Thúc đẩy kinh tế số ASEAN phát triển toàn diện

Hải Dương| 06/09/2020 10:59
Theo dõi ICTVietnam trên

ASEAN, với tư cách là khu vực kinh tế có quy mô lớn thứ 5 trên thế giới, đã đóng góp 10% vào mức tăng trưởng chung toàn cầu trong năm 2018, với tổng GDP lên tới 3.000 tỷ USD. Ưu tiên hàng đầu của ASEAN trong bối cảnh hiện tại là tích hợp các nền tảng kỹ thuật số để thúc đẩy và đảm bảo tăng trưởng GDP, việc làm và đầu tư trong dài hạn.

Với đặc điểm dân số trẻ, tầng lớp trung lưu phát triển mạnh, cùng với sự nhanh nhạy trong việc áp dụng kỹ thuật số, ASEAN đã sẵn sàng cho mục tiêu số hóa nền kinh tế. ASEAN sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2030. Theo Viện nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA), nền kinh tế số của ASEAN - một thuật ngữ dùng chung cho tất cả các giao dịch kinh tế diễn ra trực tuyến - sẽ tiến triển và dự kiến sẽ tăng gấp 6,4 lần từ 31 tỷ USD năm 2015 lên 197 tỷ USD vào năm 2025.

Hiện nay, việc mở rộng nền kinh tế số ở khu vực ASEAN đang diễn ra ở một tốc độ chưa từng có, nhưng toàn bộ tiềm năng của nền kinh tế số ASEAN vẫn chưa được triển khai đầy đủ, Giám đốc Phát triển Kỹ thuật số của Ngân hàng Thế giới, Boutheina Guermazi cho biết. Ví dụ như, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) sở hữu ít nhất là 95% trong tổng số các cơ sở kinh doanh và hơn một nửa tổng số việc làm trong khu vực ASEAN, nhưng ERIA ước tính MSME chỉ đóng góp 30% đến 53% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của ASEAN và 10% đến 30% lượng nhập khẩu. Nhận định này cũng được minh chứng qua kết quả nghiên cứu của Bain & Co. 

Cụ thể, theo các chuyên gia nghiên cứu của Bain & Co, chỉ 16% các MSME của ASEAN sử dụng công nghệ kỹ thuật số để phát huy hết khả năng của họ, nhưng chắc chắn rằng việc thu hẹp khoảng cách này sẽ giúp cải thiện nền kinh tế số của khu vực. Bên cạnh đó, mặc dù dân số ASEAN đã chấp nhận các dịch vụ kỹ thuật số, việc áp dụng bởi các doanh nghiệp và chính phủ thường chậm hơn với các nút thắt quy định và thiếu niềm tin vào các giao dịch điện tử đã kìm hãm sự phát triển của các hệ thống kỹ thuật số, Guermazi nói.

Thúc đẩy kinh tế số Asean phát triển toàn diện - Ảnh 1.

Tháo gỡ những nút thắt như thế nào để thúc đẩy nền kinh tế số khu vực ASEAN đạt mục tiêu kỳ vọng, phát triển toàn diện?

Kết nối, kỹ năng và thanh toán kỹ thuật số

Báo cáo "Nền kinh tế số ở Đông Nam Á - Tăng cường nền tảng cho sự tăng trưởng trong tương lai" của Ngân hàng Thế giới đưa ra vào tháng 6 năm 2019, đã xác định 6 lĩnh vực cải thiện chính cho nền kinh tế số ASEAN - với việc mở rộng kết nối là mục đầu tiên trong chương trình nghị sự. Hiện nay, một nửa dân số khu vực sử dụng Internet - ngang bằng với mức trung bình toàn cầu – và khả năng tỉ lệ này sẽ còn tiếp tục tăng lên khi các chính sách về giảm giá cước Internet được thực thi. Tuy nhiên, ASEAN cần chú ý tăng tốc độ và đưa Internet băng thông rộng đáng tin cậy đến các khu vực xa xôi, hẻo lánh. Ngoại trừ Singapore, Malaysia và Thái Lan, tốc độ băng thông rộng cố định - đặc biệt quan trọng đối với các ứng dụng kinh doanh sử dụng nhiều dữ liệu - 7 quốc gia ASEAN khác đều nằm dưới mức trung bình toàn cầu.

Tăng cường các kỹ năng kỹ thuật số cho 650 triệu người dân trong khu vực ASEAN sẽ đảm bảo rằng các cơ hội và lợi ích sẽ đến với mọi người. Mặc dù khu vực này đã có tỷ lệ xóa mù chữ và phổ cập giáo dục cũng như kỹ năng máy tính tốt, nhưng các hệ thống giáo dục cần linh hoạt hơn trong việc phát triển các kỹ năng cần thiết để vận hành trong nền kinh tế số, từ kiến thức máy tính cơ bản đến các kỹ năng nâng cao như lập trình và phân tích dữ liệu. Hơn nữa, các kỹ năng mềm cũng như cộng tác và giao tiếp cũng rất cần thiết.

Ngoài ra, để nền kinh tế số ASEAN phát triển thì cần có nền tảng cho nền kinh tế số, và việc mở rộng sử dụng thanh toán kỹ thuật số là một ưu tiên cần thực hiện. Số liệu trong Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho thấy chỉ 19% chủ tài khoản tài chính trong khu vực truy cập tài khoản của họ qua Internet, thấp hơn mức trung bình của các quốc gia có thu nhập trung bình trên thế giới (27%) và châu Phi cận Sahara (24%). Ngoài việc phát triển cơ sở hành lang quy định, pháp lý phù hợp, chính phủ cũng có thể tăng cường sử dụng thanh toán kỹ thuật số bằng cách thực hiện loại hình thanh toán này trong các tương tác với người dân - chẳng hạn như trả tiền cho các dịch vụ của chính phủ hoặc nhận lương hưu.

Hậu cần, chính sách và môi trường kinh doanh thân thiện

Hậu cần (Logistics) vẫn là một rào cản trong ngành thương mại điện tử và việc đưa sản phẩm đến đích một cách hiệu quả và đáng tin cậy là một trong những thách thức lớn nhất của Ngành. Các lô hàng thương mại điện tử phải đối mặt với các thủ tục hải quan khó lường ở nhiều quốc gia và Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cũng chỉ ra rằng hải quan là lĩnh vực hoạt động yếu nhất trong lĩnh vực hậu cần khu vực.

Các chính sách thúc đẩy niềm tin trong các lĩnh vực như bảo mật dữ liệu, an ninh mạng và bảo vệ người tiêu dùng cũng sẽ giúp góp phần vào sự tăng trưởng của nền kinh tế số. Tuy nhiên, hiện trạng thì chưa đến một nửa số quốc gia thành viên ASEAN có luật bảo vệ dữ liệu toàn diện và năng lực của các cơ quan chức năng đối với việc bảo vệ dữ liệu là hạn chế. Các chính sách cũng không được phối hợp trong khu vực, khiến các cá nhân và doanh nghiệp khó có thể biết những quy định nào được áp dụng khi dữ liệu của họ trao đổi xuyên biên giới.

Cuối cùng, chính phủ cần cung cấp các nền tảng dịch vụ kỹ thuật số hỗ trợ doanh nghiệp và giảm thời gian và chi phí giao dịch như cấp phép trực tuyến và phê duyệt giấy phép. Mặc dù các khuôn khổ như Kế hoạch Tổng thể xây dựng cộng đồng kinh tếASEAN 2025 (AEC), Kế hoạch Tổng thể về kết nối ASEAN đến năm 2025 và Hiệp định khung ASEAN điện tử (e-ASEAN) giúp giải quyết các vấn đề đã nêu ở trên, việc nghiên cứu thêm, hoạch định chính sách sắc sảo và sự phối hợp trong khu vực sẽ đảm bảo Đông Nam Á có vị thế tốt hơn để mở khóa toàn bộ tiềm năng của nền kinh tế số của khu vực.

Hợp tác với khu vực tư nhân để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ

Hiện nay vẫn còn những hạn chế trong cách tiếp cận sự chuyển đổi sang nền kinh tế số, một số rào cản mới đã xuất hiện.

Các quy định mới về thương mại điện tử tại Indonesia liên quan đến thuế, cấp phép và đăng ký có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa với mục tiêu số hóa các hoạt động của họ. Các chính sách như thế có thể ảnh hưởng đến triển vọng của một nền kinh tế số đang phát triển ở mức 40% như Indonesia.

Khả năng thúc đẩy tích hợp kỹ thuật số của ASEAN dựa trên hai yếu tố: các chính sách khuyến khích tăng trưởng và quan hệ hợp tác với khu vực tư nhân để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ.

Khi mà ASEAN vẫn đang xem xét cách tiếp cận của mình với kinh tế số, Singapore và Úc đang trong tiến trình đàm phán một thỏa thuận về lĩnh vực này. Điều này có thể là bước ngoặt trong việc đặt ra một tiêu chuẩn chung cho khu vực. Thỏa thuận này dự kiến sẽ bao gồm các quy định về luồng dữ liệu xuyên biên giới, hợp tác trong dịch vụ thanh toán điện tử, fintech, trí tuệ nhân tạo và các dịch vụ khác.

Tuy nhiên, các chính sách có thể mất nhiều thời gian để soạn thảo và đi vào thực tiễn. Điều này có thể ảnh hưởng ít nhiều đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh công nghệ phát triển ngày một nhanh như hiện nay.

ASEAN nên hỗ trợ và thúc đẩy sự hợp tác với khu vực tư nhân và lắng nghe quan điểm của khu vực này trong việc lập chính sách. Điều này giúp gây dựng được lòng tin vững chắc hơn và có thể là cách tiếp cận tốt hơn với kinh tế số.

Nền kinh tế số của Việt Nam

Việt Nam, với cương vị chủ tịch ASEAN trong năm nay, được đánh giá là một trong những nền kinh tế số năng động nhất và đặt số hóa là mục tiêu hàng đầu trong năm nay, theo lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Mục tiêu đó sẽ được thực hiện theo lộ trình của Kế hoạch hành động khung tích hợp kỹ thuật số ASEAN (DIFAP) giai đoạn 2019 – 2025.

Thúc đẩy kinh tế số Asean phát triển toàn diện - Ảnh 2.

Ngay từ cuối năm 2017, phát biểu khai mạc Hội thảo - Triển lãm quốc tế "Phát triển công nghiệp thông minh - Smart Industry World 2017", Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đặt ra ba câu hỏi lớn về nền kinh tế số: 1) Việt Nam đang ở đâu? 2) Các nước đang làm gì? và 3) Việt Nam cần làm gì để phát triển thành công nền kinh tế số, công nghiệp thông minh? Câu trả lời cho những vấn đề trên rõ ràng đã định hình một chiến lược phát triển mà Chính phủ đã hoạch định là dựa trên phát triển nền kinh tế số. Ngày 14/1/2020, Thủ tướng đã ký Chỉ thị số 01/CT-TTg về thúc đẩy phát triển doanh nghiệpcông nghệ số Việt Nam với mục tiêu và 12 giải pháp được đánh giá là đột phá. Chỉ thị cho thấy sự quan tâm và hành động kịp thời của Chính phủ trong việc góp phần triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia CMCN 4.0. Ngày 28/12/2019, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định kinh tế số là động lực quan trọng để đưa Việt Nam tiến nhanh, đi tắt trong quá trình phát triển.

Hiện nay, Dự thảo Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN4.0) đến năm 2030 đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra lấy ý kiến góp ý. Chiến lược này nhằm thực hiện các mục tiêu Nghị quyết số 52-NQ/TW. Theo Dự thảo, CMCN4.0 đang làm thay đổi các hoạt động kinh tế - xã hội, mở ra cơ hội, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các nền kinh tế. Nhiều nước trên thế giới đã và đang xây dựng, thực hiện các chiến lược, chính sách để chủ động khai thác lợi ích và vượt qua thách thức từ CMCN 4.0, phát triển mạnh mẽ kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Chủ động nắm bắt cơ hội từ CMCN4.0 để thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hoá đất nước, Dự thảo Chiến lược đặt ra các mục tiêu cụ thể giai đoạn tới đối với kinh tế số. Đó là đến năm 2025, kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP và sẽ tăng lên mức 30% vào năm 2030. Bên cạnh đó, đến năm 2030, chính phủ số thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN; mạng 5G phủ sóng toàn quốc; trụ cột thể chế trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 của Diễn đàn Kinh tế thế giới thuộc nhóm 40 nước đứng đầu…

Để thực hiện mục tiêu trên, Dự thảo Chiến lược đề xuất 6 nhóm giải pháp chủ yếu thực hiện mục tiêu, bao gồm: nâng cao chất lượng thể chế và năng lực xây dựng chính sách; phát triển hạ tầng kết nối, xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu; phát triển nguồn nhân lực; xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số; phát triển và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia; đầu tư, phát triển một số công nghệ cơ bản của CMCN4.0.

Mới đây, Báo cáo thường niên về đánh giá kinh tế Việt Nam năm 2019 có tên là "Cải thiện năng suất lao động trong bối cảnh kinh tế số" của trường Đại học Kinh tế quốc dân (NEU) đã nêu quan điểm coi kinh tế số là yếu tố then chốt thúc đẩy năng suất lao động tại Việt Nam. Báo cáo chỉ ra, khi chuyển sang quản trị về kinh tế số đòi hỏi phải thay đổi một cách căn bản tư duy về quản trị, phải công khai, minh bạch theo một hệ thống. Những doanh nghiệp muốn đầu tư phát triển một cách hệ thống, bài bản và muốn đi lên không phải dựa vào những kẽ hở của luật pháp và chính sách cần mạnh dạn ứng dụng kinh tế số.

Ngoài ra, năng suất thấp là yếu tố cản trở tăng trưởng kinh tế cả về tốc độ và tính bền vững. Thúc đẩy tăng trưởng năng suất hiện đang là mục tiêu quan trọng được Việt Nam chú trọng. Đồng thời, trong bối cảnh những động lực tăng trưởng hiện có đang trở nên dần cạn kiệt và thiếu hiệu quả, sự phát triển nhanh chóng của kinh tế số mang lại cho Việt Nam cơ hội để cải thiện mạnh mẽ mức năng suất lao động tổng thể nền kinh tế.

Một số ngành có thể sớm tận dụng lợi thế của công nghệ số để tạo nên thay đổi lớn về sản lượng, năng suất như: Công nghiệp chế biến chế tạo, vận tải - logistics, tài chính - ngân hàng, y tế, giáo dục, nông nghiệp công nghệ cao… Công nghệ số sẽ làm thay đổi mô hình kinh doanh, cơ cấu ngành và thậm chí kinh tế ngành theo những cách chưa từng có.

Trong bối cảnh hiện nay, nhất là với diễn biến khó lượng định của dịch bệnh COVID-19, sự phát triển nhanh chóng của kinh tế số sẽ mang lại cho Việt Nam cơ hội thay đổi phương thức phát triển của kinh tế Việt Nam theo hướng áp dụng ngày càng nhiều hơn kinh tế số, cải thiện mạnh mẽ năng suất lao động tổng thể nền kinh tế, từ đó đạt được phát triển bền vững và đồng thời chống đỡ được các cú sốc từ bên ngoài.

Chúng ta tin tưởng vào tương lai kinh tế số Việt Nam sẽ phát triển nhanh, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong thời đại số ngày nay nói riêng và nền kinh tế số của khu vực ASEAN nói chung.

Tài liệu tham khảo

1. http://baochinhphu.vn

2. http://vpcp.chinhphu.vn

3. http://mic.gov.vn

4. https://baodauthau.vn

5. https://www.moit.gov.vn

6. https://theaseanpost.com

7. http://tapchicongthuong.vn

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT Số 9+10 tháng 8/2020)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy kinh tế số ASEAN phát triển toàn diện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO