Nâng cao hiệu quả xuất bản phẩm do Nhà nước đặt hàng

VÕ MẠNH HẢO| 20/03/2020 14:46
Theo dõi ICTVietnam trên

15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW ngày 25-8-2004 của Ban Bí thư về Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tích cực cụ thể hóa nhiệm vụ “Xây dựng chương trình quốc gia xuất bản các loại sách thiết yếu về chính trị - xã hội và văn hóa” thành Thông tư liên tịch 04/2011/TTLT-BTTTT-BTC ngày 10-1-2011(Thông tư 04) của Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện đặt hàng xuất bản phẩm sử dụng ngân sách nhà nước.

Kể từ năm 2018, Thông tư 04 được thay thế bằng Thông tư 07/2018/TT-BTTTT ngày 15-5-2018 (Thông tư 07) của Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn thực hiện đặt hàng xuất bản phẩm sử dụng ngân sách nhà nước. Theo đó, các đầu sách có giá trị về chính trị - xã hội, văn hóa, lịch sử,… có hàm lượng tri thức cao, đã được Nhà nước hỗ trợ xuất bản và phát hành đến các tổ chức thật sự có nhu cầu tìm kiếm, nghiên cứu sâu, hoặc khai thác và phổ biến kiến thức.

Tuy nhiên, sau hơn một năm áp dụng, Thông tư 07 đã bộc lộ nhiều điểm chưa phù hợp thực tế các địa phương, nhất là tại TP Hồ Chí Minh, nơi thị trường báo chí, xuất bản luôn sôi động. Nhiều nhà xuất bản lúng túng khi áp dụng một số điều khoản quy định tại thông tư này.

Cụ thể, Thông tư 04 quy định cơ quan đặt hàng xuất bản phẩm sử dụng nguồn ngân sách trung ương là cơ quan chủ quản nhà xuất bản trung ương; cơ quan đặt hàng xuất bản phẩm sử dụng nguồn ngân sách địa phương do UBND cấp tỉnh ủy quyền cho sở quản lý ngành hoặc cơ quan chủ quản nhà xuất bản địa phương. Tuy nhiên, Thông tư 07 hiện nay lại giao việc đặt hàng xuất bản phẩm sử dụng nguồn ngân sách địa phương cho UBND cấp tỉnh. Trong khi đó, khối lượng công việc của UBND thành phố Hồ Chí Minh là rất lớn. Nếu không có cơ chế ủy quyền cho sở quản lý ngành hoặc cơ quan chủ quản nhà xuất bản của thành phố, thì không cách nào UBND thành phố “ôm” việc đặt hàng và duyệt chi tiết các tựa, số bản in xuất bản phẩm hằng năm. Như vậy, quy định về cơ quan đặt hàng xuất bản phẩm địa phương có vẻ “vênh”, nếu không muốn nói như là “bước lùi” so với Thông tư 04, khi mà Chính phủ đang yêu cầu tăng cường ủy quyền, phân nhiệm cho cấp dưới thực thi theo đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao.

Thêm nữa, vấn đề xuất bản phẩm Nhà nước đặt hàng có cần bắt buộc là sách mới hay không, quy cách xuất bản phẩm đặt hàng, địa chỉ nhận xuất bản phẩm đặt hàng… trong Thông tư 07 vẫn còn nhiều điều chưa phù hợp. Ngoài ra, theo “Tiêu chí đặt hàng xuất bản phẩm” của Bộ Thông tin và Truyền thông, xuất bản phẩm đặt hàng cũng chú trọng sách dành cho thiếu niên, nhi đồng, người khiếm thị. Do đó, các cơ quan chủ quản nhà xuất bản và bản thân các nhà xuất bản cũng cần hết sức chú ý mảng đề tài này bên cạnh các mảng đề tài đã làm tốt. Nếu làm tốt được sách Nhà nước đặt hàng dành cho thiếu nhi, mức độ lan tỏa sẽ cao, và góp phần rất lớn trong việc xây dựng thói quen đọc sách ở trẻ. Bên cạnh đó, khâu phát hành và quảng bá sách Nhà nước đặt hàng là rất quan trọng. Sách Nhà nước đặt hàng cũng cần được thực hiện đúng tiến độ, phát hành về cơ sở đúng thời điểm, tránh tình trạng thực hiện toàn bộ danh mục sách Nhà nước đặt hàng đến cuối năm gửi đi một lần cho các đơn vị thì không còn ý nghĩa thiết thực. Hiện nay, danh sách các đơn vị tiếp nhận và quản lý xuất bản phẩm đặt hàng theo quy định của Thông tư 07 phải được đăng ký trước và được xét duyệt. Tuy nhiên, trong thực tế, có trường hợp nơi cần thì không có, nơi có thì không cần.

Có thể nói, lĩnh vực xuất bản phẩm do Nhà nước đặt hàng đã có bước phát triển tích cực trong những năm qua từ số lượng đến chất lượng. Tuy nhiên, để lĩnh vực này vận hành nhịp nhàng hơn, đòi hỏi sự điều chỉnh, bổ sung những quy định, chính sách phù hợp thực tế hiện nay. Có thế, sách Nhà nước đặt hàng mới phát huy tác dụng hiệu quả trong công tác tuyên truyền theo định hướng của Đảng, Nhà nước đến với đông đảo bạn đọc.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao hiệu quả xuất bản phẩm do Nhà nước đặt hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO