Câu chuyện của Myanmar về thúc đẩy phát triển số thông qua chính sách

TH| 03/01/2020 16:31
Theo dõi ICTVietnam trên

Chính sách là “chìa khóa” vô cùng quan trọng để giúp nền kinh tế Myanmar vượt qua những thách thức, rủi ro, góp phần thúc đẩy nền kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài.

Việc giới thiệu và sử dụng rộng rãi điện thoại thông minh, cùng với kết nối băng thông rộng, đã tạo ra cơ hội chưa từng có cho mọi người dân trên toàn thế giới sử dụng Internet và các dịch vụ trực tuyến khác. Điều này đã góp phần cải thiện cuộc sống của hàng tỷ người và giúp thúc đẩy tiến bộ, từng bước đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) của Liên hợp quốc.

Để có được những tiến bộ như vậy, không chỉ có các công nghệ mới mà các chính sách và quy định cũng có vai trò quan trọng không kém. Có rất nhiều điển hình để minh họa vấn đề này. Một trong số đó là Myanmar.

Gần đây, Myanmar được đánh giá là một thị trường cuối cùng đầy tiềm năng phát triển trong khu vực châu Á và nhờ đó, nước này đang thu hút sự chú ý của toàn thế giới. Sau khi đạt được dân chủ và mở cửa nền kinh tế vào năm 2011, Myanmar luôn ghi nhận tỷ lệ tăng trưởng trên mức 6 - 7% mỗi năm.

Câu chuyện của Myanmar

Vào năm 2011, khi công nghệ 4G đã được triển khai tại một số quốc gia trên thế giới thì tại Myanmar, các dịch vụ thoại dựa trên công nghệ GSM vẫn có những hạn chế nhất định.

Chi phí cho một thẻ SIM lên tới vài trăm USD, khiến số lượng thuê bao di động chỉ đạt khoảng 1,24 triệu trong khi quốc gia này có dân số khoảng 54 triệu. Do đó, Myanmar được coi là một trong những thị trường di động ít ỏi trên thế giới còn nhiều tiềm năng và cơ hội kinh doanh.

Nhận thấy tiềm năng của công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân nói riêng và tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp và xã hội nói chung, chính phủ Myanmar đã quyết định thay đổi các chính sách của mình bằng cách mở cửa thị trường cho đầu tư khu vực tư nhân.

Myanmar chính thức mở cửa thị trường di động cho nước ngoài đầu tư vào năm 2014; Ooredoo (Qatar) và Telenor (Na Uy) trở thành hai doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên cung cấp dịch vụ di động. Sau đó, hai công ty của Nhật Bản là KDDI và Sumitomo cũng đã tham gia thị trường Myanmar thông qua hợp tác với với Tổng công ty Bưu chính và Viễn thông Myanmar (MPT).

Hơn nữa, bằng cách sử dụng hình thức “beauty contest”  hay còn gọi là cuộc thi tuyển để cấp phát phổ tần - theo các tham số và nghĩa vụ phủ sóng đã được lập kế hoạch - Myanmar đã gửi đi thông điệp rõ ràng rằng nước này tìm kiếm một mục tiêu dài hạn là kết nối công dân của mình.

Theo quy định trong giấy phép, hai nhà mạng Telenor và Ooredoo sẽ phải đầu tư khoảng 2 tỉ USD để xây dựng cơ sở hạ tầng di động tại Myanmar cũng như vận hành hệ thống này trong thời gian 15 năm. 

Hai nhà mạng cũng có nghĩa vụ bắt đầu cung cấp dịch vụ di động trong 9 tháng và kết nối ¼ dân số vào mạng di động trong 1 năm sau khi được cấp phép, đồng thời cũng có trách nhiệm chia sẻ cơ sở hạ tầng và cam kết cung cấp dịch vụ với cước phí thuê bao ban đầu thấp cho người sử dụng dịch vụ di động.

Bãi bỏ quy định và cạnh tranh

Myanmar theo sát mục tiêu này với việc bãi bỏ quy định và thúc đẩy cạnh tranh hơn nữa trong lĩnh vực viễn thông. Một khía cạnh quan trọng giúp Myanmar tạo ra cạnh tranh hơn nữa là giữ một số phổ tần ở các dải tần số thấp hơn để phân bổ cho các nhà khai thác mới trong tương lai.

Viettel có kế hoạch liên doanh với công ty viễn thông nhà nước Myanmar là Yatanarpon Teleport. Công ty này đang xin cấp phép kinh doanh di động thứ tư tại quốc gia này, đồng thời xin chính phủ Myanmar cho phép hợp tác kinh doanh với Viettel. Theo đó, Mytel - Liên doanh viễn thông của Viettel tại Myanmar - tham gia vào thị trường và là nhà mạng thứ tư hoạt động và cung cấp dịch vụ tại quốc gia này, bên cạnh Telenor, Ooredoo và nhà mạng 100% vốn nhà nước là MPT.

Myanmar cũng xem xét và giải quyết các vấn đề khác liên quan như hạn như cải thiện kết nối quốc tế, các kế hoạch triển khai mạng cáp quang và lộ trình quang hóa - tất cả những điều đó đã mang lại cho các nhà đầu tư niềm tin để kinh doanh lâu dài.

Chi phí SIM giảm xuống dưới 1 USD

Những nỗ lực và hành động của chính phủ cuối cùng đã không chỉ làm giảm giá thẻ SIM mà còn giúp giảm giá cước dịch vụ. Giá mua SIM tại Myanmar giảm xuống dưới 1 USD và người dân cũng liên tục chứng kiến việc giảm cước cuộc gọi và dữ liệu ở Myanmar. Những yếu tố này, cùng với vùng phủ sóng tăng lên, đóng vai trò lớn trong việc thúc đẩy gia tăng đáng kể số lượng thuê bao đăng ký dịch vụ.

Đến năm 2018, số lượng thuê bao di động tại Myanmar đã đạt 61,14 triệu thuê bao, cao hơn nhiều so với dân số cả nước.

Hình minh họa dưới đây cho thấy sự gia tăng mạnh mẽ số lượng thuê bao do các quyết định chính sách, biện pháp và hành động đúng đắn.

Sự phát triển của thuê bao di động tại Myanmar qua các năm

Người tiêu dùng ở Myanmar hiện có thể truy cập vào các dịch vụ 4G với tốc độ lớn hơn các quốc gia khác trong khu vực và lộ trình 5G đang được chính phủ xây dựng.

Nếu như chỉ vài năm trước, việc thực hiện một cuộc gọi quốc tế hoặc nội hạt tại Myanmar còn là một vấn đề lớn thì nay mọi việc đã trở nên dễ dàng. Trường hợp của Myanmar cho thấy rằng không chỉ triển khai công nghệ, mà cần có các chính sách đúng đắn để thúc đẩy phát triển, hướng tới chuyển đổi số.

Nhiều nghiên cứu khác trên thế giới cũng chứng minh rằng, chính sách phù hợp, kịp thời là tiền đề để đẩy nhanh sự phát triển.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Câu chuyện của Myanmar về thúc đẩy phát triển số thông qua chính sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO