Tại Hội nghị biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến năm 2018 của Bộ TTTT mới đây, 10 cá nhân điển hình tiên tiến đã được vinh danh.
Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị
Về 10 điển hình tiên tiến của Ngành TTTT, Bộ trưởng cho biết:
Trần Đăng Khoa, Cục ATTT là minh chứng thành công về một tập thể nhỏ dám mơ một giấc mơ lớn, nhóm nhỏ làm việc lớn. Không có gì trong tay nhưng có một giấc mơ Việt Nam thành cường quốc an ninh mạng, sánh vai với Mỹ, Israel, Nga. “Giấc mơ lớn, sứ mạng lớn thì tập hợp được nhiều người tài và sẽ thấy những chướng ngại trên đường như nhỏ đi”.
Trần Quốc Tuấn của Cục Tin học hoá đã phá vỡ suy nghĩ và cách làm của chúng ta: Việc một năm thì làm hai năm. Tuấn chỉ làm trong 2 tháng. Và làm được. Chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu.
Nhà báo Thu Hằng của Báo Vietnamnet bao giờ cũng chọn việc khó hơn, gai góc hơn để làm. “Lẽ thường của cuộc sống là nếu có 2 việc để chọn thì chúng ta sẽ chọn việc dễ hơn. Nhưng nhận làm việc khó hơn thì ta sẽ trưởng thành hơn và kết quả cũng sẽ giá trị hơn. Cứ mãi làm việc dễ thì ta cũng sẽ theo vậy mà kém đi”.
Lê Quang Tự Do của Cục PTTH&TTĐT có lẽ là người đầu tiên tuyên bố Việt Nam là nước có chủ quyền trên không gian mạng, không phải lời nói mà là trên thực tế: Ai đến đây kinh doanh cũng được, nhưng phải tuân thủ luật pháp Việt Nam. Doanh nghiệp (DN) nước ngoài đến Việt Nam làm ăn thịnh vượng thì cũng phải làm cho Việt Nam thịnh vượng chứ không phải làm suy yếu Việt Nam. Facebook có thể là một ngã khổng lồ với hàng tỷ người dùng và doanh thu hàng chục tỷ đôla, nhưng với Lê Quang Tự Do, khi đến Việt Nam làm ăn thì cũng phải như hàng trăm ngàn DN khác.
Phạm Thị Thuân đến từ một Điểm Bưu điện - Văn hoá xã (BĐ-VHX) của tỉnh Quảng Ninh, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (BĐVN), đã cho chúng ta thấy điều mà không ai có thể nghĩ đến: Bưu chính cũng có thể phát triển thần kỳ như viễn thông, doanh thu 2 năm tăng 3 lần. Và rồi sẽ đến ngày doanh thu bưu chính vượt doanh thu viễn thông.
“Không ai có thể nghĩ rằng câu chuyện thương mại điện tử của thời chuyển đổi số lại là câu chuyện của bưu chính hơn là câu chuyện của viễn thông. Và chắc cũng không ai nghĩ được rằng điểm BĐ-VHX bây giờ là nơi cung cấp hầu hết các dịch vụ cho bà con, kể cả dịch vụ bảo hiểm”.
Bưu chính đã từng là DN không ai muốn nhận về, ai cũng muốn bỏ đi. “Đi lên từ điểm rơi tận cùng. Vật cùng tắc biến. Cái tốt không tốt mãi. Cái khó không khó mãi. Đó là niềm tin của người bưu chính. Niềm tin này gây cảm hứng cho chúng ta mỗi khi gặp khó khăn”.
Nguyễn Văn Thành, Tổng công ty BĐVN, một kỹ sư từ một tỉnh xa các trung tâm công nghệ lớn, nhưng lại cho ra một sản phẩm công nghệ như của một Công ty chuyên nghiệp tại Hà Nội. “Không chỉ có thế, mà phần mềm này có những tính năng đáp ứng tốt nhất, mà không một côngty phần mềm chuyên nghiệp nào có thể mang lại cho giao dịch viên của bưu điện tỉnh”.
“Câu chuyện ở đây là, chỉ có chúng ta mới sinh ra sản phẩm tốt nhất để phục vụ chúng ta. Năng suất lao động nhờ phần mềm của Thành mà tăng gấp đôi. Thời đại công nghệ số là vậy, người sử dụng cũng chính là người sáng tạo sản phẩm. Không cần phải đến Steve Job mới hiểu điều này mà một kỹ sư của một bưu điện tỉnh, của Việt Nam, đã hiểu điều này và hiện thực hoá nó”.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và các Thứ trưởng chụp ảnh lưu niệm với 10 điển hình tiên tiến ngành TTTT
Về điển hình tiên tiến từ trường Cao đẳng CNTT Việt - Hàn, Bộ trưởng nhấn mạnh: Trường Cao đẳng CNTT Việt - Hàn nhiều năm không tuyển được sinh viên (SV), có năm chỉ tuyển nổi 10% chỉ tiêu. Có người đã nghĩ, trường mình kém, chắc chỉ đến vậy thôi. Nhưng thầy giáo Nguyễn Quang Vũ lại nghĩ khác. Trường mình không kém, mà là do cách tiếp cận học sinh, cách tuyển sinh chưa phù hợp với thời mạng Internet. Vì nghĩ khác nên làm khác và cho kết quả khác. Năm học 2018, số SV của trường đã tăng 4 lần so với năm trước. Trường Việt - Hàn Đà Nẵng đã được không chỉ miền Trung mà cả nước đã biết đến và gửi SV đến học.
Câu chuyện ở đây là, “Thầy giáo Vũ đã không như nhiều người khác với câu cửa miệng là cái này khó lắm, cái này vướng cơ chế, mình yếu lắm, không làm được đâu. Từ câu chuyện của thầy giáo Vũ, chúng ta hãy thay đổi nhận thức của đa phần người đi làm nhà nước, hãy đưa vào não mình một niềm tin mới, cái gì cũng có thể làm được”.
Tiếp theo, Bộ trưởng nói về một điển hình tiên tiến từ Cục Báo chí là chị Mai Hương Giang.
Theo Bộ trưởng, có lẽ ngày 3/4/2019 là một ngày vui khôn tả đối với anh Bảo - Thứ trưởng và Cục Báo chí. Một gánh nặng 4 năm, qua 2 Đại hội Đảng toàn quốc, qua 2 nhiệm kỳ Chính phủ, đã được tháo gỡ. Thủ tướng Chính phủ đã ký Quy hoạch Báo chí. Không chỉ ngành báo chí Việt Nam trông chờ Quy hoạch, mà là toàn dân Việt Nam trông chờ, vì báo chí ảnh hưởng đến toàn xã hội Việt Nam.
Có một người thầm lặng đứng sau Quy hoạch đó, làm việc lặng lẽ, cần mẫn, không đao to búa lớn, ít ai biết đến chị. Điểm mấu chốt để có thể ký được Quy hoạch là phải gặp gỡ, làm việc với từng cơ quan báo chí, từng cơ quan chủ quản báo chí, mà số lượng ở đây là hàng trăm. Lắng nghe, thấu hiểu nỗi lo lắng của báo chí, của phóng viên, báo còn, báo mất, người còn chỗ làm người chưa biết đi đâu, kiếm sống ra sao, yêu nghề nhưng rồi có được làm nghề không. Ai sẽ nghe những tất cả những băn khoăn đó và tìm một giải pháp phù hợp.
“Nếu không phải là Mai Hương Giang với khả năng lắng nghe và thấu hiểu đến không ngờ thì chắc Quy hoạch chưa được ra đời. Một việc lớn, quan trọng đến vận mệnh của một ngành, nhạy cảm đối với cả một quốc gia, nhưng lại có thể được giải quyết một cách rất bình dị, xuất phát từ tấm lòng muốn làm tốt báo chí phát triển, bằng cách lắng nghe và thấu hiểu. Người làm nhà nước mà có được tấm lòng như Hương Giang thì thật may mắn cho nước nhà!”.
Nói về cá nhân xuất sắc từ Cục Tần số Vô tuyến điện (VTĐ), kỹ sư Lê Hồng Lĩnh, Bộ trưởng cho biết: “Thiết bị của Cục Tầnsố VTĐ đa phần là rất đặc chủng, chắc ở Việt Nam chỉ có một người mua. Sẽ không thể có hỗ trợ kỹ thuật tại chỗ. Sửa chữa với số lượng ít, lại phải gửi về nơi sản xuất, do vậy chi phí sẽ rất cao. Nhưng tiền nhà nước thì có sao đâu! Nhưng Lê Hồng Lĩnh lại không nghĩ như vậy”.
Gửi đi sửa chữa thì lâu, không có thiết bị để dùng, lại giá cao, tại sao không tự tìm hiểu để sửa chữa. Ít ai biết rằng, sửa chữa thiết bị kỹ thuật cao nhiều khi lại còn khó hơn là thiết kế và chế tạo ra nó. Và cũng từ sửa chữa mà tiến tới chế tạo, sản xuất.
“Cái duy nhất cần có để làm được những việc như thế này, đó là niềm đam mê. Đam mê giúp ta làm được những việc khó không tưởng, đam mê giúp ta hy sinh mà không đòi hỏi. Thời nay, lương vài triệu một tháng mà mày mò quên ăn để tiết kiệm cho đất nước hàng chục tỷ thì đáng để chúng ta tôn vinh và ngẫm lại mình”.
Điển hình xuất sắc thứ 10 được Bộ trưởng nhắc tới là Nguyễn Nam Cao, Công ty VTC Digital, Tổng công ty VTC.
VTC đang trải qua những năm tháng khó khăn, rất khó khăn. Nhiều dịch vụ là nguồn thu chính thì nay lại suy giảm nhanh chóng. Truyền hình số trả tiền với đa số các Công ty khác là thua lỗ. VTC gần như là Công ty duy nhất có lãi. Lời giải ở đây là công nghệ và giải pháp khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh. Muốn khác biệt thì không thể đi mua. VTC đã tự phát triển sản phẩm Made in VietNam, công nghệ khoá mã nội dung, giảm giá thành; tự phát triển ứng dụng CNTT để quản lý hệ thống phân phối và quản lý khách hàng tốt hơn đối thủ cạnh tranh. “Người kỹ sư đứng sau những sáng tạo này là Nguyễn Nam Cao, Công ty VTC Digital”.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “10 nhân vật xuất sắc của năm là 10 tấm gương cho chúng ta, là 10 suy nghĩ, cách làm khác biệt và đột phá, gây cảm hứng cho chúng ta, tạo cho chúng ta niềm tin là mỗi chúng ta đều có thể làm được. Chúng ta cảm ơn họ, cảm ơn gia đình họ, những người đã đứng phía sau trợ giúp cho họ, cảm ơn đơn vị của họ - là nơi đã tạo ra môi trường để họ làm việc và cống hiến”.