp tác vừa đấu tranh về chủ quyền lãnh thổ và nhận diện bản sắc của mình. Nhờ các đặc tính công nghệ và vô số các tác nhân, thế giới trực tuyến đã trở thành một lĩnh vực mới để thể hiện tình cảm dân tộc, đa dạng và phức tạp hơn bao giờ hết, đồng thời góp phần tạo dựng và tái tạo bản sắc dân tộc.
Một sự kiện gần đây đó là quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong sự mất mát và tiếc thương của toàn Đảng, toàn dân trước sự ra đi của nhà lãnh đạo, người cộng sản chân chính, chúng ta cũng chứng kiến, tình cảm thương yêu và đoàn kết của hàng triệu người dân Việt Nam, đủ mọi thành phần, lứa tuổi, vùng miền, thể hiện trong hành động thực và thông qua các nội dung được chia sẻ trên không gian số. Nhìn vào đó, có thể thấy tình cảm dân tộc luôn hiện hữu trong mỗi con người Việt Nam. Một điều Anderson đã không nói, đó là sự “tưởng tượng” trong khái niệm “cộng đồng tưởng tượng” của ông, có thể rất gần, rất thật, và tình cảm dân tộc chắc chắn là thiêng liêng, đối với các quốc gia đã từng chịu đựng nhiều hy sinh, mất mát để giữ gìn, bảo vệ nền độc lập, thống nhất, và xây dựng cộng đồng, đất nước vững mạnh, trường tồn.
* Bài viết có sử dụng tư liệu từ tiểu luận môn học Lý thuyết truyền thông của các sinh viên Nguyễn Thảo Lan, Hoàng Khánh Linh, Mai Quỳnh Ngọc (Lớp Truyền thông Quốc tế K48 Chất lượng cao, Học viện Ngoại giao).
Tài liệu tham khảo:
1. Benedict Anderson (1983, 1991, 2006), Imagined Communities: Reflections on the Origin and Spread of Nationalism, Verso.
2. Benedict Anderson (1998), The Spectre of Comparison: Nationalism, Southeast Asia, and the World, Verso.
3. Benedict Anderson (2005), Bài giảng của Anderson tại trường Đại học, Waseda University.
4. Phạm Quang Minh (2019), Những cộng đồng tưởng tượng: Một số suy nghĩ về nguồn gốc và sự lan truyền của chủ nghĩa dân tộc. Tia sáng (29/5/2019), https://tiasang.com.vn/van-hoa/
nhung-cong-dong-tuong-tuong-mot-so-suy-nghi-ve-nguon-goc-va-su-lan-truyen-cua-chu-nghia-dan-toc-16390/
5. Kevin Weiskirch (2019) Digital Imagined Communities: The Role of the Internet in Creating, Maintaining, and Spreading the Resurgence of Transcontinental and Transitional Far Right
Ideas, Compass (The Gallatin Research Journal). https://wp.nyu.edu/compass/2019/03/28/
digital-imagined-communities-the-role-of-the-internet-in-creating-maintaining-and-spreading-the-resurgence-of-transcontinental-and-transitional-far-right-ideas/
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 9 tháng 9/2024)